Buổi gặp mặt tình cảm, thấm đẫm hào khí lịch sử của các tướng lĩnh Nghệ An
Tham dự cuộc gặp có các đồng chí Nguyên UV BCH TƯ Đảng: Nguyễn Mạnh Cầm - Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ; Lê Doãn Hợp - Nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT, Chủ tịch Hội đồng hương Nghệ An tại Hà Nội; Tạ Quang Ngọc - Nguyên Bộ trưởng Bộ Thủy sản; Hoàng Xuân Lương - Nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An; Hồ Xuân Hùng - Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An; Chu Mạnh Nguyên - Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cùng các tướng lĩnh, các cựu quân nhân, các cháu sinh viên là con em Nghệ An đang học tập, công tác tại Hà Nội. Đặc biệt có Thiếu tướng, Anh hùng LLVT Phùng Bá Thường (96 tuổi) cũng tham dự buổi gặp mặt.
Toàn cảnh buổi lễ
Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu - Nguyên Chính ủy Tổng cục Kỹ thuật - Bộ Quốc phòng, Phó Chủ tịch Hội đồng hương đã phát biểu Khai mạc và khái quát quá trình hoạt động của các tướng lĩnh quê hương Nghệ An: “Nhân dịp kỷ niệm 44 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất Tổ quốc, Hội đồng hương Nghệ An tại Hà Nội đã tổ chức gặp mặt giao lưu với chủ đề: “Phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong chiến tranh thành khát vọng làm giàu trong hòa bình”. Đây là dịp chúng ta hiểu thêm về truyền thống của các bậc cha anh trong cuộc kháng chiến, từ đó khơi dậy niềm tự hào với khát vọng làm giàu trong thời kỳ mới.”
Các đại biểu tham dự buổi lễ
Thiếu Tướng, Anh hùng LLVT Phùng Bá Thường (96 tuổi) phát biểu tại buổi lễ
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, hàng vạn người con ưu tú của Nghệ An, lớp cha trước, lớp con sau nối tiếp nhau lên đường phục vụ chiến đấu. Toàn tỉnh có trên 596.000 người tham gia quân đội; Hơn 45.000 người tham gia thanh niên xung phong, gần 150.000 người tham gia dân công hoả tuyến, dân quân du kích; Gần 6.000 lão thành cách mạng, tiền khởi nghĩa; Trên 900 cán bộ hoạt động cách mạng bị địch bắt tù đày. Trong đó, có biết bao người mãi mãi không về, toàn tỉnh có trên 45.000 liệt sỹ, hơn 40.000 thương binh, gần 1.200 Mẹ Việt Nam Anh hùng, trên 11.000 bệnh binh…
Đại tá, AHLĐ Nguyễn Đăng Giáp tặng hoa, tri ân Thiếu tướng, Anh hùng LLVT Phùng Bá Thường
Trong lửa đạn chiến tranh, người Nghệ An đã thể hiện tinh thần dũng cảm, sáng tạo, bản lĩnh, sẵn sàng đương đầu với mọi thử thách gian nguy để hoàn thành nhiệm vụ. Nếu như trên những trận tuyến đánh giặc, người Nghệ An thể hiện chí khí anh hùng, cùng quân và dân cả nước đánh bại kè thù thì ngay trên quê hương, các thế hệ dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong đã vượt qua “mưa bom, bão đạn”, mở đường, tải đạn, tiếp sức cho tiền tuyến đánh giặc. Những chiến tích đó còn ghi dấu nơi tuyến lửa Truông Bồn (Đô Lương) và trên cả tuyến đường trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Đại tá, AHLĐ Nguyễn Đăng Giáp phát biểu tại buổi lễ
Trong gian khó, tinh thần người Nghệ càng được tôi luyện, tỏa sáng.Minh chứng là danh sách tướng lĩnh người Nghệ An được Nhà nước phong tặng trong hàng chục năm qua với số lượng khoảng 130 người. Nhiều tướng lĩnh lừng danh như: Tướng Phùng Chí Kiên (Diễn Yên, Diễn Châu), Chỉ huy lực lượng vũ trang đầu tiên của cách mạng; Đại tướng Chu Huy Mân (Hưng Hòa, TP. Vinh), văn võ song toàn, được Bác Hồ gọi trìu mến là anh "Hai Mạnh", tức là mạnh cả quân sự và chính trị; Thượng tướng Trần Văn Quang (Nghi Lộc), Nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Anh hùng LLVT, Tướng Hoàng Đan (Nghi Lộc); Tướng Lê Thiết Hùng; Tướng Nam Phong ...
Thiếu tướng, Anh hùng LLVT Phùng Bá Thường thăm hỏi các tướng lĩnh trong buổi gặp mặt
Thời đánh Mỹ, những năm quyết liệt nhất ở Mặt trận Tây Nguyên có: Tư lệnh Chu Huy Mân, Phó Tư lệnh Phạm Hồng Sơn; Cơ quan Chính trị Mặt trận có Cao Tiến Phiếm… Toàn mặt trận Tây Nguyên có 4 Trung đoàn chủ lực thì cả 4 Trung đoàn trưởng đều là người Nghệ An gồm: Phùng Bá Thường, Hồ Đệ, Hoàng Nhiên… và Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, Nguyên UV BCH TƯ Đảng, Nguyên Tư lệnh Quân khu 4, Nguyên là Tham mưu trưởng Chiến dịch Tây Nguyên. Đặc biệt, sau này với tư cách đại biểu Quốc hội trong nhiều khóa, bằng trí tuệ, bản lĩnh và nhiệt huyết của mình, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước đã hâm nóng nghị trường, phát biểu thẳng thắn trong nhiều phiên họp Quốc hội, để lại nhiều ấn tượng tốt trong lòng người dân cả nước nói chung và xứ Nghệ nói riêng.
Đồng chí Lê Doãn Hợp - Nguyên UV BCH TƯ Đảng, Nguyên Bộ Trưởng Bộ TT&TT, Chủ tịch Hội đồng hương Nghệ An tại Hà Nội và Đại tá, AHLĐ Nguyễn Đăng Giáp tại buổi lễ
Thiếu tướng Phùng Bá Thường (96 tuổi); Đại tá, Anh hùng LLVT Nguyễn Đình Kiên; Thiếu tướng Cao Tiến Phiếm; Đại tá, AHLĐ Nguyễn Đăng Giáp đã chia sẻ và kể về những kỷ niệm trong chiến tranh ác liệt và cái giá phải trả là bao nhiêu đồng đội đã phải hy sinh xương máu trong đó có nhiều con em Nghệ An, giúp cho các thế hệ con cháu sinh viên hôm nay hiểu được giá trị của cuộc kháng chiến trường kỳ để có Ngày Giải phóng Sài Gòn 30/4.
Đồng chí Lê Doãn Hợp - Nguyên UV BCH TƯ Đảng, Nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT, Chủ tịch Hội đồng hương Nghệ An tại Hà Nội phát biểu tại buổi lễ
Đồng chí Lê Doãn Hợp - Nguyên UV BCH TƯ Đảng, Nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT, Chủ tịch Hội đồng hương Nghệ An tại Hà Nội phát biểu: “Chiến tranh đã kết thúc 44 năm, vết thương trên da thịt của đất nước đã hàn gắn xong xuôi và xanh tươi trở lại, nhưng giờ đây chúng ta tìm ra vết tích của chiến tranh rất khó. Hào khí đã để lại, hào khí của chủ nghĩa yêu nước, của dân tộc ta mãi mãi còn, còn hơn một nửa là liệt sỹ vô danh, còn những vết thương những người thân, vết thương những người lính sau chiến tranh càng nặng hơn, việc chúng ta làm hôm nay là để tri ân những vấn đề này. Để các thế hệ trẻ hôm nay biết và gìn giữ các giá trị đã có. Những người lính xung trận có 5 trải nghiệm không phải ai cũng có được đó là: Nhờ có đi lính, thức ăn trên đời quý nhất là muối, chứ không phải là thịt và cá hoặc các loại thực phẩm khác; Người lính sợ nhất trên đời là cô đơn, sau một trận đánh về đồng đội không còn nữa, cảm giác này người lính hiểu rất rõ và giá trị trong chiến tranh; Sướng nhất là sau một trận chiến thắng trở về mình còn sống, sốc nhất là sau trận đánh đồng đội ra đi quá nhiều, cái được và cái mất của người lính sau chiến tranh là được bản lĩnh chính trị vững vàng, độc lập tự do cho Tổ quốc và mọi người thụ hưởng. Mất của người lính là thời gian và tuổi trẻ, tình thương của người lính trong chiến tranh là tình thương yêu Mẹ vì hầu hết chưa có gia đình tất cả dành cho Mẹ vì lớn lên đã xa gia đình và chưa làm gì cho người Mẹ mà mình thân yêu nhất.
Người lính xung trận có 5 cái nhất: Chiến đấu hy sinh ác liệt nhất, (khi tôi nhập ngũ có 516 người kết thúc chiến tranh còn 51 người); Tình người đẹp nhất (lấy lại tình người trong chiến tranh chống Mỹ sẽ là di sản, phi vật thể mà bây giờ khó có thể có được); Tình cảm quốc tế trong sáng nhất (giải phóng nước bạn Campuchia đã để lại tình cảm sâu nặng mà thời gian đã trả lời); Tình trách nhiệm với Tổ quốc và nhân dân cao nhất; Hưởng thụ thấp nhất (sau chiến tranh mọi khó khăn đang còn đè nặng lên đồng đội của chúng ta).
Trong chiến tranh chống Mỹ, Nghệ An chúng ta có 50 sư đoàn tham gia và có 5 sư đoàn đã hy sy sinh, chúng ta phải tổng hợp, tổng kết lại, truyền lại cho các thế hệ để cho cả nước biết, những tướng lĩnh Nghệ An chúng ta đã hy sinh xương máu giành độc lập để có ngày hôm nay...”
Các tướng lĩnh chụp ảnh lưu niệm cuối buổi lễ
Kỷ niệm 44 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất Tổ quốc, chúng ta càng tự hào và tri ân các tướng lĩnh quê hương Bác Hồ kính yêu. Các đồng chí dù ở cương vị nào cũng luôn nêu cao tinh thần gương mẫu, tỏa sáng phẩm chất bộ đội Cụ Hồ. Nghệ An luôn tự hào và biết ơn các tướng lĩnh đã làm rạng rỡ, rạng danh cho quê hương xứ Nghệ trên đất Thủ đô.