Nghệ sỹ nhiếp ảnh - Anh là ai?

15:34 05/10/2020

NAĐSO - …Trong triết học, người ta luôn khẳng định: “Công cụ lao động, quyết định năng xuất lao động…” Vậy tại sao lớp trẻ tài năng, có học thức, được trang bị không thiếu thứ gì, mà vẫn phải ăn mày vào hào quang của các bậc tiền bối? Hiện ở Việt Nam có hàng trăm các nghệ sĩ đã gặt hái được rất nhiều giải thưởng nhiếp ảnh ở trong nước và quốc tế. Nhiều người cũng đã bước vào ngưỡng bảy mươi, tám mươi tuổi. Nhưng để tìm ra một vài cá nhân, khiến xã hội phải tôn vinh, tâm phục; khẩu phục mà trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, trao Giải thưởng nhà nước thật khó khăn làm sao…
Các NSNA sáng tác tại Vịnh Hạ Long - Quảng Ninh
Với văn chương, ở mỗi giai đoạn thời gian, người ta thường thấy một vài nhân tố phát lộ rất sớm năng khiếu bẩm sinh, ví như Chế Lan Viên: Mười hai, mười ba tuổi đã làm thơ và mười bảy tuổi đã ra tập “Điêu Tàn”. Trần Đăng Khoa tám tuổi đã có thơ đăng báo và mười tuổi đã có tập thơ đầu tiên. Nguyễn Ngọc Tư nghe nói mới học hết cấp phổ thông cơ sở đã phải nghỉ. Vậy mà sớm nổi đình đám cùng tiểu thuyết “Cánh đồng bất tận”… Nhưng riêng với nhiếp ảnh, chúng ta chẳng tìm đâu ra một “thần đồng” bao giờ. Trong vài kì Đại hội Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, để làm giảm sự căng thẳng trong những tranh luận nóng bỏng trên diễn đàn, người ta có mời một nghệ sĩ cao tuổi nhất và một nghệ sĩ trẻ tuổi nhất lên sân khấu để BCH trao tặng hoa. Hàng trăm hội viên vỗ tay chúc mừng. Trong khi mọi người liên tưởng đến những thành quả cả đời của nhà nhiếp ảnh lão thành. Thì cậu nghệ sĩ trẻ ôm hoa đứng bên cạnh, lại bị choàng lên một câu hỏi vô hình: Rằng để được là hội viên của một hội chuyên ngành trung ương, những thành tích gắn theo cậu có bao nhiêu phần trăm là của cá nhân, bao nhiêu phần trăm thực tế là của cha, anh cậu? Giữa tiếng rì rầm những lời trao đổi của mọi người dự hội nghị, nội dung không phải là nỗi thăng trầm khó nhọc của anh bạn trẻ đã cố gắng cóp nhặt từng điểm lẻ, để đạt tới giới hạn tối thiểu mà quy chế hội đặt ra. Không ít người lại chỉ săm soi quan tâm, rằng đó là con ai? Hay chí ít, là học trò của ai?... Cái vẻ đáng yêu chợt bị “nhòa nét”; Một lớp khói nghi kị làm cay bầu không khí thân thiện. Linh cảm thính nhạy của anh bạn trẻ ắt đã nhận ra… Niềm kiêu hãnh bị tổn thương và phải chăng có người vì thế mà đã rẽ theo một nghiệp khác - chẳng dính gì tới nhiếp ảnh nữa. Của đáng tội, có thể đám đông nghĩ chưa đúng về cậu. Nhưng bản thân người viết bài này, cũng lại chưa từng thấy một nhân tố trẻ được “tăng tốc” mà duy trì nổi phong độ sáng tạo trong nghề. Giới hạn của cậu, cũng thực tế không đội thủng cái hạn mức mà bậc thầy của cậu có. Vậy là mối hoài nghi của số đông càng lấy đó làm cơ sở, để khiến câu hỏi bị neo lại suốt từ nhiệm kì này, vắt sang nhiệm kì khác.

Nếu là hội viên ở các hội chuyên ngành trung ương như Kiến trúc, Mĩ thuật… Thì phần đa đều đã tốt nghiệp đại học, nên tuổi đời vào hội của họ, thường đã chín chắn ở ngoài 25. Nhưng bên Hội nhà văn, Hội nhiếp ảnh thì có thể sớm hơn rất nhiều. Bởi việc kết nạp hội viên ở những chuyên ngành này, lại dựa cơ bản vào thành tích cá nhân.

Trên diễn đàn của mạng xã hội gần đây, chợt bung ra câu hỏi: NSNA, anh là ai? Một câu hỏi như thế, khiến không chỉ một cá nhân ai đó thấy bùi ngùi tủi phận, mà còn có thể khiến cả một tổ chức bị tổn thương. Nhưng nếu nhìn lại, thì không phải tự dưng, các nghệ sĩ chân chính lại muốn gieo những nỗi buồn cho nhau. Có thời nào, người ta không phải chấp nhận đám người cơ hội; Hãnh tiến, bắng nhắng mà bất tài, khiến mọi tổ chức đều thấy họ là đám sâu “làm rầu nồi canh”? Biết rằng để sâu bọ chui lủi trong đội ngũ là có hại, nhưng đâu dễ để thải loại chúng khỏi môi trường lành mạnh của tổ chức? Bởi sâu bọ, cũng có bản năng để sinh tồn. Bình thường, chúng ém mình, hễ gặp môi trường thuận lợi, là chúng sinh nở ào ạt. Chẳng biết quy lỗi cho ai. Bảo đấy là tại cái thói hám danh, sính bằng cấp đã ngấm sâu vào xã hội đương thời để cho qua chuyện. Nhưng tôi trộm nghĩ: Một phần do các bậc trưởng lão của chúng ta đã quá xuất sắc. Những tấm gương về nhiếp ảnh như cụ Võ An Ninh, Phạm Văn Mùi, Mạnh Đan, Đỗ Huân, Lâm tấn Tài, Văn Bảo, Mai Nam… Đã khiến không ít người lấy họ làm hình mẫu để phấn đấu học tập theo. Và tôi cho rằng đó là tư tưởng hướng thiện, lành mạnh đáng được khuyến khích. Ở họ là những con người bằng xương, bằng thịt, nên họ cũng có các ưu khuyết điểm rất “đặc thù nghề nghiệp”. Nhưng chung quy những cái thật, cái đẹp và cái cá biệt của nhiều nghệ sĩ lớp trước, luôn khiến ta đã phải ngưỡng mộ và mến phục. Chỉ tiếc một điều, rằng lớp người mới dường như đã không kế thừa được những “thần thái” của lớp công thần xưa, mặc dù thế hệ trẻ đã thừa hưởng những đột phá về công nghệ, điều kiện kinh tế và xã hội cũng đã tạo ra môi trường phóng khoáng hơn, để một người có thể theo đuổi niềm đam mê nghệ thuật.

Thực tế một hội viên sau khi được kết nạp vào Hội NSNA Việt Nam, nếu may mắn anh ta có được ông Chi hội trưởng chu đáo, thì còn có buổi kết nạp nghiêm túc và ấm áp tình đồng nghiệp. Còn không thì âm thầm kẹp cái quyết định có chữ kí của ông Chủ tịch hội vào sổ tay. Người dày bản lĩnh, thì biết tạm quên cái “danh” nghệ sĩ, để mà duy trì nếp sống và sinh hoạt theo những năm tháng cũ. Và khi sống bằng nghề, vẫn không để mất danh sách cùng số điện thoại của những người vẫn gọi đi phục vụ hiếu, hỉ… trong phường, xã nơi mình sống. Phải tích cóp một số tiền nhất định, để khi bạn bè rủ rê, còn có thể tự thân đủ kinh phí trang trải cho những chuyến đi xa nhà. Vài lần thay máy, đổi ống kính, là có nguy cơ làm cụt nguồn dự trữ của cả gia đình phòng vào đận khó khăn… Một chút hào quang ai cũng thấy. Nhưng những trải nghiệm mà một người lặn lội bám vào nghiệp nhiếp ảnh, chẳng mấy ai hay bao giờ.

Đua với chuyện “giải thiêng” trong văn học, nhiều tay máy trẻ ở giới nhiếp ảnh khi được cụng li với lớp cha chú thì liền như vội váng hơi men, mà nghĩ ngay: Giờ mình đã được “ngang phân”, bởi đã là hội viên, thì cũng có quyền này, trách nhiệm kia... Tôi còn nhớ ở dịp Đại hội khóa XIII Hội NSNA Việt Nam, khi ông Mai Nam đang phát biểu trên diễn đàn, thì bị những tiếng huýt sáo phản đối cố đẩy ông rời khỏi bục… Chỉ vài tháng sau kì Đại hội ấy, ông đã “đi xa”. Người xưa nghiệm ra rằng: “Con chim sắp chết tiếng kêu thương, người sắp chết lời nói phải”. Vậy là lời tâm huyết của người sắp chết trong trường hợp này, đã không được lớp hậu duệ chú ý đến.
Hội thảo Trại Công tác Giám khảo & Trao đổi nghiệp vụ thẩm định ảnh toàn quốc năm 2018
Sau vài chục năm gắn với nhiếp ảnh, từng trải ba khóa làm Chi hội trưởng Chi hội NSNA Việt Nam, qua nhiều buổi đàm đạo với các ông Chi hội trưởng ở khắp đất nước… tôi thấy việc kết nạp hội viên của Hội NSNA Việt Nam là có vấn đề nào đó chưa ổn. Về góc độ tổ chức: Hội có đông hội viên, nhưng lại không mạnh. Ở mỗi Chi hội thành viên thường chỉ có 1/3 là đang hoạt động, 1/3 là “lửng lơ con cá vàng” và 1/3 còn lại gần như chỉ còn có tên trong danh sách. Về góc độ cá nhân, có không ít người miệt mài phấn đấu để vào hội TƯ, rồi dù họ đã cố vùng vẫy, mà vẫn nhanh chóng bị rơi ngay vào quên lãng. Vì một Ban giám khảo có thể không nhận ra cái hay, cái đẹp, cái sáng tạo trong tác phẩm của anh ta…, thì đến Ban giám khảo thứ mười sẽ lượng giá được thứ mà anh ta, chị ta có.

Những năm gần đây, chúng ta thấy có nhiều người khi nghỉ hưu mới có điều kiện để say mê nhiếp ảnh. Ở họ hội đủ các yếu tố mà một tổ chức cần: Chín chắn, hiểu biết cuộc sống sâu sắc, điều kiện “cần và đủ” cho hoạt động nhiếp ảnh lại không thiếu. Nhưng đáng tiếc, những người như họ có quỹ thời gian cống hiến rất giới hạn. Đòi hỏi cao hơn là không thể, do sức khỏe và bởi cả yếu tố: “bề dày nghiệp vụ” hạn chế.


Các NSNA sáng tác tại Tháp  Chàm - Ninh Thuận
Trong thế giới văn minh, việc định tuổi để kết hôn là một vấn đề khoa học. Mặc dù đứa trẻ trước đó đã có khao khát để yêu đương… Sở dĩ luật pháp không cho kết hôn sớm, là chính vì để bảo vệ quyền lợi của cô ấy, cậu ấy; Rồi sau mới đến cộng đồng… Nó buộc những cá nhân phải tuân thủ, coi đó là phạm trù đạo đức, đã được cả xã hội loài người thừa nhận. Trở lại vấn đề kết nạp hội viên: Nếu người cầm tấm thẻ chỉ để thay thế khi vô tình quên mảnh chứng minh thư ở nhà, thì đó là một sự phí phạm lòng ngưỡng mộ. Bởi những “điểm”, những “thành tích” mà một người có được trước khi vào hội; Nó chẳng khác nào mấy bài tập vấn đáp của một tố chức đặt ra cho mỗi cá nhân. Khi được kết nạp vào tổ chức rồi, mà hành trang của quãng đời còn lại cũng chỉ có thế.

Thiết nghĩ Hội NSNA Việt Nam không cần vun một đống cát to, mà dồn sức “nhân bản” thêm nhiều hạt đá quý. Những viên đá ấy, càng lắm góc cạnh, lại càng mang nhiều sắc thái. Cộng hưởng những chấm sáng lại với nhau; Giữ cho chúng không bị tì vết. Đó mới là trách nhiệm của một tổ chức lành mạnh. Và không ai hết, chính những nhân tố trẻ mà tài năng, sẽ là nội lực đầy nhiệt huyết, để duy trì sự tồn tại của hoạt động nhiếp ảnh trong tương lai.
Vũ Kim

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Nhiếp ảnh & Đời sống
Nghệ sỹ nhiếp ảnh - Anh là ai?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO