Tâm huyết và kỳ vọng của một người ngoài Hội

15:25 19/02/2021

NAĐSO - Đối với chúng tôi, tên tuổi và hình ảnh các nghệ sĩ nhiếp ảnh cũng như Hội NSNA Việt Nam, các cuộc thi và triển lãm ảnh nghệ thuật là cái gì đó quá sức sang trọng và xa vời. Đến bây giờ, cảm giác ấy vẫn còn nguyên vẹn trong tôi và rất rất nhiều người và sẽ còn lan tỏa, lưu giữ nhiều năm nữa.


Nhà báo Lưu Quang Phổ (báo Thanh Niên), Phó Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh Hải Phòng đọc bài tham luận tại Hội thảo

Tôi đến với nhiếp ảnh năm 1986, bằng những bài học đầu tiên của thầy Nguyễn Kim Côn ở Cung văn hóa Lao động Việt Xô và những cuốn sách dạy chụp ảnh của NSNA Nguyễn Nhưng, hay những số Tạp chí Nhiếp ảnh khi đó còn in đen trắng trên giấy xấu. Máy ảnh Zenit, phim đen trắng Svema rẻ tiền là phương tiện để những sinh viên chúng tôi tập thực hành chụp ảnh.

Chúng tôi bất lực cả về lý thuyết lẫn thực tế khi phải trả lời các câu hỏi: Làm thế nào để chụp được những khung hình Sa Pa đẹp như tranh thủy mạc của cụ Võ An Ninh? Làm sao có những bức ảnh gây xúc động như “Phúc Tân kêu gọi trả thù” của ông Vũ Ba? Hay phải như thế nào mới chụp được những bức ảnh sống động, chân thực, như cảnh trao trả tù binh bên sông Thạch Hãn năm 1973 của NSNA Chu Chí Thành, nguyên Chủ tịch Hội NSNAVN?

Tôi, cũng như nhiều người yêu ảnh khác, nhận thức rằng ảnh nghệ thuật là cái gì đó trừu tượng và cao quý, nghệ sĩ nhiếp ảnh là ai đó thật vĩ đại và những người trần mắt thịt như chúng tôi thật khó để có thể nắm bắt và tiếp cận được.

Bằng chứng là ở Hội Nhiếp ảnh Hải Phòng của chúng tôi, những người chưa phải là hội viên Hội NSNAVN nếu tự xưng là nghệ sĩ, hoặc được ai đó gọi là nghệ sĩ thì sẽ ngay lập tức được các hội viên Hội NSNAVN chấn chỉnh.

Cá nhân tôi, dù đã có 4 nhiệm kỳ tham gia Ban Chấp hành Hội, 2 nhiệm kỳ làm Phó Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh Hải Phòng, nhưng trong đa số trường hợp, tôi chỉ được giới thiệu là nhà báo Lưu Quang Phổ mà không được gọi là nghệ sĩ nhiếp ảnh,  đơn giản vì tôi không phải là hội viên của Hội NSNAVN. Lắm lúc nghĩ cũng tủi thân.

Hơn 30 năm học ảnh, xem ảnh, theo dõi và đôi khi cũng thử tham gia một vài cuộc thi ảnh, tôi cũng nghe phong thanh đâu đó những cấn cá, băn khoăn của công chúng về nền nhiếp ảnh nước nhà. Đó là các vấn đề về định hướng sáng tác, tác phẩm; Về công việc, hoạt động và về “tổ chức” của Hội NSNAVN.

Cảm nhận, mong muốn về tác phẩm, định hướng tác phẩm

Hơn 30 năm xem ảnh, tôi thấy nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam có nhiều đổi mới. Từ những bức ảnh giản dị mà lên được đỉnh cao của các cuộc thi ảnh toàn quốc, có thể kể như bức chân dung “Tóc mây” của lão nghệ sĩ Quang Phùng, hay ảnh 2 em bé đang thổi dế của nghệ sĩ Nguyễn Thái Phiên, đến bức ảnh “Ánh sáng từ lòng đất Yaly” của nghệ sĩ kiêm nhà báo Nguyễn Khắc Hường báo Nhân Dân, tất cả đều được Huy chương Vàng các cuộc thi ảnh cấp quốc gia, đến nay các triển lãm ảnh đã tràn ngập các công trình mới, sản phẩm mới.

Có cảm giác nhiếp ảnh Việt Nam, trong đó “vùng lõi” là nhiếp ảnh nghệ thuật của Hội NSNAVN có những đợt sóng trào dâng trên bề mặt, là sức hút mạnh mẽ với rất nhiều người. Nhưng không phải là những dòng chảy âm thầm mang dấu ấn của từng cá nhân, khi họ dùng ống kính của mình mà soi vào từng câu chuyện, từng mảnh đời, nếu có thì là rất ít và tôi chỉ có thể kể tên vài người như Nguyễn Á, Nguyễn Thái Phiên…

Thiển ý của tôi, cảm nhận của tôi là Hội NSNAVN hoàn toàn có quyền hạn, khả năng và cả trách nhiệm để lái con tàu nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam đến đúng bản chất nghệ thuật là dùng tác phẩm để tác động vào cảm xúc, vào trái tim của công chúng.

Còn những bức ảnh đèm đẹp có tính sao chép công thức, hoặc giống tranh cổ động, hoặc mô tả thành tựu, thuyết minh đường lối chính sách… như cách mà báo chí chúng tôi vẫn chụp và gọi là ảnh minh họa, tất nhiên cũng cần để thỏa mãn nhu cầu chụp ảnh của số đông, nhưng không nên được coi là chủ lưu của nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam.

Cảm nhận về hoạt động của Hội NSNAVN

Từ góc độ một người ngoài quan sát, tôi thấy Hội NSNAVN có một số hoạt động vốn rất bài bản, quy củ, có tính nề nếp bấy lâu nay, đó là việc tổ chức các cuộc thi ảnh cấp toàn quốc, liên hoan ảnh khu vực và bảo trợ các hoạt động nhiếp ảnh của các ngành, các địa phương. Việc này cũng khiến các hội viên và cả những người hâm mộ như chúng tôi luôn hướng về Hội với tâm thế của học trò đi thi. Tất cả luôn muốn làm vừa lòng thầy để được có ảnh triển lãm, được giải, từ đó vào Hội hoặc tặng phong tước hiệu mà ít quan tâm đến sự sáng tạo. Và có sáng tạo thì chúng tôi hầu như cũng chẳng có sân chơi nào khác ngoài việc đi thi.

Mặt khác, trong khi nhận thức, hiểu biết của công chúng, cộng đồng ngày càng được nâng lên, thì chúng tôi vẫn chỉ được dự và xem ảnh từ những cuộc thi theo cách cũ. Facebook, Instagram, Youtube… từ lâu đã trở thành mảnh đất màu mỡ để người ta công bố các thể loại hình ảnh, liệu chúng ta làm điều gì đó tương tự và hay hơn không? Trong khi một số nhà nhiếp ảnh như Hoàng Thế Nhiệm, Nguyễn Thái Phiên đã có website, thì ngoài việc giới thiệu các tác phẩm triển lãm trên các trang web thi ảnh vốn phải nhờ đến anh Mai Vinh, có lẽ Hội NSNAVN cũng nên tính cách nào đó để công bố tác phẩm của hội viên, của các cuộc thi theo hình thức online một cách chuyên nghiệp và thân thiện, để chúng tôi được thưởng thức và học hỏi, thậm chí là mua bán tác phẩm đỉnh cao của các anh chị một cách dễ dàng hơn không?

Nên dừng, thu gọn hay giãn cách các liên hoan này để tổ chức thêm các hội thảo, các trại sáng tác, các dự án hay các triển lãm cá nhân? Cảm nhận của tôi là các hoạt động này chưa được tổ chức nhiều trong lĩnh vực nhiếp ảnh. Đơn cử như việc hội thảo sau một số liên hoan ảnh khu vực gần đây đã bị cắt bỏ hoặc nếu có làm thì rất đơn sơ.

Hội NSNAVN trong con mắt của “người ngoài”

Với rất nhiều người chụp ảnh Việt Nam, trong đó có tôi, được vào Hội NSNAVN là một vinh dự lớn. Với đa số, việc này là khó vô cùng, nhưng đôi khi cũng quá dễ dàng.

Cách đây hơn 20 năm, một hội viên lâu năm của chúng tôi do thiếu điểm vào Hội đã phải viết một tâm thư gửi lên Tạp chí Nhiếp ảnh, để rồi được đăng, sau đó mới được đặc cách kết nạp. Tuy nhiên, cũng có một số người chỉ cần đi theo một số nghệ sĩ có kinh nghiệm, rồi chụp theo, rồi gửi ảnh, được giải và nhanh chóng đủ điểm.

Một số hội viên của Hội ta thường tự xưng là nghệ sĩ nhưng kiến thức nhiếp ảnh, khả năng sáng tác ảnh lại không đến đâu và làm chúng tôi thất vọng mỗi khi tiếp cận vì không học hỏi được gì. Cá nhân tôi cũng thấy một số bác hội viên tài nghệ chỉ có mức độ nhưng nói năng, thể hiện cứ như đúng rồi, nên lại nản lòng, chả muốn phấn đấu vào Hội nữa. Trong mắt của nhiều người, Hội ta cũng mất điểm oan vì chuyện này.

Trong bối cảnh này, Hội NSNAVN sẽ đứng yên và tụt hậu, hay vượt lên? Chúng tôi đang nghĩ đến lâu nay và chờ đợi một động thái nào đó của Hội. Khi ấy, biết đâu chúng tôi cũng được trở thành hội viên của Hội NSNAVN mà không phải tính điểm.

Lưu Quang Phổ
(báo Thanh Niên)
(Phó chủ tịch Hội Nhiếp ảnh Hải Phòng)


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Nhiếp ảnh & Đời sống
Tâm huyết và kỳ vọng của một người ngoài Hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO