Tham dự lễ kỷ niệm có NSNA -NB Hồ Sỹ Minh - Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống; NSNA Nguyễn Văn Toản - Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh Hà Nội; NSNA Hà Hữu Đức - UV BCH Hội NSNAVN, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ và Triển lãm Ảnh nghệ thuật Việt Nam; NSNA Nguyễn Xuân Chính - UV BCH Hội NSNAVN, Phó ban Sáng tác & Triển lãm, Phó Chủ tịch Hội NANT Hà Nội, bà Mai Nga Phó chánh văn phòng phụ trách HNSNAVN, cùng đông đảo các NSNA, các nghệ nhân làng nghề, lãnh đạo huyện, xã...
Tại lễ kỷ niệm, thay mặt Ban Chủ nhiệm LNNA Lai Xá, ông Nguyễn Văn Thắng - Giám đốc Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá đã ôn lại truyền thống LNNA Lai Xá. Theo đó, năm 1869, Giải nguyên Đặng Huy Trứ (quê ở Thừa Thiên Huế) mở hiệu ảnh “Cảm Hiếu Đường” tại Hà Nội. Đây là hiệu ảnh đầu tiên không chỉ của Hà Nội mà còn trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Năm 1874 cụ Đặng Huy Trứ mất, và cũng chính năm này gia đình cụ Nguyễn Hữu Phong và Nguyễn Thị Tít ở làng Lai Xá (xã Kim Chung) đã sinh ra người con trai tên là Nguyễn Văn Xuân (hay còn gọi là Nguyễn Đình Khánh).
Với trí thông minh, nhanh nhẹn, chỉ hai năm sau (1892), khi vừa 18 tuổi là chàng thanh niên Nguyễn Đình Khánh đã lập hiệu ảnh riêng, lấy tên là Khánh Ký trên phố Hàng Da. Như các tư liệu ghi lại, năm 1909, cụ Khánh Ký đã mở thêm được một số hiệu ảnh khác ở Hà Nội và Nam Định. Không giấu bí quyết nhà nghề, cụ Khánh Ký đã truyền thụ những kiến thức học hỏi được cho những người làng Lai Xá.
Do đó, luôn có vài chục người trong mỗi cửa hàng của cụ Khánh Ký vừa học vừa làm. Từ đó, sản sinh ra một đội ngũ đông đảo những người thợ làm ảnh Lai Xá. Họ tỏa đi khắp nơi trong nước, thậm chí còn sang cả Lào, Campuchia, Myanmar, Trung Quốc mở hiệu ảnh. Vì thế, cụ Khánh Ký đã trở thành tổ nghề ảnh làng Lai Xá.
Sau khi mở rộng nhiều cơ sở kinh doanh trên các tỉnh thành, cụ Khánh Ký quyết định sang Pháp theo sự giúp đỡ của ông Dinilac để học thêm nghề ảnh. Năm 1910, cụ Khánh Ký đặt chân tới Paris. Từ năm 1911 đến 1915, cụ Khánh Ký đã mở được hai hiệu ảnh ở Pháp. Một hiệu ảnh ở TP Toulouse và tại Pari. Năm 1913, ông Raymond Poincarre đắc cử Tổng thống Pháp, trong số hàng trăm tay máy chụp khoảng khắc vị Tổng thống Pháp đăng quang có cụ Khánh Ký. Và bức ảnh của cụ Khánh Ký lại được đánh giá là đẹp nhất, được báo chí Pháp đăng tải đồng loạt. Vì vậy, cái tên Khánh Ký trở lên nổi tiếng...
Phát biểu tại buổi lễ, NSNA Hồ Sỹ Minh - Phó Chủ tịch Hội NSNAVN cho biết, Hội NSNAVN ghi nhận công lao của cụ Khánh Ký - cụ tổ nghề ảnh làng Lai Xá. Trong quá trình sự hình thành và phát triển của nhiếp ảnh Việt Nam, cụ Khánh Ký đóng góp một phần công lao to lớn vào việc phát triển và đào tạo đội ngũ nhiếp ảnh thời bấy giờ. NSNA Hồ Sỹ Minh cũng chia sẻ: "Làng Lai Xá đã và đang bảo tồn, phát triển nghề nhiếp ảnh truyền thống của cha ông để lại. Những kỷ vật, những bức ảnh và Bảo tàng Lai Xá sẽ là lời kể sinh động nhất cho thế sau những câu chuyện đáng tự hào và cả những thăng trầm làng nghề nhiếp ảnh truyền thống Lai Xá đã trải qua".
Tại buổi lễ, Hội NSNAVN đã tặng quà và sách "Hội NSNAVN - Những chặng đường phát triển" cho đại diện làng Lai Xá; đại diện Hiệp hội làng nghề Việt Nam cũng đã trao tặng bằng khen cho nhiều cá nhân có công trong việc duy trì và phát triển làng nhiếp ảnh Lai Xá.
Kết thúc buổi lễ, các đại biểu đã cắt băng khai mạc triển lãm ảnh "Làng nghề nhiếp ảnh Lai Xá - 130 năm hình thành và phát triển".
Tin: Minh Quang - Ảnh: Uyên Uyên