Nhân vật trung tâm trong Nhiếp ảnh hiện nay (Kỳ 2)

16:02 30/09/2020

NSĐSO - Trong nhiều giai đoạn lịch sử và phát triển xã hội của đất nước, cùng với nhiều loại hình văn hóa nghệ thuật khác, nhiếp ảnh luôn xác định đối tượng tiêu biểu để phản ánh, trong đó nhân vật trung tâm là trọng tâm.

Đưa tang ngày lũ
Ảnh: Đặng Kế Cường
​(Giải A giải thưởng Xuất sắc 2018 do Hội NSNA VN bình chọn)
Trải qua rất nhiều thời kỳ lịch sử, bộ môn Nhiếp ảnh tại Việt Nam đã dần đi lên và khẳng định vị thế quan trọng của mình cùng đổi thay của đất nước. Theo đó, nhân vật trung tâm của nhiếp ảnh cũng bám sát từng giai đoạn để phản ánh, ghi lại lịch sử qua những tấm hình. Trên cơ sở chọn lọc, khai thác, nhiếp ảnh trong giai đoạn hiện nay đã định hình được nhân vật trung tâm trên mọi lĩnh vực. Trong đó, hơi thở của cuộc sống đã được các nghệ sĩ phản ánh chân thực và chính xác, ghi dấu từng bước đường đi lên của đất nước với những nhân vật, câu chuyện cụ thể. Có thể điểm lại những chủ đề về nhân vật trung tâm trong nhiếp ảnh hiện nay để bạn đọc hiểu rõ thêm:

Những con người hăng say lao động sáng tạo trên các mặt trận kinh tế công nghiệp, nông nghiệp, khoa học, kinh tế văn hóa giáo dục… Đây là chủ đề có nhiều ảnh đơn đạt giải Xuất sắc ở các cuộc thi do Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức trong những năm gần đây. Năm 2015 có 4/11 tác phẩm được trao giải về đề tài này đạt tỷ lệ 36%. Trong đó, giải A được trao cho tác giả Đỗ Hữu Tuấn với tác phẩm “Nông thôn mới” về đề tài nuôi trồng thủy sản và Cup VAPA cho tác giả Phạm Huỳnh Anh Dũng với tác phẩm “Nhạc trưởng” về lĩnh vực nghệ thuật.

Năm 2016 có 8/11 tác phẩm ảnh được trao giải đạt tỷ lệ 72%, giải Xuất sắc được trao cho mảng ảnh đề tài này trong đó có giải A thuộc về Lâm Thanh Liêm với tác phẩm “Dẫn dòng điện xanh” về lĩnh vực năng lượng điện; Giải B cho Bùi Đăng Thanh với “Ánh sao đêm” về chân dung người thợ lò than; Nguyễn Thanh Dũng với “Trên những tầng cao” về lĩnh vực xây dựng hay Nguyễn Sinh Long với “Ném đĩa” về đề tài thể thao… Năm 2017 cũng có 4/11 giải được trao cho mảng ảnh này đạt tỷ lệ 36%.

Trong thời điểm kinh tế phát triển và hội nhập, cuộc cách mạng 4.0 đang mở ra đòi hỏi tư duy sáng tạo của người cầm máy phải theo kịp thời đại. Do vậy, những bức ảnh thể hiện sự khác nhau của đời sống, xã hội hiện nay cũng được yêu cầu khắt khe, sáng tạo và tư duy nhiều hơn. Chụp cho “ra” được tính tiêu biểu thật của nó không hề đơn giản, một sự thách thức không nhỏ về kiến thức khoa học kỹ thuật. Một ví dụ cụ thể về hình ảnh con người ở những thành phố thông minh trong tương lai với những mảng mới như: Chính quyền điện tử, giao thông thông minh, kết nối công nghệ… sẽ khác hẳn so với “lối mòn” chụp thành phố hôm nay khi những nhân vật tiêu biểu thường là những đoàn viên thanh niên xung phong gương mẫu, những người công nhân vệ sinh móc sình dưới cống rãnh, cảnh sát giao thông giúp đỡ người già yếu qua đường...

Con người trong cuộc sống, điểm qua với chủ đề này là bộ giải Xuất sắc năm 2016, đạt giải C có tác giả Huỳnh Công Nghĩa với “Khoảnh khắc tuổi thơ” về đề tài trẻ em và Đặng Kế Đức với “Bên trong cuộc sống” về đề tài sinh hoạt hàng ngày. Bộ giải Xuất sắc năm 2017, đạt giải B có Đỗ Hữu Tuấn với “Công việc thầm lặng” về những người mưu sinh kiếm sống bằng việc bới rác; Giải C có Nguyễn Tiến Quảng với “Lễ hội Carnival” về chủ đề văn hóa lễ hội; Tạ Ngọc Xuân với “Một mình” về phong cảnh và sinh hoạt nông thôn…

Thật không quá khi nói nhiếp ảnh bằng những tác phẩm có giá trị cao thể hiện về con người, cuộc sống, thiên nhiên và văn hóa Việt đã góp phần nâng tầm cho đất nước Việt Nam lên vị thế mới trên thế giới.

Tuy nhiên, cũng còn vấn đề cần nói đến là phần xử lý hậu kỳ của những bức ảnh. Bằng phần các phần mềm xử lý ảnh và sử dụng kỹ xảo, không ít hình ảnh đặc biệt là phong cảnh đã được “cường điệu hóa” về ánh sáng, màu sắc, độ tương phản, bố cục… kể cả chắp ghép đến mức không thật, làm thất vọng người xem khi đến thực địa. Đây là vấn đề cần phải được khắc phục nếu không, chính nhiếp ảnh và sự dễ dãi trong công tác quảng bá du lịch sẽ phải liên đới đến những hệ quả sau này.

Các lực lượng vũ trang kiên cường sẵn sàng bảo vệ đất nước, đặc biệt là chủ quyền biển đảo, trong đó có Trường Sa. Chủ đề này tuy được đề cao nhưng suốt 3 năm 2015, 2016, 2017 không có giải ảnh đơn nào đạt giải Xuất sắc ở cả 3 mức A, B hoặc C (0/33) được trao cho tác phẩm thuộc đề tài này. Trong các cuộc thi quốc tế tại Việt Nam (gọi tắt là VN) do Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức cũng có tác phẩm “Ngày gặp lại” về cuộc gặp gỡ của những cựu chiến binh được trao giải thưởng thể loại ảnh màu tại VN 11 và tác phẩm “Giữa thời bình” của tác giả Nguyễn Văn Đông được Huy chương Đồng VAPA VN 17. Tổng cộng, các tác phẩm đạt giải về lực lượng vũ trang trong chuỗi 3 kỳ thi này (VN11, VN15, VN17) chỉ chiếm 2/34 tổng giải thưởng các loại (tức 5,9%).

Tóm lại nhân vật trung tâm trong nhiếp ảnh hiện nay với những phân tích cùng số liệu nêu trên, có thể thấy mấy nét chính như sau:

Công tác định hướng, tổ chức vận động sáng tác, phản ánh, xây dựng các nhân vật trung tâm về bước đầu đã tích cực, có biện pháp hiệu quả giúp các NSNA tiếp cận với môi trường cần xây dựng nhân vật trung tâm. Đây là những điểm đáng hoan nghênh của các cơ quan quản lý văn hóa nghệ thuật các cấp, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, Hội Văn hóa Nghệ thuật và các Hội Nhiếp ảnh địa phương – những nơi đã tạo điều kiện tốt nhất cho người làm nghệ thuật. Tuy nhiên, các cơ quan và Hội các cấp cũng cần tăng cường thêm đề tài này trong các cuộc vận động, các cuộc thi và khắc phục những điểm chưa được quan tâm đúng mức được nêu ở trên. Bản thân các Nghệ sĩ Nhiếp ảnh đã có nỗ lực rất đáng trân trọng trong việc “tự xã hội hóa” bám lấy thực tế để sáng tác về đề tài nhân vật trung tâm nhưng song song với việc nâng cao tính nghệ thuật trong tác phẩm cần tránh sử dụng các kỹ xảo nhiếp ảnh hoặc phần mềm xử lý để “nâng” hoặc làm sai lệch hình tượng nhân vật.

Trong thời gian tới để có được nhiều tác phẩm ảnh xuất sắc về nhân vật trung tâm, tôi xin mạnh dạn đề xuất mấy ý:

- Các Nghệ sĩ Nhiếp ảnh cần tiếp tục trau dồi và nâng cao ý tưởng sáng tạo nghệ thuật, vận dụng kinh nghiệm, bám sát chủ đề nhằm tạo ra tác phẩm đáp ứng tốt yêu cầu của Nhà nước và xã hội.

- Các cơ quan quản lý văn hóa nghệ thuật, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam cùng các Hội Văn hóa Nghệ thuật địa phương cần định hướng rõ và tạo điều kiện cho nghệ sĩ được tiếp cận thực tế với “môi trường” nhân vật trung tâm cần thể hiện.

- Nhà nước cần quan tâm hơn trong việc đánh giá, động viên tinh thần giới Nghệ sĩ Nhiếp ảnh thông qua việc xem xét phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ cấp Nhà nước cho những người thực sự có công, có đức, có tài.

Đây chính là phương thức đầu tư kết hợp Nhà nước và nghệ sĩ cùng làm một cách hiệu quả nhất trong việc sáng tác nghệ thuật, từ đó chất lượng của những tác phẩm ảnh ngày càng được nâng cao. Các tác phẩm ảnh sẽ phản ánh tốt hơn, đồng hành sát sao hơn trong chặng đường phát triển của đất nước. 

Trần Quốc Dũng


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Nhiếp ảnh & Đời sống
Nhân vật trung tâm trong Nhiếp ảnh hiện nay (Kỳ 2)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO