Phóng sự ảnh vẫn là Thế mạnh

10:01 30/09/2020

NAĐSO - Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XIV – năm 2019 đã diễn ra trọng thể lúc 20h tối ngày 21/6/2020, tại Nhà hát lớn Hà Nội. Đây là một sự kiện lớn thường niên nhằm tôn vinh những cống hiến to lớn của các nhà báo trong sự nghiệp xây dựng và phát triển của đất nước, diễn ra đúng dịp kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6.

"Báo chí nước nhà cùng với cách làm truyền thống, cần chủ động đi đầu trong chuyển đổi số, sử dụng công nghệ số để thay đổi cách làm báo, mô hình kinh doanh mới, tập trung hơn vào những ấn phẩm có nội dung khoa học, phân tích chuyên sâu. Đồng thời, Báo chí đóng vai trò lớn hơn dẫn dắt, định hướng tư tưởng và thẩm mỹ, góp phần nâng cao dân trí, giữ gìn bản sắc, phát triển văn hóa và con người Việt Nam chúng ta"-Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Lễ trao giải Báo chí Quốc gia lần thứ XIV - 2019.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội Nhà báo Thuận Hữu cùng các tác giả tiêu biểu nhận Giải Báo chí Quốc gia
​lần thứ XIV - 2019.
Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia năm 2019 đã vinh danh 103/140 tác phẩm xuất sắc nhất, gồm: 9 giải A, 21 giải B, 41 giải C và 32 giải Khuyến khích. Trong đó hạng mục Ảnh báo chí chọn được 9 tác phẩm chất lượng vào vòng chung khảo và Hội đồng chung khảo đã bình chọn ra 6 tác phẩm xuất sắc nhất đoạt giải gồm: 1 giải B, 1 giải C và 4 giải Khuyến khích. Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống vinh dự có tác giả Hồ Trần Minh Quang với phóng sự ảnh “Ba ngày chiến đấu với giặc lửa” đoạt giải B thể loại Ảnh báo chí của Giải Báo chí Quốc gia năm nay.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng và Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân trao Giải B và cúp
cho tác giả 
Hồ Trần Minh Quang (Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống) với tác phẩm “Ba ngày chiến đấu với giặc lửa”  Hạng mục Ảnh báo chí, Giải Báo chí Quốc gia lần XVI - năm 2019.
Để có thêm những đánh giá khách quan từ phía những người làm công tác thẩm định giải hàng năm, Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống đã có buổi phỏng vấn Nhà báo - NSNA Phạm Tiến Dũng – Trưởng Ban sơ khảo thể loại Ảnh báo chí, Giải Báo chí Quốc gia 2019.

Phóng viên:Là trưởng Ban sơ khảo hạng mục Ảnh báo chí, Giải Báo chí Quốc gia 2019, theo ông để có được một tác phẩm ảnh báo chí tốt, tác giả, người phóng viên ảnh, nhà báo cần có những yếu tố nào?

NSNA Phạm Tiến Dũng: Giải Báo chí quốc gia năm nay thể loại nhiếp ảnh, đề tài của tác phẩm gửi về dự thi khá đa dạng, nằm ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Nhưng cách thể hiện của một số tác giả chưa tốt, còn mang tính ghi chép nhiều. Để có một tác phẩm ảnh báo chí tốt, thì người phóng viên cần phải có sự hiểu biết về lĩnh vực mà mình thể hiện và ngôn ngữ nhiếp ảnh. Đây là hai yếu tố không thể tách rời nhau, nếu người phóng viên không thông thạo về ngôn ngữ nhiếp ảnh như bố cục, đường nét, ánh sáng, kỹ năng sử dụng máy ảnh thì sẽ không có được tác phẩm chất lượng cao và không phản ánh được những thông điệp kèm theo. Như vậy, sẽ không thu hút được người xem.

Một phóng sự ảnh, ảnh đơn chất lượng cao phải thể hiện được nội dung, ý tưởng muốn đặt ra và thông điệp kèm theo trong bức ảnh. Bức ảnh càng chân thực thì càng có giá trị!

Phóng viên: Ông có những đánh giá như thế nào về Giải ảnh báo chí năm nay?

NSNA Phạm Tiến Dũng: Về công tác tổ chức chấm giải, năm nay tiểu ban Ảnh báo chí chọn phương án chấm tập trung thay vì chấm online để có điều kiện xem xét một cách toàn diện hơn các tác phẩm dự thi, so sánh các tác phẩm cùng chủ đề với nhau, cùng nhau bàn bạc thống nhất để lựa chọn các tác phẩm xứng đáng nhất lọt vào vòng chung khảo.

Mặc dù số lượng ảnh dự thi gửi về chưa nhiều, nhưng những tác phẩm ảnh báo chí đoạt giải năm nay được đánh giá tốt hơn về chất lượng so với các năm trước và được Hội đồng Chung khảo đánh giá rất cao và chọn ra được: 1 giải B, 1 giải C và 4 giải Khuyến khích.

Phóng viên: Phần lớn các tác phẩm ảnh được gửi dự thi năm nay thuộc thể loại phóng sự ảnh. Theo ông, những điểm mạnh nào khiến Phóng sự ảnh có giá trị cao và được nhiều tác giả lựa chọn để thể hiện đề tài của mình đến như vậy?

NSNA Phạm Tiến Dũng: Phóng sự ảnh có thế mạnh là một chùm ảnh giúp người kể chuyện tiếp cận vấn đề một cách đa chiều và dài hơi hơn. Chính vì thế, các tác giả thường chọn phóng sự ảnh để phản ánh một vấn đề nào đó.

Giải báo chí Quốc gia năm nay, các tác phẩm xuất sắc được lựa chọn để trao giải hầu hết đều là phóng sự ảnh, có thể kể đến như:

Tác phẩm:“Ba ngày chiến đấu với giặc lửa” (Giải B) của tác giả Hồ Trần Minh Quang (Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống). Đây là phóng sự ảnh phản ánh chân thực cuộc chiến đấu của các lực lượng cùng phối hợp ngăn chặn giặc lửa, gồm: Bộ đội, kiểm lâm, công an, lực lượng dân quân tự vệ và người dân địa phương. Tất cả cùng vào cuộc chung tay dập tắt đám cháy kinh hoàng trên đỉnh núi Hồng Lĩnh thuộc huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Tác giả đã suốt 3 ngày đêm (từ 28 đến 30/6/2019) bám sát cùng các lực lượng chữa cháy rừng, ghi lại được nhiều hình ảnh sống động của trận cháy rừng khủng khiếp đã thiêu rụi hàng trăm hecta rừng ở Hà Tĩnh cũng như cuộc chiến đấu gian nan, dũng cảm của các lực lượng bảo vệ rừng nhằm dập tắt đám cháy. Bộ ảnh đậm chất phóng sự với nhiều hình ảnh, góc máy sinh động, khoảnh khắc bấm máy tốt, tiếp cận, đối mặt đám cháy không quản hiểm nguy.

Tác phẩm: “Chuyến thăm chính thức Việt nam của Chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên” (Giải C) của nhóm tác giả Trí Dũng, Thống Nhất, Nhan Sáng, Lâm Khánh, Phương Hoa (Liên Chi hội NB TTXVN). Bộ ảnh phản ánh được một sự kiện đối ngoại quan trọng của Đảng và Nhà nước ta, cho thấy đường lối đối ngoại rộng mở đa phương hóa, uy tín ngày càng cao của Việt Nam trên trường quốc tế. Bộ ảnh chụp chất lượng cao, các bức ảnh có bố cục chặt chẽ, nhiều khoảnh khắc đẹp.

Tác phẩm:“Những khoảnh khắc vàng của bóng đã Việt Nam” (Giải Khuyến khích) nhóm tác giả Trọng Hải, Thu Hà (Báo Quân đội nhân dân). Đây là sự kiện quan trọng của bóng đá Việt Nam, khi lần đầu tiên đội tuyển bóng đá nam giành chiến thắng trong trận Chung kết SEA Games và đem tấm HCV quý giá về cho Tổ quốc. Nhóm tác giả đã ghi lại được nhiều khoảnh khắc đắt giá, xúc động trong trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam và đội tuyển Indonesia trên sân vận động Rizal Memorial (Philipines) từ hình ảnh thi đấu quả cảm của các cầu thủ trên sân đến hình ảnh cổ động viên nhiệt huyết trên khán đài. Phút giây vỡ oà với chiến thắng sau bao năm chờ đợi.

Ký sự ảnh chân dung:“Châu - Niềm cảm hứng sáng tạo” (Giải Khuyến khích) của tác giả Việt Văn (báo Lao Động). Là một tác giả thành công nhiều trong khắc họa chân dung nhân vật bằng ngôn ngữ nhiếp ảnh, tác giả Việt Văn đã đưa đến cho người xem câu chuyện xúc động về Lê Minh Châu, một thanh niên bị di chứng chất độc da cam, tay chân tàn tật rất yếu ớt, nhưng bằng ý chí mãnh liệt của mình đã vượt lên số phận, hoàn thành giấc mơ trở thành họa sĩ, đem lại cảm hứng cho nhiều người cùng cảnh ngộ. Bằng những góc máy tinh tế, tác giả đã khắc họa nhiều khoảnh khắc khác nhau trong cuộc sống, trong công việc của Châu, cho thấy ở Châu, một con người đầy nghị lực và lạc quan sống. Năm 2016, Châu là người khuyết tật VN đầu tiên tham dự Hội nghị lần thứ 9 của LHQ về Quyền của người khuyết tật tại New York (Mỹ).

Phóng viên: Theo ông, những điểm còn tồn tại trong cuộc thi năm nay?

NSNA Phạm Tiến Dũng: Số lượng ảnh báo chí gửi về giải vẫn chưa nhiều, đặc biệt ảnh đơn ít và chất lượng còn yếu, không có những khoảnh khắc đắt giá và phản ánh được bản chất của sự kiện. Đây là điều đáng tiếc, vì ảnh đơn là một thế mạnh trong nhiếp ảnh.

Bên cạnh đó, sự quan tâm của các cơ quan báo chí đến ảnh báo chí chưa cao. Nước ta có hàng trăm tờ báo, nhưng năm nay Ban tổ chức giải vẫn chỉ nhận được: 6/848, 17/63 hội nhà báo các tỉnh gửi tác phẩm đến dự thi, mặc dù Hội nhà báo cũng đã tạo rất nhiều điều kiện. Điều đó cho thấy sự quan tâm đến ảnh báo chí còn rất ít.

Các tác phẩm ảnh báo chí có chất lượng vẫn tập trung chủ yếu về TTX, báo Nhân dân và một số tờ báo lớn, chuyên ngành do các phóng viên của họ được đào tạo bài bản và có sự quan tâm đến nhiếp ảnh.

Phóng viên: Vậy, theo ông cần phải làm gì để tạo sức hút cho thể loại ảnh báo chí gửi đến cuộc thi nói riêng và chất lượng ảnh báo chí Việt Nam nói chung?

NSNA Phạm Tiến Dũng: Tôi rất mong muốn, các tờ báo, các lãnh đạo các cơ quan báo chí quan tâm đến ảnh báo chí nhiều hơn nữa. Không còn xem ảnh chỉ là một sản phẩm mang tính chất minh hoạ. Đầu tư cho công tác đào tạo và sử dụng các tác phẩm ảnh.  

Các tác giả nên chú tâm hơn về cách chọn và thể hiện đề tài; Cách khai thác phải hấp dẫn, mang tính thời đại, tính nhân văn, đi sâu vào số phận con người.

Ảnh báo chí của Việt Nam cần phát triển đúng tầm để có thêm nhiều các tác phẩm chất lượng cao dự thi không chỉ trong nước, mà còn có thể tham gia cạnh tranh tại các giải báo chí thế giới.

Xin chân thành cảm ơn nhà báo, NSNA Phạm Tiến Dũng đã tham gia buổi phỏng vấn này!

Dưới đây làTác phẩm Giải B (trích 3 ảnh trong bộ phóng sự ảnh): Ba ngày chiến đấu với giặc lửa
Tác giả: Hồ Trần Minh Quang (Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống)





Thuỷ Đặng


 

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Nhiếp ảnh & Đời sống
Phóng sự ảnh vẫn là Thế mạnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO