SĂN ẢNH CHIM HẢI ÂU Ở KIÊN GIANG

Dương Minh Đức ( Kiên Giang)|11:40 28/04/2017

Một buổi sáng tháng 4 năm 2017, chúng tôi có mặt tại quán cà phê Cánh Buồm thuộc khu lấn biển 16 hecta. Đây là khu vực bờ biển có điểm tiếp giáp với cửa biển phía Tây của thành phố Rạch Giá, nơi mà hàng năm, cứ độ khoảng tháng giêng, tháng hai âm lịch thì đàn chim hải âu từ biển Tây về đây tìm thức ăn. Đây cũng là dịp để cho giới nhiếp ảnh Kiên Giang đi săn tìm những bức ảnh nghệ thuật. Hôm nay, cũng như mọi hôm, chỉ mới tờ mờ sáng mà các tay máy Rạch Giá- Kiên Giang đã tụ họp khá đông đủ, chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết để sẵn sàng bấm máy. Ngoài số anh em nhiếp ảnh ở Kiên Giang, còn có một số anh em nhiếp ảnh ở các tỉnh lân cận như An Giang, Cần Thơ cũng tham gia hành trình săn ảnh hải âu.

Điều đặt biệt quan trọng cho việc chụp ảnh hải âu là khâu máy móc. Một bộ máy ảnh chụp hải âu phải có các tiêu chí cơ bản đó là: máy phải có độ nhạy (ISO) cao, chụp được tốc độ(Shutter Speed) cao, tối thiểu cũng phải từ 1/4.000 s và phải có các loại ống kính tiêu cự dài (Tele) cở 70-300 mm, 150-500 mm. Điều quan trọng không kém đó là vị trí đặt máy, vị trí đặt máy phải thuận lợi trong việc chụp ảnh, trong đó yếu tố ánh sáng là quan trọng nhất. Máy ảnh nhất thiết phải đặt trên chân máy (tripod) để chống rung. Theo Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Bùi Văn Chung- hội viên Chi hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam tỉnh Kiên Giang, một chuyên gia về chụp hải âu cho biết : “Một trong những điểm quan trọng của chụp hải âu đó là cú đớp mồi, với động tác rất nhanh trong khoảnh khắc. Do đó, để có được một bức ảnh đẹp ngoài việc đòi hỏi thiết bị máy móc phải tốt, còn phải có yếu tố kinh nghiệm của người chụp trong việc chọn thời gian bấm máy và nhiều yếu tố khác, kể cả yếu tố may mắn nữa”.

Thật vậy, đối với việc săn ảnh chim hải âu thoạt nhìn có vẻ như rất dễ dàng, chỉ cần lia máy, bấm chụp thế là xong nhưng thật ra, săn ảnh chim hải âu là cả một nghệ thuật đòi hỏi nhiều yếu tố kết hợp và cả kinh nghiệm nữa. Theo quan sát của chúng tôi, cứ mỗi cú đớp mồi của hải âu thường diễn ra rất nhanh, chỉ độ vài giây đồng hồ, trong đó, khoảnh khắc hải âu đớp được mồi diễn ra trong tích tắc, khoảng độ phần trăm, hay phần ngàn giây. Do đó, người chụp ảnh phải luôn luôn căng mắt quan sát chuyển động của hải âu, di chuyển ống kính theo sự chuyển động đó và bấm máy đúng vào thời điểm hải âu đớp mồi. Thường thì muốn chụp được khoảnh khắc đó giới nhiếp ảnh phải sử dụng các loại máy chuyên nghiệp, có độ bắt sáng tốt, có chế độ chụp nhanh và liên tiếp với các hiệu máy nổi tiếng, giá thành rất cao, có khi đến hàng trăm triệu đồng. Nếu so sánh đến hiệu quả kinh tế khi bỏ ra số tiền quá lớn mà kết quả thu lại chẳng được bao nhiêu. Bởi lẽ, chỉ có chụp hải âu mới làm cho máy ảnh xuống cấp nhanh nhất mà người trong nghề gọi là “mùa phá máy”. Trò chuyện với Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Hoàng Nam– hội viên Chi hội 2 Chi hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam tỉnh An Giang- Phó Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh thuộc Liên hiệp Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh An Giang, anh cho biết: “Nếu muốn chụp được khoảnh khắc đẹp của chim hải âu đớp mồi, người chụp phải chỉnh máy theo chế độ chụp liên tiếp frame-per-second (fps- hình/ giây). Tùy theo thiết kế của máy ảnh mày chế độ này chụp được 6 fps, 9 fps  hay nhiều hơn nữa. Theo tạp chí Nhiếp ảnh Việt Nam, vài năm gần đây những chiếc máy ảnh  “súng máy” liên tục được ra đời. Con số hình/giây nói trên ngày một được đẩy lên cao, từ 10 tới 11, 12, 14 và bây giờ đã lên tới 16 fps. Gần đây nhất có hai mẫu máy ảnh DSLR đó là Nikon D5 và Canon 1D X Mark II với tốc độ chụp liên tiếp lên tới 14fps và 16fps ở chế độ khóa gương lật. Khi không khóa gương chúng cũng có thể chụp được 12fps và 14fps, tức là mỗi giây chiếc gương trong cơ cấu ghi hình SLR sẽ lật lên hạ xuống bằng đó lần. Điều này hẳn sẽ khiến nhiều người lo ngại cho tuổi thọ của gương lật. Như vậy, chỉ cần trong một buổi săn ảnh chim hải âu, trung bình người chụp phải chụp khoảng 500- 1.000 shot ảnh để chọn ra cho mình một vài bức ảnh đẹp, tương đương chụp trọn một bộ ảnh cưới. Nếu ngày nào cũng chụp thì số shot ảnh sẽ tăng vọt, ảnh hưởng đến tuổi thọ của máy rất nhiều”.

Dù là thế, nhưng với những người đam mê nghệ thuật họ sẵn sàng đánh đổi mọi thứ. Xem đó như là “nghiệp” của mình. Bù lại, họ cảm thấy vui, tự hào với những tác phẩm chim hải âu đã chụp được. “Với mùa săn ảnh chim hải âu ở Kiên Giang, cứ sau vài tháng bấm máy mỗi nhiếp ảnh gia ở Kiên Giang đã có hàng ngàn bức ảnh. Trong hàng ngàn bức ảnh ấy qua sàng lọc có những bức ảnh đẹp, thậm chí rất đẹp. Và chính với những bức ảnh đẹp đó đã mang về cho các nhà nhiếp ảnh Kiên Giang những giải thưởng cao trong các kỳ thi Liên hoan ảnh nghệ thuật từ cấp tỉnh, khu vực, các giải thưởng trong nước và quốc tế, tạo nên nhiều tên tuổi lớn trong làng nhiếp ảnh Việt Nam như: Bùi Văn Chung, Võ Thị Huỳnh, Huỳnh Lãnh.v.v…”, Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trương Vũ- Chi hội trưởng Chi hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam tỉnh Kiên Giang cho biết.

 Có thể thấy, để có một tác phẩm đẹp về cánh chim hải âu ở Kiên Giang là cả một công trình nghệ thuật có sự đầu tư nghiêm túc chứ không hề là một việc đơn giản. Cũng chính vì thế, bản thân người nghệ sĩ nhiếp ảnh nói riêng và văn nghệ sĩ nói chung phải bằng với tấm lòng đam mê, yêu nghệ thuật vô bờ bến và cùng với đó là sự kiên nhẫn, chịu đựng kể cả hy sinh để mới có thể đạt đến thành công trong nghệ thuật./.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Nhiếp ảnh & Đời sống
SĂN ẢNH CHIM HẢI ÂU Ở KIÊN GIANG
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO