Thưởng thức và đánh giá tác phẩm Nhiếp ảnh

15:01 30/09/2020

NAĐSO - Thưởng thức tác phẩm nhiếp ảnh là một trong những yếu tố cơ bản của nhà nhiếp ảnh, bởi lẽ biết thưởng thức tác phẩm của các tác giả mới có thể tiếp thu, học tập được nhiều điều, từ đó để định hình phong cách riêng của mỗi người.

CẤP ĐỘ THƯỞNG THỨC TÁC PHẨM NHIẾP ẢNH

Thứ nhất, với đại đa số công chúng phổ thông

Những người này khi xem ảnh, thường bình phẩm nào là phong cảnh đẹp, cô gái xinh, màu sắc tươi tắn, ảnh rõ nét... Thực ra chỉ cần vào một ngày đẹp trời, các bạn đến điểm phong cảnh đẹp, hoặc giả tìm đến một cô gái xinh, là dễ dàng có được những bức ảnh "đèm đẹp", người chụp cảm thấy đã thành công, mặc dù các nhà nhiếp ảnh không khuyến khích các bạn khai thác cách thể hiện này.

Thứ hai, với những người yêu thích nhiếp ảnh

Họ rất chú ý đến bố cục, sắc độ, màu sắc, kỹ thuật xử lý ánh sáng của bức ảnh, đa phần họ chụp ở dạng bước đầu tiếp cận Nghệ thuật nhiếp ảnh, những bức ảnh đó cũng đáng xem.

Thứ ba, với các nhà nhiếp ảnh

Họ chú trọng bố cục của tác phẩm, nội hàm tư tưởng, nắm bắt khoảnh khắc chụp và thần thái biểu hiện của nhân vật. Bằng kỹ pháp và thủ pháp biểu hiện chủ đề, xử lý hậu kỳ, nó có tác động trực quan đến tác phẩm. Hơn nữa những tác phẩm của các nhà nhiếp ảnh thu hút thị giác, càng xem càng cảm thấy thú vị.

Người con của đại ngàn
Ảnh: Long Phúc Vân
Một bức ảnh đẹp hay không, căn cứ vào mấy điểm sau:

- Bố cục phải đẹp, tươi mới: Một tác phẩm đẹp, trước tiên cần thu hút thị giác vào bố cục. Một bố cục đẹp không lặp lại của người khác, cần có cá tính, độc đáo. Vật chính mà nó phản ánh có tác dụng làm nổi bật chủ đề, động thái tự nhiên, không khô cứng.

- Đối với màu sắc ảnh: Cần phong phú, tươi tắn, màu nóng lạnh phối hợp hài hoà; Với ảnh đen trắng mức độ tương phản nên phù hợp.

- Chủ đề nổi bật: Mỗi một bức ảnh đều có chủ đề và vật chính. Bối cảnh cần sạch sẽ, không để phụ lấn chính; Tránh rườm rà, rối rắm, cái gì cũng thu vào ống kính, kết quả mọi vật đều không nổi bật.

- Cần mang tính thời đại: Một bức ảnh đẹp xuất hiện trước mắt bạn, khiến bạn xúc động. Bức ảnh đó không những mang tính thời đại, mà còn có cá tính độc đáo.

- Vận dụng nguồn sáng phù hợp: Như ánh sáng ngược, ánh sáng bên, ánh sáng thuận, ánh sáng trên, ánh sáng dưới, ánh sáng tự nhiên, nghịch sáng. Nếu vận dụng đích đáng, sẽ phản ánh được nội dung vật chính của bức ảnh. Có thể nói, một bức ảnh đẹp, sử dụng ánh sáng ngược hoặc bên khá nhiều, ánh sáng thuận cảnh vật sẽ dẹt, lì không hiệu quả.

- Tầng lớp trong bức ảnh: Cần phong phú, phân minh. Tiền cảnh, trung cảnh, hậu cảnh đều tạo thành lớp lang rõ ràng.

- Đối với ảnh quảng cáo (Commercial): Chủ đề cần nổi bật, màu sắc cần tươi tắn bắt mắt. Có thể vận dụng lợi thế về kỹ thuật, kỹ xảo, hiệu ứng... trong khâu xử lý hậu kỳ để tăng cường sức thuyết phục. Hình ảnh đơn giản, rõ ràng, hài hước, hàm ý phong phú, đại chúng hóa, độc đáo và có cá tính, những cái đó đều là yếu tố quan trọng của ảnh quảng cáo.

Khi xem một tác phẩm nhiếp ảnh, chú ý ánh mắt đầu tiên nhắm vào phần nào trong bức ảnh. Cái đó cần phải rèn luyện, suy ngẫm. Đồng thời tự vấn bản thân mấy vấn đề:

1. Sức thu hút ánh mắt đầu tiên có phải là vật chính trong bức ảnh? Sự thu hút ánh mắt này có ý nghĩa gì? Sau đó xem tiếp cái gì? Vì sao?

2. Tiêu điểm của vật chính có rõ nét không? Nếu không, lý do gì để không nét? Nó có cần thiết không?

3. Bối cảnh có rõ nét không? Phơi sáng có chính xác không? Nếu không, điều đó có lợi hay hại cho bức ảnh?

4. Màu sắc của vật chính với bối cảnh có tự nhiên không? Nếu không, nó có lợi hay hại cho bức ảnh?

5. Khi xem ảnh, cảnh vật bằng bằng hay có chiều sâu? Có chân thực không? Nếu không chân thực, nó có lợi hay hại cho bức ảnh?

6. Vị trí vật chính trong bức ảnh có ở điểm đặc biệt thu hút ánh mắt không? Hay ở vị trí phân tán sự chú ý? Tóm lại, bố cục như vậy có ảnh hưởng gì đến chủ đề?

7. Những cảnh vật được biểu hiện trong bức ảnh có gây ấn tượng mạnh không?

8. Nếu cắt cúp bức ảnh rộng một chút hoặc chặt một chút, có ảnh hưởng gì không?

9. Bạn có bình luận hoặc phản biện đặc biệt gì với nguyên tác để giúp tác giả nâng cao chất lượng tác phẩm không?

Nguyên tắc cơ bản của bình luận là: Không được mạo phạm tác giả, đề cao bản thân, hạ thấp người khác. Mục đích những ý kiến và kiến nghị là cùng các tác giả trao đổi để không ngừng nâng cao chất lượng tác phẩm, cùng nhau học tập và đúc rút kinh nghiệm.

MỸ HỌC TRONG NHIẾP ẢNH

Trong phạm vi nghiên cứu mỹ học, họa gia đời Tấn, Trung Quốc - Cố Khải Chi đề xuất quan điểm “Dĩ hình tả thần” (lấy hình ảnh để tả tinh thần), coi trọng “hình”, “thần”, khi thể hiện tinh thần nhân vật cần chú trọng ánh mắt.

Nhà thơ, họa gia Vương Duy đời Đường cũng đã đề xuất quan điểm mỹ học “Phàm họa sơn thuỷ, ý tại bút tiên” (Khi vẽ tranh sơn thuỷ, ý vượt trước nét bút). Trong sáng tác, trước tiên lập ý, từ tư duy hình thành ý tưởng. Nhà thơ, lý luận gia đời Đường - Tư Không Đồ cũng lấy thi ca làm ví dụ, đề xuất tác phẩm nghệ thuật cần có ý cảnh, học thuyết “ý cảnh” là phạm trù mỹ học độc đáo của Trung Quốc.

Từ đó có thể thấy rằng, cái đẹp tuy không thể đo đếm, nhưng từ cổ chí kim cái đẹp luôn là đề tài mà nhân loại tìm kiếm. Nếu như chúng ta coi nhẹ cái đó, vậy thì chúng ta dựa vào tiêu chuẩn nào để thưởng thức cái đẹp? Cái đẹp của Nghệ thuật nhiếp ảnh là nhà nhiếp ảnh trong thực tiễn sáng tác biết kết hợp thống nhất giữa tính tự nhiên với tính xã hội của sự vật, hơn nữa công chúng có thể cảm thụ được nét đặc trưng mà tác phẩm mang lại. Trong quá trình thực tế sáng tác của mình các nhà nhiếp ảnh có chiều sâu nhận thức về cái đẹp tâm lý, cái đẹp cảm tình, cái đẹp tưởng tượng và cái đẹp lý tưởng... Vì vậy, sử dụng phương thức lựa hình tượng thực tế, đưa vào đường nét, hình dạng, màu sắc, ánh sáng, thời gian, không gian... của bên ngoài và bên trong sự vật để thể hiện quan hệ giữa con người với thiên nhiên, con người với con người, bằng phương thức thể hiện những sự vật hiện hữu đó đã tác động trực tiếp lên cảm xúc của người xem.

Chúng ta có thể đánh giá vẻ đẹp của nhiếp ảnh bằng góc độ và những yếu tố sau: Vẻ đẹp của nhiếp ảnh được thể hiện bởi nội dung (bao gồm: Đề tài, chủ đề) và hình thức (bao gồm: Đường nét đẹp, sắc độ đẹp, màu sắc đẹp, sự đối xứng, cân bằng, hài hoà). Vẻ đẹp của nội dung bao gồm hai phần là phản ánh vẻ đẹp của cảnh quan thiên nhiên và phản ánh vẻ đẹp của cuộc sống xã hội.

Chủ đề của nhiếp ảnh biểu hiện cảm xúc thẩm mỹ, tiêu chuẩn thẩm mỹ, năng lực tìm kiếm vẻ đẹp cảnh quan của nhà nhiếp ảnh. Đó là kết quả của nhiều năm tích lũy kinh nghiệm thẩm mỹ của nhà nhiếp ảnh. Bằng vẻ đẹp tự nhiên kết hợp với vẻ đẹp xã hội, tạo thành một vẻ đẹp mới.



Vệt nắng chiều
Ảnh: Tô Hạnh Phương

Cái đẹp của hình thức và nội dung trong nhiếp ảnh: 

1. Phản ánh vẻ đẹp của cảnh quan thiên nhiên (bao gồm: Vẻ đẹp của cảnh quan thiên nhiên - là phản ánh vẻ đẹp của cảnh quan, kỳ quan thiên nhiên hoàn toàn không có bàn tay con người; Vẻ đẹp của cảnh quan nhân văn - là phản ánh vẻ đẹp thiên nhiên có bàn tay con người xây dựng, để biểu hiện trình độ văn minh nhân loại).


2. Phản ánh vẻ đẹp của hình tượng nghệ thuật trong cuộc sống xã hội (bao gồm: Vẻ đẹp tâm linh của Nghệ thuật nhiếp ảnh - hình tượng nghệ thuật chỉ nên thể hiện vẻ đẹp tâm linh của con người, sẽ có giá trị thẩm mỹ; Vẻ đẹp hành vi của hình tượng nghệ thuật - Nghệ thuật nhiếp ảnh cần lấy nguyên hình, nguyên dạng hình tượng thực tế để tái hiện vẻ đẹp hình tượng mới qua cá tính của nhà nhiếp ảnh. Trên thực tế nhà nhiếp ảnh dựa vào “mượn cảnh tả tình”, trực tiếp phản ánh vào tác phẩm nguyện vọng thẩm mỹ của mình, để sáng tác ra một tác phẩm mới; Vẻ đẹp luân thường đạo lý của nghệ thuật - vẻ đẹp nội dung là một trong những điều rất quan trọng, bất luận nhà nhiếp ảnh muốn thể hiện vẻ đẹp ra sao, nếu làm trái với quy luật phát triển của xã hội, thì nội dung của tác phẩm sẽ không đẹp. Hình tượng nghệ thuật của tác phẩm nhiếp ảnh cần phản ánh phù hợp với quy luật phát triển xã hội trong luân thường đạo lý, đó chính là vẻ đẹp của nội dung).

Nhiếp ảnh là tái tạo sự vật hiện thực, trong quá trình sáng tác ngoài việc lựa chọn sử dụng thiết bị, kỹ pháp ra còn cần nhà nhiếp ảnh nhạy bén trong suy xét. Khi chúng ta đối diện với nhiều tác phẩm khác nhau và chủng loại khác nhau, cần dựa vào yếu tố nào để nhìn nhận, đánh giá? Hiện nay tuyệt đại đa số các tác phẩm đều thể hiện vẻ đẹp của thiên nhiên, cuộc sống xã hội..., những tác phẩm này đem lại cho chúng ta cảm xúc và tiếp thu, khiến chúng ta cảm kích trước cuộc sống trong xã hội. Tuy nhiên với một số tác phẩm ở thể loại ghi thực, chụp đuổi, thì chúng ta cũng không nên quá khắt khe về bố cục, ánh sáng.

THƯỞNG THỨC NGHỆ THUẬT NHIẾP ẢNH

Nghệ thuật nhiếp ảnh rất khác biệt với các ngành nghệ thuật khác, do đó, ta phải tuân theo quy luật tự nhiên của nó.


Dưới ánh đèn
Ảnh: Hầu Nghị Mưu

Thưởng thức Nghệ thuật nhiếp ảnh gồm 4 yếu tố: Tạo hình cơ bản, kỹ thuật kỹ xảo, thủ pháp biểu hiện nghệ thuật, chủ đề tư tưởng.

1. Nghệ thuật nhiếp ảnh thông qua màu sắc, sắc độ để xây dựng hình tượng. Hơn nữa, thưởng thức Nghệ thuật nhiếp ảnh bắt đầu xem từ bố cục, ánh sáng, đường nét... để trực tiếp cảm nhận yếu tố cơ bản của nó. Những yếu tố đó không chỉ là yếu tố cơ bản cấu thành tác phẩm, mà người thưởng thức còn cảm thụ và nhận thức được tiền đề nghệ thuật của tác phẩm.

2. Nghệ thuật nhiếp ảnh là sự kết hợp hoàn mỹ giữa kỹ thuật với kỹ xảo, một tác phẩm xuất sắc không tách rời ứng dụng giữa kỹ thuật với kỹ xảo.

3. Phương pháp biểu hiện nghệ thuật cũng như thưởng thức tác phẩm là một yếu tố quan trọng. Nó chi phối chủ đề, quan điểm nghệ thuật của nhà nhiếp ảnh, căn cứ vào chủ đề sáng tác mà vận dụng thủ pháp biểu hiện khác nhau. Hiện nay có rất nhiều những tác phẩm nhiếp ảnh quảng cáo và nghệ thuật, chúng ta có thể thấy rất nhiều phương pháp biểu hiện nghệ thuật khác nhau, có quan hệ mật thiết giữa tiếp thu học vấn với tu dưỡng nghệ thuật của bản thân. Chúng ta không ngừng thông qua đó để học tập và nâng cao trình độ nghệ thuật của bản thân, từ những tác phẩm đó ta có thể học tập được nhiều điều.

4. Từ bố cục đến hoàn thành tác phẩm, thống nhất giữa nội dung và hình thức. Phần lớn thể loại ảnh báo chí chủ đề tư tưởng tương đối rõ ràng, thể loại ảnh phong cảnh chủ đề nhiều khi không thật rõ ràng, nhưng thủ pháp biểu hiện hình thức thì rất phong phú. Hơn nữa, bất kể Nghệ thuật nhiếp ảnh hay thưởng thức tác phẩm nhiếp ảnh đều cần phải có quá trình thời gian dài tích lũy, học tập và tổng kết, không ngừng thông qua thực tiễn, mới có thể nâng cao trình độ thưởng thức, hình thành phong cách sáng tác độc đáo. Khi chúng ta xem các tác phẩm nhiếp ảnh, chúng ta cũng không quá tham vọng các tác phẩm đều phải thật hoàn thiện, chỉ cần chúng ta có tấm lòng cởi mở để thưởng thức, tôi tin rằng mỗi một tác phẩm nhiếp ảnh đều đem lại cho chúng ta những cảm xúc và vẻ đẹp đặc sắc riêng.

Một tác phẩm Nghệ thuật nhiếp ảnh xuất sắc, nhà nhiếp ảnh cần sử dụng hài hòa kỹ thuật, kỹ xảo, cùng tư duy sáng tạo, để sáng tác ra tác phẩm chứa đựng những giá trị tư tưởng, thẩm mỹ, mang tính nhân văn, hướng thiện, làm rung động cảm xúc, tư tưởng, tình cảm của người thưởng thức.

(Theo Thẩm Kiến Ba, Tạp chí Nhiếp ảnh Trung Quốc.)

Hồng Trọng Mậu


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Nhiếp ảnh & Đời sống
Thưởng thức và đánh giá tác phẩm Nhiếp ảnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO