Hội thi Cồng chiêng, xoang các dân tộc thiểu TP Kon Tum

Bài và ảnh: Hoàng Đình Chiểu|14:32 06/10/2024

(NADS) Từ ngày 4 đến ngày 5 tháng 10, UBND TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum đã tổ chức Hội thi Cồng chiêng, múa xoang các dân tộc thiểu số lần thứ II, năm 2024. Tham dự hội thi có 17 đội đến từ các phường, xã với trên 600 nghệ nhân. Các tiết mục tiêu biểu như tái hiện các lễ cúng giọt nước, mừng nhà rông mới, cúng lúa mới, lễ hội lên nương, hát đối đáp làn điệu dân ca, trình diễn nhạc cụ dân tộc, chỉnh chiêng, trình diễn thời trang...

Hội thi Cồng chiêng, múa xoang các dân tộc thiểu số TP Kon Tum là sự kiện văn hóa quan trọng; nhằm tôn vinh, gìn giữ, bảo tồn và phất huy giá trị văn hóa đặc sắc của không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên – di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. đây là dịp để nhân dân các dân tộc thiểu số được giao lưu văn hóa, tăng thêm sự đoàn kết, hiểu biết, giúp đỡ lẫn nhau. Đồng thời là dịp để quảng bá hình ảnh con người, thiên nhiên, tiềm năng du lịch của TP Kon Tum đến với bạn bè, du khách, mở rộng cơ hội mời gọi đầu tư, quảng bá các sản phẩm đặc trưng, liên kết phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch của địa phương.

W_dsc_3840.jpg
Tiết mục mừng nhà rông mới của xã Ya Chim

Theo đánh giá của ban tổ chức, cuộc thi năm nay, các đội đã lựa chọn những tiết mục và trình diễn rất đặc sắc, các nghệ nhân đã khẳng định hoạt động bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống nói chung và không gian văn hóa cồng chiêng nói riêng tại các cộng đồng dân tộc thiểu số trên địa bàn luôn được quan tâm duy trì, bảo tồn và phát huy tốt. Các đội cồng chiêng, múa xoang đã mang đến cho hội thi không khí sôi động những kỷ năng trình diễn đánh cồng chiêng, múa xoang, các nhạc cụ dân tộc nhuần nhuyễn, thể hiện có ý thức nâng cao trong bảo tồn các lễ hội truyền thống của cộng đồng. Nết đặc sắc của hội thi lần này, bên cạnh các nghệ nhân lớn tuổi, còn có sự kế thừa của các nghệ nhân trẻ tuổi đã sử dụng thuần thục các nhạc cụ dân tộc. Kết thục hội thi, ban tổ chức đã trao 5 giải A, 5 giải B và 10 giải C cho các tiết mục xuất sắc. Về giải đồng đội có 3 giải A, 3 giải B, 3 giải C và 8 giải khuyến khích.

W_dsc_3750.jpg
W_dsc_3729.jpg
Phần thi đọc tấu đàn T'rưng của các nghệ nhân

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống, ông Phan Ngọc Định, phó chủ tịch UBND TP Kon Tum, trưởng ban tổ chức cuộc thi cho biết, văn hóa cồng chiêng, múa xoang được các thế hệ người đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn Tây Nguyên nói chung và tỉnh vùng cao biên giới Kon Tum nói riêng lưu giữ, trao truyền từ thế hệ này, sang thế hệ khác. Quá trình chuyển biến về phát triển kinh tế - xã hội và các hoạt động tín ngưỡng đã và đang làm dần thay đổi cuộc sống của cộng đồng xung quanh chúng ta và cồng chiêng, múa xoang không ngoại lệ. Hiện nay số lượng người biết đánh cồng chiêng, múa xoang có phần nào bị mai một, đa số nghệ nhân tuổi đã cao; vì vậy, việc bảo tồn bản sắc văn hóa là hết sức cần thiết; văn hóa là những tài sản vô cùng quý báu do tổ tiên, cha ông ta để lại. Chúng ta có trách nhiệm phải giữ gìn, trân trọng và phát huy. Cố Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng đã khẳng định: “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn…”

W_dsc_4059.jpg
Tái hiện phần thi lễ hội Lên nương của các nghệ nhân xã Đăk Rơ Wa

Theo phong tục tập quán của người dân Tây Nguyên, hàng năm, các buôn làng đều tổ chức một số lễ hội. Trong đó phải kể đến lễ cúng lúa mới, lễ cúng giọt nước và lễ mừng nhà rông mới (nếu nhà rông được làm mới). Lễ cúng lúa mới nhằm tôn vinh hạt lúa, hạt gạo qua bàn tay lao động cần cù, để cầu mong cho mưa thuận gió hòa, đồng thời tạ ơn thần linh đã ban cho dân làng mùa màng tưới tốt, cuộc sống no đủ và thường được tổ chức sau khi thu hoạch lúa, đưa thóc về kho. Đây cũng là dịp để bà con nghỉ ngơi, thụ hưởng thành quả lao động và cầu mong có sức khỏe, vụ mùa tiếp theo tươi tốt. Là dịp để gia đình mời bà con, họ hàng, bạn bè các làng lân cận cùng đến vui chơi, ăn uống, múa hát. Trong thời gian tổ chức lễ hội, tiếng cồng chiêng, sống động cùng với những điệu múa xoang nhịp nhàng, uyển chuyển của các chàng trai, cô gái cuốn hút mọi người dự lễ. Nếu nhà nào có đồng khách coi như là niềm vinh dự. Vì ngoài việc đến thăm, cầu mong sức khỏe cho gia đình, nam nữ thanh niên còn tham gia đánh chiêng, múa xoang, đánh trống, hát dân ca, dân vũ, hát giao duyên đối đáp nhau vui chơi suốt trong lễ hội.

W_dsc_3858.jpg
Phần thi trình diễn thời trang của các nghệ nhân

Người dân Tây Nguyên quan niệm giọt nước là mạch nguồn của sự sống, nên hàng năm phải tổ chức lễ cúng giọt nước. Nguồn nước không đơn thuần là nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt, tại vị trí giọt nước là nơi để mọi người cùng nhau chuyện trò sau một ngày lao động vất vả, đồng thời, thể hiện ý thức của cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường cộng đồng, buôn làng, xã hội. Giọt nước làng, không chỉ mang dấu ấn thời gian, nét đẹp văn hóa lâu đời, mà còn thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó của cộng đồng dân làng. Sồng chung với nhau là chung một cội nguồn, uống chung một nguồn nước. Bến nước không chỉ cung cấp nước mà còn là nơi kết duyên của các đôi uyên ương trong làng. Bến nước được ví như một phần hồn, cùng với tiếng chiêng, điệu xoang và mái nhà rông đã tạo nên nét văn hóa vô cùng đặc sắc của đồng bào Tây Nguyên, khiến ai đi xa đều phải nhớ về. Lễ cúng giọt nước thường được tổ chức vào tháng 4 hàng năm, với mục đích cấu mong thần nước phù hộ cho dân làng mạnh khỏe, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, vạn vật trong buôn làng đều tươi tốt, không có bệnh tật xảy ra.

W_dsc_4130.jpg
Phần thi tái hiện lễ cúng giọt nước

Đối với lễ mừng nhà rông mới là cầu mong thần linh tiếp tục giúp đỡ để cả cộng đồng buôn làng luôn được mạnh khỏe, bình yên. Tất cả người dân không kể già, trẻ, gái trai trong làng đều tập trung về nhà rông dự lễ cúng giàng. Sau lễ cúng, mọi người uống rượu cần, ăn cơm làm, thưởng thức các mon ăn được chế biến từ rau rừng, đồng thời tham gia múa hát, đánh chiêng, múa xoang, tiếng trống rộn ràng, bà con múa theo nhịp điệu khi khoan thai, khi nòng nhiệt say mê. Mỗi điệu múa chứa đựng nội dung khác nhau, song đều phản ánh ước vọng của con người trước thiên nhiên, cũng như cầu mong những điều ban phước cho mùa màng bội thu, cuộc sống an lành, cuộc vui của người dân đến thâu đêm.

Một số hình ảnh tại hội thi

W_dsc_3816.jpg
W_dsc_3773.jpg
Phần thi chỉnh chiêng của các nghệ nhân
W_dsc_4020.jpg
Phần thi tái hiện lễ cúng lúa mới của phường Thống Nhất
W_dsc_4107.jpg
Nghệ nhân Y Ha Ni 8 tuổi ở phường Thống Nhất đọc tấu đàn T'rưng
W_dsc_3850.jpg
Phần thi tái hiện lễ hội cúng lúa mới của các nghệ nhân xã Đăk Blà
W_dsc_4162.jpg
W_dsc_4154.jpg
W_dsc_4157.jpg
Các cá nhân và đại diện tập thể nhận giải thưởng

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Nhiếp ảnh & Đời sống
Hội thi Cồng chiêng, xoang các dân tộc thiểu TP Kon Tum
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO