Để đạt tiêu chí Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước

16:09 09/10/2020

NAĐSO - Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống trân trọng giới thiệu một phần bài tham luận tại Đại hội khoá IX - Hội NSNA Việt Nam của NSNA Chu Chí Thành - Nguyên Chủ tịch Hội NSNA Việt Nam, khóa VI. Đây là những nội dung mà Nghệ sĩ Nhiếp ảnh lão thành trăn trở với sự nghiệp nhiếp ảnh nước nhà.
Buổi Xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước chuyên ngành Nhiếp ảnh, năm 2020
Một câu hỏi được đặt ra, tại sao những sáng tác ảnh trong "thời bình" gần nửa thế kỷ qua chưa có Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước? Bàn luận về hiện tượng này thì có nhiều ý kiến khác nhau, có người cho rằng do sáng tác yếu, lại có người cho rằng do xét duyệt khắt khe! Các ý kiến như vậy, cũng là những đề xuất cần xem xét. Nhưng ở đây, tôi không bàn luận theo hai hướng ấy, mà đi tìm nguyên nhân sâu xa hơn, tức là vấn đề cụ thể rất đặc thù của phương pháp sáng tác nhiếp ảnh mang tính quyết định trực tiếp tới nội dung, hình thức bức ảnh. Đó là sự có mặt của người cầm máy ảnh tại nơi xảy ra sự kiện. Đây là điều kiện tiên quyết, là chìa khóa của quá trình sáng tạo nghệ thuật nhiếp ảnh. Vấn đề này đã được đưa vào văn kiện Đại hội VI, cách đây 10 năm. Nhưng đến bây giờ nó vẫn bị lãng quên. Vì vậy, tôi muốn nhắc lại để Đại hội xem xét và cho ý kiến, nên làm hay không.

Chúng ta đều biết, ảnh được Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh là những tác phẩm xuất sắc có nội dung xã hội sâu sắc, có hình thức thẩm mỹ cao, thường phản ánh những sự kiện, sự việc quan trọng, những nhân vật điển hình trong những hoàn cảnh điển hình của cuộc sống. Không có mặt tại nơi quan trọng ấy, không xúc động trước những con người và hoàn cảnh điển hình ấy, thì làm sao có được ảnh về những sự kiện thời đại, những con người thời đại. Các tác phẩm ảnh thời chiến được giải thưởng chính thức của nhà nước đều được sinh ra từ thực tế của chiến tranh, tác giả của nó phải xuất hiện ở nơi xảy ra sự kiện, dù nơi ấy cận kề cái chết, để ghi lại những gì đang diễn ra.

Thẻ nhà Nhiếp ảnh

Từ lâu, văn nghệ sĩ đã được Bác Hồ khẳng định là chiến sĩ trên mặt trận văn hóa. Nhưng không hiểu vì lý do gì mà ngày nay, những chiến sĩ ấy lại không được đứng giữa dòng thác cách mạng để hành nghề? Nếu ta có Thẻ nhà nhiếp ảnh (Photographer card) là giấy thông hành cho phép các Nghệ sĩ Nhiếp ảnh hành nghề như mọi nhà nhiếp ảnh trên thế giới được đến những điểm nóng, những nơi đầu sóng, ngọn gió thì sẽ khuyến khích họ sáng tạo ra các tác phẩm đỉnh cao mang hơi thở cuộc sống.

Khi có nhiều tác phẩm ảnh đỉnh cao, thì Giải thưởng Nhà nước và Giải thưởng Hồ Chí Minh không còn xa vời với chúng ta nữa. Chúng ta sẽ có những tác phẩm ảnh trung thực khách quan, khai thác hết những đặc tính ưu việt của nhiếp ảnh mà nghệ thuật khác không có, đó là sự thật nguyên bản nóng hổi. Loại hình nhiếp ảnh này là tấm gương phản chiếu trực tiếp lịch sử nhân loại, là tấm gương phản chiếu trực tiếp lịch sử dân tộc ta.

Nếu ta xem ảnh chiến tranh thế giới lần thứ hai, và ảnh chiến tranh Việt Nam của các tác giả nổi tiếng thế giới và Việt Nam, thì chúng ta mới thấm thía giá trị lớn lao của nghệ thuật nhiếp ảnh sâu sắc và vĩ đại đến nhường nào. Nó là dòng nhiếp ảnh hiện thực thuần khiết đã cùng các dòng nhiếp ảnh khác làm giàu cho nền văn hóa nhân loại và văn hóa Việt Nam.

Bởi lẽ đó, tấm Thẻ nhà nhiếp ảnh sẽ có giá trị như một định hướng sáng tác, đồng thời cũng là một biện pháp để hóa giải những bế tắc trong sáng tác ảnh hiện nay. Các bạn hãy hình dung xem, đằng sau những tấm thẻ ấy là một nghìn tay máy hội viên ở mọi miền tổ quốc cùng hướng ống kính vào tâm điểm cuộc sống của địa phương mình, của đất nước mình, thì chúng ta sẽ có bao nhiêu ảnh giá trị về sự đổi mới và hội nhập? Liệu có hãng thông tấn nào, tòa soạn báo nào, công ty văn hóa nghệ thuật nào có một lực lượng cầm máy hùng hậu và tinh nhuệ như vậy? Không biết sử dụng lực lượng này làm người chép sử bằng ống kính là lãng phí tài sản quốc gia và có tội với đất nước.

Phân biệt ảnh nghệ thuật ghi thực trực tiếp và ảnh nghệ thuật kỹ xảo

Cũng trong bối cảnh này, chúng ta cần làm rõ đặc điểm và ranh giới của hai loại hình nhiếp ảnh nghệ thuật cơ bản, đó là ảnh nghệ thuật ghi thực trực tiếp và ảnh nghệ thuật kỹ xảo hình thành trong hậu kỳ (còn có tên là ảnh đồ họa, ảnh ý tưởng). Công việc này có mục đích xóa đi những định kiến ấu trĩ, cực đoan coi ảnh kỹ xảo như trò chơi, là kẻ thù của của nền văn hóa, hoặc ngược lại, tôn thờ nó như một cứu cánh của nghệ thuật nhiếp ảnh hiện đại. Những quan niệm lệch lạc này ảnh hưởng rất lớn đến sáng tác và các Hội đồng giám khảo các cuộc thi, cũng như nhiều cuộc tuyển chọn, đánh giá ảnh.

Vấn đề cần nhận thức là, ảnh kỹ xảo chỉ là một hình thức sáng tác, và là loại hình nhiếp ảnh phát sinh của nhiếp ảnh truyền thống (của nhiếp ảnh chụp trực tiếp). Nó được tiếp tục hình thành nhờ ý tưởng độc đáo và phương tiện kỹ thuật thêm bớt, thay đổi nội dung hình thức ảnh gốc. Cái quan trọng là tác phẩm ảnh theo hình thức này hàm chứa nội dung gì? Nhắm tới mục đích nào? Nó có phản ánh được những vấn đề cơ bản, sống còn của đất nước, của con người hay không? Nó có xuất phát từ nguyên lý “chân - thiện - mỹ" hay không? Nếu nó đạt được các yêu cầu tư tưởng và thẩm mỹ cao, thì không có lý do gì đóng cửa giải thưởng chính thức quốc gia đối với loại  hình nhiếp ảnh này. Và thực sự, không có nghị định nào, nghị quyết nào áp đặt máy móc như tự chúng ta lầm tưởng. Điều cần lưu ý với tác giả là, khi xuất bản phải ghi rõ tác phẩm thuộc loại hình nhiếp ảnh nào để người xem đỡ nhầm lẫn mà thôi. Làm được việc này, chính là tạo ra bước ngoặt của lý luận phê bình và thực tiễn sáng tác ảnh, cũng như mở rộng biên độ nhận thức của người thưởng thức, không dị biệt với thế giới hiện đại. Đây là một vấn đề thiết thực chuyên sâu cần bổ sung cho phương hướng công tác Hội nhiệm kỳ tới.


Nhà LLPB NA Chu Chí Thành


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Nhiếp ảnh & Đời sống
Để đạt tiêu chí Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO