Ngay trong những ngày đầu năm 2019, chia lửa về bầu nhiệt huyết của mình NSNA Hoàng An, anh khai đầu câu chuyện bằng nụ cười vương vấn rạng ngời của người nghệ sỹ. Hoàng An khá duyên với các giải thưởng. Đó còn là bầu nhiệt huyết đưa anh đến với nhiếp ảnh với sự bình dị của sự đam mê.
NSNA Hoàng An - Sinh năm 1971, quê Quảng Bình, hiện tại công tác tại Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống (Hà Nội)
Có tư duy tất nhiên sẽ sáng tác tốt
Gần 20 năm theo đuổi nhiếp ảnh nghệ thuật, NSNA Hoàng An đã nếm đủ những niềm vui, nỗi buồn, những tháng ngày thăng trầm với nghề. Thế nhưng, anh vẫn không chùng bước mà còn thắp lên ngọn lửa, tình yêu và niềm đam mê với nhiếp ảnh. Như một món ăn không thể thiếu hằng ngày, bởi trên tay chiếc máy ảnh và cùng trăn trở, sáng tạo trên từng khuôn hình, tình yêu ấy càng nhân lên gấp bội. “Nhiều người cứ nghĩ nghệ thuật quá cao xa, nhưng không phải vậy, mà nó chỉ là mọi cảnh vật và cuộc sống diễn ra xung quanh cuộc sống mà thôi. Cái quan trọng là nếu người nghệ sỹ có khả năng thì tác phẩm của họ càng phong phú, nhìn thấy cái hay, cái đẹp mà người thường không nhìn ra. Khoảnh khắc ấy cũng chính lúc họ ghi nhận lại bằng cú bấm máy 1/1000s, để tác phẩm của họ thuyết phục được người xem, người cảm nhận về vẻ đẹp thẩm mỹ của tác phẩm đó”, NSNA Hoàng An chia sẻ.
Cũng như một bài văn hay một tác phẩm của các loại hình nghệ thuật khác, một tác phẩm nhiếp ảnh cũng ẩn chứa đằng sau đó là một nội dung sâu sắc, có khả năng tác động tích cực đến người thưởng lãm. Vậy nên, nhiếp ảnh có câu “một hình ảnh hơn ngàn câu chữ” là vậy, NSNA Hoàng An cho biết thêm. Trong rất nhiều tác phẩm đoạt giải cao của NSNA Hoàng An, tác phẩm “Tung cánh” được coi như một đứa con tinh thần và là bước đột phá trong tư duy sáng tạo nghệ thuật của người nghệ sỹ. Tác phẩm đã đoạt giải A giải thưởng VHNT Lưu Trọng Lư – giải thưởng danh giá của tỉnh Quảng Bình được tổ chức 5 năm/lần. Giải thưởng này, nhằm vinh danh những đóng góp hết mình của các văn nghệ sỹ tỉnh nhà trên con đường sáng tạo nghệ thuật. Điều đáng nói là sự nỗ lực, tính sáng tạo của người nghệ sỹ ấy đã được đền đáp xứng đáng khi “Tung cánh” đạt số điểm tuyệt đối đầy thuyết phục từ vòng sơ khảo đến chung khảo.
Nói về đứa con tinh thần “Tung Cánh” Hoàng An như cuốn hút vào một câu chuyện, anh nói không thực hiện đâu xa xôi mà được chụp ngay tại bể bơi Quảng Bình trong một giải bơi trẻ toàn quốc, diễn ra tháng 6 năm 2012. Tác phẩm này đã đạt được nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế. “Tung cánh” được đánh giá vừa có ánh sáng tự nhiên và bố cục tốt, vừa ghi lại được khoảnh khắc, cùng nội dung sâu sắc. “Với tư thế một vận động viên khỏe mạnh vẫy vùng tung cánh bay lên, ý tưởng của tôi là muốn mượn hình tượng ấy để nói đến sự phát triển đi lên của Tổ quốc, của dân tộc. Theo tôi, ghi lại được khoảnh khắc, bố cục thôi chưa đủ, mà muốn tác phẩm tốt thì nghệ sỹ cũng cần phải tư duy nhiều lắm. Có tư duy hẳn sẽ có tác phẩm tốt”, Hoàng An giải bày.
Nghệ thuật và mưu sinh
Hoàng An đã tham gia nhiều buổi đi thực tế sáng tác cùng các NSNA Quảng Bình, tôi hiểu (Pv), để có được những tác phẩm nghệ thuật ghi dấu ấn đậm nét tại các cuộc thi trong nước và quốc tế, những người nghệ sỹ ấy phải lao động không ngừng. “Cơm áo không đùa với khách thơ”, nếu đa phần những nghệ sỹ trong các địa hạt nghệ thuật khác phải chật vật với con đường mưu sinh để có thể vững vàng trên hành trình sáng tạo nghệ thuật thì Hoàng An lại khác. Anh đến với nhiếp ảnh nghệ thuật vừa để thỏa mãn đam mê nhưng cũng đồng thời như một “cần câu cơm”. Phần lớn các tác phẩm của anh được đăng trên các báo, tạp chí, tại các phòng truyền thống, được đặt mua.
Mỗi năm, Hoàng An đạt kha khá các giải thưởng sáng tác ảnh lớn, nhỏ trong nước và khu vực. Những sân chơi ấy mang đến cho anh danh tiếng, vừa là nguồn thu giúp anh trang trải cho cuộc hành trình sáng tạo không ngừng nghỉ của mình. Hoàng An không giấu diếm khi anh bảo, mỗi năm, anh có được hàng chục triệu đồng từ tiền giải thưởng. “Phần lớn lại dùng khoản ấy cho việc mua sắm máy móc, hoặc các chuyến đi sáng tác chứ cũng không dành dụm được gì”, Hoàng An cười rạng rỡ.
Ấn tượng trong buổi đầu năm 2019 gặp gỡ, Hoàng An đã toát lên là một con người đầy năng lượng, nhiệt huyết. Với những người như thế, một khi vác ba lô đi sáng tác là giây phút ấy anh gác lại sau lưng những riêng tư, những tủn mủn áo cơm đời thường. Điều duy nhất khiến anh trăn trở là đi đâu, tác phẩm gì và tác phẩm ấy sẽ có tác dụng gì cho xã hội? “Tôi trăn trở, từng suy nghĩ và không ít lần “bầm dập” khi thể hiện tác phẩm, có nhiều lúc đi hơn 100 km nhưng phải đi năm, sáu lần để chụp được một tác phẩm ưng ý. Và cũng có đôi lúc phải bỏ cuộc vì không có một đề tài nào khiến tôi cảm thấy hài lòng”, Hoàng An khiêm tốn chia sẻ. Vậy nhưng, hầu hết các cuộc đi của Hoàng An đều giúp anh gặt hái những giải thưởng và trên tất cả, mỗi cuộc trải nghiệm là một lần anh đắp bồi thêm niềm đam mê dành cho nhiếp ảnh của mình.
Nhiều người nói, ảnh của Hoàng An không phải là ảnh nghệ thuật mà là ảnh báo chí, hay ảnh tư liệu khi không màu mè, hoa lá mà phản ánh rất chân thực hiện thực cuộc sống. Ảnh của anh cũng giống như chính con người của anh vậy: chân chất, mộc mạc nhưng ẩn sâu trong đó là một chiều sâu nội tâm nhiều màu sắc. Trên mỗi cuộc hành trình sáng tạo nghệ thuật, Hoàng An luôn tự nhắc nhở mình rằng nhiếp ảnh phải bám sát cuộc sống và các vấn đề xã hội quan tâm, biết đào sâu vào khía cạnh bên trong cuộc sống, có vậy mới mong muốn góp phần làm thay đổi nhận thức của con người. “Nhiếp ảnh bây giờ không phải chụp cái bên ngoài, cái đèm đẹp, đường nét và ánh sáng. Nhiếp ảnh phải luôn luôn làm mới, mới trong cách thể hiện cũng như trong từng tác phẩm, chứ nếu giống nhau na nathì đâu còn gọi là sáng tác. Và tôi cũng đang trải nghiệm một thể loại mới đó là ảnh bộ và phóng sự ảnh”, Hoàng An bộc bạch.
Bén duyên với nhiếp ảnh nghệ thuật vẫn còn thênh thang phía trước. Hoàng An bộc bạch thêm “khi anh còn sức thì vẫn còn đó niềm đam mê và lửa nghề nhằm cống hiến trên hành trình sáng tạo của mình”.
Chia tay Hoàng An, Pv miên man suy nghĩ về những chia sẽ như một món quà đầu năm của NSNA Hoàng An đối với những Pv trẻ đang bắt đầu “khởi nghiệp” với nghề Nhiếp ảnh nhằm phân biệt rõ giữa thích và đam mê với nhiếp ảnh. Nếu chỉ “thích” chụp ảnh, chắc chắn sẽ có đủ động lực để đi theo con đường nhiếp ảnh lâu dài. Nếu pv trẻ chúng tôi đam mê chụp ảnh. Chắc chắn một ngày không xa, chúng tôi sẽ có đủ thời gian và cơ hội để hội tụ kiến thức và kỹ năng để trở thành một cao thủ nhiếp ảnh.