Tờ Thông báo Nghệ thuật Nhiếp ảnh
Sau Đại hội Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam lần thứ Nhất 1965 - tháng 3 năm 1967, Ban Thường vụ Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam xuất bản tờ Thông báo Nghệ thuật Nhiếp ảnh (tiền thân của Tạp chí Nhiếp ảnh), in ronéo định kỳ 2 tháng một số. Đây là tài liệu nghiên cứu nội bộ của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam và là một chuyên san về nghệ thuật nhiếp ảnh mang tính toàn quốc, do cố nghệ sĩ Đức Vân phụ trách. Về sau, ông Đức Vân qua đời, cố nghệ sĩ Nguyễn Long thay.
Tạp chí có một mạng lưới cộng tác viên về ảnh và viết khá rộng với nhiều góc nhìn như những vấn đề lý luận về mỹ học, nhiếp ảnh, tính Đảng, tính dân tộc trong ảnh, cũng như phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa, hình tượng nghệ thuật, mối quan hệ giữa hình thức và nội dung, quan hệ giữa nhiếp ảnh và các ngành nghệ thuật khác.
Về hình thức, Thông báo Nghệ thuật Nhiếp ảnh chỉ in chữ và không có ảnh minh họa, nhưng nội dung khá phong phú, bao gồm cả phần lý luận phê bình, với nhiều cây viết tên tuổi khá quen biết như Đinh Đăng Định, Nguyễn Long, Vũ Khiêu, Nguyễn Chính, Mạnh Thường… Về sau có thêm Lê Phức, Hoàng Ánh, Nguyễn Trân… với những bài viết hấp dẫn: Nguyễn Long với bài "Hình tượng người phụ nữ trong nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam", hay "Giá trị thẩm mỹ của ảnh chân dung và phong cảnh" của Giáo sư, Anh hùng lao động Vũ Khiêu, Lưu Quý Kỳ với tác phẩm "Về chân, thiện, mỹ và thời cơ, góc độ trong nghệ thuật nhiếp ảnh", hay "Hiểu về thời sự - tài liệu - báo chí và nghệ thuật" của nhà Lý luận phê bình Nghệ thuật Nguyễn Trân; Nguyễn Chính với "Một bức ảnh làm xúc động lòng người", "Minh Trường, những bức ảnh nghệ thuật" của Đinh Quang Thành…
Về kỹ thuật, Thông báo Nghệ thuật Nhiếp ảnh đã đem đến cho bạn đọc gần xa những kiến thức cơ bản về nhiếp ảnh. Phần giới thiệu tác giả tác phẩm: Lâm Tấn Tài với "Nhiếp ảnh Nam Bộ với những sự kiện", Nguyễn Long có bài "30 năm phát triển của nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam", Mạnh Thường với "Sách ảnh Hà Nội, một công trình sáng tạo tập thể"…
Là những ngày đầu tiên Hội mới thành lập, mọi công việc sáng tạo nghệ thuật của các nghệ sĩ gặp rất nhiều khó khăn trở ngại và bỡ ngỡ, đặc biệt là phương hướng sáng tác trong tình hình mới, vì vậy Thông báo nghệ thuật Nhiếp ảnh là tài liệu trao đổi học tập những kinh nghiệm hữu ích về sáng tác, công việc buồng tối, thông qua các cuộc trao đổi kinh nghiệm: Vũ Quang Huy với bài “Giây phút quyết định”, Nguyễn Đình Ưu có “Câu chuyện về nghề nghiệp”…
Ngoài ra, Thông báo Nghệ thuật nhiếp ảnh còn dành một phần khá quan trọng để giới thiệu về các thành tựu nhiếp ảnh của nước ngoài, đặc biệt các nước trong khối Xã Hội Chủ Nghĩa như Liên Xô, CHDC Đức, Ba Lan, Tiệp Khắc, Hungary... Từ đó, kéo ngắn khoảng cách giữa nền nhiếp ảnh thế giới và trong nước.
Tạp chí Nhiếp ảnh
Cuối năm 1978, sau ngày đất nước thống nhất và 11 năm đầy khó khăn, gian khổ, Thông báo Nghệ thuật Nhiếp ảnh đổi tên thành Tạp chí Nhiếp ảnh.
Tạp chí được tập trung phát triển về hình thức với sự chuyển đổi từ in Ty - pô hẳn sang in Ốp-sét (hay in Offset). Bên cạnh đó, nội dung truyền đạt cũng được đẩy mạnh hơn. Trong khoảng thời gian đầu, mỗi số có tổng 40 trang, trong đó có 4 trang bìa và 4 trang phụ bản khổ 19 x 27cm in ảnh trên giấy phấn và 32 trang ruột dành cho các chuyên mục: Lý luận - phê bình, giới thiệu các vấn đề nghiệp vụ, trao đổi kinh nghiệm, Tác giả - tác phẩm, Trang ảnh bạn đọc, Nhiếp ảnh nước ngoài, Bạn cần biết, Bình luận ảnh, Tin tức hoạt động nhiếp ảnh... Trong quá trình phát triển, có thêm một số chuyên mục như: Tự học chụp ảnh, Nhiếp ảnh và đời sống, Chân dung nghệ sĩ...
Từ năm 1996, với sự tài trợ của Xí nghiệp in I Thông tấn xã Việt Nam, Tạp chí in toàn bộ trên giấy couche ra hàng tháng, nội dung và hình thức được cải tiến, trở thành tạp chí chuyên ngành, có vị trí trong hệ thống báo chí Việt Nam và các Hội chuyên ngành Văn học Nghệ thuật.
Về mặt pháp lý, Tạp chí đã được cấp giấy phép xuất bản của Phủ Thủ tướng, số giấy phép xuất bản là 03 - VP9, cấp ngày 2/1/1978, với đầy đủ ban bệ, Tổng biên tập, Thư ký tòa soạn, Phóng viên, Biên tập viên, Cộng tác viên và được phép phát hành rộng rãi trên toàn quốc.
Đội ngũ người viết chủ yếu là các nhà nhiếp ảnh, các cộng tác viên ngày càng được bổ sung đông đảo: từ Nguyễn Trân, Định Đăng Định, Nguyễn Long, Lê Phức, Nguyễn Đức Chính, Nguyễn Huy Hoàng, Lê Thanh Đức, Đỗ Huân, đến Chu Chí Thành, Vũ Huyến, Vũ Đức Tân, Hoàng Kim Đáng, Phạm Kỉnh, Mạnh Thường, Lê Xuân Thăng, Đinh Bộ Lĩnh, Trịnh Đình Khôi, Phạm Hoạt, Văn Thành, Nguyễn Trung Thu, Trần Đương, Chu Thu Hảo, Vũ Kim Khoa, Lưu Quang Phổ, Trần Quốc Dũng, Việt Văn...
Nội dung Tạp chí được phân khúc rõ ràng với các đề mục: Giới thiệu, Lý luận phê bình, Trao đổi kinh nghiệm, Tác giả tác phẩm, Nghiệp vụ, Nhiếp ảnh nước ngoài, cuối cùng là phần Tin tức hoạt động nhiếp ảnh. Thông báo Nghệ thuật Nhiếp ảnh còn có chuyên mục trao đổi kinh nghiệm chụp ảnh trên các lĩnh vực: nông nghiệp, công nghiệp, quân sự. Các thể loại ảnh chân dung, phong cảnh, kiến trúc, tĩnh vật cũng được bàn luận sôi nổi.
Ngoài ra cũng có những số giới thiệu chuyên đề về chân dung người tốt việc tốt; giới thiệu những bức ảnh xuất sắc; giới thiệu, phê bình các cuộc triển lãm ảnh của nhóm tác giả như nhóm Đỗ Huân, Xuân Liễu, Mai Nam, Đinh Quang Thành, Đức Vân và nhóm Bùi Duy Ly, Mai Cát, Võ An Ninh. Từ những cuộc triển lãm nhóm, các cây viết Nguyễn Long, Mạnh Thường, Nguyễn Trân, Nguyễn Huy Hoàng đặt ra vấn đề phong cách tác giả đã có tác dụng kích thích phong trào triển lãm ảnh nhóm và cá nhân tác giả sau này.
Giai đoạn này, ngoài các cây bút thân quen trong làng ảnh, báo chí cả nước, còn có các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng tham gia như nhà thơ Tố Hữu với "Về nghệ thuật nhiếp ảnh", nhà thơ, Bộ trưởng Xuân Thủy có bài "Một hình ảnh đẹp", nhà văn hóa Vũ Khiêu với "Nhiếp ảnh Việt Nam trước cái đẹp của con người và đất nước; "Mấy suy nghĩ về ảnh chân dung nghệ thuật" của Hoàng Thái; Đinh Đăng Định với bài "Nâng cao chất lượng của ảnh và công tác phê bình ảnh hiện nay"; Nghệ sĩ Nhiếp ảnh, đạo diễn phim Hồng Nghi với bài "Chụp ảnh phong cảnh"; "Những tấm ảnh đầu tay của công nhân thủ đô" của Đỗ Huân; Nghệ sĩ Lê Phức với bài "Mấy suy nghĩ về thuật ngữ nhiếp ảnh"…
Có thể nói, giai đoạn này nội dung bài vở rất phong phú và chất lượng, đội ngũ cộng tác viên với những cây bút có hạng, đầy uy tín trong giới văn học nghệ thuật đã làm cho Tạp chí Nhiếp ảnh ngày càng được công chúng nói chung, giới Văn hóa nghệ thuật và các nhà nhiếp ảnh nói riêng nhiệt liệt chào đón.
Ghi nhận những đóng góp của Tạp chí Nhiếp ảnh cho đất nước và xã hội, Nhà nước đã trao tặng Tạp chí Nhiếp ảnh Huân chương Lao động Hạng Ba năm 1998, Huân chương Lao động Hạng Nhì năm 2008.
Thế giới ảnh
Năm 2001, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam được Bộ Văn hóa - Thông tin cho phép ra tờ Thế giới ảnh, là kỳ 2 của Tạp chí Nhiếp ảnh, ra hàng tháng và tự hạch toán. Tờ tạp chí này mở rộng nội dung về các vấn đề kinh tế, văn hóa, xã hội trong nước và quốc tế qua ống kính máy ảnh. Đi kèm ảnh là những bài viết ngắn gọn, súc tích về các chủ đề được nêu ra.
Do thiếu người tổ chức, quản lý và phát hành, nên sau 4 số, tạp chí tạm ngừng xuất bản. Đến tháng 10/2002, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam phối hợp với báo Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam, tổ chức xuất bản trở lại, mở rộng nội dung sang lĩnh vực doanh nghiệp, doanh nhân tiếp tục ra mắt bạn đọc. Đến năm 2006, tạp chí Thế giới ảnh tách khỏi Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, trực thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
Nhiếp ảnh và Đời sống
Năm 2017, do kinh phí hoạt động eo hẹp, không còn sự hỗ trợ của Nhà nước, nên Tạp chí Nhiếp ảnh ra được 3 số và dừng hoạt động. Tuy nhiên, sau đó Ban Chấp hành Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam không thể để một tờ Tạp chí chuyên ngành duy nhất của Hội có thâm niên 40 năm phải dừng hoạt động nên Ban Chấp hành Hội đã quyết định tìm nhân sự mới phụ trách Tạp chí, đảm nhận trọng trách đưa Tạp chí hoạt động trở lại theo cơ chế tự chủ. Lúc này, nhà báo - Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Hồ Sỹ Minh, tước hiệu E.VAPA/G được chọn và bổ nhiệm chức vụ Phó Tổng Biên tập phụ trách Tạp chí.
Sau khi nhận nhiệm vụ ông đã bắt tay ngay vào xây dựng Đề án đổi mới nâng cao chất lượng Tạp chí Nhiếp ảnh theo hình thức xã hội hóa trình Ban Chấp hành. Nhằm mở rộng nội dung, tiếp cận với nhiều đối tượng bạn đọc hơn, Tạp chí đã làm tờ trình xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông thay đổi măng-set với tên gọi mới Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống.
Từ tháng 1/2018, Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống xuất bản đều đặn mỗi tháng một số theo cơ chế tự chủ cho đến nay. Tạp chí đã đổi mới từ hình thức đến nội dung. Từ số 348 (Xuân 2018), nội dung được bổ sung với thiết kế mới, đẹp và hiện đại hơn, thêm một số chuyên trang, chuyên mục mới hấp dẫn hơn, phát hành rộng rãi đến nhiều đối tượng bạn đọc hơn.
Đội ngũ cán bộ phóng viên, biên tập viên được trẻ hóa, năng động, nhiệt tình, sáng tạo, có kiến thức làm báo chí hiện đại, đồng thời mở rộng đội ngũ cộng tác viên. Thành lập 3 văn phòng đại diện các khu vực Bắc, Trung, Nam. Bên cạnh đó thành lập Hội đồng cố vấn và mời Tiến sĩ Lê Doãn Hợp - Nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông làm Chủ tịch Hội đồng và mời một số nhà chuyên môn, quản lý có uy tín tham gia Hội đồng cố vấn cho Tạp chí, nhằm góp phần nâng cao chất lượng và định hướng hoạt động tốt hơn.
Từ khi hoạt động dưới tên Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống, năm nào Tạp chí cũng có phóng viên đoạt giải thưởng từ các cuộc thi ảnh và báo chí uy tín quốc gia. Đặc biệt, năm 2019 Tạp chí có phóng viên Hồ Trần Minh Quang đoạt giải B - Giải báo chí Quốc gia.
Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống tiếp nối truyền thống của Tạp chí Nhiếp ảnh là cơ quan ngôn luận của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam nỗ lực phát triển bền vững, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của bạn đọc và thực hiện tốt sự chỉ đạo, định hướng của Ban Chấp hành Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam. Tạp chí từng bước đổi mới, nâng cao chất lượng về mọi mặt và khẳng định được thương hiệu của một ấn phẩm đã có tuổi đời trên 45 năm.