Nhân vật trung tâm trong nhiếp ảnh hiện nay

11:51 30/09/2020


                               Bác bắt nhịp bài ca Kết đoàn

                               Ảnh: NSNA Lâm Hồng Long

NSĐSO - Trong những giai đoạn lịch sử và phát triển xã hội gần đây của đất nước, cùng với nhiều loại hình văn hóa nghệ thuật khác, nhiếp ảnh luôn xác định đối tượng tiêu biểu để phản ánh, trong đó nhân vật trung tâm là trọng tâm. Việc xác định và thể hiện nhân vật trung tâm trong nhiếp ảnh được hình thành trước hết căn cứ vào ý nghĩa, vai  trò cũng như những sự kiện chính diễn ra trong giai đoạn đó.

Trong giai đoạn kháng chiến, nhân vật trung tâmtrước hết được tôn vinh là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trở lại với quá khứ hào hùng của dân tộc trong những năm kháng chiến chống ngoại xâm, nhiếp ảnh đã ghi lại vô vàn những bằng chứng lịch sử vô giá bằng ảnh về tinh thần đấu tranh bất khuất của dân tộc Việt Nam, về lãnh tụ Hồ Chí Minh, về những người anh hùng đã ngã xuống và cả những người bình dị thầm lặng lao động, hiến dâng cả cuộc đời cho đất nước, cho dân tộc. Một vài tác phẩm ảnh tiêu biểu về nhân vật trung tâm trong giai đoạn này có thể kể đến “Bác bắt nhịp bài ca Kết đoàn” của nghệ sĩ Lâm Hồng Long (nguyên phóng viên nhiếp ảnh của Thông tấn xã Việt Nam - TTXVN), người đã được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh; “O du kích nhỏ” của Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Phan Thoan - người được trao Giải thưởng Nhà nước hay “Nụ cười chiến thắng” dưới thành cổ Quảng Trị của tác giả Đoàn Công Tính (nguyên phóng viên chiến trường Báo Quân đội nhân dân). Những hình ảnh mang tính đại diện trên phản ánh cao độ tính chính trị xã hội và cả tính nghệ thuật cao trong nhiếp ảnh.

Với tinh thần yêu nước luôn thấm đượm trong máu những người cầm máy, nhân vật trung tâm được thể hiện rất rõ nét. Tuy nhiên một yếu tố khách quan cần nhìn nhận, đó là đại đa số trong số họ là những phóng viên ảnh chuyên nghiệp và bán chuyên nghiệp công tác làm việc tại các cơ quan thông tấn như TTXVN, báo chí, ty văn hóa các tỉnh thành. Dưới sự định hướng tập trung, nhân vật trung tâm được xác định và thể hiện rất rõ ràng. Đó là những người chiến sỹ cầm súng ra trận sẵn sàng hy sinh cuộc đời vì Tổ quốc, những lực lượng hậu tuyến như thanh niên xung phong, dân quân tự vệ, công nhân, nông dân ngày đêm hăng say sản xuất… tất cả cho tiền tuyến, tất cả cho chiến thắng.            

Giữa thời bình
Ảnh: NSNA Nguyễn Văn Đông
Hòa bình lập lại, đất nước chuyển sang giai đoạn xây dựng kinh tế, bảo vệ chủ quyền đất nước và hội nhập quốc tế. Nhiệm vụ chính thay đổi dẫn đến đối tượng thể hiện trong sáng tác nhiếp ảnh cũng thay đổi và tất nhiên, đi cùng với đó nhân vật trung tâm trong nhiếp ảnh cũng được xác định, xây dựng lại phù hợp hơn.

Nhưng cũng đã có những yếu tố tác động đến nhiếp ảnh trong giai đoạn mới. Trong đó, nhân vật trung tâm có tầm ảnh hưởng và rộng khắp trong cả nước chưa rõ nét và nổi bật như trong giai đoạn trước. Ví dụ, nếu trước đây hình ảnh những người chiến sỹ cầm súng bảo vệ Tổ quốc là chủ đạo thì nay ngoài những hình ảnh đó còn có những công dân ưu tú trong khắp lĩnh vực  công nghiệp, khoa học kỹ thuật, nông lâm ngư nghiệp, giáo dục, văn hóa nghệ thuật…

Ngoài ra, ở góc độ nào đó hình như những cống hiến của ngành nhiếp ảnh nói chung và những người Nghệ sĩ Nhiếp ảnh chưa được đánh giá trọn vẹn. Đây là điều khiến nhiều người, nhất là các vị lão thành trong ngành băn khoăn.Nền kinh tế đất nước phát triển theo hướng thị trường đã tác động không nhỏ đến tâm lý sáng tác khiến một số người cầm máy nghiêng về các cuộc thi nhằm đoạt giải cao có giá trị bằng tiền. Điều này không có gì đáng phê phán vì phần thưởng là xứng đáng cho người tạo ra tác phẩm nhưng mặt khác cần suy nghĩ, đó là sức hút của đồng tiền có thể phần nào làm lu mờ trách nhiệm của người cầm máy đối với xã hội. Trong khi đó, nếu được tôn trọng, vinh danh nhất là được trao danh hiệu Nhà nước chắc chắn người nghệ sĩ sẽ có được nguồn động viên tinh thần lớn lao và suy nghĩ sẽ chín chắn khi lựa chọn cái lợi trước mắt và lợi ích lâu dài.

Hiện nay, nhân vật trung tâm của nhiếp ảnh sẽ là ai?

 Trên cơ sở chọn lọc, khai thác đồng thời loại trừ những yếu tố tác động đến nhiếp ảnh, có thể mạnh dạn định hình những nhân vật trung tâm trong các lĩnh vực. Trong đó tập trung hướng tới những con người hăng say lao động sáng tạo trên các mặt trận kinh tế công nghiệp, nông nghiệp, khoa học, kinh tế văn hóa giáo dục…

Có thể nói những giải cao nhất trong các cuộc thẩm định chấm chọn hay các cuộc thi đã được trao cho những nhân vật trung tâm trong lĩnh vực nêu trên. Đây là những điểm cộng cho cả công tác định hướng sáng tác đúng đắn kết hợp tài năng sáng tạo nghệ thuật của các nghệ sĩ.  

Đây là đề tài thuộc những lĩnh vực, tưởng là dễ nhưng thật sự không đơn giản. Dễ vì đâu cũng có thể có nhưng khó là đạt được tính tiêu biểu, mang đầy đủ ý nghĩa chính trị xã hội, nghệ thuật. Chụp cho “ra” được tính tiêu biểu thật không hề đơn giản, một sự thách thức không nhỏ về tầm nhìn, nhận thức.

Ngoài ra, mảng ảnh về đề tài “Con người trong cuộc sống” cũng là một chủ đề “bao la” cho người cầm máy cảm nhận, phản ánh góc nhìn của mình về xã hội, với cuộc sống, với thiên nhiên. Nhân vật trung tâm luôn là phong cảnh đất nước với những con người bình dị lao động, sinh hoạt, văn hóa văn nghệ, vui chơi... Đây cũng là đề tài bất tận để người cầm máy thể hiện, nêu bật tính nhân văn của con người. Nhân vật trung tâm trong nhiếp ảnh ở đây là hình ảnh con người với con người, con người với tình yêu đất nước, tình yêu cuộc sống, thiên nhiên và luôn lạc quan dù hoàn cảnh còn nhiều khó khăn, gian khổ. Rất nhiều những hình ảnh đẹp được thể hiện ở khắp nơi trên đất nước, đặc biệt ở vùng sâu, vùng cao, vùng xa.

Dẫn dòng điện xanh
Ảnh: NSNA Lâm Thanh Liêm

Một chủ đề rất đáng nhấn mạnh là hình ảnh về lực lượng vũ trang kiên cường sẵn sàng bảo vệ đất nước, đặc biệt là chủ quyền biển đảo, trong đó có Trường Sa cũng là một mảng rất quan trọng, rất đáng quan tâm. Đây cũng là mảng khó, khó hơn cả mặt trận kinh tế do việc bám thực tế, bám người để sáng tác thật sự là thách thức đối với người cầm máy.

Trong những năm vừa qua, các cơ quan quản lý các cấp ở Trung ương, quân đội, đặc biệt là Bộ Tư lệnh Hải quân đã quan tâm, hàng năm luôn tạo điều kiện cho các Nghệ sĩ Nhiếp ảnh ra Trường Sa sáng tác. Tuy nhiên những chuyến đi ngắn ngày “lướt” qua mỗi đảo chừng 2 tiếng (trừ đảo Trường Sa lớn) mà chủ yếu là tham gia các cuộc gặp gỡ giao lưu văn nghệ với cán bộ chiến sỹ trên đảo thì người cầm máy khó có thể tìm tòi phát hiện được các khuôn mặt điển hình trong lao động, học tập, luyện tập sẵn sàng chiến đấu để khắc họa, xây dựng cho ra nhân vật của mình.

Có thể đây là hình tượng trong thực tế rất khó thể hiện dưới góc độ nghệ thuật, khó ngay từ khi tiếp cận nhưng cũng có thể Ban giám khảo các cuộc thi quá thiên về nghệ thuật mà ít quan tâm hoặc không thấy hết hoạt động mà các nhân vật thể hiện qua ống kính.  

Chính vì vậy, trong thời gian vài năm trở lại đây, triển lãm ảnh về đề tài biển đảo khá nhiều, năm nào cũng có một hai cuộc nhưng việc khắc họa thành công cho “ra” được nhân vật trung tâm có thể nói là các tay máy làm chưa “tới”, những hình ảnh được sáng tác về mảng này chưa thực sự nổi bật.

Trần Quốc Dũng


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Nhiếp ảnh & Đời sống
Nhân vật trung tâm trong nhiếp ảnh hiện nay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO