Cần coi trọng "vân tay" Nghệ sĩ

12:23 06/10/2020

NAĐSO - Nhiếp ảnh đang trở thành thú chơi đại chúng và thời đại kỹ thuật số hôm nay, nhiều cuộc thi ảnh quốc tế lớn luôn thu hút hàng chục ngàn tấm ảnh dự thi, vì gửi file ảnh qua mạng dễ dàng, nhất là với cuộc thi miễn lệ phí thì bao giờ số lượng cũng cao. Đứng trước một “rừng ảnh” khổng lồ, Ban giám khảo (BGK) chọn ra những tấm ảnh tốt nhất để triển lãm và trao giải theo tiêu chí nào?

Giám khảo quốc tế?

Thành phần giám khảo các cuộc thi lớn như Giải thưởng nhiếp ảnh Paris (Pháp), Giải nhiếp ảnh quốc tế IPA (Mỹ), Liên hoan ảnh Arles (Pháp)... giờ đây đều rất hùng hậu, và đa dạng. Họ đông về số lượng, thường lên tới trên 20 người và cá biệt đông tới 80 người, cao nhất lên tới 200 thành viên. Giám khảo đông như vậy, vì họ chia thành từng nhóm nhỏ tùy theo cá nhân nào sở trường lĩnh vực gì thì sẽ được mời chấm ảnh lĩnh vực đó. Điều này rất hợp lý bởi một nhà nhiếp ảnh chuyên chụp chân dung sẽ nắm vững ngón nghề, độ khó, các tình huống xử lý và tinh thần (soul) bức ảnh chân dung nhưng sang lĩnh vực phong cảnh lại có thể gặp khó khi “đọc” ảnh.

Thành phần giám khảo bên cạnh các nhiếp ảnh gia mà thành tích của họ đủ làm thí sinh phải nể nang khâm phục, thì còn lại là các chủ gallery ảnh nổi tiếng, giám đốc sáng tạo (creative director), giám đốc nghệ thuật (art director), nhà phê bình nghệ thuật (art critist) và một thành phần đặc biệt quan trọng là các giám tuyển (curator).

Có lần, tôi hỏi một curator người Singapore làm sao để phân biệt tác phẩm này có phải là nghệ thuật hay không? Anh ta cười: "Để khẳng định điều đó phải có nhiều yếu tố, trong đó có việc tác phẩm đó có đóng góp gì vào xu hướng, tiến trình phát triển của nghệ thuật không?" Ông Steven Churchill - Giám đốc Liên hoan ảnh Art of Photography show (Liên hoan ảnh nổi tiếng của Mỹ) đã nói rằng: "Một trong những mục đích lớn nhất của nghệ sĩ là có tác phẩm treo trong bảo tàng. Vì thế chúng tôi năm nào cũng mời curator các bảo tàng lớn thẩm định ảnh."

Và các nghệ sĩ được curator đó chọn ảnh cho triển lãm có quyền tự hào và trong nhiều trường hợp xứng đáng ghi vào tiểu sử trích ngang (Profile hay CV) tên tuổi của vị giám khảo đó như bảo chứng về thành tích cá nhân. Lẽ dĩ nhiên, với các cuộc thi danh giá thì lệ phí thi không hề rẻ. “Khủng” nhất là cuộc thi Arte Laguna Prize, lệ phí lên tới 50 Euro/ảnh tương đương hơn 1,3 triệu đồng. Nhiều cuộc thi khác cứ 35 USD/ảnh, bạn có thi bao nhiêu ảnh, thì giá vẫn y nguyên…

Tác phẩm: Sắc màu chợ nổi (Colorful floating market)
Tác giả: Nguyễn Huy Sơn
Giải Danh dự VAPA (Cuộc thi ảnh quốc tế VN-19)
Họ chấm ảnh như thế nào?

Trước hết, những cuộc thi mời gọi các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp và nghiệp dư cùng chơi chung 1 sân ngày càng giảm, vì sự cạnh tranh ở đây có vẻ không công bằng. Ban tổ chức các cuộc thi lớn phân ra hai hạng mục: dành cho chuyên nghiệp (professional) và không chuyên nghiệp (non-professional hoặc amateur).

Và để dễ chấm, các thể loại (category) được phân chia như Báo chí, tài liệu (Press, Documentary); dành cho các dự án làm sách (Book); Chân dung (Portrait); Nghệ thuật (Fine Art); Thương mại (Commercial)... Trong các category trên còn phân ra các nhánh nhỏ của thể loại (subcategory) như trong Fine Art có thể loại khỏa thân (Fine Art - Nude), con người (Fine Art - People),  phong cảnh (Fine Art - Landscape), cắt dán (Fine Art - Collage)... và nếu ảnh của bạn không rơi vào 1 trong các nhánh trên, thì bạn có thể chọn thi vào thể loại khác (Fine Art - Other)...

Việc phân nhỏ trên vừa tạo điều kiện cho các giám khảo dễ chấm ảnh, vừa giúp các thí sinh thuận tiện cho việc chọn ảnh dự thi và cơ hội thắng cuộc cũng cao hơn.

Nếu như trước đây, các giám khảo phải tụ họp cùng nhau để chấm ảnh thì ngày nay với sự tiện lợi của công nghệ số và quỹ thời gian của mỗi cá nhân ngày càng eo hẹp, thường giám khảo chấm ảnh trên máy tính cá nhân ở nhà. Và chỉ đến khi chọn ảnh đoạt các giải thưởng lớn, giải nhất, nhì, ba... có thể họ mới cùng ngồi với nhau để thảo luận. Trong quá trình chấm ảnh vào triển lãm các giám khảo tuyệt đối không biết tên, tuổi và quốc tịch dự thi của thí sinh để bảo đảm tính khách quan. Đương nhiên thành phần Ban tổ chức, Ban giám khảo, nhà tài trợ cũng không có quyền gửi ảnh dự thi.

Tác phẩm: Vũ công Tribal (Tribal Dancers)
Tác giả: Sounak Banerjee (Ấn Độ)
Huy chương Đồng VAPA (Cuộc thi ảnh quốc tế VN-19)
Câu hỏi khó khăn nhất và quan trọng nhất đặt ra là làm thế nào để đánh giá 1 bức ảnh là tốt nhất trong số các ảnh dự thi?

Để chính xác và công bằng, các giám khảo phải cho điểm. Với cuộc thi Giải thưởng nhiếp ảnh Paris (PX3, Pháp), tiêu chí đề ra là độc đáo (originality), sáng tạo (creativity), thể hiện xuất sắc (excellence of execution) và ấn tượng tổng thể chung (overall impact). Cách đánh giá theo những tiêu chí này xem ra khá tương đồng với những cuộc thi trên thế giới và cũng phù hợp với cách chấm ảnh ở Việt Nam. Tuy nhiên nó vẫn mang tính trừu tượng nhiều và dễ bị cảm tính của cá nhân thành viên BGK chi phối. Nhưng cách đánh giá theo thang điểm 100 xét ở 10 yếu tố (mỗi yếu tố cho điểm từ 1-10) sau đây của một cuộc thi ảnh ở Anh rất đáng để chúng ta tham khảo.

10 tiêu chí là:
1. Sự độc đáo (Originality)
2. Không gian (Atmosphere)
3. Chất lượng màu sắc (Colour/ Tone quality)
4. Kỹ thuật chụp (Camera technique)
5. Kỹ thuật xử lý hậu kì (Post production technique)
6. Thông điệp truyền tải (Narrative Content)
7. Ý tưởng hay tính biểu tượng nội dung (Concept/ Symbolic content)
8. Tính hiệu quả trong sử dụng bố cục ảnh (Compositional effectiveness)
9. Chất lượng hình ảnh: Độ nét/ Độ phân giải (Clarification/ Resolution)
10. Đánh giá cá nhân (Personal evaluation).

Với cách cho điểm này, yếu tố cảm tính và khoa học được kết hợp khá hợp lý khi bức ảnh được soi xét trên nhiều yếu tố. Có thể bức ảnh này được 10 điểm về tính biểu tượng nhưng chỉ được 4 điểm về kỹ thuật chụp... và cộng điểm chung lại không đạt. Nó là sự đánh giá toàn diện, nhưng nhiều khi không hẳn đã chính xác bởi lẽ 1 bức ảnh nếu đi vào ảnh ý niệm thì kỹ thuật lại gần như rất giản dị, thậm chí không nhìn thấy yếu tố kỹ thuật mà người xem cứ bị hút vào ảnh vì thông điệp và nhiều lớp lang ý nghĩa mà nó phản ánh.

 Tác phẩm: Ngôi nhà màu xanh (Blue home)
Tác giả: Fuying Tang (Trung Quốc)
Huy chương Đồng VAPA (Cuộc thi ảnh quốc tế VN-19)
Giám khảo Việt đối mặt với thách thức nào?

Sau mỗi cuộc thi, thường giám khảo hay bị “ném đá” bởi thí sinh ít khi chịu “tâm phục khẩu phục”. Nói vui như nhà nhiếp ảnh Duy Anh là kiểu gì giám khảo cũng bị “chửi” trừ người đoạt giải Nhất, còn từ người giải Nhì trở xuống cũng cho là giám khảo chưa công bằng.

Vấn đề ở đây có hai mặt. Một mặt nằm ở nhiều tay máy quá tự tin thậm chí ảo tưởng về giá trị tác phẩm của mình. Có người lấy công sức bỏ ra trong chuyến đi để cộng vào hiệu quả bức ảnh nhưng rõ ràng giám khảo không cần biết công sức nhiếp ảnh gia phải trèo đèo, lội suối này nọ, mất cả mấy ngày, hay phải hy sinh con máy này thân máy kia để có tác phẩm, mà chỉ quan tâm 1 điều: Chất lượng tác phẩm.

Mặt khác nguyên nhân nằm ở chính đội ngũ giám khảo. Ngoài yếu tố chất lượng không đồng đều giữa các thành viên hay “gu” thẩm mỹ khác nhau thì còn tồn tại những vấn đề khác. Trong một lần trò chuyện với Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Lý Hoàng Long - Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Hội NSNA Việt Nam, anh cho rằng: "Để việc thẩm định ảnh tốt hơn cần có quy chế cụ thể và chi tiết. Chuẩn hóa phương thức chấm điểm, thang điểm, những ràng buộc sau cuộc thi có thể coi như quy chế đạo đức nghề nghiệp để giám khảo có trách nhiệm hơn với lá phiếu của mình, chứ không “rũ áo” ra đi."

Trong một số cuộc thi, giám khảo này nói nhìn ảnh này có vấn đề, có photoshop nhưng không chứng minh được và bức ảnh đó chỉ dừng ở một vị trí nhất định mà không thể đi xa được. Cần có biện pháp chế tài cho giám khảo nhận định, phát ngôn không đúng, ảnh hưởng cục diện cuộc thi.

Khi được hỏi về việc sử dụng photoshop trong các cuộc thi nhiều khi gây phản ứng khác nhau của các thành viên giám khảo, nghệ sĩ Lý Hoàng Long nhấn mạnh: “Photoshop chỉ là một trong nhiều công cụ hoàn thành tác phẩm. Đa phần giám khảo xem photoshop xem như “tội đồ” nói thẳng ra là các vị đó hơi lớn tuổi, mù tịt về photoshop, mù công nghệ, cái gì không biết dễ phủ nhận, họ nghĩ đó là giải pháp an toàn, nhưng nó đã hạn chế sự thăng hoa trong ảnh nghệ thuật.”

Thực tế, việc một số thành viên giám khảo không chịu cập nhật (update) các xu hướng, trào lưu của nhiếp ảnh đương đại trên thế giới là có thực, vì thế việc chọn ảnh theo lối mòn, đẹp nhưng cũ kỹ vẫn tồn tại không ít ở nhiều cuộc thi.

Đẹp mà cũ cần kiên quyết loại bỏ, phát hiện và tôn vinh những sáng tạo dù có thể chưa hoàn hảo về một số khía cạnh nhưng chí ít nó mang đậm dấu vân tay của nghệ sĩ - điều đó mới thể hiện bản lĩnh của giám khảo, người giữ trọng trách “cầm cân nảy mực” trong cuộc thi.

Nhà báo, NSNA Trần Việt Văn


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Nhiếp ảnh & Đời sống
Cần coi trọng "vân tay" Nghệ sĩ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO