THẨM ĐỊNH ẢNH: CÔNG BẰNG VÀ CẨN TRỌNG
NSNA Vũ Kim Khoa cho rằng: “Ban Giám khảo còn hời hợt và cái “khoảng cách diệu vợi” ở đây lại chính là sự sâu sát, hiểu biết về văn hóa, phong tục và con người miền núi phía Bắc của những người cầm cân, nảy mực chỉ như một giọt sương”.
LHANTKVMNPB 2020 nhận được 2.003 tác phẩm của 295 tác giả từ 15 tỉnh, thành phố gồm: Cao Bằng, Bắc Giang, Bắc Kạn, Điện Biên, Hà Giang, Hòa Bình, Lai Châu, Lào Cai, Lạng Sơn, Phú Thọ, Sơn La, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Yên Bái. Tôi rất vui và vinh dự được Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam (Hội NSNAVN) phân công tham gia Hội đồng Giám khảo (HĐGK) LHANTKVMNPB 2020 cùng với NSNA Bùi Đăng Thanh, NSNA Trần Việt Văn, NSNA Vũ Anh Tuấn và NSNA Nguyễn Quang Tuấn (cùng ở Thủ đô Hà Nội). Vui và vinh dự vì các anh đạt nhiều thành tích nhiếp ảnh, có bề dày sáng tác, đã từng ngồi ghế giám khảo nhiều cuộc thi ảnh lớn cấp quốc gia, cấp khu vực. Hơn nữa NSNA Bùi Đăng Thanh hiện là Giảng viên đào tạo nhiều thế hệ nhiếp ảnh; hai NSNA là nhà báo, NSNA Trần Việt Văn (Báo Lao Động), NSNA Vũ Anh Tuấn (Báo Nhân Dân). Có lẽ Hội NSNAVN nhận thấy quy mô và tầm quan trọng của Khu vực miền núi phía Bắc nên phân công giám khảo đa thành phần để có cái nhìn đa chiều khi thẩm định ảnh chăng?
Ý thức trách nhiệm được giao, trước khi vào chấm HĐGK đã xem bộ ảnh giải và triển lãm của 4 năm trước (2016, 2017, 2018, 2019) do Ban Tổ chức (BTC) cung cấp ngõ hầu có cái nhìn khái quát về chất lượng ảnh cũng như văn hóa, phong tục tập quán, phong cảnh và con người mỗi tỉnh thể hiện qua ảnh. Vì thế trong quá trình chấm, HĐGK phát hiện nhiều ảnh thể hiện trùng lặp các kỳ liên hoan trước; Thậm chí có cùng bối cảnh và nhân vật trong tác phẩm đoạt giải Liên hoan năm 2018 tác giả vẫn hồn nhiên gửi dự thi lần này! HĐGK bám sát đề tài Liên hoan, quy chế Hội đồng nghệ thuật, làm việc cẩn trọng, công tâm chọn ra những tác phẩm tốt đạt yêu cầu nội dung và hình thức biểu đạt thẩm mỹ; Ủng hộ tác phẩm phát hiện đề tài mới hoặc làm mới những điều đã cũ. Các thành viên HĐGK chấm ảnh độc lập theo phương pháp loại dần qua mỗi vòng. 3 vòng đầu chọn 130 tác phẩm triển lãm. 3 vòng sau chọn 20 tác phẩm trao giải. Trong quá trình chấm các thành viên trao đổi, tranh luận trên “chat group”, tác phẩm có quá bán thành viên tán thành được chọn. Điều đó cho thấy HĐGK đã làm việc cẩn trọng, trách nhiệm, công bằng và không hời hợt như nhận định chủ quan của NSNA Vũ Kim Khoa. Còn “hiểu biết về văn hóa, phong tục và con người miền núi phía Bắc của những người cầm cân, nảy mực chỉ như một giọt sương”?
Văn hóa là phạm trù vô cùng rộng lớn, càng học, càng tìm hiểu càng thấy mình hạn chế về văn hóa, càng “đi” càng thấy mình nhỏ bé trong thế giới nghệ thuật. Nhìn ra các cuộc thi ảnh nghệ thuật quốc tế có bao giờ BTC và thí sinh đòi hỏi giám khảo phải hiểu tường tận văn hóa, phong tục và con người mỗi nước mới được “cầm cân, nảy mực”? Thậm chí HĐGK các cuộc thi ảnh nghệ thuật quốc tế thường chỉ có ba giám khảo và chấm ảnh một vòng duy nhất, BTC xếp thứ hạng giải thưởng tương ứng với tổng điểm tác phẩm nhận được. Quyết định của HĐGK là kết quả chung cuộc. Một điều rất lạ một số cuộc thi ở Châu Á, Châu Âu, BTC không cho hiển thị tên tác phẩm như đánh đố giám khảo. Tuy nhiên một tác phẩm đẹp luôn có ngôn ngữ nghệ thuật riêng toát lên từ ánh sáng, đường nét, khoảnh khắc bấm máy và bố cục ảnh.
Tác phẩm: Phía sau ánh hào quang của cô gái Nùng
Tác giả: Lê Hồng Đức (Tuyên Quang)
BỘ ẢNH ĐOẠT GIẢI KHÁI QUÁT SỨC SỐNG ĐẤT NƯỚC CON NGƯỜI MNPB
Điều đáng mừng 15 tỉnh tham gia đều có tác phẩm đoạt giải liên hoan. Bộ ảnh đoạt giải là những tác phẩm tiêu biểu phản ảnh sinh động đời sống văn hóa, con người miền núi phía Bắc.
Riêng về 2 Huy chương Vàng, NSNA Vũ Kim Khoa đặt vấn đề “Người viết bài này hơi ngạc nhiên, rằng chỉ nghĩ như thế về hai bức ảnh mà đem trao giải Nhất thì có non không? Và hẳn có sự thiên vị gì đó ở đây”.
Nhân cách và lòng tự trọng không cho phép khuất tất, khẳng định rằng sự thiên vị không nằm trong hệ quy chiếu thẩm định ảnh của HĐGK LHANTKVMNPB 2020. “Còn có non không?”. Xin thưa, con người hữu hạn huống chi trong nghệ thuật. Tuy nhiên, 2 tác phẩm đoạt Huy chương Vàng liên hoan xứng đáng được HĐGK thống nhất với điểm số tuyệt đối bởi lẽ: Đồng quan điểm với giám khảo, Nhà báo, NSNA Trần Việt Văn về tác phẩm “Phía sau ánh hào quang của cô gái Nùng (số 2)” của tác giả Lê Hồng Đức (Tuyên Quang) “có tạo hình mạnh mẽ, ý hay làm bật lên sự tương phản trong ảnh với khuôn mặt xinh đẹp trắng trẻo của cô gái với những bàn tay già nua đen thẫm mang dấu vết thời gian đang cùng vấn khăn quấn tóc cho cô muốn nói rằng có được hào quang hôm nay là biết bao khó nhọc của biết bao người, là cha mẹ, là cộng đồng”. Nếu như NSNA Vũ Kim Khoa biện giải “chỉ cần giữ lại đôi tay sống động của người mẹ đang bịn rịn lau giọt nước vương đọng trên bờ mi đứa con yêu là đủ” thì hỏng về ngôn ngữ nghệ thuật tác phẩm. Chỉ có gia đình là chưa đủ nếu cộng đồng, môi trường sống chung quanh không tốt. Một hạt giống tốt phát triển trên đất tốt, ngược lại đất xấu dù hạt giống tốt cũng khó phát triển tốt được.
NSNA Vũ Kim Khoa lại hỏi “Hai cô gái đang làm gì trong “Vũ điệu vùng cao”… Tít ảnh là “Vũ điệu vùng cao” nhưng người thưởng lãm ảnh không thấy lấp ló chút “vùng cao” nào trong bức ảnh”.
Chúng ta cần xác định LHANTKVMNPB 2020 là liên hoan ảnh nghệ thuật, không phải cuộc thi ảnh báo chí do đó tính nghệ thuật được HĐGK đề cao! Hình tượng người phụ nữ vùng cao tung tóc, tung váy xuất hiện trước đây đã nhiều nhưng “Vũ điệu vùng cao” của tác giả Nguyễn Anh Đức (Yên Bái) khác biệt. Sắc màu đôi váy đối xứng, tương phản động tĩnh bật lên trên làn nước tóe xoay quanh rất đẹp như đoạn khúc hoan ca. Hình thức thể hiện độc đáo, bố cục chặt “mang tính thẩm mỹ cao”, ấn tượng mạnh thị giác cho chúng ta thường liên tưởng về cuộc sống mới vùng cao hôm nay đầy sức sống, giàu bản sắc! Một tác phẩm ảnh nghệ thuật không thể cái gì cũng đưa vào trong khuôn hình, nhà nhiếp ảnh cần chắt lọc cái điển hình (điểm) nói lên bối cảnh (diện) trong ảnh.
Tác phẩm: Vũ điệu vùng cao
Tác giả: Nguyễn Anh Đức (Yên Bái)
KHUYẾN KHÍCH CÁC THỦ PHÁP SÁNG TẠO
Cuối bài NSNA Vũ Kim Khoa băn khoăn “Cổ vũ cho những bức ảnh dàn dựng là hướng các nhà nhiếp ảnh đi vào ngõ cụt của hành trình sáng tạo – lợi, hại về lâu dài sẽ thế nào? Và làm vậy có nên chăng?”.
Từ lâu, năm 2006 trong bài viết “Tiếp cận nghệ thuật nhiếp ảnh” đăng Tạp chí Nhiếp ảnh số tháng 11/2006 tôi có viết “Nhiếp ảnh là nghệ thuật của ánh sáng, là khoảnh khắc bấm máy được chắc lọc từ hiện thực, là quá trình tư duy của người nghệ sĩ… nói khác đi bấm máy cái nhìn thấy qua tư duy nghệ thuật của mình”. Đã bao năm rồi tôi vẫn bảo lưu quan điểm nghệ thuật nhiếp ảnh. Ai cũng biết nhiếp ảnh là khoảnh khắc nhưng chỉ có thế thì chưa đủ bởi hạn chế sự sáng tạo. Tưởng tượng và tư duy, tái hiện lại hiện thực là một phương pháp sáng tác đã có từ Thiên niên kỷ trước, tiêu biểu nhiếp ảnh gia nổi tiếng Man Ray (1890 - 1976), cố NSNA Phạm Văn Mùi (1907 - 1992),... Tại sao chúng ta lại “kỳ thị” các nhà nhiếp ảnh sáng tác đa dạng thủ pháp nhằm đạt ý đồ nghệ thuật mà chỉ chụp “cái nhìn thấy”? Tại sao chúng ta không nới rộng biên độ nghệ thuật trong khi thể lệ liên hoan không cấm? Những khoảnh khắc có thực trong cuộc sống nhưng vô duyên trong nghệ thuật thì không thể chấp nhận và ngược lại. Thiết nghĩ chúng ta cần khuyến khích cổ vũ cái mới, chỉ có cái mới khả dĩ thỏa mãn sự sáng tạo, cũng là yếu tố quan trọng để nghệ thuật tồn tại và phát triển.
Tác phẩm “Đen và Trắng” (Noire et Blanche) của tác giả Man Ray (Mỹ) được bán với giá 2,5 triệu đô la
Tác phẩm "Spitit of Water II" của tác giả Hansa Tangmanpoowado (Thái Lan)
(Đoạt Huy chương Vàng Cuộc thi Ảnh nghệ thuật quốc tế lần thứ 10 - VN 19 tại Việt nam)
Đào Tiến Đạt