Có lẽ sẽ không có từ ngữ nào diễn tả hết vẻ đẹp trong nghi lễ cấp sắc 12 đèn của người Dao đỏ tại Lào Cai. Nếu muốn dùng một từ để miêu tả về nghi lễ quan trọng bậc nhất này thì hãy nhìn nó qua lăng kính “tâm”, cái tâm xuất phát từ “tâm linh” trong các nghi lễ và cũng xuất phát từ sự “thành tâm” trong khao khát chứng minh sự trưởng thành của những người đàn ông Dao đỏ trước trách nhiệm của bản thân với cộng đồng, dân tộc.

Mở đầu buổi lễ là nghi thức đón thầy về làm Lễ cấp sắc.
Các Thầy làm lễ tẩy uế cho các trò trước khi thực hiện các nghi lễ cấp sắc
Múa rùa ,múa chuông là các điệu múa được tiến hành suốt các ngày đêm diễn ra lễ cấp sắc

Trong dòng chảy của văn hóa Việt, người Dao là cộng đồng có những nét văn hóa vô cùng độc đáo, họ luôn giữ cho mình một bản sắc văn hoá dân tộc rất riêng, một chất văn hóa thuần túy mà không bị lai tạo, hay pha trộn bởi bất cứ yếu tố nào.

Lễ cấp sắc của người Dao có nhiều cấp độ, bậc đầu tiên là cấp sắc 3 đèn và cuối cùng là cấp sắc 12 đèn, ở mỗi cấp bậc đều mang một ý nghĩa văn hóa và phản ánh trình độ nhất định. Lễ cấp sắc 12 đèn là sự kiện trọng đại bậc nhất, quan trọng nhất và cũng là cấp bậc cao nhất trong văn hóa tín ngưỡng của người Dao đỏ.

Đối với người Dao, thầy cúng là nhân vật có tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống văn hóa tâm linh và nhận được sự kính trọng lớn trong cộng đồng. Thầy được xem là hiện thân của thần linh và tham gia vào những nghi lễ quan trọng của đồng bào người Dao như: lễ cưới, lễ làm chay, lễ cấp sắc,...

Lễ cấp sắc 12 đèn của người Dao đỏ là cột mốc đánh dấu sự trưởng thành của mỗi một người đàn ông nơi đây. Người được cấp sắc ngoài được coi là người trưởng thành, còn được tham gia vào các công việc quan trọng của làng. Theo quan niệm của người Dao, những người đàn ông, ngay cả người già nếu chưa trải qua lễ cấp sắc thì không được coi là người trưởng thành vì họ chưa được thầy cấp sắc, chưa được cấp đạo sắc, chưa có tên âm…

Người Dao tâm niệm lễ cấp sắc là nghi lễ quan trọng và nhất định phải được thực hiện trong cuộc đời của họ, đặc biệt là với nam giới. Họ cho rằng chỉ có người được cấp sắc mới có đủ tâm, đức để phân biệt phải trái, mới được công nhận là con cháu của Bàn Vương. Hàng năm, người Dao sẽ chọn ra ngày tốt để tổ chức lễ cấp sắc, cũng như số người phù hợp tham gia. Với lễ cấp sắc 12 đèn, sẽ có 12 thầy chính và các thầy phụ, các thầy cúng đóng vai trò người đứng ra chủ trì buổi lễ, người tham gia lễ cấp sắc được gọi là trò. Không phải đơn giản mà có thể tham gia vào lễ cấp sắc 12 đèn, những người được chọn tham gia phải thông thạo những nghi thức, thủ tục, trình tự hành lễ và các bài cúng được ghi chép trong sách cổ Nôm Dao. Để có thể đạt được điều này, người tham gia lễ phải trải qua một hành trình dài, không ngừng học tập và trao dồi bản thân.

picture5.jpg
Các thầy làm lễ dẫn đưa các trò “đi âm”, trở về gặp ông bà tổ tiên. Đây là nghi thức quan trọng nhất trong lễ cấp sắc.

Đối với người Dao, sau khi được cấp sắc họ không chỉ trưởng thành về thể chất và trở thành một mảnh ghép quan trọng trong cộng đồng, nhận được sự tôn kính, mà còn trở nên vững vàng về mặt tâm linh.

Mà chính nghi thức này giúp họ biết sống hướng về cội nguồn, sống theo đạo lý, biết sống vì cộng đồng. Người được cấp sắc sẽ trở thành thầy cúng cao cấp, có đủ khả năng chủ trì các nghi lễ quan trọng cho bản làng.

Thầy cả đóng ấn cho các trò đã hoàn thành tất cả các nghi lễ cấp sắc 12 đèn. Trang phục của các thầy cúng có nét tương đồng với trò và mang đậm nét văn hóa tín ngưỡng của dân tộc Dao.
Lễ phát giấy chứng nhận kết hôn, đánh dấu sự trưởng thành của các cặp đôi tham gia lễ cấp sắc

Lễ cấp sắc 12 đèn không chỉ là nét đẹp văn hóa độc nhất của dân tộc Dao mà còn thể hiện sự tự hào của họ trong thực hiện nghi lễ văn hóa truyền thống. Sở dĩ, lễ cấp sắc được người Dao nói riêng cũng như cộng đồng dân tộc Việt nói chung đề cao vì nghi lễ này thể hiện được giá trị nhân văn tốt đẹp, thể hiện đạo lý của dân tộc.
Người thụ lễ tuyệt đối kỵ làm việc ác, điều xấu, sau lễ cấp sắc họ trở thành những người có trách nhiệm, biết khát vọng vươn lên để ngày càng phát triển bản thân, cống hiến cho cộng đồng. Đặc biệt, những người đàn ông Dao đỏ bước qua cánh cửa chứng minh họ trưởng thành, đủ tư cách đứng ra gánh vác công việc trước dòng tộc, cộng đồng.

picture10.jpg
Lễ bế đàn, lễ cúng Bàn Vương được diễn ra vào ngày cuối của lễ cấp sắc, trong lễ này cả người thụ lễ và người dự lễ đều được nghe truyền thuyết, nguồn gốc dân tộc mình.

Lễ cấp sắc của người Dao đỏ không những là di sản văn hóa đại diện của nhân loại mà còn góp phần gìn giữ, duy trì, phát huy những nét đẹp văn hóa của cộng đồng dân tộc Việt Nam. 


Bài: Hiếu Hiền

Ảnh: Kiều Anh Dũng

Thiết kế: Khánh Linh

Nổi bật Tạp chí Nhiếp ảnh & Đời sống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO