Nhiếp ảnh - Mối tương quan diệu kỳ giữa kỹ thuật và nghệ thuật

10:54 19/02/2021

NAĐSO - Nhìn về khía cạnh vật lý, thì nhiều người sẽ nghĩ rằng nhiếp ảnh là một lĩnh vực mà ở đó con người phải lệ thuộc quá nặng nề về kỹ thuật, để có thể cho ra đời được một bức ảnh đạt yêu cầu cơ bản theo tiêu chuẩn của nhà sản xuất. Công nghệ càng phát triển thì sự lệ thuộc càng nhiều hơn.


Tác phẩm: With My Dreams (tạm dịch: với giấc mơ của tôi)
Tác giả: Abdulla Al-mushaifri (Qatar)
(Đoạt Huy chương Bạc Cuộc thi Ảnh nghệ thuật quốc tế lần thứ 10 - VN 19 tại Việt nam)

Tác phẩm: Camel dog (tạm dịch: Lạc đà và chó)
Tác giả: Xiping An (Trung Quốc)
(Huy chương Bạc Cuộc thi Ảnh nghệ thuật quốc tế lần thứ 10 - VN 19 tại Việt nam)

Liệu rằng theo quan điểm của một ai đó, nói rằng “nghệ thuật là mảnh đất, ở đó sự can thiệp của kỹ thuật nằm ở ngưỡng thấp nhất” có thực sự có ý nghĩa chăng. Rồi nào là phải vận dụng những thao tác kỹ thuật “một cách thủ công” thì mới mang tính nghệ thuật cao…

Một quan niệm khác cho rằng chỉ những gì được “chụp thật” thì mới đáng được kể là nghệ thuật, còn những chắp vá chỉ là giả dối, không trung thực, không phản ảnh đúng hơi thở cuộc sống (xuyên qua loại hình nhiếp ảnh).

Và cũng có những lối suy nghĩ hết sức lạ lùng, cho rằng hễ bức ảnh nào “khó chụp” đều bị gán cho hai từ “xử lý” (dù tác giả đã tốn khá nhiều công sức để chụp “thật” nó)…

Có thể nào cho rằng khi tác phẩm được hình thành trên một khuôn hình duy nhất, thì mới được gọi là “chụp thật”? Mà không hề quan tâm đến “đằng sau bức ảnh là gì”? Các tác giả nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực dàn dựng, sau khi đã “hoàn thiện đến từng centimet” của hình ảnh, thì họ bắt đầu “đưa rác vào”, họ đặt rác nơi này, nơi kia, để với mục đích khiến người xem nghĩ rằng “họ đã chụp thật”…

Tác phẩm ảnh nghệ thuật: Những bức ảnh xuất hiện trên không gian hai chiều, trong đó mỗi chất liệu xuất hiện đều được xem là có chủ ý, và khi tổng hợp chúng lại với nhau, có thể giúp người xem hiểu được một phần hay trọn vẹn thông điệp mà tác giả muốn gửi trao.

Xử lý kỹ thuật: Vận dụng những thao tác kỹ thuật trên chiếc máy ảnh (thân máy, ống kính, các nguồn sáng, các thiết bị phụ trợ…) nhằm tạo tương tác với ý tưởng thể hiện, qua đó giúp hiện thực hóa ý tưởng đó, biến nó thành hình ảnh trên không gian hai chiều.

Xử lý hậu kỳ: Là những thủ pháp nhằm “hoàn thiện” những gì chưa đạt được trong quá trình bấm chụp. Những quá trình xử lý này (Photoshop, Lightroom, Photopaint…) đưa ra rất nhiều giải pháp, và hầu như đều là những giải pháp “mở”, nghĩa là cho phép có nhiều “tùy chọn” để người dùng dễ thích ứng được với những vấn đề liên quan đến cảm xúc, hay tư duy…

Nguyên bản: Được gọi là âm bản gốc (dù từ này không thật sự đúng), được hiểu là những gì có được sau quá trình bấm máy, và chưa chịu bất kỳ biến đổi nào can thiệp vào nguyên mẫu này. Ngay trong định nghĩa này cũng khá mơ hồ, vì với phim nhựa, sẽ không thể hình thành ra “bản gốc” nếu không thông qua quá trình “tráng” (processing), và trong một chừng mực nào đó, người ta có thể tạo ra những biến đổi trong tiến trình này. Và với máy ảnh số thì điều này còn được mở rộng ra nhiều hơn nữa, người ta có thể thay đổi độ nét, độ tương phản, độ rực màu, và thậm chí biến đổi cân bằng trắng, hay mở rộng dải tương phản động (HDR - high dynamic range), ngay trong quá trình ghi hình của máy chụp (ở định dạng Jpeg), trong khi với định dạng Raw, khả năng còn nhiều hơn nữa.

Hiện thực: Là những gì đang hiện hữu (hữu hình), những gì có thể thấy bằng mắt, và cả những những cảm nhận khác, như buồn vui, lo âu, trăn trở, u hoài, yêu thương, uất hận.

Ảnh chụp thật và ảnh dàn dựng: Vì cả hai đều được hoàn thành trên một khuôn hình duy nhất, trong một cú bấm máy, nên khả năng nhận diện ra chúng sẽ hết sức khó khăn, nếu xảy ra tình trạng “dựng như thật” (với ý thức cao độ cũng như tay nghề hoàn hảo, nhà nhiếp ảnh khiến cảnh dựng sẽ gần như thật), hay “thật như dựng” (sẽ có những lúc vô tình cảnh thật xuất hiện một cách hoàn hảo, khiến người xem nghi ngờ tính chân thật của cảnh vật đấy). Vậy thì làm cách nào để có thể nhận diện được những yếu tố khác biệt nhau ấy.

Chắp ghép: Được hiểu là khi trong bức ảnh ấy “có xuất hiện lớp (layer) thứ hai, trở lên”. Và với những người xử lý tốt (tương thích ánh sáng, góc nhìn, phối cảnh, bóng đổ, độ nét, độ chi tiết, độ rực màu, độ tương phản…), khả năng có thể nhận diện ra mối ghép, sẽ gần như không thể. Và khi đó, người ta chỉ có thể “đoán”…

Các trường phái nhiếp ảnh: Đối diện với những vấn đề của cuộc sống, mỗi người có những cách nhìn khác nhau, những thang giá trị không giống nhau, và những trường phái ra đời chủ yếu trên nền “vận dụng những thủ pháp xử lý khác nhau” để cùng thể hiện những vấn đề, những ngóc ngách của nhân sinh theo cách riêng của mình. Và không loại trừ khả năng, khi phải đối diện với những cảm xúc dâng trào, tư duy lãng mạn, thì việc xóa đi cái “cảm giác thực tại trần trụi tạm thời” có thể là giải pháp hữu ích giúp người xem có thể thẩm thấu rõ hơn chiều sâu thẳm thứ ba của hình ảnh chăng…

Xử lý mà không thay đổi bản chất: Thuật ngữ này hết sức mơ hồ. Giả định, chụp một cô gái địu con tại chợ Sapa, sau đó ra ngoại ô chụp dãy nhà sàn ngang lưng chừng núi ghép vào thay cho hậu cảnh phồn tạp phía sau cô gái. Và trường hợp chở cô gái đến ngay hiện trường là hậu cảnh sườn núi đó, sau đó bấm chụp tạo ra bức ảnh trên một khuôn hình duy nhất, thế thì “bức ảnh nào thực hơn” (đó là chưa gắn vào hàm nghĩa “đẹp hơn”).

Tính hình tượng, tính đại diện và tính hiện thực: Nếu nhìn mặt trăng và nói đó là “mặt trăng”, là “nguyệt cầu”, thì đó là người ta mới chỉ quan tâm đến tính vật lý, tính hiện hữu giản đơn dựa theo ánh nhìn của mắt người. Nhưng nếu qua “hình tròn của mặt trăng” đó, người ta cảm nhận được sự mát lạnh của không khí xuyên qua những lớp sáng xa gần, hay một mối liên tưởng đến “tuổi trăng tròn” của thiếu nữ, hoặc vẻ đẹp thanh khiết, thánh thiện, trong trẻo của thiên nhiên… Và như thế, nếu xuyên qua những gì xuất hiện trên không gian hai chiều của bức ảnh, mà người ta không thấy được chút cảm nhận nào, thì hoặc tác phẩm quá bình thường, hoặc chính người xem đang vô cảm trước thông điệp của tác giả. Như thế, yếu tố ngôn ngữ hình ảnh có sâu sắc lắng đọng hay không, đều do các cấu trúc “văn phạm”, “cách dùng từ”, hay “những nhấn nhá” có đủ tương thích hay không.

Tính hóa thân: Khi nhắc đến chim bồ câu trắng, người ta “liên tưởng” đến ước vọng hòa bình, hay khi thấy hình ảnh hai trái tim gần nhau, biểu trưng cho tình yêu đôi lứa, mà thực tế thì chim bồ câu trắng chẳng hề đem hòa bình đến, cũng như trái tim chẳng liên quan gì đến tình yêu cả. Về hóa thân lại là vấn đề phức tạp hơn rất nhiều, khi nhìn ánh trăng khuya trong trời đêm lộng gió liệu có thể mang hóa thân của một tâm hồn lưu lạc phương trời, với bao ưu tư trăn trở hoài vọng về chốn xưa yêu dấu… hoặc chút nắng chiều vương vấn chiếc ghế trống trơn đem lại một hóa thân về buổi hoàng hôn đã gần kề, hay tuổi già bóng xế, sự tàn lụi mong manh… Và khi đã chấp nhận những thang giá trị (mang tính ẩn dụ) này, thì người ta sẽ chẳng chút nào vương vấn đến chuyện “có xử lý hay không”, mà vấn đề còn lại là “có cảm được hay không” mà thôi.

