Tiền thân của Hội NSNAVN là Đoàn Nhiếp ảnh thuộc Hội Văn nghệ Việt Nam, được thành lập tại chiến khu Việt Bắc trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Những người phụ trách Đoàn lúc đó gồm các ông Vũ Năng An, Hồng Tranh, Trần Văn Lưu, Bàng Bá Lân, Đinh Đăng Định, Lương Xuân Nhị, Đỗ Văn Thành.
Với Sắc lệnh 147.SL ngày 15/3/1953 của Chủ Tịch Hồ Chí Minh, “Doanh nghiệp quốc gia chiếu bóng và chụp ảnh Việt Nam” chính thức được thành lập ở khu vực Đồi Cọ, Thái Nguyên. Đó là mốc son lịch sử, ghi nhận vai trò xã hội của nhiếp ảnh trong đời sống kháng chiến và kiến quốc của đất nước.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ và Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954, miền Bắc được giải phóng, các nhà nhiếp ảnh từ chiến khu trở về thủ đô, cùng với anh chị em nhiếp ảnh tại các thành phố tạm bị chiếm trước đây tổ chức các hoạt động nhiếp ảnh phục vụ sự nghiệp xây dựng miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà.
Tháng 2/1957 Đại hội văn nghệ toàn quốc được triệu tập tại Hà Nội, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam ra đời, trong đó có bộ môn nhiếp ảnh. Ngày 20/2/1958 Ban liên lạc nghệ sĩ nhiếp ảnh được tổ chức tại Hà Nội. Ban phụ trách có 11 người. Trưởng ban là ông Nguyễn Văn Phú (TTXVN), phó trưởng ban là ông Đặng Trần Phượng (Báo ảnh VN) và các ủy viên: Phan Cảnh, Đinh Đăng Định, Văn Hách, Vũ Đình Hồng (về sau ông Nguyễn Giao thay thế), Nguyễn Duy Kiên, Bùi Duy Ly, Võ An Ninh, Nguyễn Đức Vân, Nguyễn Trọng Sơn. Ban liên lạc nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam có hai ban chuyên môn hoạt động sôi nổi. Ban nghiên cứu lý luận phê bình đã ra được tờ nội san, về sau này phát triển thành Tạp chí “Nhiếp ảnh”, xuất bản định kỳ hàng tháng. Ban sáng tác đã tổ chức được 2 cuộc triển lãm ảnh nghệ thuật toàn quốc và tham gia một số triển lãm ảnh quốc tế.
Do yêu cầu phát triển của phong trào nhiếp ảnh và đòi hỏi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ngày 8 và 9 tháng 12 năm 1965 Đại hội lần thứ I Hội NSNAVN đã được tổ chức tại Hà Nội với 71 hội viên sáng lập. Đại hội đã bầu một Ban chấp hành 9 nghệ sĩ, gồm các ông Đinh Đăng Định (Tổng thư ký), Bùi Duy Ly và Nguyễn Văn Phú (Uỷ viên thường vụ) cùng 6 ủy viên: Bùi Á, Văn Bảo, Văn Đồng, Ngô Đức Mậu, Đặng Trần Phượng, Nguyễn Đình Ưu. Với quyết định số 05-NV ngày 5/1/1966 của Bộ trưởng Bộ Nội Vụ Ung Văn Khiêm, Hội NSNAVN chính thức được “hoạt động trong phạm vi luật lệ hiện hành và Điều lệ của Hội đã được phê duyệt”.
Nhiệm kỳ thứ nhất của Hội hoạt động trong suốt thời kỳ chống Mỹ cứu nước và kéo dài đến sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tổng cộng 18 năm. Đây là nhiệm kỳ rất gian khổ nhưng Hội đạt được nhiều thành tựu rất xuất sắc, tổ chức được 10 triển lãm ảnh nghệ thuật trong nước, tham gia 30 lần triển lãm quốc tế. Nhiều tác giả, tác phẩm tiêu biểu được ghi nhận và trở thành tài sản quý của đất nước: Bác Hồ bắt nhịp kết đoàn của Lâm Hồng Long, Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước của Minh Trường, Đường trong mây của Văn Sắc, Ngày sản xuất đêm học tập của Đức Vân, Nữ dân quân của Nguyễn Đình Ưu, Cảnh giác của Mai Nam, Cõng bạn đi học của Phan Cảnh, O du kích giải tên giặc lái Mỹ của Phan Thoan, Kéo xác máy bay của Quang Văn, Từ thần sấm xuống xe trâu của Văn Bảo, Chiếm căn cứ đầu mầu của Đoàn Công Tính, Phúc Tân kêu gọi trả thù của Vũ Ba, Công việc hàng ngày của Đinh Đăng Định...
Tháng 11 năm 1983 Đại hội II Hội NSNAVN được tổ chức tại Hà Nội với sự tham dự của 122 đại biểu chính thức thay mặt cho 173 hội viên. Đây là Đại hội đầu tiên sau khi lực lượng nhiếp ảnh cả 2 miền Nam - Bắc đã được tập hợp lại, nhằm tổng kết một giai đoạn hoạt động trong điều kiện chiến tranh, rất gian khổ nhưng có nhiều thành tựu rực rỡ cuả nền nhiếp ảnh Việt Nam, đồng thời đặt ra những vấn đề mới trên con đường thống nhất hoạt động nhiếp ảnh của cả nước. Đại hội II đã bầu ra Ban chấp hành Hội với 19 thành viên do ông Hoàng Tư Trai làm Tổng thư ký, các ông Nguyễn Đặng, Đinh Ngọc Thông làm Phó Tổng thư ký, các ông Văn Bảo, Xuân Liễu, Lâm Tấn Tài, Lê Phức làm uỷ viên Ban thư ký và các ông bà uỷ viên Ban chấp hành: Hoàng Kim Đáng, Nguyễn Hân, Thanh Hảo, Trịnh Hải, Đỗ Huân, Võ An Khánh, Nguyễn Long, Mai Nam, Hồ Sỹ Sô, Nông Tú Tường, Trịnh Đình Thu, Lê Minh Trường.
Đại hội III Hội NSNAVN được tiến hành từ ngày 26 đến 29 tháng 12 năm 1988 với 286 hội viên, theo đúng quy định của Điều lệ, phương châm của đại hội kỳ này là kiện toàn các Hội Văn học Nghệ thuật chuyên ngành, là “Hội của những người sáng tạo”, “Các Hội VHNT chuyên ngành chỉ thu hút những người thực sự có trình độ, có tác phẩm, công trình được thừa nhận rộng rãi, khắc phục tình trạng biến Hội thành nơi tập hợp quần chúng có tính phong trào, hạ thấp các yêu cầu nghệ thuật trong hoạt động sáng tạo”. Đại hội đã bầu Ban chấp hành khoá III gồm 13 thành viên do ông Hoàng Tư Trai làm Tổng Thư ký, 2 phó Tổng Thư ký là ông Lâm Tấn Tài và Lê Phức (về sau ông Văn Bảo thay thế), các ông Hoàng Kim Đáng, Nguyễn Đặng, Mai Nam làm uỷ viên Ban Thư ký, các uỷ viên ban chấp hành: Vũ Đạt, Lê Hải, Trịnh Hải, Vũ Huyến, Nguyễn Kiên Hùng, Lê Minh Trường. Đại hội III đã bầu ra Hội đồng Nghệ thuật gồm 5 thành viên do ông Lâm Tấn Tài làm chủ tịch, ông Mai Nam làm Phó Chủ tịch và các thành viên Đinh Đăng Định, Võ An Ninh, Mạnh Đan (từ năm 1999 ông Vũ Huyến được đề cử tham gia Hội đồng Nghệ thuật thay ông Đinh Đăng Định)
Đây là nét mới trong hoạt động nghiệp vụ của Hội NSNAVN. Hội đồng Nghệ thuật có nhiệm vụ giúp Ban chấp hành và Tổng Thư ký thẩm định tác phẩm, định hướng sáng tác thông qua việc cử các Ban giám khảo, thẩm định giá trị nghệ thuật tác phẩm, qua đó uốn nắn các khuynh hướng sáng tác sao cho đúng đường lối văn hoá văn nghệ của Đảng mà vẫn đảm bảo được tính sáng tạo của cá nhân.
Tháng 11 năm 1994 Đại hội IV Hội NSNAVN được tiến hành tại Hà Nội với 314 hội viên trong cả nước. Ngoài Ban chấp hành, Hội đồng Nghệ thuật, Đại hội còn bầu một Ban Kiểm tra để giúp Ban chấp hành trong việc thực thi Điều lệ Hội, gồm các vị: Lê Phức (Tổng Thư ký), Văn Bảo (Phó Tổng Thư ký), Lâm Tấn Tài (Phó Tổng Thư ký), Chu Chí Thành, Đào Hoa Nữ (Uỷ viên).
Hội đồng Nghệ thuật gồm: Mai Nam (Chủ tịch), Lê Minh Trường (Phó Chủ tịch), Vũ Huyến (ủy viên thường trực), Thu An, Mạnh Đan, Đỗ Huân, Lâm Tấn Tài (Uỷ viên)
Ban Kiểm tra gồm: Trần Xuân Liễu (Trưởng ban), Trần Mạnh Thường (Phó Trưởng ban), Tạ Ngọc Bảo (Uỷ viên).
Nhiệm kỳ IV (1994-1999) của Hội diễn ra trong những năm cuối của thế kỷ 20. Hội tập trung thực hiện 2 nhiệm vụ chính là:
- Xây dựng và phát triển phong trào rộng khắp, đến các vùng sâu, vùng xa của đất nước.
- Xây dựng nền nhiếp ảnh chuyên nghiệp, mang tính sáng tạo với nhiều tác phẩm có chất lượng đỉnh cao.
Với 2 nhiệm vụ đó, hoạt động nhiếp ảnh trong nhiệm kỳ 4 rất khởi sắc, được dư luận xã hội hoan nghênh, tập hợp được đông đảo lực lượng nhiếp ảnh trong cả nước tham gia sáng tác, góp phần xây dựng nền Văn hóa Văn nghệ Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.
Nhiệm kỳ này, lần đầu tiên Hội tổ chức thi và triển lãm ảnh quốc tế mang tên VN-96 với sự bảo trợ của FIAP rất thành công, có hơn 900 tác giả ở 33 quốc gia và khu vực gửi ảnh tham dự. Ngoài các cuộc triển lãm ảnh quốc gia 2 năm một lần, Hội còn phối hợp với các địa phương tổ chức hàng năm Liên hoan ảnh nghệ thuật 6 khu vực trong cả nước, bảo trợ các cuộc triển lãm ảnh của địa phương, nhóm, cá nhân. Nhờ vậy nhiều nhà nhiếp ảnh trẻ, có tri thức hội đủ điều kiện gia nhập Hội. Số lượng hội viên nhiệm kỳ này tăng nhanh. Cho đến cuối nhiệm kỳ đã có 477 hội viên. Hội NSNAVN đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng nhất. Ngoài ra còn có :
·5 nghệ sĩ được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh: Võ An Ninh, Vũ Năng An, Nguyễn Bá Khoản, Lâm Hồng Long và Đinh Đăng Định.
·2 nghệ sĩ được tặng giải thưởng Nhà nước: Triệu Đại, Nguyễn Đình Ưu
·3 Huân chương Độc lập, 13 Huân chương Lao động các loại.
Tổng hợp thành tích nhiệm kỳ IV, Hội NSNAVN đã đạt:
·9 Huy chương Vàng, 15 Bạc, 21 Đồng cấp quốc gia
·8 Huy chương Vàng, 7 Bạc, 7 Đồng và 10 Bằng Danh dự tại các cuộc triển lãm quốc tế do FIAP bảo trợ.
·99 giải ACCU trong đó có 5 giải thưởng lớn, 3 giải đặc biệt.
·131 giải thưởng xuất sắc hàng năm, gồm 16 A, 44 B, 71 C
·Tước hiệu FIAP: 19 E.FIAP ; 41 A.FIAP ; 4 E.S FIAP
Từ nhiệm kỳ này, Hội NSNAVN đã bắt đầu tặng Huy chương vì sự nghiệp phát triển nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam và phong tặng các tước hiệu, danh hiệu VAPA cho các hội viên đạt các cấp độ khác nhau.
Đại hội đại biểu lần thứ V Hội NSNAVN được tiến hành trong các ngày 12 đến 14 tháng 12 năm 1999 tại Hà Nội. Có 297 đại biểu tham dự thuộc 51 tỉnh, thành trong cả nước, trong đó Hà Nội 95 đại biểu, Thành phố Hồ Chí Minh 83 đại biểu, có 9 đại biểu nữ, 3 đại biểu dân tộc thiểu số.
Đây là Đại hội được tiến hành theo tinh thần “Đoàn kết, dân chủ, trách nhiệm và sáng tạo”, mở đầu thế kỷ 21 của giới nhiếp ảnh Việt Nam. Đại hội đã bầu một Ban chấp hành mới 11 người do ông Lê Phức làm Tổng thư ký, các ông Chu Chí Thành, Nguyễn Đặng làm phó tổng thư ký, 2 uỷ viên thư ký là ông Lâm Tấn Tài và Vũ Huyến cùng 6 uỷ viên BCH là Đào Hoa Nữ, Lê Cường, Vũ Đạt, Trương Hoàng Thêm, Nguyễn Hữu Thành, Minh Nhật. Ban chấp hành đã bầu ra Ban kiểm tra và Hội đồng nghệ thuật.
Hội đồng Nghệ thuật gồm các ông, bà: Chu Chí Thành (Chủ tịch), Nguyễn Đặng (Phó chủ tịch), Vũ Huyến, Hoàng Kim Đáng, Đào Hoa Nữ, Mạnh Sinh, Vũ Đức Tân (Uỷ viên).
Ban Kiểm tra:Vũ Đạt (Trưởng ban), Từ Lương Vân (Phó trưởng ban), Đỗ Nhuận, Nguyễn Dần, Nguyễn Đức Chỉnh, Tô Hoàng Vũ, Hữu Thành (Uỷ viên).
Từ 71 hội viên ban đầu (1965) đến năm 2002, Hội NSNAVN đã có 561 hội viên gồm 3 thế hệ : Thế hệ thuộc thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chông Mỹ, thế hệ sau ngày thông nhất đất nước và thế hệ trẻ ngày nay đang là lực lượng nòng cốt trong phong trào sáng tác ảnh cả nước trong thời hoà bình xây dựng và đổi mới đất nước. Cho đến nay, Hội đã tổ chức được 21 triển lãm ảnh nghệ thuật toàn quốc theo định kỳ 2 năm một lần và tham dự hàng trăm triển lãm quốc tế, ngành, khu vực, địa phương, cá nhân và nhóm, góp phần làm phong phú đời sống văn hoá văn nghệ của đất nước.
Theo nhận xét của các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các Hội nghệ thuật chuyên ngành: Nghệ thuật Nhiếp ảnh Việt Nam đã tự khẳng định vai trò, vị trí xã hội của mình. Hội NSNAVN cũng đã có vai trò tích cực trong hoạt động nhiếp ảnh quốc tế, đặc biệt là trong Liên đoàn nghệ thuật nhiếp ảnh quốc tế (FIAP). Ngoài lòng đam mê sáng tác, yêu nhiếp ảnh của đông đảo hội viên, Hội NSNAVN còn quy tụ được hàng ngàn nhà nhiếp ảnh trong cả nước. Hội còn là hạt nhân trong phong trào nhiếp ảnh với sự hợp tác của các Hội Văn nghệ địa phương, Hội nhiếp ảnh, Phân hội nhiếp ảnh và các Câu lạc bộ nhiếp ảnh thuộc nhiều tỉnh, thành phố, cơ quan đơn vị trong cả nước.
Nhờ các hoạt động đồng bộ : Sáng tác, triển lãm, lý luận phê bình xuất bản, đối ngoại, giao lưu văn hoá ảnh, Hội NSNAVN ngày một trưởng thành và phát triển, có uy tín trong quần chúng. Với Tạp chí Nhiếp ảnh và Thế giới ảnh, cơ quan ngôn luận của Hội, các hoạt động nhiếp ảnh nghệ thuật đã đến với đông đảo những người yêu ảnh.
Đại hội đại biểu lần thứ VI Hội NSNAVN diễn ra từ ngày 13 đến ngày 15 tháng 3 năm 2005 tại Hội trường Ba Đình, Hà Nội. 363 đại biểu chính thức thay mặt cho gần 700 hội viên trong cả nước đã đến dự. Đại hội đã thảo luận và thông qua báo cáo công tác nhiệm kỳ V và phương hướng công tác nhiệm kỳ VI, Điều lệ của Hội, và đã bầu ra Ban chấp hành mới với sự đông thuận cao, danh sách như sau:
Ông Chu Chí Thành (Chủ tịch Hội), ông Nguyễn Đặng, Vũ Huyến (Phó chủ tịch).
Ban Thường vụ gồm: Các ông Chu Chí Thành, Nguyễn Đặng, Vũ Huyến, Vũ Văn Cảnh, Vũ Đức Tân.
Các Ủy viên Ban chấp hành gồm: các ông Hồ Xuân Bổn, Vũ Nhật, Lương Phú Hữu, Đồng Đức Thành, Trương Hoàng Thêm và bà Trần Thị Trúc Viên.
Tại Hội nghị lần thứ 2 khóa VI (tháng 5 năm 2005), Ban Chấp hành đã bầu Hội đồng Nghệ thuật gồm 7 người do ông Vũ Huyến làm Chủ tịch, bầu Ban Kiểm tra 5 người do bà Trần thị Trúc Viên làm Trưởng ban.
Đại hội đại biểu lần thứ VII Hội NSNAVN (nhiệm kỳ 2010 - 2015) đã diễn ra tại Hà Nội, từ ngày 22 đến 24/12/2009. Về dự Đại hội có 443 đại biểu trong tổng số 517 đại biểu chính thức trên cả nước, trong đó đại biểu cao tuổi nhất là NSNA Văn Quang Đức, 94 tuổi (thuộc Chi hội NSNAVN tỉnh Hải Dương); đại biểu trẻ tuổi nhất là NSNA Đinh Mạnh Tài, 23 tuổi (thuộc Chi hội NSNAVN tỉnh Vĩnh Phúc).
Nhân dịp này, Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã tặng Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam bức trướng với dòng chữ “Đoàn kết - Dân chủ - Xây dựng - Sáng tạo”.
Đại hội đã thảo luận và thông qua báo cáo tổng kết hoạt động nhiệm kỳ 6 và phương hướng nhiệm vụ nhiệm kỳ 7, tập trung về các vấn đề thẩm định ảnh, lý luận phê bình, công tác Hội và hội viên... đồng thời biểu quyết thông qua những nội dung cơ bản trong Điều lệ sửa đổi của Hội NSNAVN.
Đại hội đã bầu được 10 đại biểu với số phiếu tín nhiệm cao nhất vào Ban chấp hành Hội NSNAVN nhiệm kỳ 7, gồm (xếp theo vần A, B, C):
Ông Vũ Văn Cảnh (Hà Nội); ông Đào Tiến Đạt (Bình Định); ông Vũ Quốc Khánh (Hà Nội); bà Đào Hoa Nữ (TP HCM); ông Lê Hồng Linh (TP HCM); ông Lý Hoàng Long (Lâm Đồng); ông Lê Xuân Thăng (TP HCM); ông Trương Hoàng Thêm (Cà Mau); ông Phạm Văn Tý (TT - Huế); ông Hoàng Thạch Vân (TP HCM).