Năm 1938 tác phẩm "Đẩy thuyền ra khơi" được Giải thưởng Ngoại hạng triển lãm ảnh Paris. Đây là tác phẩm có bố cục mạnh mẽ, mô tả cảnh lao động của những người dân chài. Cùng năm này, ông được bằng khen của triển lãm ảnh nghệ thuật quốc tế Portugal cho tác phẩm "Chợ bán nồi đất" và Huy chương Vàng tặng cho triển lãm ảnh cá nhân tại Huế.
Tác giả sẵn có lòng yêu phong cảnh quê hương đất nước và con người Việt Nam. Khi còn là một cán bộ Sở khảo cứu nông lâm Đông
Dương, ông đã ghi lại cảnh nạn đói năm 1945. Thời điểm này phát xít Nhật hất cẳng Pháp, cưỡng bức nông dân nhổ lúa trồng đay gây ra nạn đói thê thảm ở Thái Bình, Hà Nam, Nam Định... Một trong những bức ảnh nổi tiếng là cảnh hai em bé ngồi bên cây số 2 Thái Bình chờ chết. Những bức ảnh đó có sức tố cáo mãnh liệt và trở thành sử liệu vô cùng quý giá của lịch sử Việt Nam.
Võ An Ninh đến với cách mạng thông qua nghề nghiệp và sự nghiệp của ông từ đấy gắn liền với sự phát triển của đất nước. Bức ảnh ông chụp Hồ Chủ Tịch và Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong ngày 2 tháng 9 năm 1945 sau khi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập là bức ảnh đẹp bắt được thần thái quắc thước của vị lãnh tụ cách mạng. Bộ ảnh phóng sự của Võ An Ninh ghi lại hình ảnh Bác Hồ sau chuyến đi sang Pháp dự hội nghị Fontainbleau về nước qua cảng Hải Phòng có giá trị không gì thay thế được. Phóng sự ảnh này đã được đăng tải trên các báo ở Hà Nội và Sài Gòn lúc đó. Nhờ có giá trị lịch sử và nghệ thuật, những tác phẩm này có sức sống lâu bền, được ghi nhận là một thành công lớn trong cuộc đời nghề nghiệp của ông.
Ông say mê với ảnh phong cảnh, tìm ở đó khả năng phát huy cao nhất sở trường của mình. Năm 1960 ông được Huy chương Đồng triển lãm ảnh quốc tế tại Liên Xô với tác phẩm "Nước dòng bãi Trà Cổ". Năm 1965 ông được Bằng khen tại triển lãm ảnh quốc tế BIFOTA tặng cho tác phẩm "Đôi nét thủy mặc Sa Pa". Cả tuổi trẻ của mình ông gắn bó với Sa Pa, trở đi và trở lại mảnh đất này, thuộc mây và núi, sương mù đến nỗi có thể kể cả ngày không hết chuyện. Ông còn tự ý rút ra kinh nghiệm riêng để tạo ra những bức ảnh ưng ý ở Sa Pa.
Trong những ngày máy bay Mỹ ném bom Hà Nội vào năm 1972, ông thư thái, ung dung đạp xe săn ảnh, một bên treo mũ sắt, một bên treo cái xà cột vải bạt trong có cái máy ảnh Zet Icong cổ lỗ. Gần như suốt cuộc đời ông chỉ chụp bằng ống kính trung bình. Là người giỏi về buồng tối nhưng không quá lạm dụng trong sáng tạo hậu kỳ.
Triển lãm ảnh của ông vào tháng 7 năm 1982 ở Thành phố Hồ Chí Minh và triển lãm ảnh cá nhân tại Thủ đô Hà Nội năm 1983 gần như là bản tổng kết cuộc đời qua hàng chục năm gắn bó với đất nước. Mảng ảnh để lại ấn tượng sâu sắc nhất là chụp về Hà Nội. Các tác phẩm mang chất thơ như "Hồ Gươm buổi sáng", "Hồ Gươm bốn mùa", hay mang nét hoài cổ như "Thu về", "Nhớ xưa", những bức ảnh đẹp về đường cong như "Thiếu nữ Hà Nội", "Trong vườn si đền Voi Phục", "Một nét quê hương", "Hương lúa"... Nhiều bức ảnh chụp ở những vùng đất khác nhau gợi sự thán phục như "Thác Bản Giốc", "Đỉnh Phanxipăng", "Xuân về trên dãy Hoàng Liên Sơn", "Phơi lưới trên sông Cấm", "Biển bạc", "Suối nắng rừng thông", "Nhà thờ Đức Bà"'... Với cái nhìn chân thực vẻ đẹp của đất nước hồn ảnh của Võ An Ninh đượm chất thơ với xu hướng tạo hình mang cảm quan dân tộc.
Năm 1991, ông tập hợp các tác phẩm tiêu biểu cho ra đời tập sách ảnh "Ảnh Võ An Ninh". Tác phẩm đó vẽ nên những nét chính yếu nhất trong cuộc đời sáng tạo của ông.
Do những đóng góp của ông với nghệ thuật nhiếp ảnh và với sự nghiệp cách mạng của đất nước ông đã được Nhà nước tặng thưởng nhiều Huân Huy chương cao quý. Đặc biệt, với Phóng sự ảnh "Về hoạt động của Bác Hồ 1945-1946" và Phóng sự ảnh "Về nhân dân và thanh niên Sài Gòn đấu tranh chống Mỹ" (1950), ông đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật - lĩnh vực nhiếp ảnh năm 1996.