Xem mọi lúc mọi nơi
Video ngắn có thể hiểu là dạng video có thời lượng ngắn, trung bình từ 60 giây đến 2 phút 20 giây. Chúng xuất hiện trên nhiều nền tảng như Tiktok, Instagram... Ở mạng xã hội Facebook, loại hình này có tên là Reels, còn trên YouTube là Shorts. Các video này có nội dung đa dạng trên tất cả các lĩnh vực như phim ảnh, âm nhạc, làm đẹp, thời trang, ẩm thực…
Thừa nhận bản thân bị "nghiện nặng" các video này, Ngọc Thảo (20 tuổi) - sinh viên tại Hà Nội cho biết, mỗi ngày, thời lượng sử dụng điện thoại của mình lên đến 18 tiếng.
Nữ sinh cứ ngỡ xem những video vài giây sẽ không mất nhiều thời gian nhưng thực chất càng lướt càng cuốn hút và không thể dừng lại ở 2 – 3 video.
Nội dung Thảo yêu thích nhất là review phim (tóm tắt phim) - thay vì phải xem nguyên bộ thì Thảo chỉ cần xem vài phút, thậm chí chỉ nghe không cần nhìn hình cũng hiểu nội dung. Nữ sinh xem hết bộ này tới bộ khác, có những phim được tóm tắt theo phần, nhiều hôm Thảo mất nguyên một đêm tìm hết các phần của phim đó để xem.
Biết rằng thức khuya và sử dụng điện thoại gây hại rất nhiều cho cơ thể nhưng đã trở thành thói quen thì khó bỏ. Nhiều lần Thảo xoá Tiktok và Facebook để không xem, nhưng chỉ được vài tiếng phải tải lại bởi "cơn nghiện" không dễ dứt bỏ.
Mai Tuấn An (25 tuổi) - nhân viên văn phòng tại Hà Nội cũng gặp tình trạng tương tự. Sau những giờ làm việc mệt mỏi, Tuấn An lựa chọn mạng xã hội để giải trí. Đi ăn, đi tắm, trước lúc đi ngủ… bạn trẻ cũng mở điện thoại ở chế độ tự động phát video để xem.
“Có những đêm mất ngủ không thể ngủ nổi, cầm điện thoại lên xem video ngắn để mắt mỏi cho dễ ngủ nhưng càng xem lại càng tỉnh. Tôi lướt video trên mọi nền tảng, khi xem chán Tiktok tôi lại chuyển sang Facebook xem.
Cứ như vậy thành thói quen, nhiều hôm nguyên đêm không ngủ chỉ để xem video ngắn. Cơ thể mệt mỏi, tinh thần uể oải không muốn làm việc ngày hôm sau. Tôi tìm cách "cai nghiện" nhưng bất thành” – Tuấn An kể.
Hãy quản lý thời gian và tăng cường hoạt động thay thế
Theo chuyên gia tâm lý Lê Khanh – Giám đốc chuyên môn Trung tâm tâm lý giáo dục trẻ đặc biệt Diệp Quang (An Giang), nguyên nhân khiến giới trẻ nghiện các video ngắn bởi loại hình này đáp ứng được xu thế tâm lý hiện nay.
Tâm lý của con người mong muốn tiếp nhận thông tin ngắn gọn cụ thể, có biểu cảm, đa tương tác nghe, nhìn, trò chuyện… Người xem bị cuốn vào các video. Có thể ban đầu chỉ xem một chút vì tò mò, vui, nhưng càng xem càng tốn nhiều thời gian.
Chuyên gia tâm lý cho rằng, đây là nhu cầu giải trí, người dùng chỉ cần điều chỉnh mức độ sử dụng chứ không nhất thiết phải bỏ hẳn. Thói quen là điều quan trọng, vì vậy hãy tự tạo cho mình thói quen tốt, phân bổ thời gian trong ngày, ăn, ngủ, làm việc, học tập, giải trí…
Khi sử dụng mạng xã hội, thay vì xem video ngắn, người dùng có thể tham gia vào các mục đích khác như đọc báo, chat với bạn bè, gọi điện, trò chuyện với người thân…
Liều thuốc “cai nghiện” video ngắn hữu hiệu nhất là tự bản thân điều chỉnh giảm thời lượng xem chỉ còn 15 – 20 phút/ngày, không bị phụ thuộc và không coi đó là công cụ giải trí hàng đầu.
Bên cạnh đó, tăng cường các hoạt động thay thế mang tính chất tích cực như đọc sách, nghe nhạc, chơi thể thao, gặp gỡ bạn bè, tham gia các dự án cộng đồng, câu lạc bộ, du lịch trải nghiệm…
Những tương tác ngoài cuộc sống sẽ tạo cảm hứng làm việc, gặp gỡ, giao lưu, từ đó giảm thiểu thời gian sử dụng mạng xã hội, đặc biệt là xem video ngắn.