Bàn về Ảnh chân dung

Tổng hợp|14:44 05/04/2023

(NADS) - Ảnh chân dung là dạng nhiếp ảnh được sử dụng với mục đích là ghi lại chân dung của một người bất kỳ. Một bức ảnh chân dung thành công sẽ vừa lột tả được vẻ bề ngoài của bộ mặt, vừa biểu hiện được thế giới nội tâm của người được chụp.

Ảnh chân dung được sử dụng rất nhiều trong đời sống hàng ngày với nhiều mục đích khác nhau, chính vì vậy mà cũng có rất nhiều cách cũng như kỹ thuật chụp ảnh chân dung khác nhau.

Theo các nghệ sĩ nhiếp ảnh thì ảnh chân dung được ghép bởi hai chữ “chân” tức là chân thực, “dung” là dung nhan. Căn cứ vào từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học, danh từ “chân dung” được định nghĩa, là “tác phẩm (hội họa, điêu khắc, nhiếp ảnh) thể hiện đúng diện mạo, thần sắc, hình dáng một người nào đó”. Như vậy, một bức ảnh chân dung là bức ảnh thể hiện đúng diện mạo, thần sắc và hình dáng của một người bất kì nào đó. Nói cách khác, bằng ngôn ngữ nhiếp ảnh, người nghệ sỹ phải “vẽ bằng ánh sáng” trên những cỡ hình như: viễn cảnh, toàn cảnh, trung cảnh, cận cảnh hay đặc tả, tùy vào mục đích và sự lựa chọn của người cầm máy. Người chụp có quyền lựa chọn nửa người hay chụp cả người, nếu hình chụp đã thể hiện đúng diện mạo, thần sắc và hình dáng của người đó. Tuy nhiên, nếu chụp nửa người hoặc cả người mà vẫn chưa đủ để khắc họa chân dung người đó thì người chụp thậm chí còn phải lấy cả bối cảnh xung quanh để làm nổi bật chân dung của họ.

W_15-au-lo.jpg
Tác phẩm: Âu lo. Tác giả: Trần Thế Phong (Việt Nam) - Bằng Danh dự VAPA đề tài "Chân dung" Cuộc thi Ảnh Nghệ thuật Quốc tế VN- 21.

Một trong những yêu cầu khi chụp ảnh chân dung, là người cầm máy buộc phải hiểu rõ mục đích của tấm ảnh chân dung mà mình chụp. Nếu chụp theo yêu cầu của người mẫu hoặc chụp với mục đích lưu niệm thì bức ảnh cần đẹp hơn chính họ trong đời thường. Còn nếu chụp theo ý đồ của người cầm máy hoặc với mục đích phục vụ nghệ thuật thì bức ảnh chân dung đó không nhất thiết phải tả đúng diện mạo, thần sắc và hình dáng người đó theo nghĩa đen, vì nghệ thuật cho phép người cầm máy cường điệu hoặc sâu sắc hơn mức bình thường.

Có nhiều cách phân loại ảnh chân dung. Tùy theo đặc điểm, tính chất của từng bức ảnh cũng như vị trí, tư thế, tầm vóc của con người được thể hiện ra trong ảnh mà người ta xếp loại. Theo đó, ảnh chân dung được phân loại thành: ảnh chân dung tĩnh; ảnh chân dung động; ảnh chân dung đặc tả (trong đó có đặc tả cụ thể và đặc tả trừu tượng), hoặc ảnh chân dung dàn dựng, ảnh chân dung tự nhiên, ảnh chân dung sinh hoạt, ảnh chân dung cá nhân, ảnh chân dung tập thể... Song cách phân chia phổ biến nhất vẫn là phân chia ảnh chân dung theo các đặc điểm như: ảnh chân dung cá nhân, ảnh chân dung tập thể và ảnh chân dung sinh hoạt.

W_25-anh-em.jpg
Tác phẩm: Hai anh em. Tác giả: Nguyễn Bá Hảo (Việt Nam) - Tác phẩm triển lãm VAPA đề tài "Chân dung" Cuộc thi Ảnh Nghệ thuật Quốc tế VN- 21.

- Ảnh chân dung cá nhân: gồm 2 loại là ảnh chân dung dàn dựng và ảnh chân dung tự nhiên.

- Ảnh chân dung dàn dựng: là thể loại ảnh có sự bố trí, sắp đặt khi chụp. Với ảnh chân dung dàn dựng, người chụp sẽ được chủ động về kỹ thuật và thời gian trong phòng chụp hoặc ngoài trời. Để chụp được một bức chân dung dàn dựng đẹp, ngoài sự thành thạo về kỹ thuật và nhạy bén về thị giác, thì mối tương quan giữa nhà nhiếp ảnh và người được chụp là vô cùng quan trọng, bởi họ sẽ cùng tham gia vào quá trình sáng tạo. Một bức ảnh thành công là bức ảnh đạt được dáng vẻ tự nhiên, không nhìn thấy dấu vết của sự dàn dựng.

Về kỹ thuật, chụp ảnh chân dung không nhất thiết phải dùng những kỹ thuật phức tạp hay bố cục phá cách. Một bức ảnh chân dung đẹp là khi người chụp có thể “chộp” được một trạng thái thích hợp trên nét mặt của người được chụp, bởi đối với ảnh chân dung, điểm nhấn quan trọng nhất vẫn là khuôn mặt. Việc nhấn mạnh hoặc giảm nhẹ vào điểm nào trên gương mặt của người được chụp sẽ tùy thuộc vào mục đích của người chụp là muốn làm đẹp cho chủ thể hay làm nổi bật cá tính của họ. Đặc biệt, với những bức ảnh chân dung toàn thân hoặc ¾ chiều cao thì cần đặc biệt chú ý đến hai bàn tay, bởi trong cỡ hình này, hình dáng và tư thế của hai bàn tay có thể cho biết nhiều điều về chủ thể.

W_4-taya.jpg
Tác phẩm: Taya. Tác giả: Elina Garipova (Russian Federation) - HCV ISF đề tài "Chân dung" Cuộc thi Ảnh Nghệ thuật Quốc tế VN- 21.

Ảnh chân dung tự nhiên (informal portrait): là thể loại ảnh không cần phải bố trí sắp đặt khi chụp. Tuy nhiên, loại ảnh này cũng đòi hỏi người chụp phải có nhiều kỹ năng, đặc biệt là luôn phải nhạy bén để kịp thời bắt đúng được một tư thế đẹp hay một vẻ mặt độc đáo của chủ thể trước khi các trạng thái đó biến mất. Ngoài ra, để tăng thêm tính thông tin và tính thẩm mỹ cho bức ảnh, người chụp có thể yêu cầu chủ thể bức ảnh làm một công việc hay một thao tác nào đó vốn quen thuộc với họ, như vậy sẽ giúp họ tự nhiên hơn.

Trong ảnh chân dung tự nhiên, hậu cảnh là một nhân tố không thể thiếu. Nếu như ở trong studio, hậu cảnh chỉ đóng vai trò thứ yếu nhằm tôn người được chụp lên, thì trong đời thường, dù cho nó có bị mờ nhòe đi thì vẫn không thể tách rời khỏi chủ thể.

W_27-under-the-black-sun-c1.jpg
Tác phẩm: Under the Black sun C1. Tác giả: Dmitry Polkanov (Russian Federation) - Tác phẩm triển lãm VAPA đề tài "Chân dung" Cuộc thi Ảnh Nghệ thuật Quốc tế VN- 21.

- Ảnh chân dung tập thể: Ảnh chân dung tập thể cũng được chia làm hai loại, gồm ảnh dàn dựng và ảnh tự nhiên.

Đối với ảnh chân dung tập thể dàn dựng, để có một bức ảnh đẹp thì việc bố trí sao cho tập thể mẫu đó phải hấp dẫn là vô cùng quan trọng. Do vậy, bên cạnh việc sắp xếp bố cục và xử lý ánh sáng, người chụp còn phải chớp được giây phút tập trung và biểu lộ tình cảm tốt nhất của những người trong ảnh. Đây là một thách thức không nhỏ đối với người cầm máy cũng như cần phải có sự điêu luyện nhà nghề. Việc bố trí mọi người theo một hàng ngang cứng nhắc và đơn điệu là một lưu ý cần phải hết sức tránh khi chụp ảnh dàn dựng tập thể. Ngoài ra, nếu tập thể càng đông thì nên chụp càng nhiều phim để có thể lựa chọn lấy được một bức ảnh ưng ý.

Với những bức ảnh chân dung tập thể tự nhiên, thì việc ghi lại được những tư thế, động tác thoải mái, bất chợt luôn đóng vai trò quan trọng. Để có được một bức ảnh chân dung tập thể tự nhiên đẹp thì bí quyết chính là càng đơn giản càng tốt, cùng với đó là việc chọn một góc nhìn thích hợp và chờ đợi những bố cục đẹp ngẫu nhiên, quan sát những hành động và nét mặt cũng như sử dụng các tốc độ trập nhanh.

- Ảnh chân dung sinh hoạt: là ảnh chụp chủ thể đang hoạt động trong một môi trường sống thật, chẳng hạn như một các nông dân đang cày ruộng, một cô công nhân đang làm việc trong nhà máy, một bà mẹ đang bế con, hay các học trò đang nô đùa trong sân trường… Hình ảnh những con người với động tác và vẻ linh hoạt trong khi làm việc hay vui chơi sẽ toát ra một sức diễn cảm mạnh mẽ, và tạo cho bức ảnh một trạng thái tâm lý tình cảm đặc thù không mang tính gượng ép hay giả tạo. Ngoài ra, những hành động của chủ thể trong môi trường thật sẽ giúp người xem xác định được phần nào về cá tính của nhân vật.

Khi chụp được những phản ứng và biểu cảm của chủ thể đối với một công việc hay một trò chơi mà họ đang tham dự, bức ảnh sẽ trở nên hấp dẫn hơn là bức ảnh trình bày một sự việc.

Ảnh chân dung tự nhiên chụp con người đang thực hiện các công việc thường ngày của họ còn được gọi là ảnh đời thường (candid photography). Đây chính là cha đẻ của thể loại ảnh phóng sự (reportage photography).

- Về bố cục ảnh: Đối với ảnh chân dung thì quy luật 1/3 chính là một trong những quy luật căn bản nhất để điều chỉnh bố cục bức ảnh. Trong quy luật này, người chụp sẽ chia bức ảnh ra thành 9 phần bằng nhau được tạo bởi 4 đường thẳng cắt nhau, trong đó 2 đường cắt khung hình thành 3 phần theo hàng ngang, 2 đường còn lại cắt thành 3 phần theo hàng dọc. Các yếu tố quan trọng nằm trong một bức ảnh cụ thể nên được đặt vào những điểm giao cắt của các đường thẳng đó. Một bức ảnh chân dung được bố cục hoàn toàn phù hợp với Quy tắc 1/3 sẽ có nghĩa là đường chân trời được đặt vào các điểm mạnh giao nhau ở phần ba phía dưới hoặc phần ba phía trên. Tuy nhiên quy tắc này vẫn có thể được linh hoạt chọn một trong 4 điểm mạnh để đặt chủ thể vào đó. Tùy từng tình huống cụ thể, tùy phối cảnh và ý đồ của người chụp mà chọn điiểm giao phù hợp.

- Về tư thế chụp: Ảnh chân dung có 3 tư thế căn bản là thế bán thân, thế 2/3 người và thế toàn thân. Đối với chụp ảnh chân dung thì tư thế đầu người mẫu và vị trí đặt máy là quan trọng nhất. 

- Về kiểu cách chân dung: Gồm có chụp kiểu chân phương, kiểu nghiêng ¾ và kiểu bản diện. Trong thể loại ảnh chân dung, người chụp không bao giờ có thể áp đặt những quy tắc bất di bất dịch mà có sự linh hoạt nhất định. Đặc biệt, muốn bộc lộ tính cách nhân vật qua bức ảnh, thì người cầm máy phải quan sát kỹ các cử chỉ, phong thái và những biểu lộ cá tính của người mẫu, trong đó đôi mắt và miệng là những đặc điểm biểu cảm nhất mà người chụp cần quan sát kỹ để khám phá được trạng thái tâm lý của chủ thể.

Tài liệu tham khảo:
Nguyễn Nhưng, Nhiếp ảnh nghệ thuật, Tập I, Nxb Văn Hóa, Hà Nội, 1995
Trần Đức Tài, Nhiếp ảnh toàn thư: Từ máy ảnh đến hình ảnh, Nxb Trẻ, TPHCM, 1997.
Lê Hải Yến, “Thế nào là ảnh chân dung” 
“Bố cục trong nhiếp ảnh”, https://tinhte.vn.
“Khái niệm ảnh chân dung”


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Nhiếp ảnh & Đời sống
Bàn về Ảnh chân dung
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO