Nhà báo Giản Thanh Sơn cho biết, ông ấp ủ làm cuốn sách này từ cách đây 3 năm, vì thế, khi thấy có các bài viết giới thiệu, phỏng vấn Nick Út trên báo chí, ông đều sưu tầm, lưu giữ. Ngoài ra, có một số bài viết, phỏng vấn mới là do ông lựa chọn tác giả, trực tiếp đặt viết. Ba năm để ấp ủ một dự định, thêm 35 đêm trắng (vì ban ngày còn phải làm việc) cùng với các cộng sự của mình cùng nhau biên tập, lựa chọn hình ảnh, thiết kế - để hôm nay chúng ta đã có được một cuốn sách - tư liệu quý về một phóng viên ảnh huyền thoại và giản dị mang tên Nick Út mà cả thế giới biết đến.
Để ra được cuốn sách trong tình hình kinh tế khó khăn này, ông đặc biệt trân trọng những người bạn thân thiết của mình cùng với Công ty cổ phần Lê Bảo Minh và Công ty Cổ phần hợp tác phát triển DCA đã ủng hộ, hỗ trợ, tài trợ. Nhà báo Giản Thanh Sơn cũng tâm sự: Tôi chủ biên cuốn sách “Phóng viên ảnh Nick Út - huyền thoại giản dị” với tâm trạng phấn khởi, ngưỡng mộ một tài năng - một đồng nghiệp lớn, giữ thái độ biên tập trung thực, mục đích nhằm ca ngợi, tôn vinh một nhà nhiếp ảnh người Mỹ gốc Việt. Thông qua cuốn sách này, tôi mong muốn được truyền cảm hứng yêu nghề, say nghề đến các nhà báo trẻ Việt Nam.
Nhà báo Giản Thanh Sơn phỏng vấn phóng viên ảnh Nick Út |
Nói đến đề tài nhiếp ảnh chiến tranh Việt Nam, có thể nói gần như ai cũng nhớ đến bức ảnh nổi tiếng mà chúng ta thường gọi là “Em bé Napalm” (Napalm girl) của Nick Út, lúc đó đang là phóng viên ảnh của hãng AP (Associated Press). Bức ảnh này đã mang đến choNick Út nhiều giải ảnh báo chí lớn của thế giới, góp phần vào việc chấm dứt chiến tranh sớm ở Việt Nam. Và bức ảnh này cũng vinh dự được xếp thứ 41 trong 100 bức ảnh có tầm ảnh hưởng nhất thế kỷ 20 do Đại học Columbia bình chọn. Với cuộc đời và sự nghiệp dành cho nhiếp ảnh báo chí, Nick Út nhận được sự cảm phục của nhiều đồng nghiệp trong nước, quốc tế và trở thành “thần tượng” của nhiều phóng viên ảnh trẻ Việt Nam.Phóng viên ảnh - nhà báo Giản Thanh Sơn cũng là một trong những người cảm phục và mến mộ tài năng, nhân cách của Nick Út. Và, Giản Thanh Sơn quyết định biến sự cảm phục của mình bằng một việc làm có ý nghĩa: biên soạn sách về người phóng viên ảnh đặc biệt mang tên Nick Út.
Cuốn sách dầy gần 200 trang, in trên giấy couche, chứa đựng gần 40 bài viết, phỏng vấn xoay quanh “nhân vật chính” và một số tác phẩm nhiếp ảnh của Nick Út đã phần nào phác họa cho người đọc thấy “chân dung một huyền thoại”, dù ông là một phóng viên ảnh nổi tiếng, dù được khoác lên mình rất nhiều giải thưởng ảnh báo chí thế giới danh giá, dù tên tuổi của ông được ghi trên “Đại lộ danh vọng - Hollywood” - nhưng ông vẫn luôn là một người Việt Nam giản dị, dễ gần và khiêm nhường…
Chân dung phóng viên ảnh Nick Út trong cuốn sách |
Vào chiều ngày 23/4, Nhà báo Giản Thanh Sơn sẽ tổ chức buổi giới thiệu sáchPhóng viên ảnh Nick Út - Huyền thoại giản dịtại TP. Hồ Chí Minh với báo giới và công chúng.
Với Phóng viên ảnh Nick Út - Huyền thoại giản dị, tôi tin rằng đây sẽ là một cuốn sách có giá trị cho những ai quan tâm đến ảnh đề tài chiến tranh Việt Nam, cũng như sẽ thật sự hữu ích đối với những bạn sinh viên báo chí, các phóng viên ảnh trẻ - giúp họ có thêm yêu nghề, dấn thân vào “nghề nguy hiểm” bằng tất cả niềm say mê và lòng nhiệt huyết.