Cứ sau mỗi một cuộc thi và triển lãm ảnh, người trong giới thường bộc lộ những phản ứng rất khác nhau, về các tác phẩm được chọn treo và đặc biệt là tác phẩm đoạt giải. Tuy vậy đại đa số chúng ta, thường có thói quen “dĩ hòa vi quý” không muốn lên tiếng, vì sợ “gây mất đoàn kết”. Hay nhỡ đâu, lại động chạm đến những người “cầm cân nảy mực”. Hoặc chí ít, sợ làm buồn cho bạn bè - Là tác giả có những bức ảnh đoạt giải, chọn treo hoặc có thể chưa đọc được hết ý tưởng của tác phẩm. Một số người gần đây đã từng phản biện. Cùng với sự tiếp thu chỉ đạo xử lý của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam (Hội NSNA Việt Nam) kết quả làm thay đổi danh sách những tác phẩm đoạt giải và một vài ông trọng tài bị Ban tổ chức treo còi. Đó chỉ cách ứng phó, sức lan tỏa lại chưa cao, chưa có sự thay đổi nhiều. Vì thế, sau mỗi cuộc thi, Ban Lý luận phê bình của Hội NSNA Việt Nam cần vào cuộc, cặn kẽ chỉ ra những xác lý mang tính học thuật và khoa học cho người gửi ảnh dự thi, người làm giám khảo và người làm công tác tổ chức sẽ có tác dụng và ý nghĩa hơn nhiều.
Mọi tác phẩm thuộc các lĩnh vực của văn học, nghệ thuật, khi đã “trình làng”, thì nó phải có một định mệnh riêng. Những tác phẩm “Khúc hát sông quê” của Lê Huy Mậu; “Quê hương” của Giang Nam hoặc loạt ảnh chụp về nạn đói năm Ất Dậu của Võ An Ninh… sớm đem lại vinh quang cho các tác giả. Sự gắn kết giữa “tác phẩm – tác giả” là mối liên kết vừa vô hình, vừa hữu cơ, khi người đọc yêu tác phẩm nào đó.
Những năm gần đây, tôi hay tò mò “nhìn mặt” các tác phẩm nhiếp ảnh đoạt giải, mong tìm ra vài ba tác phẩm có thể gây “sốc” cho tâm hồn. Mà từ đó có thể bổ khuyết, giúp cho công cuộc sáng tác của bản thân đỡ bị cùn mòn đi… Nhưng kèm theo những thứ mà tôi học được, những câu hỏi “tại sao” lại quá nhiều, khiến đôi lúc tôi cứ phải tự trấn an: Mình đã “lạc hậu” rồi, chai lì cảm giác rồi! Hội đồng chuyên môn, là những người cầm lá phiếu hằng năm vẫn xét các tác phẩm cho vào vòng giải cần chỉ ra chúng đẹp, chúng hay ở cái gì? Và chẳng ai ngoài họ, mỗi khi có những ý kiến trái chiều, thì cần phải có trách nhiệm bênh vực cho tác phẩm khỏi sự thờ ơ của người xem. Giới nhiếp ảnh nhìn sang đội ngũ LLPB, hằng mong tìm kiếm đôi lời dẫn giải… Khi tôi đọc được những chuẩn mực về đội ngũ LLPB:
“Trách nhiệm cao cả của công tác lý luận phê bình là thúc đẩy hoạt động sáng tác phát triển đúng hướng, nên người làm lý luận phê bình không chỉ có tâm trí vững, mà còn cần có dũng khí của công dân và tư cách người cầm bút. Không lùi bước trước uy lực, không bị vật chất cám dỗ, luôn tỏ thái độ trung thực với chính mình và với đồng nghiệp. Người viết phải có tâm sáng như pha lê, với trái tim nồng cháy đập theo nhịp đập của trái tim dân tộc…” - Nhà LLPB nhiếp ảnh Trần Mạnh Thường.
Với nhiếp ảnh, một chuyên ngành nằm chung trong Hội Liên hiệp VHNT Việt Nam, nhưng từ lâu, nó đã không còn là sân chơi độc quyền của một nhóm người. Kỹ thuật số đã đưa nhiếp ảnh phổ cập tới đông đảo người dân và vì thế số người say mê ảnh, đã biến lượng thành viên ở những lĩnh vực khác trong giới Văn Nghệ thành thiểu số… Nhìn số lượng tác phẩm gửi đến Cuộc thi ảnh quốc tế tại Việt Nam lần thứ 10, thì những người có kinh nghiệm trên sân chơi này, cũng đã phải kêu lên rằng, đây sẽ là một trong những cuộc thi ảnh khắc nghiệt nhất trên thế giới!
Qua thực tế, người ta có thể châm chước cho một tác giả chụp ảnh, khi anh ta trót đam mê một mô típ, một cách thẩm mỹ đã nhiều năm theo đuổi. Nhưng người ta lại đang mày mò tìm quy luật chung, về những Ban giám khảo khác nhau, lại cứ rập khuôn một cách thức thẩm định ảnh. Để khiến cho người gửi ảnh dự thi đã bắt thóp được rằng: Đã là cuộc thi có liên đới đến “du lịch” thì cứ có yếu tố “tây” vào là ăn giải! Và phải nghiên cứu bộ giải của một “Liên hoan” đầu tiên xuất hiện trong năm nó có bộ khung thế nào, thì những cuộc Liên hoan của các khu vực khác cứ na ná vậy mà gửi! Người ta chụp flycam, mình cũng flycam! Người ta lồng bè, mình cũng lồng bè! Người ta khai thác người khuyết tật cho có tính “nhân văn”, mình cũng chụp người thiệt thòi để đánh vào lòng trắc ẩn của Ban giám khảo!... Tôi trộm nghĩ: Các Ban giám khảo của ta gần như chịu ảnh hưởng lẫn nhau. Nếu tác phẩm ảnh nghệ thuật được người sáng tạo cho ra đời vào những lúc “phiêu” của mình, thì khi thẩm định giá trị của tác phẩm, các vị giám khảo cũng cần phải “thăng hoa” để bắt nhịp chăng?
Sẽ có nhiều lý do để biện minh, nhưng tôi cho rằng một tác phẩm ảnh nghệ thuật mà có thể chụp lại được, thì giá trị của nó chỉ đáng nằm ở mức khuyến khích – nếu nó còn mang hơi hướng sáng tạo. Nhưng khi đã chễm chệ trên tầm cao, thì nên tôn vinh những tác phẩm “độc bản” để người xem phải trầm trồ, khiến cho những người trong giới phải bàn luận về bố cục – ánh sáng – thời cơ…, độc đáo của tác phẩm đó ở trạng thái tâm phục, khẩu phục! Nó còn thách đố những kẻ ham nhại theo, có muốn cũng chẳng thể bắt chước được. Ví dụ: Bức ảnh “Từ thần sấm xuống xe trâu” của Văn Bảo, “Mẹ con người tử tù” của Lâm Hồng Long, O du kích bắt giặc lái của Phan Thoan hay “Nét cao nguyên” của Trần Phong… Người viết xin đặt một câu hỏi: Cái gì cản trở điều đó? Nhìn chung danh sách những Bam giám khảo gần đây đã được thay đổi, gồm những người sáng tác, lý luận phê bình có tước hiệu cao, có nhiều kinh nghiệm, có cả những nghệ sĩ trẻ có triển vọng để đào tạo kề cận. Thì tôi khẳng định là họ có đủ tài để nhận ra những yếu tố dễ dàng, hay khó khăn làm trụ cho một tác phẩm nhiếp ảnh nghệ thuật.
Ảnh: TL