Giới thiệu sách: VINH QUANG NHIẾP ẢNH NGHỆ THUẬT VIỆT NAM

Giới thiệu sách: VINH QUANG NHIẾP ẢNH NGHỆ THUẬT VIỆT NAM

17:02 23/09/2020



Là tập sách ảnh giới thiệu chân dung 36 tác giả tiêu biểu trong lĩnh vực nhiếp ảnh Việt Nam. Tập sách khổ 25x25 dày 496 trang, bìa cứng, được biên soạn công phu, trình bày đẹp, in ấn tốt chất lượng cao. Do nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Kim Đáng chủ biên, Nhà xuất bản Hội nhà văn xuất bản.

Con đường sáng
Tác giả: Hoàng Quốc Tuấn
Từ những năm 90 của thế kỷ trước, khi Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đến xem triển lãm Ảnh Nghệ thuật toàn quốc lần thứ 16 (1990) tổ chức tại Nhà triển lãm số 29 phố Hàng Bài (Hà Nội), ông đã có lời tiên tri khá linh nghiệm, ghi trong Sổ Vàng truyền thống của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam: “Qua các bức ảnh tôi đã rung động trước cái đẹp, đẹp cả về mặt kỹ thuật cũng như về nội dung. Nhiều bức ảnh đã làm nổi lên cái đẹp về phong cảnh và con người Việt Nam. Đặc biệt là những bức ảnh mô tả được sự đổi mới mà Tổ quốc ta, đồng bào các dân tộc Việt Nam ta đang thể hiện hàng ngày.Tất cả những điều này báo hiệu rằng: Ngành Nhiếp ảnh Việt Nam sẽ có những bước tiến vĩ đại và sẽ xuất hiện những nghệ sĩ thiên tài...”.

Cũng trong năm đó Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam gia nhập tổ chức Liên đoàn Nghệ thuật Nhiếp ảnh Quốc tế FIAP; là quốc gia thứ 150 được kết nạp vào tổ chức Nhiếp ảnh Nghệ thuật thế giới. Ngay từ năm đầu tiên gia nhập, nhiếp ảnh Việt Nam đã đoạt Huy chương Đồng với bộ ảnh đen trắng 10 tác phẩm, làm cho các quốc gia thành viên đi trước chú ý và nể phục. Đến nay nhiếp ảnh Việt Nam đã tiến những bước dài trên con đường sáng tạo nghệ thuật, đạt hàng ngàn giải thưởng, huy chương vàng bạc quốc tế. Tổ chức nhiều cuộc thi ảnh quốc tế đạt chất lượng cao. Tuy Nhiếp ảnh Việt Nam ra đời muộn so với các ngành nghệ thuật khác nhưng lại thành đạt sớm.

Qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chống Mỹ và trong hòa bình xây dựng đã tạo nên tên tuổi những thế hệ phóng viên, nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam ghi được những trang sử vàng truyền thống bằng hình ảnh, đưa nền Nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam từ chỗ non trẻ trở thành một quốc gia có nền nghệ thuật nhiếp ảnh phát triển và có vị trí xứng đáng trong Nghệ thuật nhiếp ảnh Thế giới. Các thế hệ nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam đã đoạt hàng ngàn Huy chương cao quý của Quốc tế. Bên cạnh các nhà nhiếp ảnh thành đạt lớp trước như Võ An Ninh, Phạm Văn Mùi, Mạnh Đan, Vũ Năng An, Đỗ Huân, Lê Vượng, Nguyễn Nhưng, Lâm Hồng Long, Vũ Ba, Đoàn Công Tính... là các nhiếp ảnh gia trẻ của Việt Nam sớm phát triển tài năng như: Đào Hoa Nữ, Lê Hồng Linh, Hoàng Quốc Tuấn, Đồng Đức Thành, Long Thành, Đào Tiến Đạt, Duy Anh, Trương Hoàng Thêm, Bảo Hưng, Đào Thọ, Ngọc Thái, Đào Quang Minh, Lại Diễn Đàm, Nguyễn Dần, Thu An, Vũ Thị Thu, Phạm Bá Thịnh, Tất Bình...

Trải qua hơn 150 năm khi nhiếp ảnh thế giới vào Việt Nam qua các thế hệ, nền nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam hôm nay được xem như một vườn hoa đẹp nhiều hương sắc. Mỗi chúng ta cần phải quan tâm chăm sóc, kế thừa, phát huy, tôn vinh và nhận rõ: Đây là một vinh dự lớn, rất đáng tự hào đối với mỗi chúng ta (nói riêng) và nền nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam nói chung. Với sự mến mộ, đam mê nhiếp ảnh và trách nhiệm của mình Nghệ sĩ Hoàng Kim Đáng đã tập hợp sưu tầm, viết chân dung các tác giả giới thiệu, biên soạn tập sách: “VINH QUANG NHIẾP ẢNH NGHỆ THUẬT VIỆT NAM”. Ông nói: “Tôi xin tình nguyện được là người chăm sóc, tôn vinh những bông hoa đẹp trong vườn hoa rực rỡ, nhiều hương sắc ấy. Trưởng thành trong cái nôi của nền nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam, nhiều thế hệ nghệ sĩ thành danh, đã được khẳng định. Tôi đã có dịp tiếp xúc và trân trọng giới thiệu họ trên các phương tiện truyền thông đại chúng nhiều năm qua. Trong tập này xin trân trọng giới thiệu 36 chân dung các thế hệ nghệ sĩ, các nhiếp ảnh gia tiêu biểu. Trên địa bàn cả nước sẽ còn nhiều tác giả nghệ sĩ có thành tựu, xin được đề cập đến Tập II cùng tên”.

Nói về tác giả, Nhà nghiên cứu văn hóa - Nghệ thuật Trần Đương đã viết: “Đã từ lâu, tôi nhìn nhận Hoàng Kim Đáng là con người của khát vọng sáng tạo và dâng hiến. Riêng nhiếp ảnh nghệ thuật, đối với ông, không chỉ là niềm đam mê cháy bỏng; đó chính là cuộc sống của ông. Nhiếp ảnh, cái khoảng trời nghệ thuật này, đã giang tay đón nhận ông từ một chiến sĩ Trường Sơn trẻ trung cầm súng, cầm bút và cầm máy. Đến hôm nay, đang tiến gần đến tuổi 80, vẫn hấp dẫn ông, vẫn nặng tình nặng nghĩa với ông và thực sự đã cắm lên đường đời ông những cột mốc rất đáng ghi nhận của sự nghiệp. Các thế hệ nghệ sĩ nhiếp ảnh và những người yêu ngành nghệ thuật độc đáo này, mãi mãi nhớ đến tên tuổi Hoàng Kim Đáng qua các cuộc triển lãm ảnh cá nhân và tập thể, qua những sách ảnh mà ông chủ biên như: “Hồ Gươm - Hà Nội Việt Nam”, “Phố Hiến”, “Hội An”, “Lai Xá”, “Ninh Bình”, rồi “Đường mòn Hồ Chí Minh trong chiến tranh”, “Thăng Long - Hà Nội qua hình ảnh” cũng như “Thăng Long - Hà Nội Việt Nam...ký” đã được các tổ chức nghệ thuật và xuất bản đánh giá cao.

Câu chuyện của những bức tranh
Tác giả: Dương Quốc Định


Xe tơ
Tác giả: Hồ Sỹ Minh
Bên cạnh các “cột mốc” ấy, tôi muốn nói đến hàng chục bài nghiên cứu, phê bình nhiếp ảnh, những bút ký, ghi chép, phóng sự, thơ ca của ông, và trước hết, trên hết là hàng trăm bài báo, hàng vạn tấm hình ông đã viết và chụp ở Trường Sơn. Không có Trường Sơn hào hùng, thật khó hình dung ra nét riêng biệt, nét nổi trội của Hoàng Kim Đáng trong sự nghiệp hoạt động báo chí và nghệ thuật.

Đã có thể dừng lại với những công trình đồ sộ, đáng khâm phục ấy - những công trình được ghi nhận và đón nhận với lòng biết ơn của biết bao con người từ nhiều xứ sở khác nhau. Đã có thể, ở tuổi này, Hoàng Kim Đáng nghỉ ngơi, an hưởng và chiêm ngưỡng những năm tháng, những khoảnh khắc vẻ vang của mình. Nhưng không! Con người của khát vọng sáng tạo và dâng hiến ấy đã lại đến với chúng ta bằng một công trình mới vào thời điểm của năm 2020 đầy sự kiện trọng đại của đất nước, của dân tộc. Đó là tác phẩm “Vinh quang nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam”.

Thời trang ELNINO 
Tác giả: Đào Tiến Đạt
Thì ra, người nghệ sĩ được nghệ thuật nhiếp ảnh cầm tay, dẫn dắt, tạo luyện để tiến đến những thành tựu được ghi nhận, đã đến lúc tôn vinh trở lại nền nghệ thuật mà mình suốt đời theo đuổi ấy. Vinh quang nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam! Một tên sách, mà cũng là một tiếng hô vang thật dõng dạc cất lên từ cõi lòng sâu thẳm, từ tâm hồn trong sáng, đầy ơn nghĩa của người nghệ sĩ. Đây cũng là một cách tôn vinh, một cách nhìn độc đáo, riêng biệt về lịch sử nhiếp ảnh Việt Nam. Nét độc đáo, riêng biệt ấy là: ông viết lịch sử về sự phát triển của nhiếp ảnh Việt Nam thông qua những tác giả thật, những tác phẩm thật, từng được thử thách qua năm tháng và đương nhiên là qua sự trải nghiệm và thẩm định của Hoàng Kim Đáng - vừa là nhân chứng vừa là người góp phần tạo dựng tiến trình lịch sử ấy. Từ cách làm này, tôi nghĩ đến tác phẩm “Thi Nhân Việt Nam” của Hoài Thanh và Hoài Chân. Nền thi ca thuở ấy được nhìn nhận qua hàng loạt gương mặt thi nhân cụ thể, có người đã đứng trên đỉnh núi thi ca cao chót vót với vương miện lộng lẫy, có người vừa mới xuất hiện trên thi đàn nhưng đã báo hiệu con đường sự nghiệp chói sáng của mình. Cái tài của người làm sách là vừa tiên tri được, dự cảm được những gì sẽ đến, đồng thời dám chịu trách nhiệm trước tiên tri và dự cảm ấy bằng bản lĩnh của mình. Nghĩ như vậy, tôi tôn trọng cách tôn vinh, cách nhìn độc đáo, riêng biệt về lịch sử nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam của Hoàng Kim Đáng. Còn như cách nhìn đó là đúng hay sai, toàn diện hay phiến diện, biện chứng hay khiên cưỡng - sẽ được thời gian và lịch sử xác nhận”.
Hải Yến

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Nhiếp ảnh & Đời sống
Giới thiệu sách: VINH QUANG NHIẾP ẢNH NGHỆ THUẬT VIỆT NAM
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO