- Cảm xúc của anh thế nào khi con trai hoàn thành bài thi tốt nghiệp hệ trung cấp chuyên ngành Piano Jazz tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam?
- Tôi quá hạnh phúc vì đã chờ 7 năm đằng đẵng để thấy con tốt nghiệp. Trong 7 năm đó, có lúc tôi nghĩ không biết Bôm có theo được không vì chương trình học rất nặng mà Jazz thì đầy tính sáng tạo. Nếu không có sự rèn giũa, không tiếc thời gian và công sức của thầy Nguyễn Tiến Mạnh cũng như các thầy cô trong trường thì chưa chắc con có ngày hôm nay. Đó là kết quả rất tốt cho cá nhân Bôm cũng như khoa Jazz khi cả 7 bạn trong lớp đều tốt nghiệp với điểm số cao. Các thầy nói hiếm có năm nào các bạn trong lớp đồng đều và có kết quả tốt nghiệp tốt như vậy.
- Bôm nói gì với anh sau khi có kết quả bài thi tốt nghiệp?
- Bôm vui lắm, đòi bố cho đi mua quần áo làm phần thưởng. Tối hôm trước ngày thi, Bôm được xả stress bằng cách cho đi chơi cùng bạn của bố. Thế là ông ấy gạ bố mua cho áo mới. Lúc thi xong và được học bổng, Bôm lại xin bố cho dùng tiền đó để đi mua quần áo tiếp.
- Trước ngày con đi thi, anh trải qua những cảm xúc gì?
- Ngày thầy giáo thông báo con sẽ được thi tốt nghiệp, tôi yên tâm hơn một chút nhưng thực sự vẫn rất áp lực vì khi thi, sân khấu là của các con, thầy hay bố mẹ muốn giúp gì cũng bó tay, không thể nào kiểm soát được. Chứng kiến con thi, tôi thấy căng thẳng kinh khủng. Nếu ai có mặt hôm đó chắc cũng phì cười vì mặt ông bố bà mẹ nào cũng căng như dây đàn.
Tôi và mẹ của Bôm đều xúc động vì đây là dấu mốc quan trọng sau 7 năm học tập của con, khẳng định xem Bôm có thể đi theo con đường chuyên nghiệp được hay không. Tôi luôn mong Bôm có thể đi con đường con đã chọn.
- Đâu là giai đoạn khó khăn và đáng nhớ nhất với anh khi đồng hành cùng con trong 7 năm qua?
- 7 năm đó luôn có sự trồi sụt, lúc lên lúc xuống, có lúc vô cùng căng thẳng nhưng cũng có lúc tràn đầy hy vọng. Tất cả phụ thuộc vào sức khỏe của Bôm. Những lúc sức khỏe của con tốt, phong độ học hành sẽ thăng hoa và bài vở rất tốt nhưng những lúc phải phẫu thuật, thuốc mê làm trí nhớ của con bị ảnh hưởng. Đổi lại, sau mỗi ca mổ, chức năng lại được cải thiện chút ít và con đường đến cuộc sống bình thường của con lại gần hơn.
Quá trình học của con phụ thuộc nhiều vào lịch mổ và đôi khi bố con tôi phải chấp nhận được cái này thì mất cái kia. Đáng lẽ năm nay con sẽ phẫu thuật hàm nhưng vì vừa thi tốt nghiệp trung cấp vừa chuẩn bị thi lên đại học nên phải lùi sang năm. Nhìn kết quả tốt nghiệp trung cấp của con, ai cũng hài lòng. Đó là kết quả từ sự đổ công đổ sức của thầy cô và nỗ lực không ngừng của Bôm. Tôi tự hào vì con đã làm rất tốt.
- Con trai anh thể hiện quyết tâm thế nào với việc học?
- Bôm rất quyết tâm, lúc nào cũng đam mê học tập và rất tự giác. Hôm đi thi, bố bảo con cứ ngủ đi rồi 6h bố gọi dậy nhưng bố chưa kịp gọi thì ông ấy đã tự dậy từ 5h30 rồi. Bôm đam mê học đến mức tôi phải dùng hình thức kỷ luật là không cho học đàn để con sợ. Mỗi lần Bôm không nghe lời, tôi đều dọa khóa đàn lại, không cho học nữa là ông ấy sợ luôn, nghe lời răm rắp.
- Bôm thường bị bố phạt không cho chơi đàn những lúc như thế nào?
- Bôm bình thường rất ngoan ngoãn nhưng cũng có lúc không nghe lời, có tật cứ loa nghe thật to rồi áp vào tai dù bố đã nói như thế dễ làm hỏng tai. Dù bố đã nhắc nên dùng iPad thay vì điện thoại cho đỡ hại mắt nhưng cứ hết giờ học là ông ấy ôm lấy cái điện thoại để "tra tấn" mẹ, đòi mẹ mua cho hết thứ này đến thứ khác.
- Với anh, con trai có điều gì đặc biệt?
- Bôm có ba thứ không bao giờ ngại là phẫu thuật, học đàn và những việc bố nhờ. Con chưa bao giờ tỏ ra sợ phẫu thuật, luôn sẵn sàng chịu đau, luôn tự giác học và bố nhờ việc gì cũng vui vẻ làm ngay, không bao giờ tỏ ra khó chịu.
Ông ấy khôn lắm, biết mẹ dễ tính nên "nắm thóp", hay vòi vĩnh mẹ hơn. So với mẹ của Bôm, tôi nghiêm khắc hơn. Mỗi lần con đòi gì đó, tôi đều bảo phải từ từ để bố tích góp chứ không bao giờ đáp ứng ngay. Thế nhưng mỗi lần đi shopping, dù nói trước là chỉ xin một món nhưng đến cửa hàng là ông ấy đòi chọn 3-4 món, khôn lắm.
Ông ấy bây giờ rất điệu, hay đòi đi mua sắm và thích cái gì là chỉ mặc cái đó. Bố hay đùa con phải thay chứ không mọi người tưởng Bôm có mỗi một cái áo cứ mặc đi mặc lại thì xấu hổ chết. Khi đi shopping, ông ấy cũng chỉ đòi mua áo may-ô thôi, hâm lắm.
- Trong kế hoạch, Bôm còn phải qua những ca phẫu thuật nào nữa?
- Chắc Bôm vẫn phải phẫu thuật thêm mấy lần nữa. Sau vài lần phẫu thuật, hàm của Bôm vẫn bị tụt nên con chưa thể ăn uống bình thường. Các bác sĩ nói con phải phẫu thuật hàm thêm 2-3 lần nữa rồi mới trồng răng implant được. Hàm trên của Bôm giờ chỉ có 3 chiếc răng cửa nên chỉ ăn được cháo, đồ mềm. Đồ ăn nào cũng phải nghiền, trái cây phải xay ra thì con mới ăn được. Bây giờ, chỉ có đu đủ với bơ là con có thể ăn khi dầm ra còn ổi, dứa hay loại quả khác thì tôi phải xay ra cho con uống nên cũng cập rập lắm.
Tôi giờ chỉ ước có ngày có thể cho tiền để con có thể tự đi ăn uống vui vẻ với bạn bè. Khi ăn uống được bình thường, chắc con mới hòa nhập hoàn toàn. Bây giờ, mỗi lần Bôm đi chơi, bố vẫn phải xách cháo ở nhà đi nên con vẫn cảm thấy mình khác biệt với bạn bè.
- Vừa đồng hành với con trong việc học hành vừa chăm cho con từng bữa ăn giấc ngủ, anh đối diện thế nào với những lúc yếu lòng?
- Vừa lo ăn vừa lo học cho con cũng vất vả đấy chứ không phải đơn giản đâu. Đôi lúc, tôi cũng ngồi thần ra nghĩ: "Từ lúc có ông ấy, mình chẳng còn cuộc sống riêng nữa". Không tránh được những lúc stress nhưng tôi nhanh chóng vượt qua và không bao giờ tiếc nuối vì đã dành tất cả cho con.
- Anh làm thế nào để vừa lo cho con vừa đảm bảo được công việc mỗi khi đi làm xa?
- Những lúc tôi đi làm, mẹ Bôm sẽ đến chăm con thay. Tôi được mời nhiều phim nhưng không dám đi xa lâu ngày vì sợ ảnh hưởng đến sức khỏe và việc học hành của con. Ông ấy năm nay 22 tuổi, thanh niên rồi nên bố phải ở bên cạnh để chia sẻ với con. Ở lứa tuổi này, bố cần phải sát sao, nếu con có khúc mắc thì phải gỡ ngay, để quá đi thì khó lắm. Mẹ là phụ nữ nên không thể nào hiểu hết được những vấn đề như vậy.
Từ khi có Bôm, tôi vẫn đóng phim nhưng chủ yếu là các dự án độc lập, không phát trên truyền hình. Ngoài ra, tôi còn làm đạo diễn cho nhiều dự án phim ngắn, phim dài, phim tài liệu. Tôi đi học đạo diễn từ khi chưa có Bôm vì biết mình chẳng thể làm diễn viên mãi được. Vai diễn dành cho những người lớn tuổi khá hạn chế, không có màu sắc khác biệt nên tôi cũng không khoái xuất hiện nhiều lắm.