Theo truyền thuyết, lễ hội này có từ thế kỷ II trước Công nguyên, khi nhà Hán xâm lược nước Nam Việt của con cháu Triệu Đà, triều đình nhà Triệu tan rã, thừa tướng nước Nam Việt là Lữ Gia lui quân về vùng núi Hải Lựu, sông Lô, Vĩnh Phúc để tổ chức đánh giặc. Sau mỗi trận thắng Lữ Gia lại cho tổ chức chọi trâu để động viên quân sĩ, trâu sau khi chọi được giết để khao quân. Sau khi Lữ Gia mất, dân làng Hải Lựu thờ làm thành hoàng làng và lễ hội chọi trâu cũng cũng được duy trì để tiếp nối truyền thống anh hùng.
Lễ hội này được mở hàng năm vào ngày 16-17 tháng giêng và ước tính lượng du khách trong hai ngày lễ hội lên đến hàng vạn người, nhân dân trong vùng này vẫn còn lưu truyền câu ca:
Dù ai đi đâu, ở đâu
Tháng giêng mười bảy chọi trâu thì về
Dù ai buôn bán trăm nghề
Tháng giêng mười bảy nhớ về chọi trâu
Thường thì lễ hội chọi trâu được diễn ra ba vòng. Những chú trâu được rèn luyện kĩ lưỡng, béo tốt và tràn đầy sinh lực trước khi bước vào thi đấu. Tiếng chiêng trống, tiếng hò hét bên ngoài làm tăng thêm khí thế chiến đấu của những chú trâu đầy hiếu chiến. Những thế tấn công của cặp trâu thi đấu sôi nổi, hấp dẫn và nhận được rất nhiều sự cổ vũ của mọi người.
Đây là một trong những lễ hội văn hóa dân gian đậm đà bản sắc dân tộc, bởi nó biểu trưng cho tính cộng đồng và đặc biệt hơn gợi nhớ về cội nguồn cũng như giáo dục tình yêu quê hương sâu sắc. Hàng vạn khán giả đến với Lễ hội chọi trâu Hải Lựu, để không chỉ được chứng kiến những pha đấu nảy lửa, mà còn mang về một chút sinh khí khỏe mạnh, chút tinh thần thượng võ đầu năm mới.
Nếu ai đã từng đến Lễ hội chọi trâu Hải Lựu một lần, hòa chung niềm vui đầu năm với những người dân nơi đây, cùng sống trong không khí sôi động này thì hẳn sẽ nhớ mãi một lễ hội đặc sắc mang đậm nét truyền thống dân tộc.
Vũ Hải