Nhiếp ảnh Vĩnh Long cùng tâm thế bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Bài & ảnh: NSNA Nguyễn Hòa Bình|17:44 21/03/2025

(NADS) - Trải qua nửa thế kỷ, nhiếp ảnh Vĩnh Long đã ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng người dân, từ những khoảnh khắc lịch sử hào hùng sau giải phóng đến sự phát triển mạnh mẽ trong thời đại công nghệ số...

abvwrhae5hb.jpg
Vĩnh Long những ngày đầu giải phóng. Ảnh: Tư liệu

Hòa trong niềm vui đại thắng, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4/1975, các tác giả nhiếp ảnh (NA) kháng chiến vào thị xã Vĩnh Long với chiếc máy ảnh cơ chụp phim quen thuộc gắn bó từ trong chiến khu tiếp tục phát huy thế mạnh của người nghệ sĩ chiến sĩ đã ghi lại khoảnh khắc những hình ảnh chân thực, sinh động của quân và dân Vĩnh Long vào sáng ngày 1/5/1975 khi tiếp quản các cơ quan đầu não của địch.

Hình ảnh từng tốp, từng tốp người trông gương mặt rạng rỡ, phấn khởi cầm cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng nửa đỏ nửa xanh vẫy tay phất phới, chào đón những đoàn quân đầu đội nón tai bèo được thêu gắn trên nón với dòng chữ: “Quyết tâm giải phóng Vĩnh Long” hay “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” đang lần lượt tiến vào thị xã, hình ảnh các phố phường rợp cờ giải phóng tung bay trong gió, hình ảnh những thanh niên nam nữ đội nón tai bèo đeo băng đỏ với đôi tay thoăn thoắt nhịp nhàng điều khiển giao thông, giữ gìn an ninh trật tự đường phố, xóm ấp, hình ảnh từng đơn vị bộ đội, dân quân du kích trang phục màu xanh rêu lá mạ còn hiện rõ những đường xếp mới tinh đứng thẳng hàng ngay ngắn phía trước đông đảo quần chúng nhân dân nhiều thành phần phấn khởi với nhiều sắc màu, cờ, hoa, biểu ngữ dự lễ Mít tinh mừng chiến thắng tại sân vận động tỉnh… Và nhiều hình ảnh vẻ đẹp về đất nước con người Vĩnh Long, về sự phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh, quốc phòng đã được quảng bá giới thiệu với nhân dân trong tỉnh và cả nước, được lưu giữ thành tư liệu lịch sử. Phản ánh các dấu mốc quan trọng thời khắc lịch sử phát triển của tỉnh nhà những năm cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21 với những tư liệu quý, những tác phẩm sống mãi với thời gian, góp phần tạo nên một truyền thống vô cùng vẻ vang của Nhiếp ảnh Vĩnh Long.

Những năm sau giải phóng, đất nước bước vào thời kỳ xây dựng, kinh tế xã hội vẫn còn khó khăn, nhưng được xem là giai đoạn quan trọng, ghi nhận về sự phát triển của đội ngũ NA tỉnh Cửu Long về số lượng và cả chất lượng. Đội ngũ NA dần phát triển, các tác giả kháng chiến vẫn tiếp tục làm nòng cốt, có ảnh hưởng tích cực đến thành tựu cũng như phát triển lực lượng trong lĩnh vực nhiếp ảnh sau này. Theo lời kể của anh Hà Ngọc Ngộ, khoảng đầu năm 1977 Công ty Nhiếp ảnh Cửu Long thuộc Sở Văn hóa Thông tin được thành lập, về bộ máy điều hành có Ban chủ nhiệm, phòng tổ chức và kế hoạch, kế toán, nhân viên kỹ thuật, phòng tối, nhân viên chụp ảnh - trụ sở đặt tại hiệu ảnh Á Châu, đường 3/2 phường 1 (thành phố Vĩnh Long ngày nay) người khởi xướng thành lập công ty nhiếp ảnh là đồng chí Bùi Quang Huy (Chín Nhỏ nguyên Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh, Cà Mau) lúc bấy giờ là giám đốc Sở Văn hóa Thông tin Cửu Long, ngoài chủ trương đồng chí còn tặng cho Công ty nhiếp ảnh 500 đồng để mua vật tư ngành ảnh làm vốn ban đầu. Công ty nhiếp ảnh tuy chuyên chụp ảnh dịch vụ đám tiệc, lễ hội theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân nhưng là dịch vụ khoán công, trả lương theo sản phẩm. Với phương thức làm mới, hiệu quả, tiếng lành đồn xa nên một số tỉnh trong khu vực miền Tây Nam bộ cũng như nhiếp ảnh thành phố Hồ Chí Minh và cả nhiếp ảnh Hà Nội đến tham quan học tập kinh nghiệm hoạt động của Công ty Nhiếp ảnh Cửu Long. Có thể nói qua hoạt động này cũng làm cơ sở tác động cho nhiều người chụp ảnh góp phần sự phát triển phong trào nhiếp ảnh Vĩnh Long sau này.

Tuy nhiên, đến giữa cuối thập niên 70 - 80 của thế kỷ 20, do đời sống kinh tế xã hội còn khó khăn, cơ sở vật chất thiếu thốn, phương tiện kỹ thuật chưa kịp hiện đại hóa nên đội ngũ những người tham gia hoạt động nhiếp ảnh giảm dần. Thời điểm này các tác giả nhiếp ảnh chủ yếu vẫn là các anh có tên tuổi thời kháng chiến như: anh Nguyễn Hoàng Phước, Trần Văn Ngừa, Vương Đình Trạm, Nguyễn Quốc Hội, Bùi Công Thành cùng với sự cộng tác của những tác giả như: anh Hà Ngọc Ngộ, Lê Văn Cuôn, Nguyễn Duy Minh, Phạm Văn Diệm, Dương Chí Tàng…

Đến năm 1983 của thế kỷ 20 khi Hội Văn học nghệ thuật chính thức thành lập, có phân cấp chức năng nhiệm vụ Phân, Chi hội chuyên ngành văn học nghệ thuật đi vào hoạt động chuyên sâu, Nhiếp ảnh Vĩnh Long mới thật sự phát triển mạnh và khởi sắc với một đội ngũ đông đảo các tác giả trẻ, có tiềm năng về trình độ, mạnh dạn đầu tư phương tiện, tuy thiết bị máy ảnh cơ truyền thống, chụp bằng phim trắng đen từng kiểu một, tráng rọi ảnh thủ công nhưng ai cũng nhiệt tình trách nhiệm với tình yêu nghệ thuật Nhiếp ảnh. Không thể kể hết tên tuổi các nghệ sĩ Nhiếp ảnh giai đoạn này nhưng có thể nêu một số gương mặt tiêu biểu như NSNA Lê Huyền Thanh, NSNA Nguyễn Bách Thảo, NSNA Nguyễn Hòa Bình, NSNA Nguyễn Thanh Bình, NSNA Dương Ngọc Thu, NSNA Nguyễn Phước Lộc, tác giả Nguyễn Phải, Nguyễn Bá Lâm (Lâm Bá), Lê Văn Hưu, Tăng Quốc Hùng, Phạm Việt Trường, Diệp Ngọc Hữu Ái, Bùi Công Thành…

Dù chưa có trường đào tạo chuyên ngành nhiếp ảnh, với tinh thần lớp trước bồi dưỡng kèm cặp lớp sau, lớp sau kính trọng và học hỏi kinh nghiệm lớp trước, mở rộng các hình thức hoạt động, phong trào nhiếp ảnh tỉnh nhà khởi sắc đóng góp tích cực và hiệu quả vào việc phát triển văn hóa dân tộc, phong phú trong cộng đồng. Từ đó Nhiếp ảnh đang thật sự trở thành hoạt động phát triển văn hóa không thể thiếu trong đời sống hoạt động nghệ thuật, lan tỏa trong đời sống văn hóa tinh thần của con người không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới.

etngbfdher.jpg
Thành phố Vĩnh Long hôm nay. Ảnh: Nguyễn Hòa Bình

Đầu thế kỷ 21, các phương tiện khoa học kỹ thuật phát triển mạnh mẽ phong trào nhiếp ảnh tỉnh nhà tiếp cận nhiều với các trang thiết bị chụp ảnh công nghệ mới ngày càng hiện đại, sự xuất hiện các loại máy ảnh kỹ thuật số, in rọi ảnh, truyền tải, nhận ảnh bằng công nghệ số, chụp ảnh thao tác nhanh, nhiều kiểu, kỹ thuật đa dạng, điều khiển thiết bị chụp ảnh bằng máy bay không người lái, flycam rất tinh xảo hình ảnh chất lượng cao, bố cục lạ… Bên cạnh hình thành một lực lượng nhiếp ảnh trẻ nhiệt huyết có trình độ chuyên môn chuyên nghiệp, bản lĩnh sáng tạo tiếp thu nhanh kỹ thuật mới, của lực lượng này đã góp phần vào thành tựu nhiếp ảnh tỉnh nhà rất trân quý trong đó như NSNA Nguyễn Vinh Hiển, NSNA Nguyễn Thanh Hải, NSNA Nguyễn Hoàng Kha, NSNA Nguyễn Quốc Nguyên, NSNA Huỳnh Thanh Thiện, NSNA Nguyễn Đức Liêm, NSNA Trần Thanh Sang, tác giả Nguyễn Hùng Hậu, tác giả Nguyễn Hữu Nam, tác giả Trần Văn Nhành, Lê Văn Quang, Nguyễn Minh Tâm, Nguyễn Bá Lâm, Đinh Quang Tiến, Nguyễn Văn Hai, Phạm Đức Tài, Lê Quốc Việt, Liêu Đỗ Nhựt Ân, Nguyễn Quốc Anh…là những hạt nhân tiêu biểu của phong trào nhiếp ảnh Vĩnh Long hiện tại.

Bên cạnh đó đội ngũ những tác giả nhiếp ảnh trẻ ngày càng phát triển lớn mạnh song song với lực lượng yêu thích nhiếp ảnh không chuyên vô cùng hùng hậu. Nhiếp ảnh đã trở thành sinh hoạt rộng rãi của đời sống xã hội. Công nghệ của Nhiếp ảnh ngày càng hiện đại, giúp cho các tác giả tiếp cận tối đa công nghệ và thể hiện hiệu quả những ý tưởng của mình. Chúng ta tự hào về một vị lãnh đạo tài năng yêu mến môn nghệ thuật nhiếp ảnh, ông là hội viên danh dự của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam đó là Thủ tướng Võ Văn Kiệt, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú của quê hương Vĩnh Long. Chiếc máy ảnh truyền thống đã theo ông suốt chặng đường kháng chiến từ chiến khu về thành phố và luôn có mặt trong nhiều sự kiện quan trọng của đất nước. Ông đã chụp nhiều phong cảnh đẹp trên mọi miền của Tổ quốc.

Trong nhiều năm qua, đội ngũ Nhiếp ảnh tỉnh Vĩnh Long đã tích cực tham gia các cuộc thi do tỉnh tổ chức, nhiều lần đăng cai và tham gia gần 40 cuộc Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, các cuộc thi của các Bộ ngành, trung ương, các địa phương trong nước và quốc tế…đã mang về nhiều giải thưởng giá trị, nhiều hội viên đủ tiêu chuẩn được chuẩn y kết nạp vào Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, được phong tước hiệu cao ngoài tước hiệu AVAPA. Danh dự với quá trình cống hiến Nhiếp ảnh từ trong chiến khu, Phân hội Nhiếp ảnh thuộc Hội VHNT có đồng chí Trần Văn Ngừa (Trần Lâm) tác giả chùm ảnh kháng chiến còn lưu giữ lại những khoảnh khắc nhiều hình ảnh tư liệu quý giá về một giai đoạn lịch sử hào hùng của nhân dân Vĩnh Long trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Năm 2020, ông được lãnh đạo tỉnh trao giải thưởng Văn học nghệ thuật “Văn Xương Các” tỉnh Vĩnh Long lần thứ I (5 năm/1 lần).

Lực lượng chuyên ngành nhiếp ảnh Vĩnh Long hiện có gần 40 hội viên, trong đó 12 nghệ sĩ nhiếp ảnh, hội viên của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, thời gian qua đã cùng với những người yêu thích Nhiếp ảnh tỉnh nhà đã không ngừng lao động, sáng tác, nhiều ảnh chất lượng đã được chọn trao giải thưởng, tham gia triển lãm, in báo, tạp chí địa phương và trung ương… góp phần làm phong phú đời sống tinh thần, nhu cầu thưởng thức nghệ thuật nhiếp ảnh của nhân dân. Thông qua các tác phẩm nhiếp ảnh đã góp phần quảng bá hình ảnh quê hương, đất nước, con người, tuyên truyền đường lối chủ trương của Đảng, Nhà nước, các lĩnh vực kinh tế - văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, biên giới Quốc gia, biển đảo quê hương, xây dựng Nông thôn mới, phòng chống thiên tai, dịch bệnh...

Nhìn lại chặng đường hình thành và từng bước trưởng thành của nhiếp ảnh Vĩnh Long, trong đó có sự quan tâm lãnh đạo của Tỉnh ủy, Ủy Ban nhân dân tỉnh, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, cùng sự phối hợp của các cơ quan, đơn vị... đã tạo điều kiện cho giới NA tỉnh nhà đóng góp vào sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh của địa phương. Những người làm nhiếp ảnh tỉnh nhà luôn luôn ghi nhớ lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Nhà nước đã giao nhiệm vụ cho Nhiếp ảnh tại Sắc lệnh số 147/SL ngày 15/3/1953 là: “Nhiếp ảnh phải vì dân, vì nước, phải phản ánh cuộc sống chiến đấu và bảo vệ Tổ quốc, phải mở rộng giao lưu quốc tế”...

Trải qua VIII lần Đại hội Chi hội NSNA, Phân hội Nhiếp ảnh đã khẳng định những thành tựu cơ bản của nhiếp ảnh tỉnh nhà, đồng thời đã rút ra những việc chưa làm được, cần phải tiếp tục đổi mới để Nhiếp ảnh Vĩnh Long tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn trước đáp ứng những yêu cầu đổi mới của đất nước, rút ra những kinh nghiệm, đề ra nhiệm vụ giải pháp phát triển nhằm tổng kết và khẳng định vai trò, những đóng góp quan trọng của nhiếp ảnh nghệ thuật và đội ngũ văn nghệ sĩ làm công tác văn học nghệ thuật (VHNT) nói chung đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, khẳng định sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với VHNT; đồng thời tiếp tục quán triệt đầy đủ, sâu sắc các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về văn học, nghệ thuật, từ đó xác định rõ trách nhiệm đáp ứng tốt nhu cầu về đời sống văn hóa, tinh thần đối với nhân dân tỉnh nhà, đối với đất nước trong giai đoạn mới.

Tiếp nối chặng đường 50 năm xây dựng và phát triển Nhiếp ảnh Vĩnh Long với lòng yêu nghề và niềm đam mê sáng tạo, đội ngũ Nhiếp ảnh và những người yêu thích nghệ thuật Nhiếp ảnh tỉnh nhà ngày càng có nhiều cơ hội, điều kiện để thực hiện niềm đam mê của mình. Sân chơi nghệ thuật lành mạnh được nhiều quần chúng yêu thích nhiếp ảnh sẽ rộng lớn hơn, chuyên nghiệp cao hơn. Cần định hướng chủ đề sáng tác phổ biến rộng rãi ra quần chúng thường xuyên, để nhiếp ảnh vừa phản ánh trung thực cuộc sống của cán bộ, nhân dân trong lao động sản xuất, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế; vừa mang hơi thở của đời sống xã hội, chứa đựng giá trị nhân văn sâu sắc, có trách nhiệm với công chúng và những người yêu nghệ thuật nhiếp ảnh. Mỗi bức ảnh còn là câu chuyện đẹp không những mang tính nhân văn, mà còn có sức lan tỏa trong xã hội để mọi người đón nhận một cách trân trọng còn là một thông điệp có giá trị Chân - Thiện - Mỹ gửi đến người xem để góp phần xây dựng văn hoá, con người Việt Nam trong thời kỳ phát triển và hội nhập cùng tâm thế bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.


Ban đầu khi thành lập đồng chí Trần Ngọc Thanh (Hai Vũ) làm Chủ nhiệm, đồng chí Trần Văn Ngừa (Ba Lâm), Bùi Công Thành làm Phó Chủ nhiệm, khi đồng chí Hai Vũ chuyển công tác về sở Văn hóa đồng chí Ba Lâm làm chủ nhiệm, đồng chí Dương Thanh Hà Phó chủ nhiệm. Kỹ thuật buồng tối: anh Dương Chí Tàng (Ba Tàng), chụp salon anh Phạm Văn Diệm, Tổ chức Kế hoạch: anh Hà Ngọc Ngộ; kế toán: chị Lê Thị Bảy, cùng một số nhân viên chụp ảnh…


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Nhiếp ảnh & Đời sống
Nhiếp ảnh Vĩnh Long cùng tâm thế bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO