“Ký ức nhiếp ảnh”: Hòa cùng dòng chảy Nhiếp ảnh Việt Nam phát triển cùng đất nước

Phạm Công Thắng|11:15 04/11/2024

(NADS) - Sau bốn năm thành lập, nhờ sự nỗ lực không mệt mỏi của nhà sáng lập là Nhà báo, NSNA Phạm Công Thắng, sự quan tâm ủng hộ thường xuyên của lãnh đạo Hội nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam cùng đông đảo nghệ sĩ nhiếp ảnh, nhà báo trong cả nước, đến nay “Ký ức nhiếp ảnh” đã quy tụ được hàng ngàn hiện vật của trên 400 nghệ sĩ nhiếp ảnh, nhà báo, nhiếp ảnh gia và những người yêu thích nhiếp ảnh.

z5995010449274_c381a7822d56235c78aebccefd7513da.jpg
Nhà báo, NSNA Phạm Công Thắng (Giám đốc không gian Ký ức nhiếp ảnh) kiểm tra hiện vật tại “Ký ức nhiếp ảnh”

Sau bốn năm thành lập, ngoài sự nỗ lực không mệt mỏi của nhà sáng lập, bên cạnh đó, được sự quan tâm ủng hộ thường xuyên của lãnh đạo Hội nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam cùng đông đảo nghệ sĩ nhiếp ảnh, nhà báo trong cả nước, đến nay “Ký ức nhiếp ảnh” đã quy tụ được hàng ngàn hiện vật của trên 400 nghệ sĩ nhiếp ảnh, nhà báo, nhiếp ảnh gia và những người yêu thích nhiếp ảnh (phần đông là hội viên Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam).

“Ký ức nhiếp ảnh” đã trở thành một địa chỉ văn hóa quen thuộc của giới nhiếp ảnh, trí thức, học sinh, sinh viên Thủ đô đến nghiên cứu, giao lưu học hỏi trao đổi về lĩnh vực nhiếp ảnh. Ngày 20/8/2024, sau gần 1000 ngày đăng ký bản quyền, Không gian “Ký ức nhiếp ảnh” chính thức được Cục sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.

z5995010486509_130961fd0d29c06fe1880b5f8d94986b.jpg
Lãnh đạo Hội NSNA Việt Nam: NSNA Trần Thị Thu Đông, Chủ tịch Hội; Nhà báo - NSNA Hồ Sỹ Minh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội, TBT Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống và nhà báo - NSNA Tiến Dũng, nguyên Trưởng Ban ảnh TTXVN, nguyên TBT Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống đến thăm “Ký ức nhiếp ảnh” nhân ngày thành lập Hội NSNAVN (8/12/2021)

Đến giờ phút này tôi có thể khẳng định “Ký ức nhiếp ảnh” là một phần của nhiếp ảnh Việt Nam, cũng như không thể tách rời quá trình hình thành và phát triển của nhiếp ảnh Việt Nam.

Vậy tại sao tôi lại khẳng định một cách chắc chắn như vậy? Bởi vì, trước hết là hội viên Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, tôi có nghĩa vụ, trách nhiệm chung tay gánh vác xây dựng ngôi nhà chung của mình như bao nghệ sĩ nhiếp ảnh khác. Tôi tự hào về điều tôi đang làm đã đóng góp một phần không nhỏ cho nhiếp ảnh Việt Nam. Điều này đã được Chủ tịch Hội NSNAVN Trần Thị Thu Đông, nhân ngày thành lập Hội NSNAVN (8/12/2021) đến thăm “Ký ức nhiếp ảnh”, trao tặng bằng khen, logo ghi nhận vào sổ cảm tưởng: “Trân trọng tình yêu và sự đóng góp của NSNA Phạm Công Thắng với nhiếp ảnh Việt Nam”. Thứ nữa, linh hồn cốt lõi của “Ký ức nhiếp ảnh” hầu hết thuộc về các thế hệ NSNA Việt Nam, trong đó, có rất nhiều NSNA tiền bối, góp viên gạch đầu tiên xây dựng nên Hội nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam và nhiều thế hệ NSNA khác kế tiếp.

z5995010486510_135d8df0ba705951c7397ddcded746e1.jpg
Ban Chấp hành Hội NSNAVN trao tặng Bằng khen, logo ghi nhận vào sổ cảm tưởng: “Trân trọng tình yêu và sự đóng góp của NSNA Phạm Công Thắng với nhiếp ảnh Việt Nam”

