Nhiếp ảnh Việt Nam: 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc

Vũ Văn Cảnh|14:34 04/09/2013

Năm 1998, khi mà đất nước mới bước sang cơ chế thị trường thì Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc của Đảng ta ra đời. Nghị quyết đã trang bị cho xã hội những nhận thức mới về văn hóa, đem lại sinh khí cho đời sống văn hóa của đất nước. Với 5 quan điểm chỉ đạo, xác định 10 nhiệm vụ và 4 nhóm giải pháp Nghị quyết thực sự có ý nghĩa chiến lược về văn hóa của Đảng. Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII ra đời đã tạo một móc son mới, đậm nét trong tiến trình phát triển của cách mạng Việt Nam

Là một chuyên ngành trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, ngay sau khi có Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, hầu hết các nhà nhiếp ảnh đều được nghiên cứu sâu về Nghị quyết này. Đặc biệt, Đại hội lần thứ V Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam được tiến hành vào tháng 12/1999, đây thực sự là một diễn đàn cho các nhà nhiếp ảnh bàn về  “Xây dựng một nền Văn hóa Việt Nam tiến tiến đậm đà bản sắc dân tộc”. Đại hội đã khẳng định “Nhiệm vụ vẻ vang và cũng rất nặng nề với nhiếp ảnh Việt Nam là  xây dựng một nền nhiếp ảnh Việt Nam tiến tiến đậm đà bản sắc dân tộc, đây là mục tiêu chính - vừa là công việc trước mắt, vừa là công việc lâu dài cho mai sau”. Đại hội đã xác định thế nào là một nền nghệ thuật nhiếp ảnh tiến tiến? Vậy đâu là bản sắc dân tộc trong các tác phẩm nhiếp ảnh? Theo đó, nền nghệ thuật nhiếp ảnh tiên tiến là “nền nghệ thuật nhiếp ảnh phải mang trong mình nó tư tưởng tiến bộ của nhân loại, của thời đại. Tư tưởng đó được cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới khảo nghiệm và hun đúc nên. Đó là chủ nghĩa yêu nước và truyền thống nhân nghĩa của văn hóa dân tộc mà cốt lõi là chủ nghĩa Mác Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Nghệ thuật nhiếp ảnh dù dưới bất kỳ hình thức nào cũng phải hướng tới con người, làm cho tâm hồn con người đẹp lên, giàu lên bởi lòng nhân ái vị tha. Nhiếp ảnh là một môn nghệ thuật dùng kỹ thuật hiện đại để diễn tả tư tưởng của tác giả. Do đó không thể xem nhẹ các phương tiện tạo hình nhiếp ảnh hiện đại… tiên tiến nhưng phải mang tính dân tộc sâu sắc thì tác phẩm mới có nét độc đáo và sức sống bền bỉ. Bản sắc dân tộc trong các tác phẩm nhiếp ảnh, trước tiên tác phẩm đó phải nói được cái tư chất, cái tâm, cái hồn của người Việt Nam, phải nói được cách cảm, cách nghĩ của riêng chúng ta qua những hình thức thể hiện độc đáo mang tính truyền thống cũng như những sáng tạo mới mang tính thời đại”.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, 15 năm qua Nhiếp ảnh Việt Nam đã có những bước tiến dài, đạt nhiều thành tựu đáng khích lệ. Một số thành tích cụ thể như:

- Cùng với các cơ quan Đảng, Nhà nước tổ chức thẩm định các bộ ảnh phục vụ cho công tác tuyên truyền, đối ngoại và xuất bản của Đảng và Nhà nước

- Tổ chức thành công 6 cuộc Hội thảo khoa học về Lý luận, phê bình Nhiếp ảnh, với các nội dung như: Công tác tổ chức thẩm định ảnh Nghệ thuật, Nhiếp ảnh Việt Nam thế kỷ XX, Nhiếp ảnh trong cơ chế thị trường, Nhiếp ảnh Chiến tranh và cách mạng…; Tổ chức và phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức thành công 6 cuộc triển lãm Ảnh Nghệ thuật toàn quốc (lần thứ 21, 22, 23, 24, 25, và 26). Đây là triển lãm theo thông lệ và đến nay đã thành truyền thống;  Phối hợp tổ chức và bảo trợ 43 cuộc triển lãm ảnh cấp bộ, ngành; Cùng với các hội Văn học Nghệ thuật địa phương duy trì và tổ chức thường xuyên Liên hoan ảnh nghệ thuật 8 khu vực. Nếu tính từ năm 1998 đến nay cũng đã có 124 cuộc Liên hoan theo hình thức này, đây là một hoạt động thiết thực đưa văn hóa về cơ sở, góp phần nâng cao đời sống văn hóa ảnh cho nhân dân, cho đồng bào ở các khu vực, tạo nguồn cho Nhiếp ảnh Việt Nam;  Bảo trợ cho các cuộc thi ảnh cấp tỉnh, câu lạc bộ, nhóm tác giả và tác giả bình quân 70 cuộc/ năm; Tài trợ cho hơn một nghìn lượt hội viên sáng tác theo các đề tài về chiến tranh cách mạng, lịch sử dân tộc, thiếu niên nhi đồng, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

- Xuất bản nhiều ấn phẩm về nhiếp ảnh, lý luận phê bình nhiếp ảnh, Tạp chí Nhiếp ảnh của Hội ra đều kỳ hàng tháng nội dung và hình thức tốt, đúng tôn chỉ mục đích. Từ năm 2006, Hội đã mở thêm kênh thông tin điện tử Website của Hội.

- Tính đến nay giới Nhiếp ảnh Việt Nam đã có 5 tác giả được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh, 21 tác giả được tặng giải thưởng Nhà nước cho các tác phẩm ảnh tiêu biểu.

- Cùng với trường Đại học sân khấu điện - ảnh Hà Nội thành lập, giảng dạy khoa Nhiếp ảnh ở bậc đại học đồng thời Hội cũng đã mở được nhiều trại sáng tác ảnh nghệ thuật ở các khu vực và các địa phương cho hội viên và các nhà nhiếp ảnh.

- Từ năm 1991, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam đã trở thành thành viên của Liên đoàn nhiếp ảnh Nghệ thuật quốc tế (FIAP). Đến nay Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam đã có quan hệ hầu hết với hơn 90 nước thành viên trong Liên đoàn, trong đó trọng tâm là một số nước như Trung Quốc, Cu Ba, Đức, Pháp, Bỉ, Nhật, Singapore… Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam đã giúp đỡ  thành lập Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Lào, Hội bạn đã đi vào hoạt động. Năm 2010, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam đã đăng cai tổ chức thành công  Đại hội lần thứ 30 của FIAP, được dư luận đánh giá cao;  Với sự bảo trợ của FIAP cho đến nay ta đã tổ chức thành công 5 cuộc Triển lãm ảnh quốc tế tại Việt Nam (VN 02, VN 05, VN 07, VN 09, và VN11 - chưa kể lần đầu tiên chúng ta tổ chức vào năm 1996), bảo trợ cho 3 cuộc thi ảnh của Câu lạc bộ Gia định – thành phố Hồ Chí Minh. Số tác giả, tác phẩm tham dự triển lãm ngày một nhiều hơn, chất lượng các tác phẩm cao hơn. Hiện nay Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam đang xúc tiến cuộc thi và triển lãm quốc tế tại Việt Nam lần thứ 7 (VN13). Hội và các hội viên Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam đã gửi hàng vạn tác phẩm tham gia dự thi và triển lãm ảnh quốc tế, trên cơ sở đó để giới thiệu đất nước, con người Việt Nam với bạn bè cuộc tế. Tại các cuộc thi này các nhà nhiếp ảnh Việt Nam đã thu về hàng trăm Huy chương Vàng, Bạc Đồng và giải thưởng các loại. Riêng tập thể Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam đã đoạt 1 cúp Vàng thế giới, nhiều Huy chương Vàng, Bạc, Đồng của FIAP. Một bài học kinh nghiệm mà Đại hội VI Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam đã rút ra đó là đẩy mạnh giao lưu quốc tế để phát triển nghệ thuật nhiếp ảnh nước nhà.

Như vậy, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, Chỉ thị  23/NQ-TW của Bộ chính trị,  Nhiếp ảnh Việt Nam đã từng bước khẳng định mình, đã thực sự là một loại hình nghệ thuật không thể thiếu được trong đời sống kinh tế, văn hóa xã hội. Nhiếp ảnh đã góp phần làm giàu thêm đời sống Văn học Nghệ thuật của đất nước, vào việc giao lưu và hội nhập quốc tế. Góp phần tích cực xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

Với đặc điểm là một bộ môn nghệ thuật, nhiếp ảnh gần gũi và đến với công chúng nhanh nhất, là ngôn ngữ chung nhất của nhân loại. Sinh ra từ kỹ thuật nên Nhiếp ảnh cũng bị điều tiết và chi phối bởi sự phát triển của khoa học công nghệ. Từ khi ra đời đến nay, đặc biệt sau khi có Nghị quyết Trung ương 5 – khóa VIII các tác phẩm ảnh Việt Nam luôn giữ được yếu tố chân - thiện - mỹ, phản ánh chân thực đời sống xã hội, làm tốt chức năng phản ánh và định hướng của mình. Những năm gần đây khoa học công nghệ thế giới và trong nước phát triển một cách mạnh mẽ đặc biệt là công nghệ ảnh, việc sử dụng  kỹ thuật số vào nhiếp ảnh, cụ thể là trong sáng tác và sản xuất ảnh rất thuận lợi, giải phóng nhiều công sức của các nhà nhiếp ảnh, nhưng chính từ cái yếu tố thuận lợi đó mà một số nhà nhiếp ảnh đã lạm dụng một cách quá đáng, làm mất đi tính chân thực, gây hoài nghi cho tác giả và thực chất là làm mất đi bản sắc của nhiếp ảnh.

Cùng với sự phát triển của công nghệ ảnh, việc vi phạm bản quyền ngày một nhiều, nhất là những năm gấn đây càng ngày càng rộ lên, tuy ở hình thức và mức độ khác nhau nhưng đây là một vấn đề cần lưu tâm.

Nhìn lại bộ ảnh đồ sộ về cách mạng Việt Nam, chắc những người làm công tác văn hóa, công tác tuyên truyền nhất là những người cầm máy không khỏi tự hào về sự đóng góp của mình. Đành rằng nhiếp ảnh gắn liền với sự kiện, trong cái đồ sộ đó thì những tác phẩm về hai cuộc kháng chiến đã thực sự nổi bật, đi vào lòng công chúng trong nước và quốc tế, nhưng từ sau ngày thống nhất đất nước đến nay, chúng ta chưa có những tác phẩm mang tầm thời đại, mà các tác phẩm nhiếp ảnh hiện nay theo như đánh giá của giới phê bình thì đều ở mức “đèm đẹp” mà thôi. Một điều rất dễ thấy và chứng minh cho nhận định đó là cho đến hôm nay các tác phẩm ảnh ra đời sau năm 1975 chưa một tác phẩm nào được xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước.

Những năm gần đây Đảng và Nhà nước đã quân tâm đến đội ngũ văn nghệ sĩ trong đó có các nhà nhiếp ảnh, nhưng chúng tôi nghĩ rằng, cần có những chính sách cụ thể hơn về mọi mặt nhằm đẩy mạnh phát triển nhân lực, phát triển đội ngũ nhiếp ảnh, có con người tốt thì mới có tác phẩm tốt.

Với nhiếp ảnh Việt Nam việc định hướng sáng tác lâu nay còn hạn chế, công tác lý luận phê bình còn mờ nhạt, chưa thực sự là “cái roi quất vào sáng tác”.

Phải nói rằng, thời điểm Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII ra đời, lúc đó chúng ta chỉ mới bước những bước đi chập chững trong nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường, sau 15 vận hành cơ chế đã bộc lộ rõ cả những nét tích cực và tiêu tiêu cực, công nghệ thông thông của loài người đã tiến những bước dài vượt bậc, đưa thế giới thành một “thế giới phẳng”. Tuy còn có những bất cập nhất định, nhưng Nhiếp ảnh Việt Nam đã bám Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, thực hiện và đạt được những thành tựu không thể phủ nhận. Nhưng, thực tiễn đã có nhiều thay đổi đặt ra những vấn đề lý luận mang tính định hướng định hướng của toàn xã hội đòi hỏi Nhiếp ảnh Việt Nam cũng phải đổi mới để kịp với sự phát triển đó.

Sau 15 năm thực hiện, thực tiễn đã chứng minh sức sống của Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII và cũng qua 15 năm đó khẳng định sự vận dụng sáng tạo Nghị quyết vào nghề nghiệp của giới Nhiếp ảnh cả nước. Chúng ta tin tưởng rằng, tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, Chỉ thị 23 của Bộ Chính trị, chắc chắn Nhiếp ảnh Việt Nam sẽ có những bước tiến dài hơn nữa trên con đường xây dựng một nền Nhiếp ảnh Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Nhiếp ảnh & Đời sống
Nhiếp ảnh Việt Nam: 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO