Ký sự ảnh

15:04 05/10/2020

NAĐSO - Đã có nhiều cuộc tranh luận về ký sự ảnh của các nhà nhiếp ảnh bậc thầy. Nhưng cũng chưa một ai đi sâu nghiên cứu, nhận thức thấu đáo thể loại ảnh báo chí này. Tuy vậy, cho đến nay mọi người đều thống nhất thừa nhận ký sự ảnh là một thể loại ảnh báo chí hiện đại mới ra đời gần đây.

Ký sự ảnh: Ngọn lửa vĩnh cửu (của Liên Xô cũ)

1.    2. 

3.    4. 

5.    6. 

7. 

1. Chiến sỹ Hồng Quân đứng gác.
2. Dòng người xếp hàng vào lăng viếng V.I. Lenin.
3. Ngọn lửa vĩnh cửu bên tường Điện Kremlin.
4. Người thương binh đồng đội của những người đã ngã xuống cho nền độc lập.
5. Đôi trai gái sinh ra sau chiến tranh, đến viếng mộ những người anh hùng.
6. Những người dân Xô Viết sinh ra trong chiến tranh đến viếng những anh hùng đã ngã xuống cho nhân dân Liên Xô và nhân loại.
7. Người mẹ và cháu bé đến viếng mộ người thân.

Phóng viên ảnh là người chứng kiến nhiều sự kiện lớn được mọi người quan tâm. Qua các sự kiện đó, họ có thể chụp ảnh đơn, ảnh tin, làm phóng sự ảnh, cũng có lúc chụp ảnh tường thuật… để thông tin cho công chúng. Họ gặt hái khá nhiều thành công. Nhưng để là một phóng viên ảnh đầy hưng phấn và sáng tạo, người đó luôn trăn trở, khi xem lại những tác phẩm của mình, rằng hình như có một cái gì đó còn thiếu trong những bức ảnh này? Hoặc có một cái gì đó rất quan trọng mà ống kính còn bỏ sót, chưa ghi lại được! Trong quá trình tác nghiệp, phóng viên ảnh nghiệm ra rằng nhà nhiếp ảnh đang bị chính những sự kiện che khuất, “cái thiếu” đó làm cho nó trở thành thứ yếu. Thấy sự kiện diễn ra dồn dập, nghiêm trọng, khiến phóng viên ảnh đánh mất cảm xúc, tác nghiệp theo bản năng nghề nghiệp! Vì thế, những bức ảnh báo chí họ chụp ra có cái gì đó vẫn còn công thức cứng nhắc, khuôn mẫu, được lặp đi lặp lại, trở nên nhàm chán. Từ đó họ nhận ra rằng trong khi thực thi nhiệm vụ, ngoài chức năng thông tin, người cầm máy phải đi sâu khai thác tâm lý nhân vật, bao gồm: Ý thức trách nhiệm, lòng say mê lao động, niềm phấn khởi tự hào mỗi lần công việc thành công sau sự miệt mài trăn trở, lao động cần mẫn quên mình. Đồng thời họ cũng nghiệm ra rằng: Không chỉ là sự kiện, mà cái chính là con người trong sự kiện đó mới là điều cuốn hút anh ta. Theo thói quen, phóng viên ảnh ghi nhanh sự kiện, nhưng giờ đây họ chuyển sang phản ánh sự kiện theo chiều sâu, dành thời gian cho phân tích, lý giải và đã thành công, được công chúng nồng nhiệt đón nhận. Nhà báo đi đến kết luận: Cần có một thể loại ảnh báo chí mang chất tâm lý, những suy nghĩ và những cảm nhận của người cầm máy mà vẫn mang lượng thông tin cần thiết. Đó chính là Ký sự ảnh.


KÝ SỰ ẢNH là một thể loại ảnh báo chí hiện đại, gồm những bức ảnh cùng thể hiện một đề tài, được gắn bó với nhau bằng một ý tưởng và có thể có bài viết đi kèm để minh hoạ thêm cho những chi tiết mà bản thân ảnh chưa thể hiện được.

KÝ SỰ ẢNH LÀ MỘT THỂ LOẠI ẢNH BÁO CHÍ MANG TÍNH KHÁI QUÁT CAO.

Ký sự ảnh là một thể loại ảnh báo chí hiện đại, gồm những bức ảnh cùng thể hiện một đề tài, được gắn bó với nhau bằng một ý tưởng và có thể có bài viết đi kèm để minh hoạ thêm cho những chi tiết mà bản thân ảnh chưa thể hiện được. Ký sự ảnh có nhiều loại khác nhau như ký sự ảnh chính luận, ký sự ảnh chân dung, ký sự ảnh du lịch… tuỳ theo đặc tính, cấu trúc của nó. Ví dụ ký sự ảnh chính luận, thì tính hiện thực, tính tư liệu của sự kiện bị đẩy xuống hàng thứ hai. Nghĩa là trong ký sự ảnh chính luận sự kiện được điển hình hoá, nhân tố chính là ấn tượng, ý nghĩ của tác giả đối với sự kiện đó.

Nhưng tất cả các ký sự ảnh đều có chung một đặc điểm rất khác biệt với các loại ảnh báo chí khác là tính khái quát, tính điển hình hoá sự kiện và biến nó thành hình tượng, khiến cho người xem liên tưởng phong phú. Hình tượng là một phần cấu tạo của sự phản ánh thực tế khách quan được thể hiện bằng hình ảnh sinh động thông qua tư duy, cảm xúc của tác giả.

Ký sự ảnh mang trong lòng tính ưu việt của sự thông tin trực tiếp được điển hình hoá trên cơ sở kinh nghiệm được tích luỹ qua quá trình tác nghiệp của nhà báo. Vì vậy, ký sự ảnh không đòi hỏi sự chứng minh thực tế để gây lòng tin mà nó tồn tại như một sự thật hiển nhiên.

Cần hiểu rằng hình tượng được khái quát điển hình trên cơ sở kinh nghiệm tích luỹ hoàn toàn khác với cảm thụ hình tượng trực tiếp mang tính chủ quan, đó là hình tượng ký sự (tức là hình tượng tư duy) được tổng hợp bởi những cảm thụ trong quá trình tích luỹ kinh nghiệm.

Đối với ký sự ảnh, sự kiện chỉ là cơ sở tư liệu của vật chất bức ảnh, phương tiện khởi đầu ảnh báo chí. Sự kiện trong ký sự ảnh mang tính chủ quan.

Ký sự ảnh là một thể loại ký bằng ảnh thiên về tự sự, thường là ghi chép các sự kiện hay kể lại một câu chuyện khi nó mới xảy ra. Ký sự ảnh có một cốt truyện hoàn chỉnh hoặc tương đối hoàn chỉnh. Ký sự ảnh còn mang yếu tố trữ tình và chính luận, đồng thời trong đó toát lên quan điểm của tác giả. Ký sự ảnh phản ánh con người, sự kiện, sự vật thông qua các thủ pháp nghệ thuật. Sức mạnh của nó chính ở các chi tiết. Việc chọn người, sự kiện điển hình thông qua các chi tiết có thật làm cho tác phẩm có sức truyền cảm mà không dùng các biện pháp điển hình hoá, nhân cách hoá của văn học. Trong ký sự ảnh, bố cục tuân theo logic của tình cảm, sự sáng tạo mà không tuân theo quy luật tư duy thực tế, được khái quát thông qua sự sáng tạo của nhà báo, mang đến cho người xem những suy ngẫm hướng tới tình cảm cao đẹp.

NHỮNG QUAN NIỆM KHÁC NHAU VỀ KÝ SỰ ẢNH.

Có người cho rằng ký sự ảnh là một thể loại của tạp chí, nên nó không được đăng tải trên các nhật báo, tuần báo… nhưng nếu ký sự ảnh đó đi kèm với bài viết thì có thể xuất hiện trên báo hàng ngày. Nếu ký sự ảnh đăng trên tạp chí thì không cần bài viết kèm theo. Một số nhà nhiếp ảnh khác đưa ra ý kiến: Ký sự ảnh liên quan đến kể chuyện về một con người cụ thể. Thường ký sự ảnh được dùng để thể hiện một nhân vật, tập thể nào đó trong những hoàn cảnh khác nhau. Theo quan niệm này thì có thể xây dựng một ký sự ảnh về một tổ sản xuất, về một thành phố, thậm chí về một đất nước. Để minh hoạ cho ý kiến của mình, số người này đưa ra một ví dụ: Là một ký sự ảnh về một đội thanh niên tình nguyện mùa hè xanh, mà thành viên của nó chỉ là sinh viên. Qua ví dụ trên cho thấy cơ sở của ký sự ảnh chân dung là câu chuyện về con người, về cuộc sống của họ. Nhưng không phải con người nào cũng có thể là đề tài để làm ký sự ảnh, mà chỉ là những con người nào mà số phận của họ thể hiện rõ nét nhất về thời đại, về hiện thực xã hội, về nhân cách, ý nghĩa của nó trong từng hoàn cảnh cụ thể là chất liệu cho ký sự ảnh.

Đối với ký sự ảnh về một nước, người ta đưa ra ví dụ: Ký sự ảnh về phong trào thể thao của đất nước Brazil - Nơi có nhiều cầu thủ bóng đá nổi tiếng hay về một trường đại học của một đất nước nào đó - Nơi mà các nhà khoa học phát minh một cái gì đó rất quan trọng đối với loài người.

Như trên đã trình bày, sự khác nhau giữa ký sự ảnh và các thể loại ảnh khác như ảnh tin, ảnh tường thuật, phóng sự ảnh… là tính không thời sự của nó. Nói khác đi, ký sự ảnh là một thể loại ảnh báo chí mà tính thời sự ở hàng thứ yếu. Ký sự ảnh có thể xảy ra trong một quá trình chuẩn bị lâu dài so với phóng sự ảnh, ảnh tường thuật, ảnh tin… Trong ký sự ảnh, thời sự chỉ là một sự hiện hữu cho tác giả cảm xúc, để từ đó đi sâu vào cái quá khứ và hướng tới cái tương lai. Chẳng hạn ký sự ảnh “Ngọn lửa vĩnh cửu” (của Liên Xô cũ), cái hiện hữu mà tác giả nhìn thấy là “ngọn lửa” đang cháy suốt ngày đêm liên tục (vĩnh cửu) và những cựu chiến binh, những người thân của những chiến sỹ đã hy sinh trong cuộc chiến vệ quốc đến dâng hoa... Qua đó, nhà báo cảm xúc nghĩ về những gì đã xảy ra trong quá khứ: Hơn 20 triệu người con Xô Viết đã ngã xuống trong cuộc Đại chiến Thế giới thứ hai, để giải phóng nhân loại khỏi hoạ phát xít và mở ra một chân trời mới hoà bình hữu nghị giữa các dân tộc.

NỘI DUNG VÀ HÌNH THỨC CỦA KÝ SỰ ẢNH.

Nội dung của ký sự ảnh là một tổng thể các nhân tố và quá trình hình thành hiện tượng và đối tượng phản ánh thực tế, xác định những mối quan hệ đặc điểm và khuynh hướng thông qua hình tượng nhất định. Qua nội dung ký sự ảnh khiến người xem có khả năng tưởng tượng bay bổng, tất nhiên không do tác giả hư cấu trong quá trình sáng tạo như ký sự văn học. Ký sự ảnh đi sâu vào yếu tố con người, thể hiện được gì con người đang phải cố gắng vượt lên để giải quyết các vấn đề xã hội của cuộc sống. Phóng viên ảnh phải tìm những hình ảnh để xây dựng được hình tượng nhằm thể hiện được linh hồn của chủ đề. Mỗi hình ảnh trong ký sự ảnh dù chụp người hay cảnh thì cũng phải góp phần làm rõ ý tưởng của tác giả nhằm chạm được đến trái tim người xem. Vì thế có những ký sự ảnh, người chụp phải thai nghén, suy ngẫm, tìm hiểu hàng năm trời mới thực hiện được. Ký sự ảnh được xây dựng nên từ những lát cắt của cuộc sống cả chi tiết lẫn tổng thể.

Hình thức của ký sự ảnh là phương pháp thể hiện nội dung của nó, là tổ chức bên trong và cách bố trí sắp xếp các bức ảnh của ký sự ảnh. Hình thức của ký sự ảnh cũng giống như các thể loại ảnh báo chí khác: Phóng sự ảnh, tường thuật…

ĐẶC ĐIỂM CHUNG CỦA KÝ SỰ ẢNH.

Ký sự ảnh phản ánh hiện thực thông qua vai trò của “cái tôi” tường thuật. Nhân chứng khách quan được phản ánh một cách khách quan với tất cả đối tượng nhận thông tin.

Việc xuất hiện “cái tôi” trong tường thuật là khâu nới lỏng các dữ kiện mở ra cho các thể loại ký sự ảnh làm cho hiện thực được phản ánh trở nên sinh động, phong phú và có hồn hơn so với hiện thực được thể hiện trong các thể loại ảnh khác như tường thuật, phóng sự… của ảnh báo chí.

Ký sự ảnh kết cấu chặt chẽ. Do đặc điểm kết cấu này, hiện thực trình bày trong tác phẩm ký sự ảnh được hiện lên với nhiều tình huống khác nhau, đan xen nhiều mảng của hiện thực với những màu sắc, nhịp điệu của sự kiện, con người vô cùng phong phú và đa dạng. Thủ pháp thể hiện trong ký sự ảnh giàu chất văn học, giúp cho nhà báo trình bày hiện thực một cách mềm mại, uyển chuyển, mang tính hình tượng, có sức thuyết phục cao. Ngôn ngữ trong ký sự ảnh mang tính tổng hợp của các loại phong cách ngôn ngữ khác nhau, trong đó vừa mang phong cách chính luận, vừa nghệ thuật, giàu hình ảnh, giàu tính ẩn dụ nên có sức biểu cảm lớn.

Với sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa ngôn ngữ báo chí và phong cách ngôn ngữ tạo hình nghệ thuật, các tác giả sáng tạo tác phẩm trình bày và thẩm định hiện thực có ưu thế hơn hẳn sự gò ép bởi lối đơn thuần thông tấn báo chí vốn được coi là đặc điểm của thể loại thông tấn của lối nghị luận chính trị - xã hội của thể loại phóng sự ảnh.

Trong ký sự ảnh thường dùng các phương pháp điển hình hoá, nhưng tuyệt đối không dùng phương pháp dàn dựng, bố trí, sắp xếp, diễn xuất… Con người, sự kiện trong ký sự ảnh không phải là sự tổng hợp các chi tiết nhiều hoàn cảnh khác nhau mà là sự lấp lánh của nó, sức hấp dẫn của nó xuất phát từ chính sự kiện, con người. Việc chọn con người, sự kiện, sự việc… điển hình thông qua chi tiết có thật làm cho tác phẩm ký sự ảnh trở nên sâu sắc hơn, mang tính giáo dục cao.

Giá trị nghệ thuật, giá trị hiện thực, giá trị biểu cảm và sức thu hút người xem to lớn như vậy, nhưng tiếc rằng, ở nước ta, ký sự ảnh hầu như chưa được nhiều người quan tâm.

Trần Mạnh Thường


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Nhiếp ảnh & Đời sống
Ký sự ảnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO