Trải qua 99 năm xây dựng và phát triển, Báo chí Cách mạng Việt Nam luôn là vũ khí sắc bén của giai cấp công nhân, là ngọn cờ của cách mạng, đem chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh soi đường, cổ vũ lớp lớp đồng bào, chiến sĩ vượt qua mọi hy sinh gian khổ, giành độc lập tự do và xây dựng đất nước.
Đặc biệt trong 38 năm đổi mới, báo chí đã phát triển nhanh mạnh cả về số lượng và chất lượng. Theo thống kê, cả nước hiện có 6 cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện, 127 cơ quan báo, 671 cơ quan tạp chí, 72 cơ quan Đài Phát thanh - Truyền hình thu hút 41.000 người, trong đó 20.508 người được cấp thẻ nhà báo (2021 - 2025), 7.587 nhà báo tốt nghiệp đại học trở lên.
Từ khi thực hiện công cuộc đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, báo chí đã tích cực tuyên truyền quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thông tin, cổ vũ các phong trào hành động cách mạng, phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp Nhân Dân; phát hiện, cổ vũ nhân tố mới, điển hình tiên tiến, khẳng định thành quả của công cuộc đổi mới; tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu; chống lại các quan điểm sai trái, âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; phòng chống dịch bệnh, thiên tai; góp phần thắt chặt tình hữu nghị, hợp tác của Việt Nam với bạn bè quốc tế. Công tác chỉ đạo, quản lý báo chí có nhiều đổi mới theo hướng chủ động, hiệu quả. Số lượng ấn phẩm, chất lượng và hình thức các loại hình báo chí không ngừng nâng cao, nội dung thông tin ngày càng phong phú, hiệu quả, hình thức ngày càng đẹp, sinh động và hấp dẫn, đội ngũ các nhà báo ngày càng đông đảo, có bước trưởng thành về chính trị, chuyên môn và nghiệp vụ.
Tuy vậy, vẫn còn những hạn chế, bất cập như: cơ cấu, quy mô chưa hợp lý, còn chạy theo thương mại, coi nhẹ chức năng tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng; khai thác tin, bài không cần thiết về những chuyện nhỏ lẻ giật gân, câu khách; năng lực của một số cơ quan chỉ đạo, quản lý, chủ quản và cơ quan báo chí chưa đáp ứng yêu cầu. Đội ngũ người làm báo còn những bất cập, còn tồn tại một bộ phận nhà báo xa rời “Quy ước đạo đức nghề nghiệp”, gây tác hại đến uy tín của báo chí, hoạt động kinh tế của nhiều cơ quan báo chí đang gặp khó khăn…
Tất cả những vấn đề trên đòi hỏi báo chí phải không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng thông tin, hình thức trình bày để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của quần chúng Nhân dân. Đứng trước yêu cầu hội nhập quốc tế và bùng nổ thông tin, báo chí Việt Nam cần phải kiên định mục tiêu lý tưởng của Đảng, thực hiện tốt chức năng báo chí là phương tiện thông tin, tuyên truyền, vũ khí tư tưởng quan trọng của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, là diễn đàn của Nhân Dân, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, hoạt động trong khuôn khổ pháp luật.
Phát triển báo chí đi đôi với quản lý tốt, nâng cao năng lực, hiệu lực, xây dựng nền báo chí nước ta cách mạng, chuyên nghiệp, hiện đại, nhân văn, đáp ứng nhu cầu thông tin, đoàn kết toàn dân tộc, tạo đồng thuận xã hội. Sắp xếp hệ thống báo chí gắn với đổi mới mô hình, nâng cao hiệu quả lãnh đạo, quản lý báo chí. Xây dựng một số cơ quan báo chí chủ lực, đa phương tiện làm nòng cốt, có vai trò định hướng thông tin báo chí, thông tin trên mạng Internet, khắc phục tình trạng chồng chéo, dàn trải đầu tư, buông lỏng quản lý, xa rời tôn chỉ, mục đích. Xác định rõ trách nhiệm lãnh đạo, quản lý báo chí của các cấp ủy đảng, chính quyền, nhất là của cơ quan chủ quản, người đứng đầu và cơ quan báo chí. Xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên có đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu phát triển báo chí trong tình hình mới.
Riêng đối với tỉnh Lâm Đồng, hiện nay có 3 cơ quan báo chí được Bộ Thông tin Truyền thông cấp phép và Chính phủ quy hoạch phát triển. Đó là, Báo Lâm Đồng (phát hành số đầu tiên ngày 19/8/1977), hiện nay xuất bản 5 kỳ/tuần (báo in) và báo Lâm Đồng điện tử (24/24h), số lượng bạn đọc và lượt truy cập ngày càng tăng; Đài Phát thanh Truyền hình Lâm Đồng (Phát thanh đầu tiên ngày 27/4/1975 và phát Truyền hình đầu tiên ngày 7/11/1985), hiện nay phát sóng PT-TH 24/24 giờ/ngày phủ sóng toàn tỉnh và khu vực; Tạp chí Lang Bian (Tạp chí Văn nghệ) phát hành số đầu tiên ngày 21/4/1987, đã xuất bản được 239 kỳ (tạp chí in) và Lang Bian điện tử (hoạt động từ năm 2010 đến nay). Ngoài ba cơ quan báo chí ở Lâm Đồng, còn có các Đặc san (Người Làm báo Lâm Đồng, Khoa học Công nghệ, Bản tin Nội bộ, Bản tin Y tế, Đà Lạt info…) đã đăng tải hàng triệu tác phẩm báo chí và văn nghệ có chất lượng, góp phần định hướng thông tin, cải thiện đời sống tinh thần, mang hình ảnh đẹp và văn hóa bản địa Lâm Đồng đến với bạn bè trong nước và quốc tế. Thời gian tới, các cơ quan báo chí Lâm Đồng cần đổi mới mạnh mẽ cả nội dung và hình thức, cả báo in và báo điện tử theo hướng số hóa, hiện đại, chuyên nghiệp, ngày càng hay - đúng - đẹp - hấp dẫn, là “món ăn tinh thần” không thể thiếu của công chúng và du khách gần xa.
Trong chặng đường lịch sử 99 năm, Báo chí Cách mạng Việt Nam đã góp phần to lớn vào cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Báo chí thực sự là công cụ, vũ khí sắc bén của Đảng và Nhà nước trên mặt trận tư tưởng - văn hóa. Những thành tựu mà đất nước đạt được trong 38 năm đổi mới, có phần đóng góp to lớn của báo chí. Bước vào thời kỳ mới, trước những đòi hỏi, yêu cầu của đất nước, báo chí cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, xứng đáng là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước và diễn đàn của nhân dân.