
Nếu là hội viên ở các hội chuyên ngành trung ương như Kiến trúc, Mĩ thuật… Thì phần đa đều đã tốt nghiệp đại học, nên tuổi đời vào hội của họ, thường đã chín chắn ở ngoài 25. Nhưng bên Hội nhà văn, Hội nhiếp ảnh thì có thể sớm hơn rất nhiều. Bởi việc kết nạp hội viên ở những chuyên ngành này, lại dựa cơ bản vào thành tích cá nhân.
Trên diễn đàn của mạng xã hội gần đây, chợt bung ra câu hỏi: NSNA, anh là ai? Một câu hỏi như thế, khiến không chỉ một cá nhân ai đó thấy bùi ngùi tủi phận, mà còn có thể khiến cả một tổ chức bị tổn thương. Nhưng nếu nhìn lại, thì không phải tự dưng, các nghệ sĩ chân chính lại muốn gieo những nỗi buồn cho nhau. Có thời nào, người ta không phải chấp nhận đám người cơ hội; Hãnh tiến, bắng nhắng mà bất tài, khiến mọi tổ chức đều thấy họ là đám sâu “làm rầu nồi canh”? Biết rằng để sâu bọ chui lủi trong đội ngũ là có hại, nhưng đâu dễ để thải loại chúng khỏi môi trường lành mạnh của tổ chức? Bởi sâu bọ, cũng có bản năng để sinh tồn. Bình thường, chúng ém mình, hễ gặp môi trường thuận lợi, là chúng sinh nở ào ạt. Chẳng biết quy lỗi cho ai. Bảo đấy là tại cái thói hám danh, sính bằng cấp đã ngấm sâu vào xã hội đương thời để cho qua chuyện. Nhưng tôi trộm nghĩ: Một phần do các bậc trưởng lão của chúng ta đã quá xuất sắc. Những tấm gương về nhiếp ảnh như cụ Võ An Ninh, Phạm Văn Mùi, Mạnh Đan, Đỗ Huân, Lâm tấn Tài, Văn Bảo, Mai Nam… Đã khiến không ít người lấy họ làm hình mẫu để phấn đấu học tập theo. Và tôi cho rằng đó là tư tưởng hướng thiện, lành mạnh đáng được khuyến khích. Ở họ là những con người bằng xương, bằng thịt, nên họ cũng có các ưu khuyết điểm rất “đặc thù nghề nghiệp”. Nhưng chung quy những cái thật, cái đẹp và cái cá biệt của nhiều nghệ sĩ lớp trước, luôn khiến ta đã phải ngưỡng mộ và mến phục. Chỉ tiếc một điều, rằng lớp người mới dường như đã không kế thừa được những “thần thái” của lớp công thần xưa, mặc dù thế hệ trẻ đã thừa hưởng những đột phá về công nghệ, điều kiện kinh tế và xã hội cũng đã tạo ra môi trường phóng khoáng hơn, để một người có thể theo đuổi niềm đam mê nghệ thuật.
Thực tế một hội viên sau khi được kết nạp vào Hội NSNA Việt Nam, nếu may mắn anh ta có được ông Chi hội trưởng chu đáo, thì còn có buổi kết nạp nghiêm túc và ấm áp tình đồng nghiệp. Còn không thì âm thầm kẹp cái quyết định có chữ kí của ông Chủ tịch hội vào sổ tay. Người dày bản lĩnh, thì biết tạm quên cái “danh” nghệ sĩ, để mà duy trì nếp sống và sinh hoạt theo những năm tháng cũ. Và khi sống bằng nghề, vẫn không để mất danh sách cùng số điện thoại của những người vẫn gọi đi phục vụ hiếu, hỉ… trong phường, xã nơi mình sống. Phải tích cóp một số tiền nhất định, để khi bạn bè rủ rê, còn có thể tự thân đủ kinh phí trang trải cho những chuyến đi xa nhà. Vài lần thay máy, đổi ống kính, là có nguy cơ làm cụt nguồn dự trữ của cả gia đình phòng vào đận khó khăn… Một chút hào quang ai cũng thấy. Nhưng những trải nghiệm mà một người lặn lội bám vào nghiệp nhiếp ảnh, chẳng mấy ai hay bao giờ.
Đua với chuyện “giải thiêng” trong văn học, nhiều tay máy trẻ ở giới nhiếp ảnh khi được cụng li với lớp cha chú thì liền như vội váng hơi men, mà nghĩ ngay: Giờ mình đã được “ngang phân”, bởi đã là hội viên, thì cũng có quyền này, trách nhiệm kia... Tôi còn nhớ ở dịp Đại hội khóa XIII Hội NSNA Việt Nam, khi ông Mai Nam đang phát biểu trên diễn đàn, thì bị những tiếng huýt sáo phản đối cố đẩy ông rời khỏi bục… Chỉ vài tháng sau kì Đại hội ấy, ông đã “đi xa”. Người xưa nghiệm ra rằng: “Con chim sắp chết tiếng kêu thương, người sắp chết lời nói phải”. Vậy là lời tâm huyết của người sắp chết trong trường hợp này, đã không được lớp hậu duệ chú ý đến.

Những năm gần đây, chúng ta thấy có nhiều người khi nghỉ hưu mới có điều kiện để say mê nhiếp ảnh. Ở họ hội đủ các yếu tố mà một tổ chức cần: Chín chắn, hiểu biết cuộc sống sâu sắc, điều kiện “cần và đủ” cho hoạt động nhiếp ảnh lại không thiếu. Nhưng đáng tiếc, những người như họ có quỹ thời gian cống hiến rất giới hạn. Đòi hỏi cao hơn là không thể, do sức khỏe và bởi cả yếu tố: “bề dày nghiệp vụ” hạn chế.

Các NSNA sáng tác tại Tháp Chàm - Ninh Thuận
Thiết nghĩ Hội NSNA Việt Nam không cần vun một đống cát to, mà dồn sức “nhân bản” thêm nhiều hạt đá quý. Những viên đá ấy, càng lắm góc cạnh, lại càng mang nhiều sắc thái. Cộng hưởng những chấm sáng lại với nhau; Giữ cho chúng không bị tì vết. Đó mới là trách nhiệm của một tổ chức lành mạnh. Và không ai hết, chính những nhân tố trẻ mà tài năng, sẽ là nội lực đầy nhiệt huyết, để duy trì sự tồn tại của hoạt động nhiếp ảnh trong tương lai.