Đến dự chương trình có đồng chí Hà Quốc Phong – Phó Giám đốc Sở VHTT tỉnh Quảng Bình; lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; đại diện các cơ quan, ban ngành trong tỉnh, đại diện các phân hội, chi hội trưởng các chuyên ngành và toàn thể hội viên Nhiếp ảnh
Phát biểu ôn lại truyền thống ngành Nhiếp ảnh Việt Nam, Nhà điêu khắc Phan Đình Tiến Chủ tịch hội VHNT cho biết: “Ngày 15/3/1953, tại Đồi Cọ thuộc bản Bắc, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên thuộc chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh 147/SL thành lập Doanh nghiệp quốc gia Chiếu bóng và Chụp ảnh Việt Nam với mục đích: “Tuyên truyền chính sách, chủ trương của Chính phủ; Nêu cao những thành tích, những gương chiến đấu anh dũng của quân và dân Việt Nam; Giới thiệu đời sống và thành tích đấu tranh kiến thiết của nhân dân nước bạn; Giáo dục văn hóa và chính trị cho nhân dân”. Đây là mốc son hết sức quan trọng đánh dấu sự phát triển và định rõ hướng đi cho Nhiếp ảnh, đồng thời tạo nền móng cho sự phát triển rực rỡ sau này của hai ngành Nhiếp ảnh và Điện ảnh Việt Nam. Với sự kiện này, Đồi Cọ thuộc bản Bắc, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên được công nhận là di tích Lịch sử đặc biệt và đây cũng chính là địa danh được ghi vào lịch sử của giới Văn nghệ - Tuyên huấn trong công cuộc kháng chiến chống Pháp vĩ đại của dân tộc. Cũng chính từ sự kiện đó, ngày 16/12/2002, Nhà nước đã cho phép chính thức lấy ngày 15/3 hàng năm làm ngày Truyền thống của giới Nhiếp ảnh Việt Nam. 70 năm qua, nhiếp ảnh Việt Nam đã có những bước tiến dài. Vị thế của Nhiếp ảnh Việt Nam trên thế giới đã được nâng cao. Nhiếp ảnh Việt Nam đã và đang hoàn thành sứ mệnh cùng nhân dân cả nước xây dựng Tổ quốc Việt Nam ngày càng văn minh, giàu mạnh”
Tại lễ kỷ niệm Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Lê Đức Thành – Chi hội trưởng Nhiếp ảnh chia sẻ: “Trong những năm tháng chiến tranh ở vùng đất lửa Quảng Bình - Quảng Trị có nhiều phóng viên - nhiếp ảnh đã ghi lại hình ảnh của những thời khắc không thể nào quên trong cuộc chiến tranh chống Mỹ.”
Phóng viên ảnh chiến trường, có những lúc phải sẵn sàng đối đầu với cái chết trong từng phút, từng giây. Vũ khí của các anh chỉ là chiếc máy ảnh, các anh phải chĩa ống kính vào máy bay Mỹ lúc nó bổ nhào - cắt bom hoặc phóng rocket hay lúc nó bị ta bắn rơi - bốc cháy. Có những lúc các anh phải chạy bộ tới 5-6 cây số trong tiếng bom rơi - đạn nổ để kịp chụp được những hình ảnh sống động của chiến tranh, đó là: cảnh làng mạc bị đốt cháy, nhà cửa bị đổ sập, người dân bị bom Mỹ sát hại, cảnh đồng bào đang khắc phục hậu quả chiến tranh.v.v. Một trong số đó là Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Chu Chí Thành ông lăn lộn khắp vùng Quảng Bình – Vĩnh Linh để chụp và cho ra đời những bộ ảnh: “Những thời khắc không thể quên”; “Ký ức chiến tranh”, những tác phẩm của ông gợi nhớ đến ký ức có thực về một thời hào hùng và bi tráng của dân tộc Việt Nam. Những tác phẩm ảnh của ông có giá trị lịch sử và trở thành tài sản văn hóa của đất nước.
Trở lại với Nhiếp ảnh Quảng Bình, sở hữu số lượng dao động trên dưới 20 thành viên là lực lượng sáng tác ảnh, thường xuyên có mặt trong các hoạt động của địa phương - trong các sự kiện lớn nhỏ của tỉnh nhà. Đây thực sự là lực lượng sáng tạo - nhiếp ảnh, góp phần làm phong phú đời sống văn hóa, tinh thần - phong phú hoạt động trong văn học nghệ thuật của địa phương và cả nước.
Các cố nghệ sĩ: Lê Đình Ty, Hữu Ngụ, Ngô Độc Lập, và NSNA Võ Xuân Bé, Văn Báu được coi là lớp đi trước trong phong trào nhiếp ảnh tỉnh nhà, họ đã dấn thân hết mình với nghệ thuật đã mang lại nhiều giải thưởng quốc tế, quốc gia và khu vực. Tiêu biểu là các NSNA trẻ tiếp nối lớp đàn anh: Hoàng An, Lê Đức Thành, Thành Vương, Nguyễn Hải đạt giải cao tại những cuộc thi trong nước và Quốc tế”
Thời gian tới, hội viên Phân hội Nhiếp ảnh và Chi hội NSNA Việt Nam tỉnh Quảng Bình tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được, tích cực sáng tác Quảng bá du lịch và phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh Quảng Bình.