.jpg)
(NADS) - Ngày 25/6 tới, tỉnh Quảng Bình tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Hà Nội, Quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có nội dung thể hiện tư duy đổi mới, tầm nhìn mới, phù hợp với định hướng, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của vùng, đồng thời thu hút các nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư, kinh doanh tại Quảng Bình.
Với nhiều lợi thế tiềm năng chưa được khai thác, đặc biệt là môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng cởi mở, tỉnh Quảng Bình đang trở thành điểm đến hấp dẫn cho nhà đầu tư trong và ngoài nước. Trên hành trình thực hiện khát vọng trở thành tỉnh khá của cả nước, cùng với phát huy ý chí và sức mạnh nội sinh, Quảng Bình tiếp tục mở rộng kết nối, tăng cường hợp tác, cùng các nhà đầu tư khai thác tiềm năng, lợi thế, xây dựng những giá trị mới để hội nhập và phát triển. Là tỉnh có điều kiện tự nhiên đa dạng, phong phú được ví như hình ảnh thu nhỏ của Việt Nam, có rừng, biển, đồng bằng, hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường không; đặc biệt có hệ thống hang động kỳ vĩ, các khu công nghiệp đang phát triển… Quảng Bình đang được đánh giá là một trong những địa phương có môi trường đầu tư kinh doanh tốt của Việt Nam với Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh liên tục nhiều năm liền đứng đầu cả nước, thời gian giải quyết thủ tục hành chính nhanh, gọn luôn làm hài lòng nhà đầu tư.
.jpg)
Từ quy hoạch, Quảng Bình sẽ hình thành và ưu tiên phát triển 02 Trung tâm động lực tăng trưởng: Khu du lịch Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng trở thành trung tâm du lịch đẳng cấp khu vực Đông Nam Á; Khu Kinh tế (KKT) Hòn La trở thành KKT động lực góp phần cho tăng trưởng kinh tế với tổng diện tích tự nhiên 10.000 ha, trong đó đất liền là 8.900 ha, mặt biển và đảo là 1.100 ha. Đây là KKT tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực; có vai trò đầu tàu thu hút đầu tư và làm động lực phát triển cho các vùng khác, đặc biệt kết nối chặt chẽ với KKT Vũng Áng theo Quy hoạch Nam Hà Tĩnh - Bắc Quảng Bình. 03 Trung tâm đô thị gồm: Thành phố Đồng Hới và vùng phụ cận, trong đó thành phố Đồng Hới là hạt nhân và các đô thị vệ tinh, đô thị cửa ngõ kết nối thành phố Đồng Hới, gồm: Đô thị Quán Hàu, Hoàn Lão (bao gồm không gian mở rộng), Việt Trung, Dinh Mười; Trung tâm đô thị phía Bắc với hạt nhân là thị xã Ba Đồn gắn với huyện lỵ của huyện Quảng Trạch, KKT Hòn La, Tiến Hóa; Trung tâm đô thị phía Nam với hạt nhân là thị trấn Kiến Giang, đô thị vệ tinh gồm: Lệ Ninh và Áng Sơn.

Bên cạnh đó, tỉnh chú trọng phát triển 03 hành lang kinh tế chủ lực: Hành lang kinh tế đồng bằng ven biển cùng với Quốc lộ 1A, đường ven biển; hành lang kinh tế Đông - Tây dọc Quốc lộ 12 nối Cửa khẩu quốc tế Cha Lo - thị xã Ba Đồn - cảng biển Hòn La; hành lang kinh tế trung du và miền núi gắn với đường Hồ Chí Minh và cao tốc Bắc - Nam phía đông. Cùng với đó, định hướng phát triển du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, khẳng định được thương hiệu du lịch “Quảng Bình” trên bản đồ du lịch quốc tế; coi đây là khâu đột phá để tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Cùng với Di sản thiên nhiên Thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng với diện tích 123.326 ha, 02 lần được UNESCO vinh danh là Di sản thiên nhiên thế giới với các tiêu chí địa chất, địa mạo năm 2003 và tiêu chí đa dạng sinh học, sinh thái vào năm 2015, Quảng Bình còn được mệnh danh là “Vương quốc hang động”, ước tính 1.000 hang động lớn nhỏ hình thành cách đây hàng triệu năm. Với hệ thống sân golf ven biển đẳng cấp quốc tế gồm 01 sân golf 36 lỗ đã đi vào hoạt động, 01 sân golf 36 lỗ đang triển khai xây dựng và một số sân golf khác đang được các nhà đầu tư quan tâm và đang thực hiện các thủ tục đầu tư. Ngoài ra, Quảng Bình có nhiều bãi tắm dài, đẹp nổi tiếng như Đá Nhảy, Nhật Lệ - Quang Phú, Bảo Ninh, Hải Ninh… Khu nghỉ dưỡng suối khoáng nóng Bang (Lệ Thủy) có nhiệt độ sôi 105 độ C, hiện đang xây dựng khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng và chữa bệnh theo mô hình Onsen (Nhật Bản).
.jpg)



.jpg)