Lấy, ghép tạng từ người cho chết não - Bước tiến vượt bậc của Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An

Ngô Doanh|15:47 07/12/2023

(NADS) - Hai bệnh nhân bị suy thận giai đoạn cuối vừa được hồi sinh sau khi các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An tiến hành ghép thận thành công cho họ từ một người cho chết não. Đây là bước đột phá rất lớn, khẳng định vai trò vị thế của bệnh viện trong việc hướng tới bệnh viện hạng đặc biệt.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Hoa, Giám đốc Sở Y tế Nghệ An tặng hoa chúc mừng lãnh đạo Bệnh viện HNĐK Nghệ An và Bệnh viện Trung ương Huế sau khi thực hiện thành công 2 ca ghép

Ngày 7/9, là 1 ngày đặc biệt đối với tập thể Ban Giám đốc, 6 ê kíp với 200 nhân viên y tế của Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa (HNĐK) Nghệ An, khi lần đầu tiên cùng lúc thực hiện nhận nguồn tạng từ người cho chết não để ghép cho hai bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối.

Các bác sĩ tiến hành lấy gan, giác mạc, van tim, mạch máu... từ người cho chết não chuyển về Hà Nội để tiến hành ghép cho người bệnh. Ảnh: Từ Thành

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Văn Hương - Giám đốc Bệnh viện HNĐK Nghệ An kiêm Chủ tịch Hội đồng điều phối ghép tạng của bệnh viện cho biết, bệnh nhân chết não là một thanh niên 18 tuổi ở Thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An. Từ tâm nguyện của người thân nam thanh niên về việc tình nguyện hiến tạng của con, em mình để cứu sống những bệnh nhân khác, bệnh viện đã cùng gia đình làm các thủ tục hiến tạng.

"Sau khi nhận được đơn hiến tạng của thân nhân người chết não, ngay lập tức, Bệnh viện đã liên hệ với Trung tâm Điều phối Ghép tạng quốc gia và các Trung tâm ghép tạng trong toàn quốc" - Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Văn Hương chia sẻ và cho biết, đây là trường hợp hiến tạng sau khi chết não đầu tiên tại Nghệ An.


Các bác sĩ tiến hành lấy gan, giác mạc, van tim, mạch máu... từ người cho chết não chuyển về Hà Nội để tiến hành ghép cho người bệnh. Ảnh: Từ Thành

Theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Văn Hương, từ năm 2019 đến nay, Bệnh viện HNĐK Nghệ An đã thực hiện nhiều ca ghép tạng nhưng với nguồn tạng hiến từ người đang còn sống. Và lần này là trường hợp chết não thực hiện hiến tạng. "Nghĩa cử cao đẹp này của gia đình người hiến tạng là rất đáng trân trọng. Qua đây, chúng tôi hy vọng sẽ góp phần thay đổi quan điểm về hiến tạng sau khi chết để những bệnh nhân suy tạng có thể được cứu sống nhiều hơn nữa"- Phó Giáo sư Hương nhìn nhận.

Sau khi nhận được đề nghị của Bệnh viện HNĐK Nghệ An, GS. Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế đã cử ê kíp gồm 12 chuyên gia và bác sĩ phẫu thuật chuyên ngành ghép tạng, đưa bệnh nhân bị suy thận giai đoạn cuối về Nghệ An, phối hợp với các bác sĩ Bệnh viện HNĐK Nghệ An thực hiện lấy thận từ người hiến tạng chết não để ghép cho bệnh nhân này.

Tiến sĩ - Bác sĩ Hồ Văn Linh, Phó Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp - Bệnh viện Trung ương Huế, chia sẻ: "Ngay sau khi nhận được chỉ đạo từ Giáo sư - Tiến sĩ Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, ê kíp đã chuẩn bị sẵn sàng tất cả nhân lực, vật lực và vận chuyển bệnh nhân nhanh nhất tới Bệnh viện HNĐK Nghệ An để thực hiện ca ghép tạng.

Đây là lần đầu tiên Bệnh viện Trung ương Huế thực hiện việc đưa bệnh nhân đến Bệnh viện HNĐK Nghệ An để ghép tạng. Hy vọng trong thời gian tới sẽ thực hiện được nhiều hơn các ca ghép tạng từ người cho chết não".

Các bác sĩ dành một phút mặc niệm trước nghĩa cử cao đẹp của người hiến tạng. Ảnh: Từ Thành

Đúng 15 giờ 30 phút ngày 07/9, các bác sĩ của Bệnh viện HNĐK Nghệ An, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Trung ương Huế đã tiến hành lấy đa tạng gồm Gan, thận, giác mạc, van tim, mạch máu... từ người cho chết não, đồng thời triển khai ghép thận cho 2 bệnh nhân bị suy thận giai đoạn cuối ở Huế và Bình Định. Các bộ phận tạng hiến còn lại đã được bệnh viện chuyển ngay ra Hà Nội trong cùng ngày để triển khai ghép cho các bệnh nhân khác.

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Văn Hương cho biết, để thực hiện hai ca ghép tạng từ người cho chết não, Bệnh viện HNĐK Nghệ An đã huy động 6 ê kíp y bác sĩ tham gia với tổng nhân lực khoảng gần 200 người. "Dưới sự hỗ trợ về nhân lực, vật tư y tế của Bệnh viện Trung Ương Huế và sự phối hợp của Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện HNĐK Nghệ An đã thực hiện thành công nhiều ca ghép tạng từ đối tượng cho là người sống.

Riêng đối với lấy, ghép tạng từ người cho chết não thì đây là lần đầu tiên bệnh viện thực hiện. Và sau 5 tiếng ghép, hai bệnh nhân nhận thận từ người cho chết não đã ổn định sức khỏe, các chỉ số sinh tồn đang hồi phục dần lên"- Phó Giáo sư Hương báo tin vui.

Cũng theo Phó Giáo Sư - Tiến sĩ Nguyễn Văn Hương, hành trình ghép thận thành công từ người cho chết não với 2 bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, bị suy thận giai đoạn cuối này có ý nghĩa hết sức quan trọng, không chỉ khẳng định vai trò vị trí của bệnh viện là Trung tâm y tế kỹ thuật cao vùng Bắc Trung Bộ; mà còn giúp cho người dân trong khu vực có cơ hội ghép tạng mà không phải di chuyển xa, tiết kiệm thời gian và chi phí điều trị, đồng thời giảm tải cho tuyến trên.

Tái sinh những cuộc đời

Hai bệnh nhân được ghép thận lần này ở Thừa Thiên Huế và Bình Định đều có hoàn cảnh khó khăn, mưu sinh với công việc bấp bênh lại mang bên mình "án tử" là căn bệnh suy thận giai đoạn cuối. Thế nhưng, họ đã được hồi sinh sau khi người thân của bệnh nhân chết não trước đó đồng ý hiến tặng các bộ phận tạng của con em mình để cứu sống những bệnh nhân khác.

Với sinh mệnh như "đèn treo trước gió", những người nhận được tạng hiến sau ghép đều xúc động gửi lời cảm ơn tận đáy lòng tới người thanh niên 18 tuổi - người đã sinh ra họ lần thứ 2 và cho họ một cuộc sống mới...

Bác sĩ kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân sau ghép thận. Ảnh: Từ Thành

Anh Nguyễn Đức Quân – Xã Cát Thành, huyện Vũ Cát, tỉnh Bình Định, xúc động cho biết: " Nhà tôi nghèo, không có tiền để ghép thận với lại nguồn thận hiến để ghép rất ít, trong khi đó bệnh tình ngày càng nặng lên, nên khi nghe tin có người hiến thận cho mình, tôi rất phấn khởi vì hy vọng sức khỏe mình có thể trở lại như người bình thường, các triệu chứng của bệnh sẽ thuyên giảm hoặc không còn nữa. Tôi thật may mắn… cảm ơn người hiến và các y bác sĩ rất nhiều".

Kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân Nguyễn Đức Quân – Xã Cát Thành, huyện Vũ Cát, tỉnh Bình Định trước khi ghép thận. Ảnh: Từ Thành

Cùng cảnh ngộ, anh Lưu Tuấn Thành - ở TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế chia sẻ "Hiện tại, tôi bị suy thận giai đoạn cuối nên sức khỏe không ổn định, sau khi nghe thông tin có người hiến tạng ở Nghệ An, tôi đã được theo đoàn bác sĩ từ Huế ra đây. Tôi rất vui mừng khi được chọn là người được ghép tạng lần này, tôi xin cảm ơn gia đình bệnh nhân hiến tạng và các bác sĩ quan tâm hỗ trợ…", anh Thành xúc động.

Bác sĩ Bệnh viện HNĐK Nghệ An kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân Lưu Tuấn Thành - ở TP. Huế, tỉnh Thừa thiên Huế trước lúc ghép thận. Ảnh: Từ Thành

Đây không phải là lần đầu tiên anh Thành may mắn được ghép thận, 10 năm trước anh cũng nhận được thận để ghép nhưng đến nay quả thận đã không còn đủ khỏe như trước. May mắn thay, lần này cơ hội lại "gõ cửa" anh Thành. "Mặc dù chưa biết mặt của người hiến tạng nhưng tôi biết ơn anh ấy đã hiến tặng một phần cơ thể cho mình, cảm ơn anh và gia đình đã hiến phần cơ thể cho tôi. Anh ấy như cứu sống tôi thêm một lần nữa"- anh Lưu Tuấn Thành xúc động.

Tiến sĩ - Bác sĩ Ninh Việt Khải - Phó Giám đốc Trung tâm ghép tạng, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, cho biết Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức là bệnh viện chuyên khoa hạng đặc biệt, với vai trò đó, trong những năm qua bệnh viện đã hỗ trợ, chuyển giao chuyên môn, kỹ thuật cho các bệnh viện tuyến tỉnh. Từ năm 2019, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức chúng tôi đã hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật ghép tạng cho Bệnh viện HNĐK Nghệ An, đến nay bệnh viện đã thực hiện thành công rất nhiều ca ghép thận.

"Trước đây chúng tôi thực hiện ghép tạng từ người hiến tạng còn sống, đây là trường hợp đầu tiên 2 bệnh viện triển khai phối hợp với Trung tâm điều phối Quốc gia thức hiện việc lấy, ghép tạng từ người hiến chết não. Bao gồm nhiều khâu từ chẩn đoán chết não rồi đến hồi sức chết não, và triển khai lấy đa tạng rồi ghép tạng từ một người chết não cho nhiều người bệnh có yêu cầu được ghép tạng…", Tiến sĩ, Bác sĩ Ninh Việt Khải chia sẻ.

Cũng theo Tiến sĩ Khải: "Bệnh viện HNĐK Nghệ An được chúng tôi đánh giá là một trong các bệnh viện đã thực hiện thành công nhiều ca bệnh khó, đòi hỏi phải có trình độ chuyên sâu. Đây cũng là bệnh viện được nhiều đơn vị bạn đánh giá là đơn vị mạnh, phát triển và triển khai nhiều kỹ thuật chuyên sâu tuyến Trung ương.

Để đáp ứng với nhu cầu phát triển, hướng tới Bệnh viện hạng đặc biệt, Bệnh viện HNĐK Nghệ An đã định hướng việc triển khai ghép tạng. Đến bây giờ Bệnh viện HNĐK Nghệ An đã thực hiện thành công ghép thận, hiện tại bệnh viện đang cử ê kíp bác sĩ học ghép gan tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, và bệnh viện sẽ triển khai ghép gan trong tương lai.

Có thể thấy việc triển khai lấy, ghép đa tạng từ người hiến chết não vừa qua, ngoài việc mang lại ý nghĩa nhân văn từ người hiến tạng và gia đình người hiến. Qua đó, cũng giúp cho người dân thấy được việc ghép tạng mang lại rất nhiều ý nghĩa, như giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên, ngoài ra còn giúp rất nhiều cho các bệnh nhân đang chờ ghép tạng có thêm cơ hội sống, đồng thời người bệnh được thuận lợi hơn trong quá trình có được nguồn tạng để thực hiện.

Từ trước đến nay, các bệnh viện thường thực hiện các ca ghép thận từ nguồn tạng người cho sống. Nguồn tạng có sự giới hạn, không nhiều bởi người cho là người thân trong gia đình, họ hàng và phụ thuộc vào tính tương thích, điều kiện kinh tế. Đó là trở ngại đối với nhiều gia đình không có điều kiện hoặc người hiến có bệnh lý, trong khi nhu cầu ghép thận hiện nay nhiều và có chiều hướng tăng. Nguồn tạng nói chung, và thận nói riêng từ người cho chết não là vô cùng quý báu. Điều này nên được duy trì và phổ biến trong văn hóa hiến tạng ở Việt Nam…" - Tiến sĩ Khải chia sẻ thêm.

Phó giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Văn Hương, Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng Điều phối Ghép tạng Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An, cho biết việc triển khai kỹ thuật chuyên sâu, nâng cao chất lượng khám, điều trị cho người bệnh, đặc biệt là lấy, ghép tạng cũng nằm trong chiến lược phát triển tỉnh Nghệ An mà Nghị quyết 26-NQ/TW của Bộ Chính Trị nay là Nghị quyết 39-NQ/TW của bộ Chính trị về “Xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Bệnh viện HNĐK Nghệ An là bệnh viện tuyến cuối của khu vực Bắc Trung Bộ, việc triển khai thành công lấy tạng từ người hiến chết não để ghép, cứu sống nhiều người bệnh là bước đột phá rất lớn, khẳng định vai trò vị thế của bệnh viện trong việc hướng tới bệnh viện hạng đặc biệt.

Theo Báo Sức khoẻ & Đời sống
Copy Link

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Nhiếp ảnh & Đời sống
Lấy, ghép tạng từ người cho chết não - Bước tiến vượt bậc của Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO