PSA: Thương binh Nguyễn Thế Viên tàn nhưng không phế

PSA: Thương binh Nguyễn Thế Viên tàn nhưng không phế

Trần Duy Ngoãn|16:25 18/07/2022

(NADS) - Câu chuyện Thương binh Nguyễn Thế Viên “Tàn mà không phế” được nhiều người biết đến không chỉ hôm nay mà đã từ nhiều năm trước.

1.thuong-binh-hang-2-nguyen-the-vien.jpg
Thương binh hạng 2 Nguyễn Thế Viên.

Ở cái tuổi 93, ít ai có thể tin được cựu chiến binh, thương binh 2/4 Nguyễn Thế Viên có thể làm được nhiều việc có ý nghĩa và có sức lan tỏa đến thế. Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất xã Hậu Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Năm 1951, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, người thanh niên quê lúa Yên Thành đã tình nguyện gia nhập Thanh niên xung phong phục vụ chiến dịch Cao - Bắc - Lạng. Năm 1953, chuyển sang quân đội tham gia chiến đấu trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Sau ngày giải phóng Điện Biên ông được cử đi học lớp Báo chí và được phân công vào làm Báo Quân đội Nhân dân Việt Nam. Năm 1968, khi mà chiến trường miền Nam đang bước vào giai đoạn cam go và ác liệt, ông được tòa soạn cử vào chiến trường Tây Nguyên, Quân khu 5 và Nam Bộ. Dưới mưa bom, bão đạn của quân thù, không sợ hy sinh, ông đã có mặt trong các trận đánh để ghi lại những hình ảnh chân thật nhất của cuộc chiến đấu, kịp thời phản ánh và tuyên truyền, cổ vũ động viên tinh thần chiến đấu anh dũng của quân và dân ta. Năm 1974, trong một trận đánh ác liệt, ông bị thương nặng, được chuyển ra miền Bắc điều trị, giám định thương tật 2/4. Sau khi vết thương bình phục, ông được điều vào Cục cán bộ miền Nam tiếp tục làm nhiệm vụ.

Năm 1986, vết thương tái phát, sức khỏe giảm sút, ông được cấp trên cho về nghỉ hưu tại quê nhà. Sau 35 năm chiến đấu qua hai cuộc kháng chiến trở về quê, cha mẹ đã qua đời, em trai Nguyễn Thế Truyền nhập ngũ năm 1960, đã hy sinh tại chiến trường miền Nam. Năm 1967, còn em trai Nguyễn Thế Sơn bị tàn tật, hoàn cảnh gia đình ông cũng rất éo le. Nhưng với phẩm chất “Bộ đội cụ Hồ” được tôi luyện qua hai cuộc chiến tranh ác liệt, ông đã đưa phần sức lực còn lại vào cuộc chiến xóa đói giảm nghèo ở địa phương.

2-3-4-5.-cham-soc-vuon-cay-an-qua-ao-ca-la-niem-vui-cua-thuong-binh-nguyen-the-vien..jpg
Chăm sóc vườn cây ăn quả, ao cá là niềm vui của thương binh Nguyễn Thế Viên.
3(2).jpg
Chăm sóc vườn cây ăn quả, ao cá là niềm vui của thương binh Nguyễn Thế Viên.

Công việc đầu tiên là ông vận động gia đình lên vùng đất Hùng Thành để khai hoang, phục hóa. Đồng thời nhận thầu trên 1 ha đất cồn vệ hoang hóa để ươm cây giống. Được lãnh đạo địa phương và các tổ chức xã hội ủng hộ, ông mày mò học tập kỹ thuật ươm cây, hàng năm gia đình ông đã cung cấp cho hợp tác xã và bà con trên 10 vạn cây keo giống. Đặc biệt, sau khi nghiên cứu một số loại cây dược liệu có hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với thổ nhưỡng ở địa phương ông đã chuyển hướng ươm giống cây Thanh hao Hoa vàng phục vụ cho nhân dân trồng. Ngoài ra ông còn thuê máy, lao động đắp đập ngăn khe cải tạo trên 3000 m2 diện tích ao. Ông lần mò đi học cách nuôi cá giống tại trại giống cá Yên Lý (Diễn Châu). Sau đó, ươm cá giống và nuôi cá thịt thành công, ông là người đầu tiên thành công trong việc ươm giống cá của huyện Yên Thành. Thực hiện chủ trương chuyển đổi ruộng đất trong phong trào xây dựng nông thôn mới, ông đã vận động con cháu chuyển đổi 1 ha diện tích 2 vụ lúa không chủ động nước sang trồng cây ăn quả như: Bưởi, ổi, na, chuối, mía, mít Thái Lan…

4(1).jpg
Chăm sóc vườn cây ăn quả, ao cá là niềm vui của Thương binh Nguyễn Thế Viên.
5(2).jpg
Chăm sóc vườn cây ăn quả, ao cá là niềm vui của Thương binh Nguyễn Thế Viên.

Đất không phụ công người, với trang trai này đã tạo việc làm ổn định cho 4 lao động, thu nhập hàng trăm triệu đồng năm. Ở cái tuổi 93, tuy không phải lăn lộn, bươn chải cuốc xới, lao động bằng chân tay tại trong trang trại như những ngày đầu, nhưng hiện nay hàng ngày ông vẫn tham gia những việc nhẹ như tưới cây, cắt tỉa hoa trái, cho cá ăn… theo ông “đây là hoạt động thể thao đơn giản cho khỏe người” để trí óc thêm minh mẫn. Với ông chiếc xe đạp điện là phương tiện đi lại mỗi khi có công việc tại xã huyện một cách nhanh chóng.

6.la-chu-tich-hoi-tho-duong-cua-xa-hung-thanh-ong-thuong-xuyen-van-dong-cac-hoi-vien-sang-tac-va-to-chuc-nhieu-cuoc-sinh-hoat-binh-tho-..jpg
Là Chủ tịch Hội thơ Đường của xã Hùng Thành ông thường xuyên vận động các hội viên sáng tác và tổ chức nhiều cuộc sinh hoạt bình thơ.

Ngoài ra ông còn tham gia viết báo, làm thơ, chụp ảnh… 17 năm liên tục làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ thơ “Hương đất Hùng” và Chủ tịch Hội thơ đường của huyện. Đặc biệt với tủ sách hàng ngàn cuốn và các loại báo, tạp chí ông đặt mua tạo nên một thư viện gia đình phục vụ các cháu thanh thiếu nhi trong thôn, trong xã và các hội viên cựu chiến binh. Đến nay ông đã xuất bản 18 đầu sách các loại, trên 200 bài thơ đường, 2 tập thơ: “Yên Thành làm theo lời Bác” và “Hoa lúa”.

7.tu-sach-bao-ca-nhan-thuong-xuyen-thu-hut-cac-chau-hoc-sinh-va-ccb-den-doc.jpg
Tủ sách báo cá nhân thường xuyên thu hút các cháu học sinh và CCB đến đọc
8.da-ngoai-90-tuoi-nhung-voi-chiec-xe-dap-dien-ong-van-su-dung-moi-khi-co-cong-viec-trong-xa-trong-huyen..jpg
Đã ngoài 90 tuổi, nhưng với chiếc xe đạp điện ông vẫn sử dụng mỗi khi có công việc trong xã, trong huyện.

Với những đóng góp của ông trong các phong trào của huyện, của Hội CCB, Hội người cao tuổi… ông đã vinh dự nhận nhiều bằng khen, giấy khen của Hộ CCB, của huyện. Đặc biệt nhân giỗ tổ Hùng Vương năm 2022, ông có vinh dự được mời trong đoàn của Hội CCB Việt Nam đi thăm và báo công tại Đền Hùng. Nguyễn Thế Viêm tấm gương sáng “Bộ đội cụ Hồ” thương binh “Tàn mà không phế” trên mảnh đất Yên Thành, xứ Nghệ.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Nhiếp ảnh & Đời sống
PSA: Thương binh Nguyễn Thế Viên tàn nhưng không phế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO