Vai trò Liên hiệp hội/hội văn học nghệ thuật mờ nhạt trong Chương trình Mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035

Quang Hồ - Khánh Linh|16:10 19/06/2024

(NADS) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, sáng 19/6, Quốc hội họp Thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư Chương trình Mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 tại Nội dung thứ hai của buổi họp. Phiên thảo luận diễn ra sôi nổi, chất lượng, sát thực tiễn, đi thẳng vào vấn đề với tinh thần xây dựng và trách nhiệm cao.

Toàn cảnh Phiên thảo luận. Ảnh: Quốc hội Việt Nam

Tại buổi họp, các Đại biểu quốc hội bày tỏ sự thống nhất cao với Tờ trình của Chính phủ cũng như Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hoá giáo dục về sự cần thiết, quan điểm, mục tiêu và các nhiệm vụ của chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035. Trên hết, các đại biểu đều tích cực khẳng định nếu như Chương trình được thông qua và triển khai thành công thì nó sẽ giúp chúng ta tăng cường nguồn lực đầu tư, đáp ứng yêu cầu bức thiết về phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Góp ý thêm về Chương trình để khi được thông qua sẽ khả thi trong thực hiện, các ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương), Nguyễn Anh Trí (Hà Nội), Trần Thị Thu Đông (Bạc Liêu) đã đóng góp thêm nhiều ý kiến thiết thực và có giá trị nhằm thúc đẩy, phát triển văn học, nghệ thuật. 

Cần có nội dung đầu tư để phát triển và cụ thể hóa hơn nữa vai trò của Liên hiệp hội/hội chuyên ngành văn học nghệ thuật trung ương và địa phương.

ĐBQH Nguyễn Anh Trí, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội

Theo ĐBQH Nguyễn Anh Trí, từ năm 1957 đến nay Liên hiệp Hội Văn học nghệ thuật trung ương và địa phương đã có rất nhiều đóng góp vào sự phát triển văn hoá cho đất nước. Tuy nhiên, hiện nay Liên hiệp Hội, các Hội vẫn còn rất khó khăn về kinh phí, địa điểm, các điều kiện vật chất… để có thể hoạt động được thuận lợi, đều đặn và thăng hoa.

Trong bài tham luận của Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cũng nêu ra cụ thể vấn đề này: với việc hỗ trợ văn nghệ sĩ thì vai trò của các hội văn học nghệ thuật chuyên ngành trung ương và các hội văn học nghệ thuật địa phương không hề được đề cập đến trong dự thảo, dù các hội này là đầu mối quan trọng nhất để tập hợp đoàn kết đội ngũ văn nghệ sĩ, chỉ đạo, định hướng các hoạt động văn học nghệ thuật.

Tiếp đó, Đại biểu bày tỏ sự quan tâm của mình đến vấn đề tại phần 5.3 về hỗ trợ cơ sở vật chất hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển VHNT. Theo bà, sau nhiều năm hoạt động, các cơ sở vật chất dành cho các trại sáng tác đang xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng đến chất lượng của các chuyến sáng tác VHNT của nghệ sĩ. Theo đó, trong Chương trình, cần bổ sung đầu tư cơ sở vật chất và nhân lực cho các nhà sáng tác để các văn nghệ sĩ tham gia các trại sáng tác VHNT. 

Đồng ý kiến, Đại biểu Trần Thị Thu Đông cho rằng việc triển khai thành phần số 5 trong Chương trình, quyền hạn và trách nhiệm của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, các hội VHNT trung ương và địa phương không được nhắc tới trong Chương trình dù các hội này là những đầu mối quan trọng nhất để tập hợp đội ngũ văn nghệ sĩ trong cả nước. 

Đại biểu Anh Trí đã đề nghị Chính phủ cần có nội dung và nguồn lực để đầu tư cho Liên hiệp/hội lĩnh vực văn học nghệ thuật có ghi trong bản Chương trình Mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035. Đồng thời, tạo điều kiện để Liên hiệp Hội, các Hội được tham gia mạnh mẽ, thực chất vào các hoạt động là thế mạnh của các hội chuyên ngành trong Liên hiệp Hội như tuyển chọn, giám khảo các kỳ thi (quốc gia, quốc tế…), tập huấn, huấn luyện và tổ chức các chương trình, dự án văn hoá hợp tác quốc tế.

Tạp chí/báo chuyên ngành VHNT đang “rơi vào tình trạng rất lay lắt”

ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga, TUV, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương.

ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga cho biết Tạp chí/ báo VHNT là diễn đàn về văn học nghệ thuật, đây là kênh giới thiệu công bố các tác phẩm văn học nghệ thuật của đội ngũ văn nghệ sĩ trên cả nước. Tuy nhiên những đơn vị này hiện đang “rơi vào tình trạng rất lay lắt”, đang rất thiếu kinh phí để hoạt động. Vì vậy, việc Chương trình xem xét bổ sung hỗ trợ các báo/ tạp chí/ website VHNT là rất quan trọng. Đây là hình thức hỗ trợ tốt nhất cho sự phát triển văn học nghệ thuật và quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật.

Cùng quan điểm với ý kiến này, trong góp ý gửi Ban Soạn thảo, Đại biểu Trần Thị Thu Đông đã đề nghị Chính phủ đưa nội dung đầu tư kinh phí cho các Tạp chí và báo VHNT của cả nước để hoạt động vào Chương trình vì đây là kênh giới thiệu, quảng bá rất hiệu quả tác phẩm của văn nghệ sĩ.

Đầu tư nguồn lực để sáng tạo ra nhiều tác phẩm VHNT đỉnh cao

Nhận xét về nội dung thành phần 8 về Phát triển nguồn nhân lực văn hóa, Đại biểu Nguyễn Anh Trí và Trần Thị Thu Đông cho rằng đây là nội dung quan trọng, nhưng Chương trình thể hiện còn mông lung, chưa rõ. 

Theo ĐBQH Anh Trí, Ban soạn thảo cần lưu ý 2 vấn đề. Vấn đề một, đó là tài năng văn hóa, những năng khiếu bẩm sinh phần lớn là ở trong nhân dân, ở trong cộng đồng, từ làng xã, khu phố. Phải có cách thức tốt, phải lặn lội với trách nhiệm cao, thật công minh, vô tư đi tìm kiếm, phát hiện và việc này phải làm trước, đào tạo, mài giũa, nâng đỡ, đưa cho họ cơ hội để tỏa sáng, để cho các tài năng được phát triển.  

Vấn đề thứ hai, đó là tạo mọi điều kiện để các văn nghệ sĩ được đóng góp, cống hiến xứng đáng, đóng góp lành mạnh và đảm bảo có đời sống tinh thần thoải mái, phong phú, có đời sống vật chất ổn định để sáng tác, sáng tạo.

ĐBQH Trần Thị Thu Đông, Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu, Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam.

Trong góp ý gửi Ban Soạn thảo, Đại biểu Thu Đông đề nghị thêm cụm từ "để sáng tạo ra" và sửa câu này lại thành "Đầu tư có trọng điểm để sáng tạo ra các công trình, tác phẩm VHNT đỉnh cao của VN" ở mục 5.4. Vì, theo Đại biểu Thu Đông: "Mục tiêu của chương trình là đầu tư nguồn lực để sáng tạo ra nhiều tác phẩm VHNT đỉnh cao chứ không phải khi đã có tác phẩm đỉnh cao thì nhà nước mới đầu tư."

Đại biểu Thu Đông cũng đề nghị lựa chọn cách tiếp cận phù hợp để đầu tư cho lĩnh vực văn học, nghệ thuật hiệu quả, nghiên cứu lựa chọn đầu tư vào các nội dung như: Hỗ trợ sáng tác, quy định cụ thể các hình thức hỗ trợ sáng tác để các tác giả có điều kiện sáng tác ra những tác phẩm đỉnh cao; Tập trung vào đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật; mạnh dạn cử người sang các nước có nền công nghiệp văn hóa phát triển để đào tạo.

Ngoài ra, ĐBQH Thu Đông cũng đề cập đến vấn đề chuyển đổi số. Chuyển đổi số nên sử dụng tối đa sự tiến bộ Khoa học kỹ thuật, với nhiều dạng công nghệ khác nhau, hoặc bảo tồn các loại hình VHNT trên nền tảng số, không gian mạng nhằm thực hiện chủ trương của Đảng, Quốc Hội, Chính phủ về quốc gia số, Chính phủ số. Đồng thời với ứng dụng công nghệ trong phát triển Văn hoá, VHNT, các cơ quan có thẩm quyền cần ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn, định mức kinh tế kỹ thuật để triển khai chương trình này thật sự khoa học, dễ làm, dễ thực hiện, tránh nguy cơ sai sót.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Nhiếp ảnh & Đời sống
Vai trò Liên hiệp hội/hội văn học nghệ thuật mờ nhạt trong Chương trình Mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO