Kỷ nguyên số và internet đang cho chúng ta nhiều cơ hội tiếp cận đến tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng vào bất kỳ trong thời gian, địa điểm nào, nhưng cũng chính môi trường số đang đặt ra không ít thách thức trong bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan. Với mong muốn ngăn chặn các hành vi vi phạm cũng như nâng cao nhận thức của công chúng về quyền tác giả, Cục Bản quyền tác giả Việt Nam (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Việt Nam) đã phối hợp với Cục bản quyền – Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Hàn Quốc tổ chức “Diễn đàn Bản quyền Việt Nam - Hàn Quốc năm 2023”.
Ông Trần Hoàng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả cho biết, diễn đàn là một trong những hoạt động thường niên thuộc Chương trình hợp tác để triển khai Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan được ký kết ngày 4/9/2013 giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc.
Diễn đàn chia sẻ xu hướng hoàn thiện pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan, đặc biệt tập trung vào nội dung bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm nhiếp ảnh.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Park Jung Yeol, Chủ tịch Cơ quan Bảo vệ Bản quyền Hàn Quốc nhận định: hiện tại, có rất nhiều thách thức đối với ngành công nghiệp sáng tạo ở cả Việt Nam và Hàn Quốc. Việc vi phạm bản quyền trên không gian mạng có thể xảy ra xuyên biên giới nên hợp tác quốc tế để bảo vệ bản quyền rất cần thiết.
Các báo cáo viên đã giới thiệu những thay đổi mới nhất về luật bản quyền, xu hướng pháp chế toàn cầu (bao gồm cả luật liên quan đến nhiếp ảnh) và đưa ra những giải pháp, phương hướng bảo vệ các tác phẩm nhiếp ảnh trên môi trường số như: hoàn thiện hệ thống pháp luật phù hợp với thực tiễn, có tính dự báo; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các cơ quan quản lý, thực thi quyền tác giả, quyền liên quan; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm; tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan xuyên biên giới, trên không gian mạng…
Bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) khẳng định thời gian tới, Cục Bản quyền tác giả sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan, tiến tới xây dựng Luật Bản quyền tác giả độc lập theo thực tiễn pháp luật và tập quán quốc tế. Cục cũng sẽ tăng cường hợp tác quốc tế, tập trung vào hỗ trợ kỹ thuật, hợp tác đấu tranh phòng, chống vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan xuyên biên giới và trên không gian mạng.
Đối với lĩnh vực nhiếp ảnh, việc triển khai sử dụng các tác phẩm nhiếp ảnh hiện nay, đặc biệt là trên không gian mạng đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết, nhiều hành vi xâm phạm quyền tác giả đối với tác phẩm nhiếp ảnh đã được thực hiện thông qua việc sử dụng các thiết bị hiện đại để chỉnh sửa thay đổi hoặc sao chép tác phẩm một cách dễ dàng và nhanh chóng khó kiểm soát đã gây ra những thiệt hại đáng kể cho các chủ thể quyền tác giả nhiếp ảnh.
Trước thực trạng đó, tại diễn đàn NSNA Trần Thị Thu Đông, Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam đã có những kiến nghị với Đảng và Nhà nước xây dựng quy chế về bản quyền tác phẩm nhiếp ảnh rõ ràng, dễ áp dụng, phù hợp với thực trạng và phát triển ngành nhiếp ảnh trong thời đại hội nhập quốc tế để các nghệ sĩ sáng tác nghệ thuật dễ dàng thực hiện như: Tiếp tục xây dựng hệ thống thể chế pháp luật về quyền tác giả trong lĩnh vực văn học nghệ thuật hoàn chỉnh, về căn bản đảm bảo được sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của nhà nước. Thể thể chế về bản quyền tác giả mới khuyến khích các nghệ sĩ tham gia sự nghiệp văn học nghệ thuật trên cả hai mặt sáng tạo và hưởng thụ; giúp đội ngũ văn nghệ sĩ chuyên nghiệp làm tốt vai trò nòng cốt trong việc sáng tạo các giá trị văn học nghệ thuật mới; tạo điều kiện thực hiện tốt nhiệm vụ giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc kết hợp với tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới.
Đảng và Nhà nước tiếp tục quan tâm tăng cường bộ máy tổ chức, ban hành những văn bản pháp luật về quyền tác giả nhằm điều chỉnh hoạt động của các ngành Văn học Nghệ thuật.
Đồng thời kiến nghị các cơ quan chức năng liên quan tôn trọng và bảo vệ lợi ích của tác giả sở hữu trí tuệ nói chung, của tác giả văn học nghệ thuật nói riêng, là quan niệm và hành xử có văn hóa trong xã hội văn minh. Lấy tài sản của người khác để kinh doanh một cách bất minh là hành vi trục lợi, phạm pháp và trực tiếp liên quan tới đạo đức kinh doanh. Vì thế đến lúc các cơ quan chức năng cần có sự thống nhất quan niệm, phối hợp hành động trên cơ sở pháp luật để bảo vệ quyền, lợi ích của chủ sở hữu tác phẩm văn học - nghệ thuật cần xác định đây không chỉ là vấn đề quyền lợi mà còn góp phần khuyến khích văn nghệ sĩ tiếp tục sáng tạo.
Về tình trạng vi phạm bản quyền trong nhiếp ảnh, vấn đề khó khăn nhất vẫn là ý thức chấp hành. Vì vậy, song song với việc tiếp tục nâng cao nhận thức về quyền tác giả và quyền liên quan cho tất cả mọi đối tượng, cần tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các, ngành hữu quan, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan, nhất là ở các tỉnh, thành phố lớn; kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm, có thể đưa ra tòa một số vụ vi phạm nghiêm trọng, truy cứu trách nhiệm hình sự để răn đe.
Xây dựng môi trường văn hóa, bồi dưỡng kiến thức và luật bản quyền nhiếp ảnh cho các nghệ sĩ ở các chi hội, cơ sở, đáp ứng những nhu cầu về kiến thức, thông tin, kỹ thuật nhiếp ảnh... Xây dựng mối quan hệ khăng khít giữa các nghệ sĩ ở địa phương và Trung ương với các cơ quan quản lý chuyên ngành nhiếp ảnh.
Quy chế bảo vệ quyền tác giả trong lĩnh vực nhiếp ảnh phải được phổ biến rộng rãi. Cơ quan bảo vệ quyền tác giả trong đó có lĩnh vực nhiếp ảnh cần được biết đến để các tác giả đăng ký bản quyền và cần có quy chế sử dụng ảnh trên báo chí.
Thành lập Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả nhiếp ảnh, điều này sẽ giúp cho việc bảo vệ bản quyền tác giả trong lĩnh vực nhiếp ảnh nâng cao lên tầm cao hơn.
Những vấn đề đặt ra với các nghệ sĩ nhiếp ảnh trong thời đại công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, các nghệ sĩ không những phải am hiểu về luật pháp nói chung, luật bản quyền tác giả nhiếp ảnh nói riêng, mà còn phải trau dồi kiến thức để sử dụng những thiết bị kỹ thuật số hiện đại của ngành ảnh, lưu trữ, quản lý và sử dụng những bức ảnh của mình chụp.
Bản quyền tác giả trong lĩnh vực nhiếp ảnh là một vấn đề phức tạp, nhạy cảm. Việc vi phạm bản quyền nhiếp ảnh đã rất nghiêm trọng không còn là chuyện dễ dàng cho qua. Các nhà nhiếp ảnh cần phải lên tiếng bảo vệ tác phẩm của mình và bảo vệ cho chính mình, để rồi làm quen với việc đăng ký bản quyền, có như vậy mới mong được pháp luật bảo trợ.
Từ đó, NSNA Trần Thị Thu Đông đề xuất: Sự ra đời của Nghị định về hoạt động nhiếp ảnh - văn bản quy phạm phát luật có hiệu lực quản lý cao nhất hiện nay, bước đầu đã tạo được hành lang pháp lý, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực nhiếp ảnh, đảm bảo tính thống nhất tron hoạt động nhiếp ảnh thực hiện đúng theo các quy định của pháp luật.
Để ngành nhiếp ảnh phát triển, trở thành một ngành công nhiệp văn hóa, nhà nước cần có các kế hoạch, chính sách theo giai đoạn, lộ trình và cần có các biện pháp bảo vệ bản quyền tác giả trong lĩnh vực nhiếp ảnh. Một trong những biện pháp hữu hiệu là nên sớm thành lập Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả nhiếp ảnh Việt Nam. Cần hướng dẫn cho các nhà nhiếp ảnh thực hiện đăng ký quyền tác giả và có trách nhiệm giám sát, gương mẫu trong việc thực thi pháp luật và những nghị định, quy định dưới luật.
Như vậy để đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành nghệ thuật nhiếp ảnh thì việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với tác phẩm nhiếp ảnh là rất quan trọng. Hy vọng, với sự chung tay của toàn xã hội sẽ có sự cải thiện trong việc bảo vệ bản quyền tác phẩm nhiếp ảnh trên không gian mạng tại Việt Nam và tạo một môi trường trực tuyến an toàn cho các nhiếp ảnh gia và người sử dụng tác phẩm.