Trường Sa - Đất thiêng qua những tấm hình

16:43 30/09/2020

NAĐSO - Trường Sa từ lâu không còn là tên riêng một quần đảo mà đã trở thành biểu tượng của tinh thần kiên cường bảo vệ chủ quyền biển đảo của dân tộc Việt Nam. Nói đến Trường Sa, dành tình yêu thương cho vùng biển đảo thân yêu này cũng là dành chung cho tất cả những người chiến sĩ trong khối Lực lượng vũ trang đang làm nhiệm vụ thiêng liêng bảo vệ Tổ quốc mà chiến sĩ Trường Sa là hình tượng tiêu biểu.

KHÍ PHÁCH TRƯỜNG SA

Trong những năm gần đây, trước âm mưu và hành động của Trung Quốc xâm lấn trắng trợn các đảo hiện hữu cũng như xây những đảo nhân tạo trong vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa, miền đất thiêng liêng này ngày càng quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Nói đến Trường Sa, chúng ta không bao giờ quên 64 cán bộ chiến sỹ ngày 14/03/1988 đã anh dũng hy sinh để bảo vệ đá Gạc Ma.

Nhiều đảo với khoảng chục cán bộ chiến sĩ phải sống trên diện tích chỉ khoảng vài chục m2, nước ngọt phải dè sẻn đến mức tối đa khi hơn 8 tháng trời không “nhỏ” một giọt mưa; Ngày đêm phải luôn luôn cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu chống lại các mối nguy hiểm rình rập… Đó chỉ là một vài trong vô số những khó khăn mà những người cán bộ chiến sĩ phải đối mặt. Vậy nhưng chính tinh thần cao cả và những nỗ lực vượt qua khó khăn gian khổ, sẵn sàng hy sinh vì tổ quốc của cán bộ chiến sĩ nơi đây đã tạo nên khí phách Trường Sa mà ống kính nhiếp ảnh luôn hướng tới khát khao thể hiện.

Trong thực tế mỗi khi ra Trường Sa, hình ảnh người chiến sĩ hiên ngang cầm súng đứng gác dưới cờ tổ quốc tung bay bên cột mốc chủ quyền luôn tạo cảm hứng cho mọi ống kính hướng tới. Hình ảnh này cũng tạo ý tưởng thiết kế cho bìa một cuốn sách ảnh ca ngợi khí phách “Hiên ngang Trường Sa”.

Phẩm chất người chiến sĩ Trường Sa có thể thấy rõ qua một ví dụ: Kể về những trường hợp phải đối đầu với phía nước ngoài thường xuyên phái tàu, xuồng khiêu khích xâm phạm đường biên trên biển, khoảng tháng 05/2016 khi được hỏi: “Ra đó, mấy em đối đáp với họ bằng tiếng gì và đối đầu thường bao lâu?”. Một chiến sĩ trẻ đảo Sinh Tồn Đông rất ung dung, thản nhiên trả lời: “Họ nói tiếng gì, chúng em nói tiếng đó. Mỗi lần đối đầu như vậy kéo dài khoảng 4-5 tiếng. Họ lì lợm lắm, có khi bọn em phải nổ súng cảnh cáo”. Điều này chứng tỏ cán bộ chiến sĩ Trường Sa không chỉ có lòng dũng cảm mà còn có cả tài trí của con người Việt Nam vốn thông minh, sáng tạo. Tiếc rằng ống kính nhiếp ảnh không được tiếp cận với những khoảnh khắc đó.

Sống ở Trường Sa là đối mặt với hiểm nguy vậy nhưng cuộc sống ở đây luôn mang đậm nét lạc quan. Điều này thể hiện rõ mọi lúc, mọi nơi, không chỉ ở cán bộ chiến sĩ, người dân mà cả ở các cô giáo và các cháu nhỏ. Khí phách con người Trường Sa thể hiện rõ nét nhất qua sự lạc quan và qua nụ cười. Nụ cười - khi ra Trường Sa ai cũng thấy nhưng tất cả đều hiểu rằng nụ cười mang tính biểu tượng của tinh thần lạc quan có giá trị cao nhất khi nhân vật có nụ cười đó mang tính đại diện cho một sự kiện, một thời kỳ hay một giai đoạn lịch sử. Hình ảnh “Nụ cười chiến thắng” của nữ chiến sĩ cộng sản Võ Thị Thắng trước quân thù hay “Nụ cười chiến thắng” của nghệ sĩ Đoàn Công Tính - người chiến sỹ dũng cảm dưới thành cổ Quảng Trị đã đạt tới tầm cao này. Tiếc rằng, hình ảnh “Nụ cười mang tính biểu tượng Trường Sa” cho đến nay nhiếp ảnh chưa “với tới” để rồi lan tỏa trở thành biểu tượng trong xã hội.

CHỤP ẢNH Ở TRƯỜNG SA

Được tác nghiệp ở Trường Sa luôn là mơ ước của những người cầm máy, đặc biệt là các Nghệ sĩ Nhiếp ảnh. Năm nào, Bộ Tư lệnh Hải quân cũng ưu ái dành khoảng mười “suất” ra đảo cho các tay máy được các cơ quan quản lý văn hóa, nghệ thuật chọn lọc, giới thiệu. Họ là những tay máy vững vàng về mọi mặt, có thành tích, cống hiến cũng như có sức khỏe để đảm bảo từ Trường Sa về sẽ có ảnh tốt sử dụng trên các phương tiện truyền thông, tham gia triển lãm. Được ra đảo, họ hiểu trách nhiệm của mình thật nặng nề vì hình ảnh ghi nhận tại Trường Sa của họ phải có chất lượng cao để được lan tỏa tới hàng triệu người Việt Nam trong đất liền luôn hướng tới họ.

Vậy nhưng nếu các tổ chức giới thiệu những người chỉ quen chụp nghệ thuật đơn thuần ra Trường Sa thì chắc chắn sẽ gặp khó khăn khi tìm chủ đề hay xác định nhân vật mang tính biểu tượng tại Trường Sa. Trong chuyến sáng tác tại một đơn vị Hải quân, có Nghệ sĩ Nhiếp ảnh khá nổi tiếng tâm sự: “Ra đây mấy ngày rồi nhưng em không chụp được gì, vì không thấy có gì để chụp”. Không thể trách cứ người nghệ sĩ đó. Thật vậy, nếu người cầm máy không cảm nhận được ý nghĩa việc mình đang làm, không hiểu con người, cuộc sống và hoạt động nơi đây thì sẽ không biết chụp gì. Do vậy, để chụp về Trường Sa cần những người không chỉ có lòng yêu nước mà cần hiểu biết, có kinh nghiệm chụp về Lực lượng vũ trang, đặc biệt về đề tài bảo vệ chủ quyền đất nước.    

Khác với những chuyến đi sáng tác trên đất liền và trên biển khác, để ra Trường Sa trong khoảng chục ngày, trong khi những văn nghệ sĩ khác ra đảo chỉ với hành trang gọn nhẹ thì người cầm máy phải chuẩn bị rất kỹ lưỡng về mọi mặt. Ngoài chuẩn bị về kiến thức và đồ dùng cá nhân đảm bảo sức khỏe tốt, máy móc trang bị mang theo phải đầy đủ và đảm bảo dự phòng cao nhất. Sự chuẩn bị cần thật công phu vì chẳng may nếu xảy ra sự cố với máy móc thì thiệt hại không hề nhỏ.

Có ra Trường Sa mới thấy được tình cảm ấm áp và sự ủng hộ to lớn của quân dân cả nước dành cho cán bộ chiến sĩ nơi đây. Tình cảm quân dân cả nước dành cho Trường Sa luôn là chủ đề hàng đầu trong các chuyến đi ra đảo. Một hình ảnh đẹp: Trong tiếng đàn hát giao lưu trên đảo Đá Tây, giữa những người giữ đảo với tốp biểu diễn nghệ thuật từ đất liền ra thăm đảo, ống kính bắt gặp hai bàn tay ngần ngại e ấp đặt lên nhau. Bàn tay đầy chai sạn bởi bê tông, sắt thép và nước biển đặt ngửa như khát khao chờ đợi; Bàn tay thon, mềm mại úp xuống như ấp ủ chở che. Sự giao thoa cảm thông, đầy xúc cảm của hai bàn tay hay nói chính xác hơn là hai trái tim, được ống kính ghi lại. Ra Trường Sa, nếu chú ý người cầm máy sẽ có những hình ảnh nặng tình người, đậm nét nhân văn mà trong đất liền khó có thể thấy được.


Sau giờ trực chiến


Để có những hình ảnh mang tính hình tượng về người chiến sĩ Trường Sa thật khó khăn vì người cầm máy không được chủ động cả về thời gian lẫn không gian tác nghiệp; Phải chụp mọi nơi, mọi lúc bất kỳ khi nào có thể chụp, kể cả trên ca nô cao tốc chồm lướt trên sóng; Chụp cả khi đang lơ lửng trèo lên giàn khoan một tay nắm lan can và một tay bấm máy; Thời gian lưu trên mỗi đảo rất ngắn trung bình chỉ khoảng hai giờ và do tính chất nghiêm mật của những đảo tiền tiêu, không phải nơi nào, ống kính máy ảnh cũng được phép “đặt chân” đến… và còn rất nhiều lý do khác. Khó khăn thì nhiều nhưng cũng chính các khó khăn là những thử thách cam go, là sự chọn lọc khắt khe nhất đối với những người muốn lấy hình tượng người chiến sĩ Trường Sa làm đề tài sáng tác.

Cuộc sống và con người ở Trường Sa luôn vận động nhưng đồng thời cũng có rất nhiều điều để nhiếp ảnh theo đuổi, khám phá. Sau mỗi hai, ba năm nếu ai có dịp trở lại đây sẽ thấy không gian, cảnh vật và con người ở Trường Sa thay đổi rất nhanh chóng. Đặc biệt dân cư đông dần lên, trường học, chùa chiền trên các đảo được xây dựng ngày một nhiều hơn. Cùng với sự phát triển mọi mặt của Trường Sa, nhiếp ảnh có nhiệm vụ theo sát để phản ảnh sự lớn mạnh một cách vững chắc của đời sống và con người Trường Sa qua từng thời kỳ, từng giai đoạn. Trường Sa luôn là đề tài “bất tận” của nhiếp ảnh.  

HÌNH TƯỢNG NGƯỜI CHIẾN SỸ TRƯỜNG SA

Khí phách là đỉnh cao của tinh thần mà hình ảnh người chiến sĩ hiên ngang, vững chắc bảo vệ Trường Sa là hình tượng “lõi” của khí phách.

Trong ống kính, hình tượng người chiến sỹ ở đây phải “rất Trường Sa”, không thể lẫn với nơi nào khác. Để khắc họa “cho ra” hình tượng tiêu biểu ở Trường Sa, người cầm máy cần tìm nét đặc trưng của con người nơi đây. Muốn có hình ảnh mang dấu ấn Trường Sa, người cầm máy cần tìm và đưa vào khung hình những điểm mốc, không gian biển đảo, hiện vật chuẩn mà chỉ ở nơi đây mới có, cụ thể như: Những hoạt động tuần tra canh gác ven đảo, luyện tập sẵn sàng chiến đấu, sinh hoạt của cán bộ chiến sỹ hay bảng thông tin trên đảo, hoạt động xuồng cao tốc, cây bàng vuông, đàn hải âu, cột điện gió, tấm pin năng lượng mặt trời…

Tuy gọi chung là chiến sĩ nhưng đa số những người giữ đảo bây giờ là sĩ quan chỉ huy, sĩ quan chuyên nghiệp mà phần lớn đều đã có gia đình. Nếu ghé qua phòng ngủ của họ, ta có thể thấy ngay những tấm hình gia đình, vợ con thân yêu được dán ngay đầu giường. Tuy nhiên để thể hiện được góc sâu lắng nhất trong đời sống tình cảm của người giữ đảo là thách thức lớn đối với người cầm máy. Điều này không hiện ra mà chỉ bộc lộ ở những khoảnh khắc riêng tư nhất của con người.


Niềm vui của lính đảo Trường Sa

Thông thường các đoàn công tác đến thăm Trường Sa được bố trí vào những ngày đẹp trời, biển lặng sóng yên trong các tháng Tư, Năm và Sáu hàng năm. Do vậy, thật khó cho những người cầm máy thể hiện được hình ảnh con người và cuộc sống đặc trưng đầy rẫy khó khăn gian khổ của cán bộ chiến sĩ trong lao động, luyện tập sẵn sàng chiến đấu trong những ngày tháng xung quanh là sóng cao, bão tố. Nếu chỉ được gặp gỡ anh em mặc bộ quân phục sạch sẽ phẳng phiu trong các cuộc giao lưu văn hóa, văn nghệ thì dù với tâm nguyện cao mấy, những người cầm máy cũng không thể ghi nhận được những khó khăn, gian khổ, hiểm nguy sẵn sàng hy sinh tính mạng mà những con người nơi đây phải chịu đựng. Càng khó hơn cho ống kính khi muốn ghi lại những phẩm chất cao quý của hình tượng “Người chiến sĩ Trường Sa” với tinh thần yêu nước, tính bản lĩnh, sự thông minh, nét trí tuệ và lòng dũng cảm. Thật đáng tiếc khi hình tượng người chiến sĩ Trường Sa cho đến nay nhiếp ảnh vẫn chưa thể hiện được một cách trọn vẹn và đúng tầm. Đây là nỗi trăn trở, băn khoăn lớn nhất của nhiếp ảnh khi thể hiện về Trường Sa.

Hình tượng người chiến sĩ Trường Sa đang và vẫn luôn là đề tài có tầm cao của nhiếp ảnh cả về tính tư liệu và nghệ thuật để “theo đuổi” khám phá nhằm thể hiện và tạo ra các tác phẩm, xứng đáng với tầm thế của Trường Sa cũng như sự trông mong của xã hội. Tin tưởng rằng khi những người cầm máy được kề vai sát cánh với những người cầm súng canh giữ biển đảo, chắc chắn rằng hình tượng người chiến sĩ Trường Sa sẽ được khắc họa, thể hiện ở mọi góc độ, với đầy đủ những phẩm chất cao đẹp và khí phách hiên ngang.


Bài và Ảnh: Trần Quốc Dũng


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Nhiếp ảnh & Đời sống
Trường Sa - Đất thiêng qua những tấm hình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO