Công trình gồm 2 khối nhà cao 16 tầng và 1 tầng hầm, nối liền nhau từ tầng khối đế và tầng trên cùng. Bên trong có nhiều chức năng khác nhau, nhưng tất cả đều được thiết kế, bài trí nội thất trong những không gian rất hiện đại, sang trọng, cùng với những tiện ích cao nhất dành cho người sử dụng. Ngoài chức năng chính là “Thư viện tham khảo” và “Thư viện công cộng”, còn có các chức năng phục vụ khác, như: Khu kịch nghệ, văn phòng, sinh hoạt cộng đồng, dịch vụ ăn uống nhẹ…
Tôi tham quan đủ các tầng và dừng lại rất lâu ở khu vực “Thư viện tham khảo” (từ tầng 7 đến 13) dành cho bạn đọc có thẻ mượn sách quý hiếm để ngồi xem hoặc ghi chép tại chỗ (gồm các sách, tài liệu về nhiều thể loại của Singapore, Châu Á và Thế giới). Tại tầng 7, tôi ấn tượng với không gian trưng bày về báo chí, nổi bật qua 2 chủ đề “Bên ngoài các tiêu đề” và “Đằng sau mỗi câu chuyện”. Tôi xem và thích nhất 2 tấm ảnh, không chỉ về giá trị nghệ thuật của ảnh mà chính là nội dung chú giải có chủ đích qua từng bức ảnh.
Tấm ảnh thứ nhất là tấm ảnh đen trắng có tựa đề “Em bé Napalm” do phóng viên ảnh người Việt là Nick Út chụp ngày 08/6/1972. Nhân vật trung tâm là một bé gái 9 tuổi, đang gào thét và chạy hoảng loạn cùng nhóm bạn trẻ để tránh bom đạn; nhưng da thịt và áo quần của em bị đốt cháy bởi 4 quả bom napalm vừa thả xuống tại một làng ở Trảng Bàng (thuộc tỉnh Tây Ninh – Việt Nam).
Cô gái trong ảnh, sau này được biết đến là Phan Thị Kim Phúc, Đại sứ Thiện Chí của UNESCO, với biệt danh là “Cô gái Napalm”. Nội dung chú thích về tấm ảnh (tóm tắt) như sau: Bức ảnh này sau khi được công bố lần đầu tiên đã gây chấn động dư luận Mỹ, tạo nên làn sóng phản đối kịch liệt của công chúng Mỹ về sự khủng khiếp của chiến tranh và cái giá phải trả của nó đối với những sinh mạng vô tội… Mọi người tin vào sự thật của bức ảnh, nhưng chỉ có Richard Nixon – Tổng thống Hoa Kỳ (lúc bấy giờ), đưa ra ý kiến nổi tiếng, cho rằng “Bức ảnh này là đồ giả!”...
Tấm ảnh thứ hai do phóng viên người Ý là Ruben Salvadori chụp tại quận Sinwan (phía Đông Jerusalem – Israel). Tại nơi trưng bày, Ban Tổ chức in tấm ảnh trên bề mặt của các tấm gỗ, được ghép lại với nhau và có thể xếp lật theo 2 chiều (giống cửa lá sách kính thường thấy tại Việt Nam); nhưng khi người xem lật theo chiều trái và phải, lại thấy 2 tấm ảnh đen trắng, được cắt cúp và đặt cạnh tấm ảnh nguyên gốc để tiện đối chiếu, dẫn đến 2 ý nghĩ theo chủ đề trái ngược nhau, kèm phần chú thích bất ngờ.
Với 2 bức ảnh trên, chú thích của Itsuo Inouye (Hãng Thông tấn AP) có tiêu đề “Tuỳ thuộc vào cách bạn nhìn nó”, với nội dung (dịch nguyên văn) như sau: Bức ảnh màu ở đây mô tả hai Thuỷ quân lục chiến Hoa Kỳ đang tiếp nước cho một người lính Iraq trong cuộc xâm lược Iraq do Hoa Kỳ lãnh đạo vào tháng 3 năm 2003. Những hình ảnh đơn sắc minh họa việc bóp méo thực tế của một sự kiện dễ dàng như thế nào. Những hình ảnh bị cắt có thể truyền tải rằng: Thuỷ quân lục chiến Hoa Kỳ đang giúp đỡ hoặc làm tổn thương người lính Iraq.
Nhưng sự thật của bức ảnh màu (ảnh gốc), mô tả 2 người lính Israel đang tiếp nước cho một tù binh người Palestin, để minh hoạ cho loạt tin, bài về sự xung đột giữa quân đội Israel và người Palestin vào năm 2011.
Trong phần chú thích ảnh với tiêu đề “Nhiều hơn những gì bắt gặp qua ánh mắt”, có nội dung (tóm tắt) như sau: Khi cùng một khung cảnh, được nhìn từ góc độ khác, nhận thức của người xem thay đổi hoàn toàn…
Ruben Salvadori đã sử dụng cả 2 bức ảnh đen trắng (được cắt cúp và chuyển sắc độ từ file ảnh gốc) nhưng có chủ đề đối nghịch nhau: Một ảnh mang tính nhân văn (tiếp nước cho tù binh) và một ảnh mang tính thù hận (chĩa súng vào đầu đối phương) nhằm nói lên “Sự thách thức, kỳ vọng chung về tính khách quan trong báo chí”; và để chứng minh rằng: Thực tế có nhiều mặt, nhiều cách để diễn giải và đưa tin về một sự kiện (chú thích của tác giả ảnh).
Sự thật và góc nhìn
Nhiếp ảnh được xem là một bộ môn của “nghệ thuật thị giác” và sản phẩm của nó phải là những tấm ảnh, dù được in ra trên giấy hay lưu giữ bằng các file ảnh. Tác giả của ảnh đương nhiên là người chụp ra nó (Nghệ sĩ nhiếp ảnh hay Nhà báo, Phóng viên ảnh); nhưng chuyển tải ảnh trên các trang báo, tạp chí, kể cả trên các trang mạng xã hội hiện nay, có sự đóng góp của những người biên tập, chọn ảnh (admin), để phù hợp với tiêu chí hoạt động, nội dung và chủ đề mong muốn. Vì vậy, cùng một tấm ảnh nhưng tùy vào quan điểm của người chụp, người làm báo, vào những thời gian và mục đích khác nhau, có thể dẫn đến cho người xem ảnh, hay bạn đọc, những ý nghĩa và cả cảm xúc khác nhau thông qua một bức ảnh được đăng tải.
Ngày nay, với sự tiến bộ của công nghệ số 4.0 và các phần mềm “Trí tuệ nhân tạo” (A.I.) càng đòi hỏi những người chụp ảnh và truyền tải ảnh – nhất là ảnh đăng trên các phương tiện truyền thông số – sự cẩn trọng trước hết là xác định góc nhìn của mỗi người, qua đó có sự phân tích, nhìn nhận đâu là sự thật mang tính chuẩn mực trong các “tin giả - ảnh thật” và “ảnh thật - tin giả”; từ đó thể hiện thái độ công dân của mình trước xu thế hội nhập và phát triển trong cùng một “Thế giới phẳng”. Câu chuyện về “Sự thật và góc nhìn” đối với ảnh báo chí mà tôi thu nhận được, xin chia sẻ với bạn đọc và đồng nghiệp để cùng tham khảo.
Trần Đức Lộc
(Chi hội NSNAVN Lâm Đồng 1)