
Tập sách tái hiện chân dung lực lượng Biệt động thành - những người lính không quân hàm, không quân phục trong vỏ bọc thợ sửa xe, thợ may, giáo viên, học sinh, người bán phở, những người giàu có... âm thầm hoạt động trong lòng địch.
Buổi lễ có sự tham dự của nhiều đại biểu gồm: TS Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Trưởng Ban chỉ đạo Công trình sách Ký ức Người lính; Thượng tướng, Viện sĩ Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (AHLLVTND) Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Công trình sách Ký ức Người lính; Trung tướng AHLLVTND Triệu Xuân Hòa, nguyên Phó Ban chỉ đạo Tây Nguyên, nguyên Tư lệnh Quân khu 7, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Công trình sách Ký ức Người lính; Trung trướng Nhà văn Nguyễn Mạnh Đẩu, nguyên Chính ủy Tổng cục Kỹ thuật Bộ Quốc phòng, Phó Trưởng Ban chỉ đạo, Trưởng Ban biên soạn Công trình sách Ký ức Người lính; Đại tá Nguyễn Thanh Truyền, Trưởng Ban Tổ chức Công trình sách Ký ức Người lính; Lê Minh Khoa, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh; PGS.TS Phan Xuân Biên, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh; cùng đại diện Bộ Quốc phòng, Quân khu 7 - TP Hồ Chí Minh, cùng các cựu chiến binh, gia đình đã một thời chiến đấu của lực lượng Khối Vũ trang Biệt động Sài Gòn – Gia Định.

Tập 22 “Ký ức người lính” được sưu tầm và thể hiện từ các tác giả là tướng lĩnh, cựu chiến binh, nhà văn, nhà báo, gồm 54 bài viết là các câu chuyện có thật được các nhân chứng viết lại, kể lại. Tập sách đầu tư cả về nội dung lẫn hình thức, thể hiện tâm huyết, nghiêm túc và trách nhiệm cao của Ban Chỉ đạo, Ban tổ chức, Ban biên soạn và CLB Truyền thống Kháng chiến Khối Vũ Trang Biệt động QK Sài Gòn - Gia Định cùng các cộng sự trong và ngoài quân đội. Cuốn sách không chỉ tái hiện lịch sử, mà còn lan tỏa mạnh mẽ tinh thần yêu nước, lý tưởng cách mạng và phẩm chất cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, đặc biệt là lực lượng Biệt động thành – những người chiến sĩ giữa lòng đô thị, sẵn sàng hy sinh tất cả vì sự nghiệp thống nhất non sông, độc lập dân tộc.


Ngay từ những ngày đầu triển khai thực hiện, Ban Chỉ đạo Công trình sách “Ký ức người lính” do Tiến sĩ Lê Doãn Hợp làm Trưởng ban, đã xác định rõ tập sách này không chỉ là một ấn phẩm văn học đơn thuần, mà còn là một kho tư liệu quý có giá trị giáo dục truyền thống, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, hun đúc bản lĩnh, ý chí cách mạng cho các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau.
Ban chỉ đạo, Ban tổ chức, Ban biên soạn và CLB Truyền thống Kháng chiến Khối Vũ Trang Biệt động Quân khu Sài Gòn - Gia Định đã tích cực nghiên cứu, sưu tầm, tổ chức biên soạn khoa học, bài bản, chặt chẽ. Các chi tiết lịch sử được kiểm tra cẩn trọng, mỗi nhân vật được xác minh kỹ lưỡng, nhằm đảm bảo độ chính xác, chân thực và giá trị truyền tải đến bạn đọc. Công trình được hoàn thành qua hàng trăm giờ phỏng vấn, hàng ngàn trang ghi chép, biên bản làm việc, ảnh tư liệu của các nhân chứng, trong đó có nhiều tư liệu chưa từng công bố về hoạt động đặc biệt của các Đội biệt động Sài Gòn - Gia Định.

Tập 22 “Ký ức Người lính” được xuất bản trong thời điểm cả nước đang hướng tới kỷ niệm 50 năm Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Bằng ngôn ngữ mạch lạc, cảm động, chân thực, cuốn sách mang đến cho người đọc cảm nhận sâu sắc về những con người bình thường đã làm nên những chiến công phi thường. Tập sách tái hiện chân dung lực lượng Biệt động thành - những người lính không quân hàm, không quân phục, không tập trung thậm chí không biết mặt nhau, nhưng lại là nỗi ám ảnh thường trực của kẻ thù. Họ là thợ sửa xe, thợ may, giáo viên, học sinh, người bán phở và cả những người giàu có, có chỗ đứng trong xã hội, âm thầm hoạt động trong lòng địch giữa thành phố phồn hoa, sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ cấp trên giao, trở thành những chiến binh cảm tử tiêu diệt kẻ thù.

Tập sách được đầu tư in ấn công phu, trình bày hiện đại với những hình ảnh tư liệu quý được phục dựng rõ nét, phù hợp với nhiều lứa tuổi bạn đọc. Sách được xuất bản bởi NXB Thông tin và Truyền thông, phát hành rộng rãi.
Trong thời gian tới, Ban Biên soạn tiếp tục phát triển nội dung tập 22 thành tư liệu số hóa, chuyển thể thành phim tài liệu, đồ họa thông tin, podcast lịch sử… phục vụ các kênh tuyên truyền hiện đại, góp phần gìn giữ và lan tỏa ký ức thiêng liêng này đến với mọi tầng lớp trong xã hội, nhất là giáo dục truyền thống đối với thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Tập 22 “Ký ức người lính” là minh chứng cho chân lý: Tất cả đều được trả giá bằng nước mắt, máu xương với tình yêu Tổ quốc đến tận cùng. Lực lượng biệt động thành, những người đã chiến đấu không vì tên tuổi, không vì danh vọng đã hy sinh trong thầm lặng, nay được gợi lại, viết lại, trân trọng đặt vào vị trí xứng đáng trong lịch sử dân tộc.
Buổi ra mắt giới thiệu công trình sách, các đại biểu đã nghe những đánh giá, cảm nhận về giá trị của công trình này, đặc biệt là nhân chứng lịch sử đã kể lại ký ức hào hùng của những trận đánh biệt động hơn 50 năm trước, khắc họa thêm chiến công thầm lặng của Biệt động Sài Gòn – Gia Định, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, làm nên đại thắng ngày 30/4/1975.