Hình thức và nội dung: Xác lập những gì được đưa vào trong khung hình, bố trí nó ra sao, với những mức độ nổi trội thế nào, là do cả hai yếu tố xử lý kỹ thuật và xử lý hậu kỳ đồng tham gia với những mức độ nào đó, và cũng từ đó giúp chuyển tải thông điệp nội dung rõ đến mức nào đến với người xem.

Ngôn ngữ hình ảnh và đối tượng thưởng thức: Nếu không xác lập được đối tượng thưởng thức là ai, thì sẽ rất khó có thể chọn được ngôn ngữ hình ảnh phù hợp. Việc vận dụng những chất liệu mang tính ẩn dụ cao, sẽ khiến ngôn ngữ trở thành bác học, và sẽ hết sức kén chọn người xem. Nhưng nếu chọn ngôn ngữ hình ảnh quá phổ thông, đơn giản, nhằm để ai cũng có thể hiểu được, thì rất khó có thể chuyển tải được những thông điệp sâu sắc. Chỉ là khó, chứ không phải là tuyệt đối không thể (nơi mảnh đất chỉ dành cho các thiên tài). Giả như ta mượn cảm giác mờ nhòe của các vật chuyển động nhằm chuyển tải cảm giác của sự vội vã, ồn ào, náo nhiệt, phức tạp, hỗn độn, biến ảo không ngừng… thì với những người chưa từng tiếp cận với ngôn ngữ nghệ thuật sẽ rất khó hiểu, thậm chí chẳng hiểu gì. Hoặc khi ta mượn màu lục để chuyển tải cảm giác của mùa xuân, màu vàng của mùa thu, màu trắng của mùa đông… thì số người hiểu được sẽ càng ít dần đi… Ở đây, ta sẽ thấy yếu tố kỹ thuật can thiệp rất sâu vào tiến trình hình ảnh hóa, và sẽ chẳng còn ai quan tâm ranh giới giữa hai yếu tố nghệ thuật và kỹ thuật nơi nào nữa, chúng thực sự hòa quyện vào với nhau.

Thiết lập ý tưởng: Từ trong thực tế cuộc sống, hay trong vốn sống thu thập được, tác giả khoanh vùng để chọn một phân khúc nào đó, hoặc do phù hợp cảm xúc cá nhân, hoặc đáp ứng được cái “thấy” của tác giả về một vấn đề nào đó của nhân sinh mà người khác chưa từng thể hiện, hay đã thể hiện nhưng chưa rốt ráo. Việc thiết lập ý tưởng này được xem như là “yếu tố tiên quyết”, là kim chỉ nam để định hướng, tuyệt đối không thể thiếu trong tiến trình hình ảnh hóa.

Chọn chất liệu thể hiện ý tưởng đó: Sau khi đã hình thành ý tưởng chủ đạo, nhà nhiếp ảnh sẽ tìm quanh mình, những chất liệu tương thích để có thể chuyển tải ý tưởng đó ở ngưỡng cao nhất. Việc truy tìm chất liệu này thay đổi rất nhiều tùy theo những khuynh hướng hay trường phái thể hiện khác nhau.

Chọn thủ pháp tương thích để thể hiện ý tưởng đó: Càng thông thạo việc vận dụng các thủ pháp bao nhiêu thì càng có nhiều cơ hội tối ưu hóa công cụ, giúp chuyển tải cao nhất ý tưởng đích nhắm.

Chọn trang thiết bị phù hợp thủ pháp: Nếu không thể tìm được những trang thiết bị phù hợp, thì sẽ rất khó khăn trong tiến trình hình ảnh hóa này. Giả như nhu cầu cần dùng ống kính có tiêu cự 600mm, với khẩu độ cần dùng là f/4, rồi cần phải có máy phát điện cho hệ thống đèn flash kích hoạt trên bờ biển… nhưng thực tế lại không có, thì ý tưởng chọn thủ pháp thể hiện đã không thành công.

Chọn phương thức xử lý giúp tối ưu hóa ý tưởng thể hiện nơi tác phẩm cuối cùng: Ý thức rất rõ về những gì cần xử lý ngay từ trước khi bấm máy là điều quan trọng, vì có thể giúp giản lược hóa rất nhiều những phức tạp, khó khăn, trở ngại, đôi khi không thể vượt qua, chỉ vì không hiểu gì về các phương thức xử lý, và các khả năng đáp ứng. Những quy trình xử lý vốn nên xem nó như “phòng tối số”. Trong quá khứ, các bậc tiền bối đã dùng những kỹ năng riêng của mình để có thể chắp ghép rất thành công từ thời còn dùng phim nhựa, và ở thời kỳ đó, chẳng ai quan tâm để thắc mắc hình có ghép không, người ta đã chọn đấu trên nền “nghệ sĩ sáng tác”, nơi đó, ý tưởng thể hiện được đẩy lên trên, thực ra chỉ là những giải pháp nhằm đẩy giá trị ý tưởng lên cao đến mức nào mà thôi.

Nguyễn Trung Thu


 

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Nhiếp ảnh & Đời sống
Nhiếp ảnh - Mối tương quan diệu kỳ giữa kỹ thuật và nghệ thuật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO