Những ngọn gió lạ

Bài: Mạnh Thường - ảnh tư liệu|15:15 20/02/2023

(NADS) - Gần đây trên một số phương tiện thông tin đại chúng đăng tải một số bài và ảnh, khiến bạn đọc băn khoăn. Trả lời phóng viên báo Lao Động, một nhà nhiếp ảnh nói ông “Không chụp ảnh cho đại chúng mà chụp cho ông”. Tôi thiết nghĩ đã mang danh nghệ sĩ, tức là người làm nghệ thuật, người của công chúng, vì công chúng mà sáng tạo.

 Đã là nghệ thuật thì hoặc là “vị nhân sinh” hoặc “vị nghệ thuật”. Xem ra nghệ sĩ trên không “vị nhân sinh” mà chỉ nhằm thỏa mãn ý thích cá nhân. Đáp lại câu hỏi tiếp của phóng viên “Ông có cảm thấy cô đơn khi một mình lầm lũi theo lối riêng ?”. Nghệ sĩ nói: “Ở đâu mà chẳng có sự cô đơn. Văn hóa càng sâu và cao, ngày càng trống vắng, văn hóa xô bồ ngày càng đông vui”. Một câu trả lời đầy ắp sự cao ngạo, coi thường công chúng: “Văn hóa càng sâu và cao, ngày càng trống vắng” và ngược lại : “ Văn hóa xô bồ”, tức là văn hóa thấp, hay ít văn hóa thì “ngày càng đông” và vui!,

Trên tạp chí “Ánh sáng đẹp”những năm trước đây, dưới đầu đề “Góp thêm một tiếng chuông”, một tác giả viết: “ Đã coi nhiếp ảnh là nghệ thuật thì nó có khác gì các bộ môn nghệ thuật khác như hội họa, sân khấu”. Để khẳng định lập luận của mình người viết dẫn lời đại thi hào Đức Goethe: “ Nếu ta vẽ giống một con chó thì ta sẽ có hai con chó, còn nghệ thuật thì không!”. Đành rằng hội họa và và nhiếp ảnh đều là nghệ thuật mô tả không gian ba chiều lên mặt phẳng hai chiều. Có sự tương đồng về bố cục, đường nét, ánh sáng, mầu sắc…Nhưng chớ quên rằng bản chất của nhiếp ảnh là hiện thực. Nhiếp ảnh đánh mất tính hiện thực thì không còn là nhiếp ảnh, mà là một trò chơi ánh sáng không hơn không kém. Nhiếp ảnh chỉ có thể mô tả cái có thực, cái nhìn thấy, sờ thấy, cái đang tồn tại, cái vật chất… Còn hội họa có thể thể hiện cái không nhìn thấy, cái trong mơ, cái trong suy tưởng, cái tưởng tượng… Cần nhớ rằng nghệ thuật nhiếp ảnh là công cụ ghi chép đối tượng, nhưng được thể hiện dưới con mắt nghệ thuật của nhà nhiếp ảnh, để thổi vào đối tượng mô tả chất thơ – cái đẹp, làm cho cái hiện thực đẹp hơn, cuốn hút hơn cái có thực ngoài đời, mang đến cho người xem sự rung cảm thực sự. Đó chính là bản chất của nghệ thuật nhiếp ảnh. Chẳng hạn chụp một con chó. Chẳng hạn khi con chó được nhà nhiếp ảnh ghi lại và bức ảnh làm ra được gọi là tác phẩm nghệ thuật nếu nó đẹp hơn con chó thật, khiến người xem rung cảm, tấm tắc khen. Vậy đâu phải “hai con chó” mà là một con chó và “một tác phẩm”. Cũng cần nói thêm nhiếp ảnh càng tiến gần đến hội họa, thì không còn là nhiếp ảnh, đó chỉ là trò chơi ánh sáng. Ngược lại hội họa càng tiến gần đến nhiếp ảnh thì không còn là hội họa, mà chỉ là trò ghi chép không hơn không kém.

Cũng do không nắm vững bản chất ngôn ngữ nghệ thuật nhiếp ảnh, tác giả lý luận rằng: “ Sân khấu là một môn nghệ thuật lớn của nhân loại thì giả 100%, giả từ không gian, thời gian, ánh sáng, đạo cụ… thậm chí con người cũng giả nốt (cải lương, tuồng, chèo, kịch nói…), nhân vật chết trên sân khấu còn ca 6 câu vọng cổ rất mùi mới chịu chết hẳn, mà chẳng ai trong chúng ta thắc mắc là chuyện vô lý thật giả đó. Thậm chí còn rơi lệ nữa…Nghệ thuật là phi lý, nhưng nhờ phi lý đó ta mới tiếp cận được chân lý” (Piccasso). Từ sự viện dẫn này tác giả đi đến kết luận: Sân khấu là nghệ thuật giả 100% mà chẳng ai thắc mắc chuyện vô lý thật hay giả đó. Vậy nhiếp ảnh cũng là một bộ môn nghệ thuật sao phải chịu số phận chê bai thật giả!

Rõ ràng đây là một sự so sánh khập khiễng, không nắm vững đặc điểm của từng bộ môn nghệ thuật. Sân khấu là một bộ môn nghệ thuật mang tính ước lệ đặc biệt là sân khấu tuồng, chèo, cải lương… Một động tác lên ngựa, phi ngựa, diễn viên chỉ cần đưa chân lên, hoặc phất một ngọn roi, người xem nhận ra ngay nhân vật đang lên ngựa, hay phi ngựa, mặc dầu không thấy con ngựa đâu cả. Nghệ thuật nhiếp ảnh chỉ tồn tại và phát triển, khi nó phản ánh trung thành hiện thực cuộc sống dưới con mắt nghệ thuật, của trái tim rung động, với trí tuệ mẫn cảm của người nghệ sĩ. Nhiếp ảnh đánh mất hiện thực không còn là nhiếp ảnh.

Cũng trên tạp chí này dưới đầu đề “Vài lời bình về ảnh ứng dụng kỹ thuật số”, Tác giả viết: “…đã gọi là ảnh thì ảnh nào cũng là ảnh mà thôi. Khẳng định này phù hợp với quy luật hình thức tư duy logic là ảnh cùng chung một ngôn ngữ, cùng chung những hình thức biểu đạt…Nếu ảnh số và ảnh truyền thống có khác nhau thì chỉ khác nhau ở công cụ lao động…”.

Khẳng định này chưa đúng hẳn, ngay cả dùng một thứ công cụ lao động (máy ảnh cơ quang), sản phẩm làm ra một bức ảnh kỷ niệm, hoàn toàn khác hẳn về mọi phương diện với một tác phẩm nghệ thuật. Điều cần bàn ở đây chính là dùng ảnh kỹ thuật số (photoshop) để làm thay đổi nội dung hiện thực của đối tượng, tạo ra một sản phẩm giả, như một thứ hàng nhái đánh lừa công chúng. Chúng ta đều biết việc chắp ghép ảnh, cũng như các loại ảnh phân sắc độ (Posterization), ảnh bán âm (Solarization)… đã có cách đây gần thế kỷ, nhiều thế hệ nhiếp ảnh Việt Nam đã làm và đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Nhưng có điều để thực hiện các kỹ thuật này nhà nhiếp ảnh phải làm thủ công. Ngày nay nhờ photoshop việc lắp ghép ảnh, cũng như các hiệu ứng kỹ thuật khác được tiến hành trên máy tính rất dễ dàng, tinh vi và nhanh chóng. Đây là một tiến bộ khoa học cần được phát triển, ngày một hoàn hảo. Nhưng cần phải khẳng định rằng: Dù dùng biện pháp kỹ thuật nào, lắp ghép kiểu gì…trước hết đã là ảnh nghệ thuật phản ánh cuộc sống phải giữ cho được tính chân thật trong tác phẩm. Ở đây cần phân biệt rõ hai trường hợp:

Nếu đối tượng chụp là một sự kiện, một sự việc, con người, một địa chỉ… có không gian và thời gian nhất định (thể hiện qua chú thích ảnh), thì việc lắp ghép, thêm bớt hoặc ứng dụng các hiệu ứng kỹ thuật khác… nhất thiết phải phù hợp với những gì đang tồn tại, hợp logic, hợp quy luật, bố cục ánh sáng…Nếu không đó chỉ là một bức ảnh giả thực chỉ làm vui mắt người xem. Bức ản “Mùa xuân” (triển lãm Khoảnh khắc) là một bức ảnh ghép trái khoáy. Bức ảnh chụp bằng ánh sáng tự nhiên lại có hai nguồn sáng ngược chiều nhau, người đi lộn ngược, bức ảnh “Sắc màu bazan” (triễn lãm VN 02), mô tả hai chiếc máy cày, đang cày trên một triền đồi, bụi bay mù mịt nhưng không có một đường cày nào, đồi cỏ vẫn xanh um. Thử hỏi bụi này ở đâu ra ? Chỉ có thể bụi do “mụ phù thủy photoshop” vẽ vào nhưng không đúng thực tế.

Cũng do bất chấp thực tế, bà Hoàng Thị Vịnh đã nhờ thợ ảnh dùng Photoshop ghép ảnh của mình vào bức ảnh Bác Hồ đến thăm bệnh viện Vân Đình (Hà Tây, nay thuộc Hà Nội) với chú thích: “Bác Hồ thăm bệnh viện Quảng Bình ngày 17-6-1957, người dẫn Bác Hồ đi thăm bệnh viện là đồng chí bí thư chi bộ Hoàng Thị Vịnh”. Điều gì sẽ xảy ra, nếu bức ảnh này được đưa vào triễn lãm ảnh và được trao giải thưởng ?

Có một loại ảnh ghép, hoặc vừa ghép ảnh kết hợp với vẽ như bức “Tuổi trăng non” (Nguyễn Đình Hải) hay “Trái đất của mẹ” (Mother earth –của Manfred Lang, Australia). Loại ảnh này bất chấp thực tế, bất chấp quy luật của nhiếp ảnh, không tính đến ngôn ngữ bố cục, ánh sáng…điều quan trọng là thể hiện được ý tưởng của người sáng tạo. Loại ảnh này người ta gọi là ảnh đồ họa, ảnh áp phích (photographic), hay ảnh ý tưởng, nó ra đời cách nay non thế kỷ, tiêu biểu là bức ảnh “Ở đâu có chủ nghĩa tư bản ở đó không có hòa bình” của John Hearfield.

Chúng ta cổ vũ cho ảnh Photoshop phát triển mạnh đúng hướng. Nhưng không thể nói như ông Lạc Việt: “Nếu lấy công cụ lao động làm thước đo trình độ lao động, hiển nhiên người chụp ảnh làm ra những bức ảnh số, bằng bất cứ hình thức đào tạo nào, vẫn cứ nâng cấp trí tuệ và văn minh khoa học kỹ thuật chính mình lên một bậc. Người nghệ sĩ nhiếp ảnh không biết làm ảnh số… thì cũng vẫn cứ phải xếp hàng trong lực lượng sản xuất có trình độ thấp kém hơn”.

Sử dụng công cụ khoa học kỹ thuật tiên tiến để làm ra những sản phẩm giả dối, đánh lừa người xem như ba bức ảnh nêu trên thì không thể coi là “nâng cấp trí tuệ và văn minh lên một bậc”.

Một hướng phát triển khác đang làm thui chột nghệ thuật nhiếp ảnh, đó là đưa cuộc sống hiện thực đầy sinh động vào dàn dựng trong buồng chụp (studio). Điển hình là bức ảnh “Nối sáng” của Trần Đình Thương, mô tả những người thợ điện lắp đặt đường dây điện cao thế ngay trong buồng chụp. Một việc làm phi hiện thực, tùy tiện.

Đặc biệt mới đây, dưới chiêu bài đổi mới và sáng tạo trong làng nhiếp ảnh đẻ ra những “đứa con dị dạng” biểu hiện tư tưởng bi quan, tiêu cực. Đó là bức ảnh một nữ sư chắp tay khấn vái trước tượng chúa Giê –su. Một bức ảnh mang nội dung lập lờ hai mặt, nó là dạng “ăn cơm chúa, đi múa sân đình”, nếu không muốn nói là “loạn đạo”. Bức ảnh “ Thời gian khép lại” mô tả trên chiếc bàn con đặt một cái nồi trong đó có con gà chết hai chân chổng ngược lên trời. Hậu cảnh là bức tường treo một chiếc đồng hồ có lỗ không kim. Người xem nghĩ gì, khi đất nước đang vững bước vào thiên niên kỷ mới, thì dưới con mắt của tác giả “Thời gian khép lại”. Phải chăng đây là sự phản ứng trước sức sống mãnh liệt của tổ quốc đang đổi mới, mở cửa trong tiến trình hội nhập quốc tế ?

thoi-gian-ngung-lai.jpg

Cùng một nếp nghĩ như vậy, nhưng có lẽ sâu sắc hơn, bi quan hơn và là một sự phản kháng đi vào chiều sâu, tâm linh. Đó là tác phẩm “Cầu nguyện” (Triễn lãm VN 02). Tác phẩm thể hiện ý đồ thầm kín của tác giả. Bức ảnh mô tả một cậu bé đánh trần chắp tay “cầu nguyện” trước một bức tường mục nát, rêu phong ( theo trả lời của tác giả là bức tường của một lò gạch bỏ hoang). Trên bức tường có một thanh gỗ mục, hình dáng như một cây thánh giá. Một bức ảnh dàn dựng cho một em bé ngây thơ trong trắng cô đơn trong cảnh hoang tàn, trước cảnh đời run sợ tới mức phải cầu nguyện đến một đấng thiêng liêng! Theo ông Vũ Đức Tân, nhà lý luận phê bình ảnh, cho biết, bức ảnh ban đầu có tựa đề “Ngày tận thế”. Rõ ràng điều này rất phù hợp “một khi tuổi thơ trong trắng, cô đơn mà chỉ còn biết tin theo những tín điều mù quáng thì ngày tận thế xảy ra là điều tất yếu”. Theo tôi “đây là một tác phẩm mang tính độc hại, tiêu cực, phản hiện thực, gieo rắc tư tưởng bi quan”. Phải chăng em bé sống cô đơn, không có sự giúp đỡ của cha mẹ, xóm làng, đoàn đội, mà phải đi cầu nguyện ở đấng thần linh. Nếu cầu nguyện cũng phải có nơi có chốn: là công giáo có nhà thờ, là đạo Phật có chùa chiền… Bạ đâu cũng cầu nguyện được sao? Rất may đó là bức tường loang lổ của một lò gạch hoang phế, nếu là bức tường của một thứ ô uế… khác, người xem sẽ nghĩ gì?

\

2-nguyen-cau.jpg

Còn bức ảnh “Khao khát”, mô tả dưới sợi dây thép gai (một chiến cụ) có một giọt nước, hai con chim mới nở đang há mồm hứng lấy giọt nước đó. Phải chăng tác giả muốn đưa một thông điệp rằng: Chiến tranh (dây thép gai) mang lại sự sống?... Tiếc thay những bức ảnh mang nội dung xấu như vậy không những được triển lãm cho công chúng thưởng ngoạn mà còn được trao giải, quả là chuyện hiếm thấy của các ban giám khảo.

2.jpg

Sự xuống cấp về tư tưởng không chỉ biểu hiện ở một số không nhiều các nhà sáng tác mà chính ở sự định hướng không rõ ràng của các nhà thẩm định trong quá trình hội nhập quốc tế.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Nhiếp ảnh & Đời sống
Những ngọn gió lạ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO