Để chuẩn bị cho ngày Tết truyền thống, các khu chợ của người Việt ở nước ngoài luôn sôi động với việc trưng bày và bán đầy đủ các vật phẩm phục vụ cho ngày Tết. Chất lượng và đa dạng về mẫu mã ở đây không kém phần hấp dẫn so với các khu chợ Tết trong nước.
Chị Thảo Nguyên – chuyên kinh doanh trầm hương, hiện đang định cư tại California - Mỹ và sống cùng chồng là người Mỹ da trắng, cho biết: “Mỗi năm gia đình mình đều đón Tết ở Mỹ, hiếm khi có dịp về Việt Nam. Mặc dù vậy, mình luôn nhớ quê hương là nơi mà mình sinh ra, từ nhỏ đến lớn đón biết bao nhiêu là cái Tết quê nhà. Sau này đi định cư nước ngoài, chồng Tây lại khác nhau về văn hoá với mình nên chuẩn bị Tết không quá cầu kỳ, vừa đủ để nhớ đến quê hương, giản dị, êm đềm cho ngày đầu năm, mong một năm mới an lành”.
Chị chia sẻ thêm, chợ Phúc Lộc Thọ ở California không thiếu một thứ gì, vì vậy Việt kiều có thể mua bánh Chưng, bánh Tét, kẹo, mứt, nhang đèn để cúng và đồ vật trang trí Tết trong nhà, nếu ai không về được Việt Nam ăn Tết thì cũng đỡ nhớ nhà. Chị Thảo Nguyên vẫn mặc áo dài đầu năm đi Chùa, mỗi năm đều như vậy, rồi bày biện cho nhà cửa ngập tràn không khí một cái Tết Nguyên Đán ấm cúng.
Gia đình có đông thành viên hơn thì hẳn là các hoạt động đón Tết sẽ có phần náo nhiệt hơn, giống như gia đình chị Châu Pha – hiện đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài, công việc của chị là Quản lý cho một nhà hàng tại Melbourne, Úc.
Qua trao đổi, chị Pha tâm sự: “Có những năm Tết đến gia đình mình không thể về ăn Tết với gia đình ở Việt Nam được, lúc vì chi phí khá lớn cho 1 chuyến về quê cả 3 người, lúc vì con cái còn nhỏ mỗi lần đi xa gặp nhiều khó khăn. Nên năm nào nếu không về được mình cũng đi ra chợ người Việt ở đây có bán khá đầy đủ, các thứ cơ bản như bánh chưng bánh tét, nem, chả, củ kiệu, trái cây, bông cúng, v.v..
"Được cái 2 vợ chồng mình đều là người cùng quê, chỉ có em bé là sinh ra bên này, nên từ việc ăn uống, sinh hoạt hay lễ tết cũng khá dễ dàng, mình dạy cho em bé từ nhỏ phải nói được tiếng mẹ đẻ, lễ nghi trong gia đình từ thời ông bà vẫn phải giữ nguyên vẹn, không để con mình sau này mất đi cội nguồn được”, chị Pha nói.
Nên ngoài mâm cỗ Tết đủ đầy các món ăn bản sắc quen thuộc như bánh tét, củ kiệu, nem, chả, dưa hành,.. thì trẻ em và các chị gái đều mặc áo dài để chụp ảnh cùng nhau. Quan trọng hơn, các bé được dạy phải chúc tết cha mẹ, những người lớn hơn bằng tiếng Việt những câu chúc phúc lành như: Vạn sự như ý, phát lộc phát tài, sống lâu trăm tuổi,.. sau đó các bé mới được nhận tiền mừng tuổi và cha mẹ sẽ chúc lại các bé khoẻ mạnh, may mắn, ăn ngoan chóng lớn,.. Rồi cả nhà ăn cơm cùng nhau và đi Chùa, các em bé được dạy thắp nhang, lạy Phật, cầu nguyện bình an cả năm cho gia đình.
Có thể nói là cách truyền đạt và dạy dỗ cho trẻ em hiểu biết về Tết truyền thống trong gia đình chị Châu Pha thật khiến cho mọi người phải cần học hỏi, vì để duy trì một “thói quen” dân tộc không phải là điều dễ dàng, nhất là trong hoàn cảnh sinh sống nơi xứ người, trải qua nhiều thế hệ gây nhiều biến đổi, việc trẻ em sau này sinh ra và lớn lên ở nước ngoài đa phần mất đi rất nhiều bản sắc văn hoá, trong đó bao gồm có ngôn ngữ “mẹ đẻ”, phong tục tạp quán, các ngày lễ truyền thống là rất nhiều.
Ngày Tết Nguyên Đán, đối với những cộng đồng người Việt ở nước ngoài có thêm phần ý nghĩa cao cả và khó khăn hơn, đó là trách nhiệm lưu truyền bản sắc văn hoá cho các thế hệ sau, gìn giữ đặc tính dân tộc của mình trong một xã hội có nhiều nền văn hoá khác biệt, dân tộc khác biệt. Mong rằng cứ mỗi vào dịp Xuân về, thì mỗi gia đình người Việt Nam của chúng ta vẫn sẽ luôn cùng hoà chung một bầu không khí Tết truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc và đầm ấm giống như bây giờ, cho dù là ở nơi đâu, cho dù là bao nhiêu thời kỳ đã thay đổi.