Để minh chứng cho luận điểm này, tôi xin liệt kê tên tuổi những NSNA gạo cội góp công đầu thành lập nên Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, đã có hiện vật trao tặng trưng bày tại “Ký ức nhiếp ảnh” đó là: cố NSNA Đinh Đăng Định, nguyên Tổng thư ký Hội NSNAVN (có 20 năm sống và làm việc bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh); cố NSNA - Nhà báo chiến trường Triệu Đại; cố NSNA Nguyễn Đăng Bảy (Nguyên Trưởng Ban ảnh, Nhà thông tin Chiến khu Việt Bắc); NSNA - Nhà báo Chu Chí Thành (TTXVN); NSNA - Nhà báo Đinh Quang Thành (Phóng viên chiến trường TTXVN); NSNA - Nhà báo Trịnh Hải (Báo Nhân Dân); cố NSNA Phạm Tuệ, Đan Quế (Hà Nội); cố NSNA - Nhà báo Mai Nam (Báo Tiền Phong); cố NSNA Hoàng Linh (Báo Nhân Dân); cố NSNA Nguyễn Nhưng; NSNA Hồng Trọng Mậu

Bên cạnh đó, còn có thế hệ NSNA thứ hai, có công với nhiếp ảnh Việt Nam trao tặng hiện vật như: NSNA Trần Nguyệt Diệu (Nghệ sĩ tài hoa chụp chân dung và tay nghề buồng tối có thứ hạng); NSNA Nhà báo Ngô Minh Đạo (TTXVN); NSNA - Nhà báo Hoàng Kim Đáng (Nguyên cán bộ, Vụ văn nghệ, Ban Tư tưởng Văn hóa TW); NSNA, Nhà báo Bùi Việt Hưng (Nguyên Phóng viên Báo Giải phóng); hai anh em Nhà báo - NSNA Nguyễn Hữu Nền, Hữu Cấy; NSNA Trọng Pháo (Hà Nội); NSNA Đào Hoa Nữ; NSNA Đồng Đức Thành; cố NSNA Mạnh Đan (TP HCM); cố NSNA Nguyễn Văn Thông (TP HCM); cố NSNA Đăng Quang (Nguyên Trưởng ban ảnh Hội NSNAVN tỉnh Thái Bình); NSNA Đỗ Kha (Quảng Ninh)…

z5995010449289_9a154c9d7b4f95107e184023d4dffe6a.jpg
Toàn cảnh không gian “Ký ức nhiếp ảnh”
z5995028720284_d1061031ac6eeaca2afb053166f27fe5.jpg
Nhà báo, NSNA Phạm Công Thắng cùng Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu Không gian “Ký ức nhiếp ảnh” được cấp bởi Cục sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ).

Tiếp nối là các gương mặt NSNA - nhà báo chiến trường như Hoàng Như Thính, Vũ Đạt, Trần Hồng, Xuân Gụ (Báo QĐND); Nguyễn Bằng Lâm (Quân chủng hải quân Việt Nam); Trần Mai Hưởng (PV chiến trường TTXVN); NSNA, Nhà báo TTXVN Trần Tuấn (Giải thưởng Nhà nước về VHNT); Nhà báo Đoàn Tử Diễn (Phóng viên chiến trường B mặt trận Bình Định)… Phóng viên chiến trường Campuchia Vũ Hồng Hưng. Đặc biệt, có hai máy ảnh của gia đình cố trung tướng Doãn Tuế (nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng QĐNDVN). Hơn nữa, nhiều nhà báo, nhiếp ảnh gia nước ngoài cũng có hiện vật góp mặt ở đây như ký giả huyền thoại Nick út (trao tặng 02 máy); Nhà báo Bớc – Sét, Nhiếp ảnh gia Nguyễn Đạo Hoàng (Úc); Nhiếp ảnh gia – Mohammed Abdullah Alaa (Ả Rập); NSNA Huỳnh Ngọc Dân, Nhiếp ảnh gia Su Công, Bùi Mạnh Cường (Hoa Kỳ)…

Trong thời gian chưa đầy 4 năm, “Ký ức nhiếp ảnh” đã tiếp nhận một lượng lớn hiện vật từ những NSNA gạo cội cho đến những nghệ sĩ có tên tuổi. Đặc biệt, NSNA, anh hùng lao động Trần Lam (Kiên Giang) trao tặng chiếc máy ảnh Nikon D200 đã chụp tác phẩm “Bên Lăng Bác Hồ sáng tỏa” có chữ ký của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, bán với giá triệu đô (sau đó, số tiền bán ảnh đã được ông làm từ thiện, phẫu thuật cho 500 ca trẻ em mắc di tật bẩm sinh ở tỉnh Kiên Giang và một số vùng phụ cận).

z5995010486605_1c5b732b2cda83e884733aa9fd20e688.jpg
Các nhà báo, NSNA đến tham quan và trò chuyện tại “Ký ức nhiếp ảnh”

Chưa kể, “Ký ức nhiếp ảnh” hiện đang có trong tay hàng trăm đầu sách nhiếp ảnh quý của các NSNA trong, ngoài nước; các nhà Lý luận phê bình nhiếp ảnh; các Nhà nghiên cứu văn hóa. Tiêu biểu là sách của NSNA Đinh Đăng Định, Chu Chí Thành, cố NSNA Văn Thành; cố NSNA Hữu Cấy, Nguyễn Mạnh Đan; NSNA Đào Hoa Nữ, Đồng Đức Thành, Trần Thị Thu Đông, Hoàng Kim Đáng, Trần Mạnh Thường, Đoàn Hoài Trung, Tam Thái, Lê Hồng Linh, Trần Thế Phong, Bùi Việt Hưng, Trần Lam… Đặc biệt cuốn sách “Kinh tế Việt thăng trầm và đột phá” của Thủ tướng Phạm Minh Chính, trao tặng cho Nhiếp ảnh gia Phạm Công Thắng, Chủ nhân “Ký ức nhiếp ảnh”; cuốn sách “Buổi đầu nhiếp ảnh Việt Nam” đầu thế kỷ của nhà tiên phong người Anh Tory Benett viết cho nhiếp ảnh Việt Nam cũng có mặt ở tủ sách “Ký ức nhiếp ảnh”.

z5995028753872_ad87e98ae8e2fa3bdfc8cbd0f9bf0408.jpg
“Ký ức nhiếp ảnh” ngoài lưu trữ các hiện vật liên quan đến máy ảnh còn có rất đầu sách ảnh của các tác giả trong và ngoài nước. 

Những NSNA, Nhà báo có hiện vật trưng bày tại “Ký ức nhiếp ảnh” mà tôi vừa nêu trên, là những NSNA, Nhà báo có những hy sinh, đóng góp to lớn trong công cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc như: Chu Chí Thành (GTNN, HCM về Nhiếp ảnh); Triệu Đại (GTNN về Nhiếp ảnh); Đinh Quang Thành (GTNN về nhiếp ảnh); Hoàng Như Thính; Vũ Đạt (PV chiến trường Báo Quân đội); Ngô Minh Đạo (PV chiến trường TTXVN); Đoàn Tử Diễn (Phóng viên chiến trường B mặt trận Bình Định)… và nhiều thế hệ NSNA cầm máy khác đã dấn thân vào những nơi gian khó, hy sinh mất mát để làm nên những thước phim, bức ảnh sống động, đóng góp to lớn cho lĩnh vực báo chí và nhiếp ảnh Việt Nam.

Ngoài việc tiếp nhận hiện vật của các NSNA, Nhà báo, “Ký ức nhiếp ảnh” còn xã hội hóa sân chơi lan tỏa niềm đam mê nhiếp ảnh cho nhiều đối tượng trong xã hội. Chính vì vây mà thời gian qua, “Ký ức nhiếp ảnh” đã tiếp nhận hàng trăm hiện vật của các văn nghệ sĩ, trí thức, doanh nhân nổi tiếng như Nhà sử học Dương Trung Quốc; NSND, Đạo diễn Lê Chức; TS thời trang Asean Trần Thủy Bình; TS Bùi Hữu Dược (Vụ trưởng Ban Tôn giáo chính phủ); GS.TS Hà Đình Đức (Nhà nghiên cứu rùa Hồ Gươm, Vườn Quốc gia Bến En); Chuyên gia đầu ngành Kiểm toán, Nhà tài chính học VN Nguyễn Đình Hựu; Nhà biên kịch nổi tiếng Lê Nguyên (Cục Điện ảnh, Bộ Văn hóa); Nhà văn, Nhà báo Trần Ngọc Lân (hai lần Thủ tướng Phạm Văn Đồng gặp); TS ngôn ngữ học Nguyễn Thị Hường (Học viện Hành chính Quốc gia); TS Chuyên gia y tế Phạm Hữu Lợi; Nhiếp ảnh gia Nguyễn Hữu Bảo (Giải thưởng Bùi Xuân Phái về Nhiếp ảnh; Nhiếp ảnh gia Dương Minh Long; Nhà sản xuất âm nhạc Phương Phạm…

z5995028736586_67b5323bb22c9b7df088cfab5b4d2842.jpg
Không gian “Ký ức nhiếp ảnh”

Ngoài ra, “Ký ức nhiếp ảnh” còn tiếp nhận lưu giữ hiện vật của nhiều nhiếp ảnh gia, người chơi ảnh khắp mọi miền và các công ty sản xuất hình ảnh minilab Minh Tùng; minilab Thăng Long của doanh nhân Phạm Văn Quyết…

Thời gian tới, “Ký ức nhiếp ảnh” sẽ mở rộng các hoạt động như tổ chức trưng bày ảnh, giao lưu trao đổi nghiệp vụ; mời các NSNA có kinh nghiệm, mở lớp giảng dạy đào tạo nhiếp ảnh cho các thí sinh có nhu cầu.

Trong gần 4 năm thành lập, “Ký ức nhiếp ảnh” đã đón hàng trăm nhà nghiên cứu văn hóa, sử học, sinh viên, học sinh của các trường Đai học, cao đẳng, trường dạy nghề tại địa bàn thành phố Hà Nội. Có thể kể tên các nhà nghiên cứu: Nhà sử học Dương Trung Quốc; NSND - Đạo diễn Lê Chức; PGS,TS Nhà xã hội học Trịnh Hòa Bình; Diễn giả, Nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang (Giám đốc không gian Phạm Văn Đồng); TS Văn học Nguyễn Thị Thanh Minh; Nhà làm phim độc lập Nguyễn Mai (đến từ Vương quốc Bỉ); Họa sĩ Trịnh Yên (Giám đốc Trung tâm Unesco mỹ thuật Việt Nam); NSND Lê Tiến Thọ (Nguyên Thứ trưởng Bộ VHTT & DL); Nhà nghiên cứu văn hóa Võ Huyền My (Úc)…

z5995028745448_c37039f17ed97c6345546ca6bdfd10d7.jpg
Các hiện vật quý giá được lưu trữ tại “Ký ức nhiếp ảnh”

Đặc biệt, đã có sinh viên của nhiều Trường đại học lớn tại Thủ đô đã đến tham quan, học tập trải nghiệm như: Đại học Quốc gia Hà Nội; Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn; Đai học Đông Đô; Học viện phụ nữ; Đai học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội; Học viện Báo chí Tuyên truyền; Trung tâm đào tạo Nhiếp ảnh Đăng Thanh… và nhiều nhân sĩ trí thức, các nhà nghiên cứu văn hóa, sử học, văn học, mỹ thuật đến tìm hiểu nghiên cứu bộ môn nhiếp ảnh.

Gần 4 năm qua, “Ký ức nhiếp ảnh” đón nhận nhiều cơ quan báo chí đến tác nghiệp, viết bài tuyên truyền. Riêng Thông tấn xã đã có 6 phóng sự và bài viết; Truyền hình Việt Nam đã có 7 phóng sự bài viết; Truyền hình Nhân dân 2 Phóng sự; Truyền hình Hà Nội 4 phóng sự; VOV – Đài Tiếng nói Việt Nam 4 phóng sự, bài viết; Truyền hình Thanh Hóa 1 phóng sự… và hàng chục cơ quan báo chí Trung ương, địa phương đến thăm quan viết hàng trăm bài báo tuyên truyền… Đã có hàng chục nhà báo nước ngoài như Ba Lan, Úc, Mỹ, Qatar đến thăm chia sẻ, quảng bá hình ảnh “Ký ức nhiếp ảnh” lan tỏa ra thế giới.

z5995028759492_4d58a7cb74d9f5df180121299fea4873.jpg
Một góc khác của “Ký ức nhiếp ảnh”

Có thể nói, sau gần bốn năm ra đời và hoat động, “Ký ức nhiếp ảnh” đã có những bước phát triển vững chắc được đông đảo nghệ sĩ nhiếp ảnh, nhà báo, Nhiếp ảnh gia và những người yêu thích bộ môn nghệ thuật thị giác tin yêu tiếp tục gửi gắm hiện vật. Trong những năm tới, “Ký ức nhiếp ảnh” sẽ có hướng mở rộng đầu tư, bài trí không gian trưng bầy theo hướng chuẩn hóa khoa học của một bảo tàng; tiếp tục tiếp nhận hiện vật của các nghệ sĩ nhiếp ảnh, nhà báo, nhiếp ảnh gia khắp nơi gửi về; khai thác các hoạt động có hiểu quả, đúng pháp luật; không ngừng mở rộng quan hệ, liên kết với các đối tác; khai thác các nguồn lực hoàn thiện mô hình để xin phép Nhà nước cấp phép hoạt động theo hướng Bảo tàng tư nhân.

Thời gian tới, “Ký ức nhiếp ảnh” mong được sự quan tâm nhiều hơn nữa của các cấp các ngành, đặc biệt là Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, để “Ký ức nhiếp ảnh” thực sự là sân chơi, điểm đến lý tưởng của một bộ phận nghệ sĩ nhiếp ảnh, văn nghệ sĩ và công chúng yêu thích nhiếp ảnh trong ngoài nước.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Nhiếp ảnh & Đời sống
“Ký ức nhiếp ảnh”: Hòa cùng dòng chảy Nhiếp ảnh Việt Nam phát triển cùng đất nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO