Sự sống nảy mầm giữa đại dương
Trường Sa, vùng đảo cách đất liền hàng trăm hải lý, không chỉ là tiền tiêu vững chắc canh giữ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, mà còn là nơi hiện hữu một điều kỳ diệu, sự sống. Đó là những gia đình gắn bó với đảo, là tiếng cười con trẻ vang lên trong trẻo giữa biển trời, là những đứa trẻ sinh ra trên đảo, khẳng định sống động về chủ quyền biển đảo thiêng liêng.
Tại số nhà 7, Thị trấn Trường Sa, chúng tôi vui mừng gặp gia đình anh Phạm Quốc Sang và chị Lê Thị Hoa Trâm, một trong những hộ dân đang sinh sống và công tác trên đảo. Trong ngôi nhà khang trang giữa trung tâm thị trấn, chị Trâm bế trên tay bé Phạm Lê Tuấn Kiệt, mới 3 tháng tuổi, công dân nhỏ tuổi nhất ở đảo Trường Sa Lớn.

“Cháu sinh ra ở đây, giấy khai sinh ghi rõ: Thị trấn Trường Sa, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Đó là niềm vinh dự và tự hào của gia đình tôi”, chị Trâm xúc động khoe. Vừa ru con, chị vừa chia sẻ thêm: “Cuộc sống trên đảo tuy còn nhiều khó khăn thiếu thốn, từ nước ngọt, rau xanh đến dịch vụ y tế. Nhưng bù lại, ở đây chúng tôi được sống trong tình cảm đùm bọc, trong niềm tin của đồng bào từ khắp mọi miền đất nước và lòng tự hào dân tộc. Chỉ cần còn tiếng sóng vỗ và màu cờ đỏ tung bay trên cột mốc chủ quyền thì chúng tôi còn vững tin bám đảo, bám biển”.
Những đứa trẻ nơi đây lớn lên giữa gió mặn mòi và nắng cháy, học chữ trong lớp học đơn sơ, chơi đùa bên bãi cát trắng và quen với giai điệu quốc ca vang vọng mỗi sáng giữa quảng trường đảo. Dù những công dân nhỏ của Tổ quốc chưa một lần đặt chân về đất liền, chưa từng đi giữa những con phố rợp bóng cây hay nghe tiếng còi xe hối hả của thành phố, chưa được đến những khu vui chơi giải trí hay các trung tâm thương mại sầm uất, nhưng tôi tin rằng, ở nơi hậu phương, hàng triệu trái tim Việt vẫn luôn hướng về Trường Sa. Từng ánh mắt, từng nhịp tim của người dân đất liền đều dõi theo từng bước chân chập chững con trẻ nơi đảo xa, nâng niu từng tiếng cười, từng trang sách. Đất liền và Trường Sa không xa cách, bởi được gắn kết bằng tình yêu nước, bằng nghĩa đồng bào thiêng liêng không bao giờ vơi cạn.

50 năm Trường Sa - khát vọng xanh trên biển trời Tổ quốc
Ngày 29/4/1975, lá cờ đỏ sao vàng lần đầu tiên tung bay kiêu hãnh trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, mốc son mở đầu cho hành trình nửa thế kỷ giữ gìn chủ quyền nơi đầu sóng. 50 năm qua đi, từ những chốt gác đơn sơ giữa nắng gió, Trường Sa hôm nay đã thay da đổi thịt, có mái nhà vững chãi, có tiếng ru à ơi trong các nếp nhà, tiếng ê a trong lớp học nhỏ, có sân chơi rộn rã tiếng cười trẻ thơ, bên vườn rau xanh mướt, thư viện sách và cả những lớp học tình thương đầy nghị lực. Tại căn hộ số 5, chúng tôi gặp em Nguyễn Ngọc Khang, 5 tuổi, con trai của anh Nguyễn Minh Tâm, dân quân tự vệ và chị Lê Thị Minh Diệu, cán bộ phụ nữ đảo. Khi chúng tôi đến, em đang ngồi say sưa bên tập giấy, tô những nét màu xanh cho bức vẽ về biển đảo. Trong bức tranh của em, người cha hiện lên cao lớn, hiên ngang giữa sân đảo, bên cạnh là cột mốc chủ quyền đỏ thắm giữa biển trời bao la. Nét vẽ còn ngây ngô, đường chì chưa vững, nhưng chính sự hồn nhiên ấy lại chạm đến tận sâu thẳm trái tim trong mỗi chúng tôi.
“Lớn lên con muốn làm dân quân tự vệ như ba, để giữ đảo”, em nói khẽ, đôi mắt trong veo ánh lên niềm tin trẻ thơ, vừa non nớt, vừa kiên cường đến lạ.
Chúng tôi lặng đi. Câu nói ấy đơn sơ, nhưng lay động khôn nguôi. Ở đất liền, một đứa trẻ có thể mơ thành bác sĩ, kỹ sư hay ca sĩ. Nhưng ở Trường Sa, ước mơ của các em lại giản dị mà vô cùng thiêng liêng: “được làm dân quân tự vệ để giữ đảo quê hương”.

Những “mầm xanh Trường Sa” không chỉ là hiện thân của sự sống, mà còn là tuyên ngôn sống động và đầy thuyết phục về chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam tại quần đảo thiêng liêng này.
Trong ánh mắt hồn nhiên của các em, người ta thấy cả một tương lai đang dần hình thành, một Trường Sa có người ở, có cuộc sống, có trường học, có trẻ thơ, có khát vọng và tình yêu Tổ quốc. Chính điều đó mới làm nên sức mạnh bền vững, khẳng định chủ quyền không chỉ được gìn giữ bởi những người lính mang súng, mà còn bởi những công dân nhỏ bé đang lớn lên mỗi ngày nơi đầu sóng.
Giống như cây bàng vuông, cây phong ba, những “mầm xanh” ấy không cần đất màu mỡ để vươn mình. Chúng lớn lên giữa nắng gió, trong điều kiện khắc nghiệt, nhưng được nuôi dưỡng bằng ý chí, lòng yêu nước và tinh thần thép của những người cha, người mẹ nơi đảo xa.

Tương lai xanh giữa muôn trùng sóng gió
Trong những cuộc trò chuyện cùng cán bộ, chiến sĩ, thầy giáo và người dân trên đảo, điều khiến chúng tôi xúc động nhất chính là tinh thần lạc quan và niềm tin sắt đá vào tương lai Trường Sa. Dù cuộc sống trên đảo còn nhiều khó khăn, nhưng các gia đình nơi đây vẫn là những tổ ấm, nơi sinh con, dạy chữ, trồng rau, tổ chức Tết Trung thu, trang trí sân chơi cho các em nhỏ. Những lớp học nơi đảo xa vẫn vang lên tiếng giảng bài, tiếng ê a đánh vần, tiếng phấn nghiến trên mặt bảng, những âm thanh tưởng chừng giản dị nhưng lại thiêng liêng vô cùng, âm thầm vun đắp nền móng vững chắc cho một Trường Sa trường tồn giữa trùng khơi Tổ quốc.


Thầy giáo trẻ Cao Văn Truyền, quê ở Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa, đã có hai năm gắn bó với sự nghiệp “gieo chữ” nơi đảo xa. Thầy tâm sự, “Các em tuy ít nhưng rất chăm ngoan, ham học. Mỗi con chữ viết ra giữa gió biển và tiếng sóng như có thêm sức nặng. Dạy học nơi đầu sóng, tôi càng thấm thía hơn trách nhiệm gieo tri thức và niềm tin cho thế hệ mai sau”.
Chừng nào còn những đứa trẻ học chữ trên đảo, còn tiếng gọi mẹ vọng giữa sân trường, còn tranh vẽ người lính đảo in đậm ước mơ thơ ngây, thì chừng đó, Trường Sa vẫn luôn là một phần máu thịt không thể chia cắt của đất nước Việt Nam.

Trường Sa - máu thịt của đất mẹ
Giữa bạt ngàn sóng gió, Trường Sa vẫn đứng vững như lời thề khắc vào đá san hô, như trái tim kiêu hãnh giữa biển Đông. Không chỉ là chốt gác, cột mốc hay boong tàu, Trường Sa hôm nay còn là mái ấm, là lớp học, là nơi trẻ thơ được ẵm bồng, được dạy dỗ bằng tình yêu quê hương.
Không gì thiêng liêng và thuyết phục hơn những tờ giấy khai sinh mang dòng chữ “Thị trấn Trường Sa”. Đó không chỉ là địa chỉ hành chính, mà là một dấu mốc sinh tồn giữa đại dương, một bản tuyên ngôn sống động về chủ quyền. Mỗi em bé chào đời nơi đảo xa là một mầm sống nảy lên giữa sóng gió, là nhịp tim non trẻ hoà chung với mạch sống bất tận của đất mẹ Việt Nam anh hùng.
Trường Sa không chỉ có đá, có sóng, có ngọn cờ hiên ngang trước gió. Trường Sa còn có sự sống. Có tình người. Có những mầm xanh đang lớn lên từng ngày giữa biển trời Tổ quốc.
Và chỉ cần còn những mầm xanh ấy, Trường Sa mãi mãi là của Việt Nam.
