"Chuyển mình" đón người trẻ
Trước đây, hình ảnh bảo tàng thường mờ nhạt trong lòng giới trẻ. Bởi lẽ, vé tham quan dù rẻ nhưng lượng khách tại đây vẫn thưa thớt. Trong thời đại số, khi thông tin được truyền tải bằng nhiều hình thức hấp dẫn, các bảo tàng vẫn “dặm chân tại chỗ” với lối trưng bày đơn điệu. Các hiện vật được đặt sau lồng kính, kèm theo những dòng chú thích lê thê, tạo cảm giác quá tải và nhàm chán cho người xem. Điều này khiến bảo tàng trở nên kém hấp dẫn trong lòng người dân.
Tuy nhiên, với quyết tâm bảo tồn và phát triển giá trị lịch sử, nhiều bảo tàng tại TP.HCM đã bắt đầu cải tiến để chinh phục công chúng, đặc biệt là giới trẻ. Tiêu biểu là màn “lột xác” của Bảo tàng Lịch sử TP.HCM. Hiểu rõ giới trẻ có sức ảnh hưởng lớn trong việc tạo xu hướng, bảo tàng đã thay đổi thiết kế hình ảnh thương hiệu và các ấn phẩm truyền thông theo hướng kết hợp giữa cổ điển và năng động. Qua đó, bảo tàng thu hút được sự chú ý trên các nền tảng mạng xã hội và khuyến khích nhiều bạn trẻ đến tham quan.
Song song đó, hệ thống QR code được bổ sung ở tất cả các hiện vật để khách dễ dàng tra cứu, lưu trữ thông tin. Đặc biệt, các tư liệu lịch sử được trình bày qua trò chơi và hình ảnh sống động trên bảng điện tử, mang đến trải nghiệm mới mẻ, kích thích tính tò mò, chủ động khám phá lịch sử của du khách. Nhờ những nỗ lực đổi mới, bảo tàng này đã để lại dấu ấn mạnh mẽ trong lòng giới trẻ. Chị Thanh Trúc (21 tuổi, Quận 11) chia sẻ: “Các bài viết hài hước, gần gũi kèm hình ảnh sinh động trên fanpage bảo tàng Lịch sử TP.HCM khiến mình rất háo hức đến trải nghiệm thực tế”.
Nhược điểm thể hiện thông tin đơn điệu cũng được các bảo tàng từng bước khắc phục. Trong đó, dự án “Chiếc hộp kể chuyện” là bước tiến trong việc số hóa tư liệu lịch sử tại các bảo tàng trên thành phố. Khi đến tham quan Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ hoặc Bảo tàng TP.HCM, du khách sẽ được đắm chìm vào không gian lịch sử với âm thanh và hình ảnh sống động. Sự đổi mới này giúp mở rộng đối tượng du khách, tạo điều kiện thuận lợi cho những người gặp khó khăn khi tham quan bảo tàng theo cách truyền thống.
Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh TP.HCM cũng có những đổi mới trong việc tổ chức không gian trải nghiệm sáng tạo. Với chuyên đề “Chế độ lao tù trong chiến tranh xâm lược Việt Nam (1954-1975)”, lần đầu tiên hình ảnh và hiện vật về 5 nhà tù lớn ở miền Nam Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh được trưng bày trong container. Du khách dễ dàng theo dõi thông tin qua các bảng điện tử kết hợp với âm thanh, ánh sáng được bố trí tỉ mỉ, giúp mang lại trải nghiệm toàn diện.
Đặc biệt, không gian tối ở cuối container đã tái hiện thành công cảnh tượng kinh hãi bên trong các “chuồng cọp”. Khi bước qua khe hẹp, du khách sẽ chìm trong không gian ám ảnh với tiếng rên la của tù nhân, tiếng đàn áp và tra tấn từ cai ngục, tất cả được thể hiện qua màn hình phim 3D, tạo nên cảm giác căng thẳng và chân thực.
Chính những thay đổi này đã mang lại hành trình tham quan trọn vẹn hơn cho du khách. Do đó, ngày càng có nhiều bạn trẻ ghi lại trải nghiệm của mình tại bảo tàng và đăng tải lên mạng xã hội, thu hút thêm sự quan tâm từ cộng đồng.
Chị Mỹ Anh (20 tuổi, Quận 11) nhận xét: “Khi xem các bài review về bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, tôi vô cùng ấn tượng với hình thức trưng bày trong container độc đáo. Và ngay cả sau khi tham quan, tôi cảm thấy việc số hóa thông tin kết hợp âm thanh và ánh sáng xuyên suốt hành trình thật sự giúp tôi cảm nhận rõ nét hơn sự khắc nghiệt của chiến tranh. Với trải nghiệm khó quên này, tôi nhất định sẽ giới thiệu đến bạn bè và tham quan lại cùng gia đình để việc tìm hiểu lịch sử không chỉ dừng lại ở sách vở khô khan”.
Những đổi mới này đã góp phần làm cho bảo tàng trở nên gần gũi hơn với công chúng, qua đó thu hút nhiều du khách hơn và thúc đẩy sự phát triển văn hóa, du lịch tại TP.HCM. Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, gần 1,4 triệu lượt khách quốc tế đã đặt chân đến thành phố, tăng 32,4% so với cùng kỳ năm 2023. Khách du lịch nội địa cũng không kém sôi động khi có hơn 8 triệu lượt khách đến tham quan, vui chơi và trải nghiệm, tăng 6,6%.
Số hóa còn nhiều khó khăn
Những nỗ lực tự đổi mới, số hóa về nội dung, hoạt động quảng bá cũng như tu bổ của nhiều bảo tàng tại TP.HCM hiện nay, nhằm mục đích lớn nhất để “sống tốt” và không bị “lãng quên”. Cái mác “cũ kĩ” và “nhàm chán” cần được tích cực xóa bỏ, tiến đến thay đổi nhận thức của xã hội về bảo tàng, như một thiết chế văn hóa quan trọng và đặc biệt thú vị để trải nghiệm. Sự mạnh dạn, không ngại chuyển mình để tiếp cận công chúng của các bảo tàng, là tín hiệu đáng mừng cho những bước tiến dài về sau trong hành trình quảng bá di sản đất nước. Tuy nhiên, công cuộc số hóa và duy trì sự mới mẻ cũng đặt ra thách thức không chỉ cho đội ngũ cán bộ bảo tàng, mà còn ở công tác chỉ đạo, quản lý của các bộ, ban, ngành văn hóa, du lịch.
Hậu COVID-19 đem đến những biến chuyển to lớn về kinh tế, du lịch trong và ngoài nước, các chuyên gia nhận định, vấn đề sống còn hiện nay để thu hút công chúng, là phải đổi mới bằng được “hồn cốt” của bảo tàng, tức đổi mới hoạt động trưng bày hiện vật. Mỗi hiện vật cần được kể câu chuyện của chúng thông qua nhiều thủ pháp khác nhau, tạo sự thích thú cho khách tham quan, thay vì trưng bày một cách thụ động, biến hiện vật trở thành một đồ vật vô tri vô giác.
Để làm được điều này, bản thân lãnh đạo bảo tàng cần loại bỏ tâm lý chủ quan, ngại thay đổi, đặt trải nghiệm của khách tham quan là mục tiêu quan trọng nhất, từ đó không ngừng học tập, nghiên cứu để ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động trưng bày, tiệm cận với nhu cầu ngày càng đa dạng của công chúng. Mặt khác, để số hóa một cách hiệu quả, các bảo tàng cần đưa ra những cách làm và nội dung phù hợp với tính chất của hiện vật, đảm bảo phát huy giá trị vốn có mà không làm mai một hay thay đổi trạng thái của hiện vật.
Dù ngày càng nhiều bảo tàng triển khai ứng dụng công nghệ số và thu về kết quả tích cực, tuy nhiên, không phải bảo tàng nào cũng có đủ kinh phí và nhân lực để ứng dụng công nghệ vào hoạt động quảng bá hay tu sửa hiện vật.
Việc chuyển đổi số gặp không ít trở ngại như thiếu kinh phí lắp đặt, vận hành thiết bị công nghệ, đội ngũ cán bộ chưa được đào tạo bài bản về công nghệ dẫn đến lúng túng khi thực nghiệm, khiến một số bảo tàng bị bỏ lại phía sau trong cuộc đua số hóa.
Tuy nhiên, quan trọng nhất theo ông Nguyễn Văn Hà, Phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, là hiện vẫn chưa có cơ chế, chính sách, quy định cụ thể về tiêu chuẩn, kỹ thuật để các bảo tàng có thể chủ động thực hiện chương trình chuyển đổi số. Vì vậy, cần sớm có cơ chế, chính sách chuyển đổi số phù hợp với từng địa phương, tạo điều kiện để các bảo tàng đổi mới trang thiết bị cũ kĩ, lạc hậu, từ đó phát huy thế mạnh của mỗi đơn vị, “vượt khó” thành công, trở thành điểm đến văn hóa không thể thiếu của công chúng.