Tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp và những đóng góp cho nền Nhiếp ảnh Việt Nam của danh nhân Đặng Huy Trứ.

Tin: Quang Hồ - Ảnh: Xuân Chính|17:29 15/03/2024

(NADS) - Chiều 15/3, tại Thừa Thiên Huế, Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp cùng Hội Nhiếp ảnh Thừa Thiên Huế tổ chức Toạ đàm "Kỷ niệm 155 năm thành lập hiệu ảnh Cảm Miếu Đường" nhằm tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp và những đóng góp cho nền Nhiếp ảnh Việt Nam của danh nhân Đặng Huy Trứ.

Dự lễ kỷ niệm có: NSNA Trần Thị Thu Đông - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XV; NSNA, Nhà báo Hồ Sỹ Minh - Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Nhiếp ảnh & Đời sống, Trưởng Ban lý luận phê bình Nhiếp ảnh; NSNA Lê Nguyễn, Phó Chủ tịch Hội NSNA Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật; Nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế; đại diện 3 Hội Nhiếp ảnh Hà Nội, Huế, TP.HCM.

z5251813490103_5bb06dcbb919952816b3142b1b61f375.jpg
Các đại biểu dự toạ đàm

Cách nay 155 năm, ngày 14/3/1869, sau lần được Triều đình nhà Nguyễn cử sang Quảng Đông lần thứ 2, Đặng Huy Trứ đã tìm hiểu, học hỏi về kỹ thuật nhiếp ảnh, nhờ người mua dụng cụ nghề ảnh và mở hiệu ảnh Cảm Hiếu đường tại phố Thanh Hà, Hà nội. Đây là hiệu ảnh đầu tiên, mở ra một ngành nghề mới ở Việt Nam. Ngài Đặng Huy Trứ là một nhà cải cách Việt Nam thời cận đại, là người đầu tiên đưa nghề Nhiếp ảnh du nhập vào Việt Nam, nên ông được tôn vinh là Ông Tổ nghề Nhiếp ảnh của Việt Nam.

z5251688699735_7778f782eacde618a2502ac82c261958.jpg
NSNA Trần Thị Thu Đông, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam phát biểu

Phát biểu tại toạ dàm, NSNA Trần Thị Thu Đông, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam cho biết: Nhắc đến Đặng Huy Trứ, lịch sử Việt Nam đánh giá công đức, tài năng không chỉ ở một hay vài lĩnh vực mà vị quan triều Nguyễn này đóng góp cho đất nước, nhân dân, mà được sự tôn vinh trên nhiều hoạt động kể cả trước và sau khi ra làm quan. Cuộc đời của Đặng Huy Trứ chỉ vỏn vẹn 49 năm, nhưng với tài năng, nhiệt huyết, ông đã để lại nhiều di sản quý giá cho đời. Ông là nhà giáo dục tiến bộ, người có đầu óc quản lý kinh tế, kinh doanh làm giàu vượt xa tư duy xã hội thời bấy giờ. Về quân sự, ông là người yêu nước, tìm nhiều hoạt động cổ vũ tinh thần và kiến thức quân sự cho quan lại, bạn bè. Đối với thực dân Pháp, ông đã đứng về phe chủ chiến quyết tâm chống giặc và đã từ trần trên thành luỹ chống ngoại xâm. Đặng Huy Trứ là nhà canh tân, ra sức học tập, nghiên cứu, vận dụng những thành tựu to lớn các nước đã đạt được vào Việt Nam. Đặng Huy Trứ là "một trong những người trồng mầm khai hoá đầu tiên ở Việt Nam" như đánh giá của Phan Bộ Châu. Trên quan trường, ông là người yêu nước thương dân, có quan niệm khác biệt về trách nhiệm người làm quan so với quan niệm thời bấy giờ là làm quan phải là người con của người "dân mọn" là "Thứ dân chi tử". Về văn thơ Đặng Huy Trứ, ông đã để lại khối lượng tác phẩm lớn với hàng nghìn bài thơ có giá trị.

Cuộc đời và sự nghiệp của Đặng Huy Trứ đã được lịch sử nghiên cứu, minh chứng làm rõ nhân cách con người, đạo đức trách nhiệm, yêu nước thương dân, tài năng, kỹ trị xuất chúng, hiểu biết cao trên nhiều lĩnh vực quân sự, kinh tế, văn hoá có nhiều đóng góp cho việc xây dựng nhà nước thời bấy giờ, tuy nhiên tài năng của ông đã không được trọng dụng hoặc chỉ được áp dụng một phần không thể đạt hiệu quả tư duy "vượt trội" của ông.

z5251816641412_59b4e7e850ac14bd9ba56efc4cec765c.jpg
NSNA Phạm Văn Tý, nguyên Phó Chủ tịch Hội NSNA Việt Nam phát biểu tham luận
z5251813486650_e863b94cf52c4449d0db1ddb79790d8c.jpg
Toạ đàm "Kỷ niệm 155 năm thành lập hiệu ảnh Cảm Miếu Đường"

Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã xếp hạng Nhà thờ họ Đặng tại làng Thanh Lương, Hương Xuân, Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế là di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia để khẳng định những đóng góp của dòng họ Đặng trong lịch sử dân tộc.

Những công lao đóng góp của Đặng Huy Trứ cho nhân dân, đất nước đã được lịch sử ghi nhận, đánh giá cao, còn đối với chúng ta, những người làm nghề ảnh thì ông còn được coi như Thuỷ tổ của ngành nhiếp ảnh Việt Nam. Việc ông đưa nhiếp ảnh vào Việt Nam 30 năm sau khi thế giới phát minh ra kỹ thuật nhiếp ảnh là một dấu ấn lịch sử cho bộ môn nghệ thuật này. Từ đây, nhiếp ảnh được nhen nhóm và phát triển ngày càng sâu rộng, từ nhiếp ảnh cửa hiệu ở Hà Nội và các đô thị lớn lan toả sang nhiều địa phương, ra cả các nước lân cận, thể hiện mạnh mẽ nhất là nghề ảnh Lai Xá, được mệnh danh là cái nôi, là làng nghề của nhiếp ảnh Việt Nam. Từ ảnh chân dung cửa hiệu, ảnh báo chí Việt Nam được biết đến trong những năm 1930. Nền Nghệ thuật Nhiếp ảnh Việt Nam bắt nguồn từ các Hội Ái hữu Nhiếp ảnh ở Hà Nội, Sài Gòn năm 1937 - 1938, bùng phát trong cách mạng Tháng Tám, toàn quốc kháng chiến, rồi phát triển rực rỡ trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Các bức ảnh tiêu biểu của Nhiếp ảnh Việt Nam trong giai đoạn này hầu hết là đề tài chiến tranh và cách mạng. Rất nhiều tác phẩm ảnh quý trở thành tư liệu vô giá, là bằng chứng lịch sử, là biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Thời kỳ này, ảnh báo chí về cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc đã được khẳng định qua nhiều giải thưởng cao ở quốc tế cũng như trên diễn đàn báo chí để nhân dân thế giới hiểu rõ hơn và ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta.

Và từ đó đến nay, nhiếp ảnh tiếp tục phát triển lên một tầm cao mới với sự tiến bộ vượt bậc của kỹ thuật số và công nghệ. Nhiếp ảnh đã trở thành bộ môn nghệ thuật đại chúng, nhà nhà chụp ảnh, người người chụp ảnh. Nhiếp ảnh phong trào và nhiếp ảnh chuyên nghiệp đều phát triển mạnh mẽ, xứng đáng với vị trí, vai trò của nó.

z5251691849373_7fd20ba642612fe4057e7fcb7eb32678.jpg
Các đại biểu dự toạ đàm

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Nhiếp ảnh & Đời sống
Tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp và những đóng góp cho nền Nhiếp ảnh Việt Nam của danh nhân Đặng Huy Trứ.
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO