Dự và chủ trì buổi khai mạc có: nhà báo Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia, Chủ tịch Hội đồng Sơ khảo; nhà báo Đỗ Thị Thu Hằng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng sơ khảo Giải báo chí Quốc gia, Trưởng ban Thư ký tổng hợp Giải.
Tại buổi họp, nhà báo Đỗ Thị Thu Hằng khẳng định Giải Báo chí Quốc gia năm nay thu hút sự tham gia của 18/21 Liên Chi hội, 30 Chi hội trực thuộc, và đầy đủ 63 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố với tổng số là 1.905 tác phẩm. Trong đó, có 127 tác phẩm đến từ các tác giả ngoài Hội Nhà báo Việt Nam.
Sau vòng sơ loại, Ban Thư ký Tổng hợp đã tổng hợp 1.827 tác phẩm đạt điều kiện vào vòng sơ khảo, trong khi năm trước khi chỉ có 1.774 tác phẩm đủ tiêu chuẩn.
Năm nay do kỳ nghỉ Tết Nguyên đán diễn ra muộn hơn so với thường lệ, cùng với đó là công tác chuẩn bị cho Hội Báo toàn quốc và một số hội nghị quan trọng khác của Hội Nhà báo Việt Nam, việc gửi tác phẩm tham dự giải đã bị chậm trễ so với những năm trước. Điều này đã gây ra một số khó khăn và thách thức cho các cấp Hội, khiến một số chưa thực hiện đúng theo hướng dẫn. Tuy nhiên đến nay, mọi công tác chuẩn bị cho cuộc thi đã dược diễn ra đúng tiến độ và điều lệ giải.
Báo in vẫn đứng đầu về số lượng với 619 tác phẩm, cụ thể số lượng các tác phẩm gửi về ở từng hạng mục như sau:
- Thể loại báo in có 619 tác phẩm tham dự với 3 nhóm giải: Tin, bài phản ánh, phỏng vấn (296 tác phẩm); Xã luận, bình luận, chuyên luận (105 tác phẩm); Phóng sự, phóng sự điều tra, ký báo chí, ghi chép (218 tác phẩm).
- Báo điện tử có 443 tác phẩm, chia làm 2 nhóm: Tin, bài phản ánh, phỏng vấn, bình luận, tọa đàm, giao lưu trực tuyến (265 tác phẩm) và Phóng sự, phóng sự điều tra, ký báo chí, ghi chép (178 tác phẩm).
- Thể loại ảnh báo chí với 101 tác phẩm gồm các nhóm: ảnh đơn, phóng sự ảnh, nhóm ảnh.
- Phát thanh có 199 tác phẩm tham gia với 2 nhóm: Tin, bài phản ánh, phỏng vấn, bình luận, chuyên luận, tọa đàm, chuyên đề, phát thanh tổng hợp (64 tác phẩm) và Phóng sự, phóng sự điều tra, bút ký (135 tác phẩm).
- Truyền hình có tổng 465 tác phẩm dự thi trong 3 nhóm: Tin, phóng sự, ký sự (343 tác phẩm); Bình luận, giao lưu, tọa đàm (28 tác phẩm); - Phim tài liệu truyền hình (94 tác phẩm).
- Các thể loại phát thanh, truyền hình và báo điện tử sẽ tiếp tục được chấm trực tuyến qua phần mềm chấm giải của Hội Nhà báo Việt Nam
Phát biểu tại buổi khai mạc vòng chấm, nhà báo Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng sơ khảo phát biểu chỉ đạo: Hội đồng sơ khảo cần lựa chọn những tác phẩm chất lượng nhất để đưa vào vòng chung khảo.
Ông Nguyễn Đức Lợi yêu cầu các thành viên Hội đồng sơ khảo Giải Báo chí quốc gia lần thứ XVIII năm 2023 cần nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình. Họ phải đánh giá tác phẩm một cách khách quan, công khai, minh bạch. Quá trình chấm giải chỉ đánh giá tác phẩm báo chí, không chấm điểm tác giả hay cơ quan báo chí.
Tại buổi lễ, các thành viên Hội đồng Giám kháo đã dành nhiều thời gian để thảo luận kỹ lưỡng về phương pháp chấm giải và lịch trình làm việc cụ thể. Mục đích là nhằm đảm bảo tính khoa học, nâng cao chất lượng chấm giải cũng như đảm bảo tiến độ theo kế hoạch đã đề ra.
Vòng chấm sơ khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ 18 năm 2023 sẽ được triển khai từ ngày 16/4/2024 đến ngày 6/5/2024.