Về với những địa danh lịch sử

Bài: Nguyễn Thanh Hương - Ảnh: Văn Thương, Bá Hảo|14:40 04/04/2023

(NADS) - Trong 3 ngày: 6, 7, 8 tháng 3/2023, các Chi hội NSNA 8 tỉnh miền Đông Nam Bộ đã tổ chức đi thực tế sáng tác tại một số địa phương thuộc tỉnh Bình Phước. Đoàn do nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Thạch Vân, Phó Chủ tịch Hội NSNA Việt Nam phụ trách khu vực phía Nam cùng nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Văn Thương, Ủy viên BCH Hội NSNA Việt Nam, phụ trách khu vực Đông Nam Bộ dẫn đầu.

luu-niem.jpg
Các nghệ sĩ chụp ảnh lưu niệm

Tôi có vinh dự được đi cùng với Đoàn khi nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Văn Thương nói: Anh em nghệ sĩ nhiếp ảnh đi để chụp ảnh, còn nhà văn, xin mời anh đi cùng để viết tin, viết bài. Tôi mừng quá bởi nơi sẽ đến từng là trụ sở của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam mà tôi chỉ biết qua báo chí và Đài Tiếng nói Việt Nam từ những năm 1970 của thế kỷ XX.

11 giờ trưa 6 tháng 3, đoàn chúng tôi đến thành phố Đồng Xoài - thủ phủ tỉnh Bình Phước. Hai giờ chiều dự “Lễ kỷ niệm 70  năm Ngày Truyền thống Nhiếp ảnh Việt Nam - ngày Bác Hồ ký sắc lệnh thành lập Doanh nghiệp Chiếu bóng Quốc gia và Chụp ảnh Việt Nam”. Sau Lễ kỷ niệm là buổi tọa đàm sáng tác “Ảnh nghệ thuật và cuộc sống”.

Phải khẳng định rằng: Bảy mươi năm qua, các thế hệ nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam đã đồng hành cùng dân tộc trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Từ sau năm 1975 cho đến nay lại tiếp tục phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ lãnh thổ của Tổ quốc.

hoi-thao.jpg
Toàn cảnh Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Truyền thống Nhiếp ảnh Việt Nam tại tỉnh Bình Phước

Những bức ảnh về Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945, ảnh Bác Hồ đi chiến dịch biên giới 1950, ảnh Bác cùng với Bộ tư lệnh chiến dịch Biên Phủ 1954. Tiếp đó là những bức ảnh chụp cảnh máy bay Mỹ ném bom miền Bắc bị pháo của bộ đội ta bắn cháy, ảnh tên phi công Mỹ cao to cúi gằm mặt trước nữ dân quân du kích bé nhỏ. Rồi những bức ảnh bộ đội ta vượt Trường Sơn vào Nam đánh giặc. Bức ảnh xe tăng của ta húc đổ cánh cổng Dinh độc lập, lá cờ giải phóng tung bay trên nóc Dinh. Cũng nhờ nhiếp ảnh mà nhiều thế hệ sinh sau năm 1960 mới biết đến vóc dáng, gương mặt của các thế hệ lãnh đạo Đảng và nhà nước ta.

Tóm lại, phải có đến hàng vạn bức ảnh ghi lại những hoạt động của nhân dân ta, cán bộ lãnh đạo các cấp, của quân đội, thanh niên xung phong trong hai cuộc kháng chiến và những bức ảnh biển đảo ngày nay hiện có tại bảo tàng cách mạng Việt Nam. Điều đó khẳng định lại một lần nữa nhiếp ảnh đã và luôn đồng hành cùng dân tộc.

Ấn tượng nhất trong chuyến đi vừa qua đối với chúng tôi là khi đến huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước, một trong những huyện tiếp giáp với nước bạn Campuchia. Đây là trụ sở của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam, nơi Bộ chỉ huy quân Giải phóng miền Nam bàn bạc và ra những quyết định tấn công giải phóng Lộc Ninh ngày 7/4/1972, nơi tỉnh Bình Long hoàn toàn giải phóng ngày 23/3/1974, (trước 1975, huyện Lộc Ninh thuộc tỉnh Bình Long). Việc giải phóng 2 địa danh này đã làm cho hậu cứ tại mặt trận có đủ điều kiện tập kết kho tàng vũ khí, lương thực, thuốc men được chuyển từ miền Bắc vào.

ky-niem-chuong.jpg
NSNA Hoàng Thạch Vân, Phó Chủ tịch và NSNA Nguyễn Văn Thương, Ủy viên BCH Hội NSNA Việt Nam trao Kỷ niệm chương vì sự nghiệp nhiếp ảnh của Hội NSNA Việt Nam cho các nghệ sĩ

Tại Lộc Thanh, huyện Lộc Ninh, khách tham quan không thể không đến căn cứ Tà Thiết, đây là địa danh có tính lịch sử Quốc gia đặc biệt - nơi có Đền tưởng niệm các liệt sĩ, nhà trưng bày các hiện vật, trang phục, ảnh chân dung của các nhà lãnh đạo Bộ chỉ huy quân Giải phóng miền Nam như Lê Đức Anh, Phạm Hùng, Trần Văn Trà, Nguyễn Thị Định, Trần Nam Trung, Định Đức Thiện, Nguyễn Chí Thanh, Lê Đức Thọ, Lê Quang Hòa, Huỳnh Tấn Phát,… Tại đây còn có nhà làm việc của các tướng lính kể trên. Nhà nửa chìm nửa nổi, có hầm hố tránh bom đạn.

Nơi đây, trước những năm 1975 của thế kỷ XX. rừng rậm rạp, đường đi lại từ địa điểm này đến địa điểm kia, hẹp lắm, người ta gọi là đường chuột chạy, phải dùng dao phát luồn rừng mà đi.

Tôi đã từng ở Trường Sơn năm 1970, 1971, 1973, cũng chính vì thế mới thấu hiểu những gian khổ mà cán bộ chiến sĩ quân Giải phóng miền Nam và nhân dân ở khu vực rừng Lộc Ninh phải chịu đựng: nào là muỗi vắt, bom đạn của quân xâm lược ngày đêm trút xuống. Nhưng rồi đạm bom sắt thép, muỗi vắt, khí hậu khắc nghiệt phải thua ý chí của con người Việt Nam, để cho miền Nam, Bắc một dải núi sông, để cho màu xanh bạt ngàn cao su, sầu riêng, của lúa phủ lên mặt đất, để bây giờ đường vào các ngõ ngách thôn xóm trên khắp đất nước ta đều trải nhựa hoặc bê tông hóa.

1fa03e72f6622a3c737323.jpg
Các nghệ sĩ chụp ảnh lưu niệm

Đến xã Lộc Quang, khách tham quan trầm trồ trước một hiện vật lớn: đó là Bồn xăng ĐK78, nơi tập trung xăng dầu lớn nhất Chiến khu miền Đông Nam Bộ, cung cấp nhiên liệu cho xe vận tải, xe chỉ huy, cho máy phát điện cho các cơ quan chỉ huy từ xã đến Trung ương cục.

Cũng tại xã Lộc Tấn, huyện Lộc Ninh, khách tham quan được giới thiệu: Vào đêm 20/6/1977, ông Hun-xen, lãnh tụ các mạng Campuchia cùng cộng sự đã vượt qua các trạm gác của bọn diệt chủng Pôn Pốt đến gặp lãnh đạo địa phương Lộc Ninh xin cứu viện, để rồi cùng với nhân dân Campuchia, bộ đội Việt Nam tình nguyện đã giải phóng Campuchia vào ngày 1/1/1979.

Chúng tôi đứng lặng trước tấm bia căm thù ở xã An Lộc, thị xã Bình Long. Nơi đây, ngày 3/10/1972, lính Mỹ đã sát hại 3000 đổng bào ta, và ngay 4/1/1975, lính Mỹ lại sát hại 300 thường dân vô tội nữa.

Tỉnh Bình Phước hiện nay do 2 tỉnh sáp nhập là Bình Long, Phước Long mà thành. Nơi đây có 41 dân tộc anh em cùng sinh sống. Ngoài những địa danh lịch sử, còn những di tích, danh lam thắng cảnh như Chùa Sóc Lớn (chùa của người Khơ me), Núi Bà Rá, Thác Mơ ở phường Sơn Giang, thị xã Phước Long, rồi Thác Đứng và 4 di tích Thành cổ 1000 năm có dạng hình tròn, xây bằng đất sét, rồi Hồ Suối Cam, vườn hoa Đồng Xoài. Con người ở đây làm đẹp thiên nhiên để rồi thiên nhiên lại phục vụ môi trường sống trong lành của con người.

1ecbbcb40aa4d6fa8fb525.jpg
Các nghệ sĩ nhiếp chụp ảnh lưu niệm

Đêm liên hoan giao lưu văn nghệ giữa đoàn ca múa dân tộc Bình Phước với đoàn chúng tôi diễn ra sôi nổi, lời ca tiếng đàn ngân vang,… tưởng như không dứt.

Tiếp tục cuộc hành trình, đến với Đồn Biên Phòng cửa khẩu Quốc tế Hoa Lư, đóng tại xã Lộc Thạnh, huyện Lộc Ninh. Chúng tôi khâm phục cán bộ chiến sỹ ở đây thường trực 24/24 giờ giữ gìn an ninh biên giới, phải tham gia dập tắt lửa khi rừng bị cháy.

Còn khi đến với Bình Phước, đoàn chúng tôi được cán bộ, nhân dân địa phương tiếp đón tận tình, các đồng chí Vũ Tiến Điền - Trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh ủy, chị Trần Thị Bích Lệ - Trưởng Ban Dân vận, chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Nguyễn Minh Quang - Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông, Trần Văn Chung - Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Lê Văn Quang - Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh cùng lãnh đạo Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện Lộc Ninh đã lo cho đoàn chúng tôi chỗ nghỉ rồi ăn tối, ăn trưa, ăn sáng. Chúng tôi không quên tình cảm của các anh có tên ở trên đã dành cho chúng tôi trong 3 ngày ở Bình Phước.

Đây là chuyến đi thực tế để sáng tác của các nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam khu vực Đông Nam Bộ nên tôi không thể không nhắc đến các nghệ sĩ nhiếp ảnh. Những buổi trưa từ 10 đến 11 giờ 30 rồi buổi chiều từ 14 đến 16h30, trời xanh không một gợn mây, chỉ có nắng gay gắt và gay gắt nhưng các nghệ sĩ vẫn say sưa tìm những góc ảnh đẹp. Bước chân mỗi anh đi phải đến 10km một ngày, lưng áo ai cũng ướt đẫm mồ hôi mà vẫn tươi cười và say sưa chụp.

NSNA Nguyễn Văn Thương, Vũ Hồng Quang, Nguyễn Bá Hảo đều giành nhiều giải quốc gia và quốc tế có uy tín. Các nghệ sĩ còn lại ai cũng có từ 3 đến 5 giải khu vực trong nước hoặc giải quốc gia. Giải thưởng không đủ để mua một chiếc máy chụp ảnh đa năng giá từ 100 triệu đồng trở lên. Không ai giàu về nhiếp ảnh nhưng ai cũng say sưa với nghề. Tuổi cầm máy của đa số các anh đều từ 30 năm trở lên, chỉ có 3-4 nghệ sĩ mới cầm máy khoảng 10 - 15 năm nhưng cũng đã có giải thưởng để trở thành hội viên Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam.

2.-tac-nghiep.jpg
Các nghệ sĩ tác nghiệp

Một chuyến đi với bao ấn tượng đẹp đẽ, một chuyến đi về với chiến khu cách mạng, về với những địa danh lịch sử sáng ngời trên bản đồ Tổ quốc: Tà Thiết, Lộc Thạnh, Lộc Tấn của Lộc Ninh rồi Bình Long, Phước Long. Về đây để thấy sức mạnh Việt Nam - sức mạnh ấy có từ lòng yêu gia đình, quê hương, làng xóm, Tổ quốc, sức mạnh đó có từ truyền thống văn hóa Việt Nam, có từ một nền văn hóa việt Nam được bồi đắp suốt chiều dài 4000 năm lịch sử. Về đây để mỗi người càng thấy tự hào, để rồi dốc sức mình vào dựng xây và bảo vệ cho biên cương, lãnh thổ của đất Đại Việt mãi mãi bình yên.

1ve-tham_1.jpg
Các nghệ sĩ nhiếp ảnh tới thăm các khu di tích tưởng nhớ các vị anh hùng của đất nước
1.-tac-nghiep_1.jpg
Các nghệ sĩ nhiếp ảnh tìm cho mình những góc hình nghệ thuật riêng

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Nhiếp ảnh & Đời sống
Về với những địa danh lịch sử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO