Trong thời gian hiện diện tại Hà Nội từ năm 1873 đến năm 1945, người Pháp đã cho xây dựng nhiều công trình đến nay đã trở thành một phần di sản văn hóa- kiến trúc của thủ đô. Bên cạnh những di tích mang đậm bản sắc Việt, là những khu phố với nhiều ngôi biệt thự cổ kết hợp hài hòa phong cách kiến trúc Đông- Tây, góp phần tạo nên nét đặc trưng của không gian đô thị Hà Nội. Các biệt thự này chủ yếu được xây dựng trước năm 1954 và rất nhiều công trình đang trong tình trạng xuống cấp hoặc bị cơi nới, xây thêm làm mất đi hiện trạng vốn có và công tác bảo tồn những “di sản” này ngày càng trở nên khó khăn trước những biến động không ngừng của đời sống đô thị hiện đại.
Cũng nằm trong số các công trình này, biệt thự 51 Trần Hưng Đạo - biệt thự vang bóng một thời ở Hà Nội nằm trong khuôn viên có sân vườn với tổng diện tích là 2000m2, trong đó diện tích nhà ở là 800m2, ngôi nhà này ban đầu được xây dựng để làm nhà ở cho Đốc lí Hà Nội gồm 2 tầng, 1 trệt.
Năm 1945, sau khi thoái vị, cựu hoàng Bảo Đại ra Hà Nội làm cố vấn tối cao của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi ở Hà Nội, ông sống ở căn biệt thự 51 Trần Hưng Đạo. Do đó, nhiều người gọi đây là "Dinh Bảo Đại" thứ 8.
Năm 1947, khi Hội đồng Chấp chính lâm thời Bắc phần Việt Nam được thành lập, thì biệt thự 51 phố Trần Hưng Đạo được giao cho Chủ tịch Hội đồng này sử dụng (đây cũng chính là Bộ trưởng Bộ Y tế của Chính phủ lâm thời sau đó.
Do bị tàn phá sau biến cố ngày 19/12/1946 và bị bỏ không một thời gian dài nên ngôi nhà này đã bị xuống cấp trầm trọng. Ngôi nhà này đã được tiến hành cải tạo từ ngày 22/10/1947. Và toàn bộ công trình được nghiệm thu tạm thời vào ngày 28/5/1948.
Trong phiên họp ngày 30/11/1948, Hội đồng thành phố đã yêu cầu trả lại ngôi nhà trên cho Tòa Thị chính thành phố để làm nhà ở cho Thị trưởng đúng như mục đích sử dụng của ngôi nhà này ban đầu. Thị trưởng thành phố Hà Nội lúc bấy giờ là ông Phan Xuân Đài đã được giao sử dụng ngôi nhà 51 Trần Hưng Đạo kể từ ngày 04/8/1949.
Tiếp theo, người kế nhiệm ông Phan Xuân Đài là ông Thẩm Hoàng Tín (thị trưởng thành phố Hà Nội từ ngày 27/02/1950 - 08/8/1952) đã ở ngôi nhà trên. Và dưới đây là một số hình ảnh của gia đình thị trưởng Thẩm Hoàng Tín trong thời gian ở biệt thự 51 Trần Hưng Đạo (do ông Thẩm Hoàng Long, con trai của cố Thị trưởng cung cấp).
Sau năm 1954, Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam đã tiếp quản công trình này và sử dụng đến ngày nay. Cho đến năm 2022, biệt thự 51 Trần Hưng Đạo, cũng như các biệt thự Pháp khác ở Hà Nội đều đã trải qua trên dưới một thế kỉ và đã chịu nhiều sự tác động trong quá trình sử dụng. Việc bảo tồn, tôn tạo, duy tu các di sản kiến trúc này là một việc làm không hề dễ dàng.
Với công trình “ngôi nhà văn học nghệ thuật” – Trụ sở làm việc Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam tại 51 Trần Hưng Đạo (Hà Nội), thông qua thủ pháp thiết kế sử dụng ngôn ngữ tương phản đã áp dụng rất thành công tại các quốc gia phát triển trên thế giới như bảo tàng Louvre (Paris, CH Pháp), các kiến trúc sư của Sunjin Vietnam đã có ý tưởng đột phá vừa cùng lúc bảo tồn/ phục dựng công trình biệt thự cũ đặc trưng kiến trúc Đông Dương cuối thế kỷ 19, đồng thời kiến tạo một khối kiến trúc mang đậm hơi thở kiến trúc đương đại.
Thông qua các nguyên tắc về bố cục thị giác, kiến trúc các khối nhà làm việc mới với đầy đủ chức năng sử dụng tiện ích đạt chuẩn (bao gồm cả tầng hầm để xe) được bố cục có vị trí lùi sâu vào phía trong, để giữ nguyên phần mặt tiền với khối công trình biệt thự cũ được bảo tồn và trung tu nguyên trạng với đầy đủ đường nét, chi tiết trang trí đậm chất văn hóa lịch sử.
Thiết kế hình khối có nhiều tuyến – diện mô phỏng đường nét khối chính của công trình biệt thự cũ và đặc biệt là cấu trúc kính mặt tiền kính công nghệ cao được chọn lựa còn đóng vai trò như một bức phông nền, để ngôi biệt thự cũ duyên dáng soi mình, cũng như mở rộng không gian, đưa tổng thể khuôn viên công trình hòa quyện trọn vẹn với tổng thể không gian cảnh quan khu phố cũ. Sự kết nối giữa khối công trình cũ và mới cũng được gắn kết thông qua việc tổ chức không gian sân vườn với các cây xanh cổ thụ và cây xanh trang trí đặc sắc.
Sau hơn 2 năm xây dựng và tu sửa (26/3/2022 - 01/8/2024), Trụ sở Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đã hoàn thành với một diện mạo mới đẹp hơn và hiện đại hơn.
Sau đây là một số hình ảnh hiện tại của công trình này: