Đại hội FIAP 34: Thú vị hành trình sáng tác tại Nam Phi

18:00 16/08/2018

Nằm trong chương trình Đại hội FIAP 34 năm 2018 tại Durban (Nam Phi), Ban Tổ chức đã xen kẽ giữa các phiên làm việc hành chính của Đại hội bằng các tour du lịch, khám phá những nét đẹp về cuộc sống, con người của vùng đất Nam Phi vốn vẫn rất bí ẩn, gây nhiều sự tò mò đối với hầu hết các đại biểu tham dự Đại hội lần này.


Đoàn chụp hình lưu niệm tại điểm dừng chân đầu tiên KwaZulu

Địa chỉ sáng tác là những địa điểm chọn lọc nhằm tạo điều kiện cho các đại biểu có cơ hội tìm hiểu, ghi vào ống kính những khám phá thú vị về cuộc sống người dân Nam Phi với những nét đặc trưng của văn hóa bộ tộc giao thoa trong sự phát triển được ví như một châu Âu thu nhỏ của vùng đất Phi châu; hay những sắc màu bản địa hấp dẫn của tộc người Zulu, nét hoang sơ trong những khu rừng châu Phi - nơi có nhiều loài động thực vật hoang dã...

Địa danh đầu tiên là KwaZulu cách thành phố biển Durban 2 giờ chạy xe. Hành trình được tính toán hợp lý, khiến những người tham gia không bị mệt do di chuyển. Tại đây, quang cảnh của vùng đất trung du đa dạng với trang trại, khu vườn xinh đẹp, hồ nước, rừng thông cổ thụ liền kề với kiến trúc khách sạn cổ kính đã tạo cảm hứng cho sáng tạo ảnh nghệ thuật cho các nhà nhiếp ảnh quốc tế. Mọi người tản ra đi dạo xung quanh khu vực để khám phá, ghi vào ống kính những chi tiết về cuộc sống đời thường, cũng như nét đẹp về cảnh vật nơi đây.

Hồ nước trong xanh bên khu rừng thông cổ thụ, mát mẻ trải ra trước mắt đoàn sáng tác

Các nhà nhiếp ảnh tản ra sáng tác trong cánh rừng thông kế bên những khu nhà cổ

Những chiếc xe cổ mang dấu ấn của thời kỳ thuộc Anh với vô-lăng bên phải hiện là phương tiện giao thông dễ bắt gặp tại đất nước Nam Phi. Nó cũng rất phù hợp cho không gian của những khu khách sạn cổ tại ngoại thành Durban.

Không gian trưng bày triển lãm ảnh của sinh viên nhiếp ảnh Đại học Công nghệ Durban

Buổi tối cùng ngày, đoàn được ghé thăm trường Đại học Công nghệ Durban, chứng kiến cuộc sống, học tập của các em sinh viên, trong đó có sinh viên nhiếp ảnh. Tại đây, một triển lãm ảnh nhỏ cũng được trưng bày để giới thiệu một số tác phẩm của các sinh viên - những người bắt đầu sáng tác nhiếp ảnh khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Nhiều đại biểu cảm thấy thú vị với cách lựa chọn đề tài về cuộc sống, con người mà các em quan tâm, thể hiện, nó cho thấy góc nhìn hiện thực, sinh động đúng với tâm lý ở lứa tuổi rất trẻ trung, trong sáng của các em...

Ở ngày sáng tác thứ 2 tại Tu viện Mariann hill, tại đây, các nhà nhiếp ảnh được tìm hiểu về quá trình hình thành, phát triển cũng như kiến trúc độc đáo của Tu viện qua lời giới thiệu chi tiết của vị Linh mục da màu có khuôn mặt biểu cảm. Nhiều người đã không bỏ qua việc sáng tác ngay những shoot hình chân dung vị Linh mục - thể loại được nhiều nhiếp ảnh gia ưa thích khi tác nghiệp. Nhiều bức ảnh về các tu sĩ, bà sơ sau đó cũng được các nhà nhiếp ảnh mải miết sáng tác. Những góc độ, chi tiết kiến trúc độc đáo của Tu viện cũng trở nên đặc biệt hấp dẫn với các nhiếp ảnh gia.

Các nhà nhiếp ảnh tác nghiệp bên ngoài Tu viện Mariann hill với tháp chuông và đồng hồ đẹp mắt

Nét kiến trúc đẹp tại Tu viện Mariann hill
Các nhà nhiếp ảnh tranh thủ sáng tác chân dung vị Linh mục da màu tại Tu viện Mariann hill

Vòm hành lang hun hút tại Tu viện Mariann hill

Có lẽ thành phần đoàn đại biểu rất đa dạng, bao gồm cả những đại biểu dự thính hoặc cùng đi sáng tác nên những địa điểm nhỏ như UShaka Marine World - nơi được đánh giá là một trong những thuỷ cung hàng đầu thế giới là lựa chọn thư giãn cho các đại biểu. Đi bộ qua các hồ cá, được tận mắt ngắm nhìn vô vàn sinh vật biển đa dạng, phong phú từ những loài nhỏ bé đến các loài to lớn vẫy vùng trong làn nước biển trong xanh; kết hợp khu vực bố trí của Thế giới biển với các loài cá, chim cánh cụt, cùng chương trình biểu diễn cá Heo sinh động đã tạo nên cơ hội chụp ảnh thú vị cho những ai yêu thích thể loại ảnh này.

Một tiết mục biểu diễn cá heo tại UShaka Marine World giúp các đại biểu thư giãn trong hành trình sáng tác

Ngày sáng tác cuối cùng trong chương trình, Ban Tổ chức đã đưa các nhà nhiếp ảnh đến với Khu Bảo tồn động thực vật Tala, sau đó đến tham quan, sáng tác tại Làng Văn hóa PheZulu - một hành trình được mong đợi của rất nhiều đại biểu.

Miền đất thảo nguyên mênh mông với cây bụi châu Phi và nhiều động vật hoang dã đặc trưng của châu lục tại Khu Bảo tồn động thực vật Tala như Linh dương, Hươu cao cổ, Ngựa vằn, Hà mã, Tê giác, các loài chim như Đại bàng, Cú mèo... là những trải nghiệm vô cùng thú vị và hấp dẫn. Những chuyến xe chở khách tham quan chạy giữa những khu rừng châu Phi để các nhà nhiếp ảnh thỏa thuê chứng kiến, chụp ảnh về những loài động thực vật quý hiếm trong môi trường tự nhiên của chúng là một kỷ niệm đẹp về Đại hội FIAP lần này.

Các nhà nhiếp ảnh chụp lưu niệm bên loại xe chuyên dụng, không trang bị kính, thích hợp cho những chuyến săn ảnh tại vùng thảo nguyên hoang dã Nam Phi

Gia đình nhà hươu cao cổ tại khu Tala
Các nhà nhiếp ảnh dùng những loại ống kính có tiêu cự dài để tranh thủ ghi lại những khoảnh khắc đẹp của các loài động thực vật hoang dã trong khu Tala
Những chú ngựa vằn yên bình khoe dáng trong Tala

Một chú Linh dương đang cảnh giác nhìn vào ống kính máy ảnh 

Đôi hươu cao cổ lọt vào ống kính của các nhiếp ảnh gia ở một góc khác

Chú nai tự tin làm dáng trước ống kính các nhà nhiếp ảnh

Một con cá sấu lớn đang nằm nghỉ ngơi bên hồ nước trong Tala

Sau nửa ngày sáng tác trong những khu rừng châu Phi, đoàn ghé thăm Làng Văn hoá PheZulu - nơi hội tụ của cuộc sống, con người châu Phi bản địa. Với những ngôi nhà mái gianh hình vòm, bộ trang phục truyền thống, điệu nhảy, lời hát và những khuôn mặt tươi rói, khỏe mạnh của người dân xứ lục địa Đen đã mang lại cảm xúc sáng tác đặc biệt cho các nhà nhiếp ảnh đến từ nhiều nước khác nhau. Mọi người tranh thủ sáng tác, thu vào ống kính máy ảnh của mình đậm đặc những chi tiết về người dân nơi đây bởi hầu hết các nhiếp ảnh gia tham dự FIAP 34 chưa một lần được chứng kiến, trải nghiệm phong cách sống thân thiện, đầy màu sắc của người dân bộ tộc Zulu (Nam Phi).

Bộ tộc Zulu đón khách bằng những vũ điệu truyền thống sôi động
Thiếu nữ Zulu biểu diễn chơi loại trống truyền thống của bộ tộc mình để các nhiếp ảnh gia trải nghiệm, tác nghiệp

Chàng trai bộ tộc Zulu

Nhiều nhà nhiếp ảnh cũng chọn cách đặt nhân vật vào bối cảnh hay không gian sống của họ để tác nghiệp.

NSNA Trần Duy Ngoãn chụp lưu niệm cùng một người đàn ông bộ tộc Zulu - Nam Phi

Đại hội FIAP 34 đang khép lại tại châu Phi lạ lẫm mà thú vị, hấp dẫn. Các nhà nhiếp ảnh của nhiều nước sau hành trình sẽ có những tư liệu ảnh quý về một vùng đất xa xôi, không dễ dàng có thể đến và sáng tác...

Trong ngày 16/8 (giờ Nam Phi), Đại hội sẽ tiếp tục phiên hành chính cuối cùng, bầu lại một số vị trí gồm 1 Phó Chủ tịch, 1 Tổng Thư ký cùng 2 thành viên khác trong Ban Lãnh đạo FIAP cho nhiệm kỳ mới, sau đó kết lại bằng một chương trình Gala Diner ấm cúng, hứa hẹn bởi những phần giao lưu nhiều màu sắc./.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Nhiếp ảnh & Đời sống
Đại hội FIAP 34: Thú vị hành trình sáng tác tại Nam Phi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO